Ngành nghề nào hấp dẫn?
Ngành nghề nào “hot” là câu hỏi lớn của học sinh và phụ huynh trong mùa tuyển sinh 2020. Nhiều bạn từng sai lầm khi chọn ngành theo tâm lý phong trào.
Ông Trần Minh Đức, từng 10 năm làm công tác tuyển sinh ở Đại học Quốc gia TP HCM, hiện kinh doanh tự do, chia sẻ với thí sinh kinh nghiệm chọn ngành nghề khi đăng ký xét tuyển đại học năm 2020.
Sai lầm trong xác định
Học sinh hiện có nhiều tiêu chí xác định ngành nghề hấp dẫn. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ còn chưa xác định đúng đắn. Có thể liệt kê ra một số sai lầm như sau:
Thứ nhất, nhiều bạn cho rằng ngành nghề nào thu nhập cao, nhu cầu thị trường lao động cao là hấp dẫn. Thực tế, ngành nghề thu nhập, nhu cầu cao chưa hẳn bạn trúng tuyển hoặc vào được nhưng lại không có khả năng học, đành “đứt gánh giữa đường”. Học được nhưng chưa chắc khi ra trường làm được vì có thể bản thân không đam mê, không phù hợp hoặc lúc ra trường ngành nghề này không còn nhu cầu nữa. Theo dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới, khoảng 49% công việc hiện nay biến mất trong 20 năm tới.
Thứ hai, một số bạn xác định ngành nghề hấp dẫn phải là thời thượng, nghe phải “hoành tráng”, “giá trị” bản thân sẽ tăng lên khi nhắc tới. Những năm qua có thể thấy nhiều ngành nghề có tên “công nghệ”, “quản trị”, “quốc tế” thường được rất nhiều học sinh đăng ký mà không cần biết bản thân có phù hợp không và không cần hiểu nội dung, đặc điểm, yêu cầu của ngành nghề.
Thứ ba, “trúng tuyển dễ, học nhẹ nhàng” là tiêu chí nổi lên trong nhiều năm gần đây trong lựa chọn ngành nghề của học sinh. Điều này thể hiện ở số lượng thí sinh đăng ký vào khối ngành kinh tế luôn chiếm tỷ trọng áp đảo. Ví dụ chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học năm 2019 có 126.470 nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.950.
Khối ngành kinh tế được rất nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo vì dễ tuyển sinh, chi phí đào tạo thấp, lợi nhuận cao. Việc số lượng thí sinh đăng ký quá nhiều vào lĩnh vực kinh tế thể hiện hội chứng lựa chọn theo kiểu phong trào và làm mất cân đối giữa đào tạo và nhu cầu sử dụng. Quy mô và mức độ phát triển của nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam không hấp thụ được hết số nhân lực quá lớn như vậy. Hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội sẽ thấp và ảnh hưởng đến phát triển của quốc gia. Người học sẽ chịu nhiều tổn thất lớn về công sức, thời gian, tiền bạc, cơ hội nghề nghiệp nếu chạy theo tâm lý phong trào.
Ảnh: Shutterstock.
Video đang HOT
Thế nào là ngành nghề hấp dẫn?
Theo tôi, một ngành nghề hấp dẫn phải hội đủ nhiều yếu tố. Đầu tiên, ngành nghề đó phải phù hợp với bạn về sở thích và khả năng nghề nghiệp, tính cách, năng lực học tập, điều kiện kinh tế, sức khỏe.
Thứ hai, ngành nghề đó tạo cho bạn nhiều cơ hội nghề nghiệp và khả năng phát triển. Một ngành nghề có “biên độ ứng dụng nghề nghiệp” rộng rãi sẽ có nhiều cơ hội hơn. Học một ngành có thể làm được nhiều nghề và dùng kiến thức nhiều ngành để làm một nghề đang và sẽ là xu thế của thị trường lao động. Điều này là rất quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và trong nền kinh tế đang chuyển đổi như Việt Nam.
Thứ ba, thị trường lao động có nhu cầu trong hiện tại và tương lai sau khi bạn ra trường.
Thứ tư, chọn được những cơ sở đào tạo (trong và ngoài nước) uy tín, chất lượng. Điều này để đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ hội và khả năng phát triển nghề nghiệp sau khi ra trường.
Những ngành nghề nào sẽ hấp dẫn?
Thế giới không còn như xưa, đó là điều chắc chắn sau tác động của Covid-19. Cùng với tác động đại dịch, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang và sẽ tạo ra những biến đổi sâu sắc trong hoạt động kinh tế cũng như trong đời sống xã hội, nhất là cơ cấu ngành nghề và việc làm. Trong bối cảnh này, dự báo các nhóm ngành nghề tại Việt Nam sẽ có xu hướng phát triển mạnh như sau:
Một là nhóm ngành khoa học sức khỏe, sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và sản xuất thực phẩm tăng cường sức khỏe. Kinh tế – xã hội càng phát triển thì yêu cầu và nhu cầu đối với các ngành này càng cao, nhất là đại dịch cho thấy mức độ ảnh hưởng, tầm quan trọng của nó đối sự phát triển của quốc gia.
Hai là nhóm ngành công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành thương mại điện tử, kinh doanh online. Trong thời kỳ bùng nổ của cách mạng 4.0, bất kỳ tổ chức nào cũng đều có website, Facebook, mạng nội bộ và các kênh truyền thông trên mạng khác để kinh doanh, tương tác với khách hàng. Trong tiến trình này, vấn đề bảo mật và đảm bảo an toàn thông tin các tổ chức đều cần đến. Sau Covid-19, nhu cầu mua hàng trực tuyến, học online, làm việc online sẽ tăng lên… Vì thế nhóm các ngành Công nghệ thông tin, viễn thông và các ngành thương mại điện tử sẽ có cơ hội phát triển nhiều và mạnh hơn.
Ba là nhóm ngành phát triển Internet di động, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu lớn. Ngày nay, Internet di động được áp dụng trong hầu hết lĩnh vực thương mại. Tốc độ nhanh và sự tiện lợi của nó đã giúp con người tăng năng suất công việc. Những nghề nghiệp như chuyên gia phân tích dữ liệu hay nhà phát triển ứng dụng hiện tại không còn là độc quyền của ngành công nghệ thông tin và truyền thông mà đã trải rộng khắp các lĩnh vực khác như tài chính và đầu tư, truyền thông tin tức và giải trí. Nhu cầu nhân lực có kỹ năng phân tích dữ liệu lớn đang có tốc độ phát triển rất nhanh.
Bốn là nhóm ngành nông nghiệp gắn với công nghệ cao, sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp. Nhu cầu về lương thực, thực phẩm thời gian tới vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên. Nông nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia và phát triển mạnh mẽ hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong thời gian tới.
Năm là nhóm ngành công nghệ kỹ thuật như: cơ khí, cơ khí chế tạo, điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo… Covid- 9 đã cho mọi quốc gia thấy tầm quan trọng của công nghệ nội địa cho nền an ninh quốc gia nên dự báo sẽ có sự thay đổi lớn trong chiến lược, chính sách sản xuất nội địa. Đồng thời, giai đoạn hậu Covid-19 sẽ có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu theo hướng có lợi cho Việt Nam. Các ngành trên sẽ có nhiều cơ hội phát triển từ sự thay đổi đó.
Sáu là nhóm ngành công nghệ sinh học. Ngành công nghệ sinh học cũng đang dần được định hình lại và phát triển đột phá. Sự tích hợp kỹ thuật số – vật lý – sinh học sẽ khiến ngành Công nghệ sinh học có sức mạnh to lớn trong sản xuất thực phẩm, chữa bệnh, y tế…
Bảy là nhóm ngành Dịch vụ Tài chính và Đầu tư. Cùng với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và máy học (Machine learning), ngành này sẽ có sự chuyển dịch rõ rệt, với cơ hội việc làm to lớn cho những vị trí cần xử lý máy tính và cấu trúc dữ liệu, bảo mật thông tin, phân tích dữ liệu và mạng máy tính.
Ngành nghề gắn với cách mạng công nghiệp 4.0 lên ngôi
Thay vì lựa chọn các ngành nghề truyền thống, mùa tuyển sinh năm nay, học sinh đang có xu hướng theo các ngành mới, hoặc nhóm ngành phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0).
Năm 2020, học sinh có 15 ngày để đăng ký dự thi và nguyện vọng xét tuyển đại học. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn
Chọn ngành theo sở trường, năng lực
"Học ngành nào để không thất nghiệp?", "vì sao tốt nghiệp trường hot mà vẫn không có việc làm"... là những băn khoăn học sinh đặt ra tại sự kiện Ngày hội tư vấn tuyển sinh-hướng nghiệp 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) phối hợp với các cơ quan tổ chức ngày 21.6 tại 3 miền Bắc, Trung, Nam. Băn khoăn là bởi, theo quy định của Bộ GDĐT, từ 15-30.6 học sinh lớp 12 trên cả nước làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển vào đại học. Đây được xem là thời gian quan trọng. Chọn đúng trường, đúng ngành nghề không chỉ quyết định đỗ-trượt, mà còn là tương lai của thí sinh.
Học sinh Hoàng Thị Mai (Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết đến hiện tại em vẫn đang đắn đo chưa biết chọn ngành nào. Mai thích học báo chí - truyền thông, nhưng lại lo lắng về cơ hội việc làm sau này. Còn học sinh Nguyễn Hải Đăng (Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội) thích học sư phạm Toán, nhưng người thân và bạn bè lại khuyên nên chọn các ngành liên quan đến công nghệ thông tin để dễ tìm việc làm hơn.
Trước những băn khoăn của thí sinh, GS-TS Nguyễn Tiến Thảo - Phó Trưởng ban Đào tạo, Đại học quốc gia Hà Nội - cho biết, việc học sinh quan tâm đến cơ hội việc làm của các ngành nghề là tín hiệu tốt. Nhưng việc dự báo ngành nghề cần phải căn cứ vào nhiều yếu tố, bởi nó tuân theo quy luật. Ví dụ, ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì có thể 4 năm sau nó sẽ có cơ hội việc làm hơn. Ngành nào đang "hot", nhiều người chạy theo, thì 4 năm sau, khi học sinh ra trường có thể ngành đó sẽ bão hòa.
Còn TS Nguyễn Đào Tùng - Phó Giám đốc Học viện Tài chính, thì khuyên thí sinh nên mạnh dạn, mạo hiểm đăng ký những ngành nghề mới. Kinh tế học tài chính, Kiểm toán có tích hợp các chứng chỉ nghề nghiệp, Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng... là một số ngành mới xuất hiện nhưng dự báo là có tương lai.
Ông Đào Trọng Độ - Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) thì cho rằng, hiện nay nhu cầu về nhân lực dịch vụ khách sạn ở Việt Nam đang rất lớn. Chính phủ muốn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực. Trong khi khối quản trị nhà hàng, khách sạn đang rất thiếu nhân lực bậc trung và bậc cao. Vì thế, nếu học sinh đăng ký học những ngành này sẽ không lo thiếu việc làm.
Ngành nghề gắn với cách mạng 4.0 lên ngôi
Trong mùa tuyển sinh năm nay, nhóm ngành nghề liên quan đến công nghệ thông tin vẫn nhận được sự quan tâm của nhiều thí sinh. Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo (Trường Đại học Ngoại thương), hiện nhiều nơi đi theo xu hướng tiếp cận liên ngành để giải quyết các vấn đề thuộc lĩnh vực khác nhau bằng công nghệ. Cụ thể ở lĩnh vực kinh tế đang phải ứng dụng công nghệ vào giải quyết các vấn đề ở tầm vĩ mô. Vì vậy, công nghệ thông tin được xem là ngành "không bao giờ lỗi mốt".
Để cung cấp thêm bức tranh về ngành công nghệ thông tin cho thí sinh, Thạc sĩ Phùng Quán (Trường ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM), dẫn chứng số liệu: Hiện nhu cầu nhân lực của ngành công nghệ thông tin là khoảng 400.000 người mỗi năm, trong khi các trường chỉ có thể cung cấp được khoảng 320.000 người. Đó là chưa kể nhiều bạn tốt nghiệp ra nước ngoài làm việc.
Dù nguồn nhân lực thiếu nhưng theo các chuyên gia, không phải ai tốt nghiệp ngành này cũng có việc làm. Bởi hiện nay chất lượng đào tạo còn khác nhau giữa các trường cùng đào tạo ngành này, nên dù nguồn cung nguồn thiếu hụt nhưng đòi hỏi sinh viên phải có chuyên môn và kỹ năng tốt.
Ngoài ra, nếu học sinh chọn ngành công nghệ thông tin thì sẽ phải cập nhật liên tục kiến thức, bởi ngành này đòi hỏi người làm việc phải liên tục tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh. Chính vì thế, các chuyên gia đưa ra lời khuyên với thí sinh, ngoài đam mê, sở thích, các em cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh các ngành gắn liền với cuộc cách mạng 4.0, các ngành về dịch vụ, du lịch có cơ hội việc làm cao, thì các ngành chăm sóc sức khỏe, báo chí - truyền thông, tâm lý học... dự báo vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Bởi khi xã hội càng phát triển thì nhu cầu chăm sóc tinh thần, sức khỏe, nhu cầu truyền thông càng cao và chiếm vị thế quan trọng.
Tránh sai sót khi đăng ký hồ sơ dự thi
Từ ngày 15-30.6, học sinh lớp 12 sẽ làm hồ sơ thi tốt nghiệp THPT và đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh (Bộ GDĐT) lưu ý, trong quá trình làm hồ sơ, thí sinh cần tránh những lỗi sai như mã trường, mã ngành, tổ hợp xét tuyển, tên không viết hoa, sai phần đăng ký tổ hợp môn thi, khu vực tuyển sinh, đối tượng ưu tiên...
Một điểm mới trong đăng ký hồ sơ dự thi năm nay là thí sinh chỉ được đăng ký 1 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội, không được đăng ký chọn môn thi thành phần của bài thi tổ hợp. Ngoài ra, thí sinh không được đánh dấu X vào từng môn học - vì đây là phần dành cho thí sinh tự do.
Đẩy mạnh giáo dục STEM trong các nhà trường Việc đưa giáo dục STEM vào trường trung học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông. Do đó, giáo dục STEM cần được tiếp tục đẩy mạnh trong các nhà trường. Thông tin từ hội thảo "Giáo dục STEM trong giáo dục trung học" do Bộ GD&ĐT vừa tổ chức....