Ngành ngân hàng đang… thất thu phí dịch vụ
Để chia sẻ khó khăn với các khách hàng bị thiệt hại do COVID-19, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo và đồng ý cho các đơn vị trong hệ thống tiếp tục giảm các loại phí trong giao dịch thanh toán điện tử. Báo cáo tài chính quý II của nhiều nhà băng cho thấy mảng thu từ dịch vụ đang sụt giảm mạnh.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Lâu nay việc thu phí ngân hàng điện tử luôn khiến cho khách ngần ngại khi lập tài khoản ngân hàng cũng như sử dụng dịch vụ thanh toán điện tử của các ngân hàng. Bởi, mỗi khách hàng sử dụng tài khoản giao dịch tại ngân hàng hay thẻ ATM đang phải chịu hàng chục loại phí như: phí phát hành thẻ, phí sao kê, phí chuyển tiền, phí rút tiền, phí dịch vụ tin nhắn tự động… Điều này cũng là trở ngại cho quá trình phát triển thanh toán phi tiền mặt tại Việt Nam thời gian qua.
Thất thu khoảng 1.004 tỷ đồng
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II của ACB lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 18% xuống mức 426 tỷ đồng. Với SeABank lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 10% so với cùng kỳ.
Còn TPBank lãi thuần từ dịch vụ giảm 41% trong quý II. Saigonbank ghi nhận lãi từ hoạt động dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 16 tỷ đồng, giảm 20%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo phân tích ngành ngân hàng với nhận định dịch Covid-19 khiến thu nhập dịch vụ của các ngân hàng trong nửa đầu năm tăng chậm, thậm chí thu hẹp.
Trong đó, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng niêm yết yếu đi đáng kể, khi chỉ đạt 9,9% so với cùng kì (thấp hơn nhiều so với 42,1% trong 6 tháng 2019), với tỷ trọng đóng góp vào tổng thu nhập hoạt động không đổi so với cùng kì, ở mức 10,6%.
Các nguyên nhân chính dự kiến do cầu tín dụng suy yếu trong nửa đầu năm đã có tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối. Cùng với đó, lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy cũng sụt giảm.
Ngoài ra, việc ngân hàng miễn giảm phí dịch vụ theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 gây ra cũng khiến phí thanh toán ròng giảm tốc.
Video đang HOT
Theo đó, NHNN đã 2 lần liên tiếp chỉ đạo các ngân hàng giảm phí dịch vụ thanh toán. ến nay, đã có 100% ngân hàng xác nhận thực hiện chính sách miễn, giảm phí cho khách hàng đối với giao dịch giá trị nhỏ (từ 2 triệu đồng trở xuống) và khoảng 63% giao dịch thanh toán của khách hàng qua giao dịch thanh toán liên ngân hàng 24/7 qua Napas được áp dụng miễn hoặc giảm phí.
Theo NHNN, ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 vào khoảng 1.004 tỷ đồng (trong đó, lần 1 là 517 tỷ đồng và lần 2 là 487 tỷ đồng).
Doanh thu từ phí dịch vụ sẽ tiếp tục tăng
Tuy phí dịch vụ ngân hàng điện tử đã giảm nhiều, nhưng trên thực tế, các loại chi phí mà người dân đang phải bỏ ra để sử dụng dịch vụ này vẫn không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh thu nhập của người dân còn rất thấp so với mặt bằng của các nước phát triển. Điều này dẫn đến khách hàng có cảm giác bị “tận thu”.
Thực tế, hiện nay các ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn, giảm các loại phí dịch vụ thanh toán cho khách hàng chỉ trong khoảng thời gian cố định từ nay đến cuối năm – thời điểm dịch bệnh đang bùng phát ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng.
Vì vậy, sau thời điểm này khách hàng sẽ không còn được hỗ trợ thì dự kiến doanh thu từ phí dịch vụ của các ngân hàng lại tiếp tục tăng và tiếp tục đóng góp tích cực vào tổng lợi nhuận của ngân hàng như những năm trước.
Chẳng hạn, theo số liệu từ FiinGroup, 18 ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm 2019 ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức 29,3%, trong đó đóng góp lớn vào tăng trưởng lợi nhuận còn đến từ việc tăng thu phí dịch vụ.
Trong đó, nhiều cái tên sở hữu mức tăng 3 chữ số như VietBank (220%); LienVietPostBank (159%); VIB (145%); hay NCB (104%)…
Đặc biệt các ngân hàng có vốn Nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank) là nhóm thu nhiều tiền lãi từ phí dịch vụ nhất, đều trên 4.000 tỷ đồng. Tính bình quân, mỗi ngày việc thu phí khoản thanh toán cũng như quản lý tiền mặt mang về cho các nhà băng này trên 11 tỷ đồng tiền lãi.
Đưa ra nhận định về doanh thu từ phí dịch vụ, VDSC cho rằng mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn.
Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đến ngày 31/12/2019 là gần 103 triệu thẻ, trong đó có 91,3 triệu thẻ ghi nợ (88,7%), 6,7 triệu thẻ trả trước (6,5%), và 4,9 triệu thẻ tín dụng (4,7%).
Dẫn đầu về thị phần thẻ vẫn là các ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh phát hành mới, như Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, MSB và TPBank.
Bên cạnh đó, xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo ra xu hướng tăng trưởng giao dịch thanh toán nội địa qua các kênh thẻ, chuyển khoản và nhờ thu cả về số lượng và giá trị giao dịch. Đây sẽ là động lực tăng trưởng cho phí thanh toán và phí thẻ vốn vẫn là hai nguồn đóng góp truyền thống vào phí dịch vụ của các ngân hàng
Tiền gửi không kỳ hạn hồi phục
Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) của 25 ngân hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm.
Thống kê của Người Đồng Hành với 25 ngân hàng, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 4% so với đầu năm, thấp hơn mức khoảng 6% nửa đầu năm trước. Tăng trưởng huy động thấp hơn cùng kỳ một phần do ảnh hưởng của mức tăng thấp của tín dụng trong nửa đầu năm và thanh khoản liên ngân hàng dư thừa.
Tính đến cuối tháng 7, tín dụng chỉ tăng 3,45%, thấp hơn mức 7,13% trong cùng kỳ. Dịch Covid-19 tác động đến nền kinh tế khiến nhu cầu vay của người dân và doanh nghiệp giảm, đồng thời các nhà băng cũng thắt chặt hơn việc giải ngân nhằm hạn chế nợ xấu phát sinh.
Những đơn vị tăng trưởng tiền gửi mạnh nhất gồm HDBank hơn 19% và NamABank 17%. VietBank, VPBank, BacABank, PGBank... dao động quanh 10%. 3 ngân hàng trong nhóm Big4 ghi nhận mức tăng tiền gửi thấp, BIDV chỉ 1,6%, VietinBank 2,3% và Vietcombank 5,7%...
Tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng. Đơn vị: tỷ đồng, %.
Ở chiều ngược lại, 3 nhà băng ghi nhận tiền gửi khách hàng thấp hơn đầu năm. Eximbank giảm gần 11%, MB 5,6%, SCB giảm nhẹ.
Ông Lưu Trung Thái, CEO MB, từng cho biết việc giảm huy động nằm trong kế hoạch của ban lãnh đạo. Ngân hàng không khó khăn trong việc thu hút tiền gửi. Hệ thống ngân hàng dư tiền cũng tác động khiến mặt bằng lãi suất trên thị trường liên tục giảm từ đầu năm với tốc độ nhanh hơn từ tháng 8.
Lãi suất tiền gửi đã giảm 70-90 điểm cơ bản ở kỳ hạn dưới 12 tháng và giảm khoảng 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trên 1 năm so với mức bình quân năm 2019. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng cũng ở vùng thấp nhất lịch sử dao động 0,3-0,39%.
CASA nhiều ngân hàng tăng trở lại trong quý II
Đến cuối tháng 6, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) 25 ngân hàng đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, giảm 2% so với đầu năm. Cuối quý I, CASA giảm 11%. Điều này cho thấy quý II, CASA đã tăng trở lại.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối quý II, riêng tiền gửi thanh toán của cá nhân tại các ngân hàng đạt 532.809 tỷ đồng, tăng 11% so với thời điểm cuối tháng 3 và cao hơn 5% so với đầu năm.
3 ngân hàng nhóm Big4 dẫn đầu hồi phục. Vietcombank là đơn vị tăng trưởng lớn nhất CASA trong quý II, với hơn 16.121 tỷ đồng, tương đương 6,6%. Theo sau, VietinBank tăng hơn 15.406 tỷ đồng, tăng 12%. BIDV cao hơn 14.737 tỷ đồng, tương đương 9%.
CASA tại các ngân hàng cuối quý II. Đơn vị: tỷ đồng, %.
MB, Techcombank, ACB, Sacombank... CASA tăng 6.000-9.000 tỷ đồng, cao hơn 13-16% so với thời điểm cuối quý I. Nhóm dưới gồm Kienlongbank, BacABank, SaigonBank, CASA chỉ tăng 120-200 tỷ đồng. SeABank là ngân hàng duy nhất ghi nhận giảm tiền gửi không kỳ hạn trong quý II hơn 852 tỷ đồng, tương đương giảm 9%.
Cuối quý I, chỉ 3 ngân hàng ghi nhận CASA tăng trưởng là MSB, HDBank và ABBank dao động 1-5%, trong khi hơn 20 nhà băng còn lại đều giảm với mức dao động 5-41%.
Hiện nay, MB và Techcombank là ngân hàng có CASA lớn nhất hệ thống, cùng chiếm 33% tiền gửi khách hàng. Những nhà băng tiếp theo là Vietcombank với 28%, MSB 20%...
Các ngân hàng đều muốn tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn để giảm chi phí vốn. Điều này càng quan trọng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gián tiếp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và lãi suất tiền gửi liên tục giảm.
Tại buổi gặp gỡ chuyên viên phân tích, lãnh đạo VPBank từng chia sẻ ngân hàng sẽ tích cực giảm chi phí vốn bằng cách tăng CASA và giảm lãi suất với tiền gửi khách hàng theo xu hướng của thị trường.
Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện nghiêm chỉ đạo về tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lương thưởng, lợi nhuận để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thực chất với các khoản vay hiện hữu và các khoản cho vay mới trong nửa cuối năm 2020.
Muôn màu "lãi lớn" của ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm Trái với lo lắng của nhiều nhà đầu tư, một số ngân hàng đầu tiên đã hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, đặc biệt quý 2, với những con số lợi nhuận đáng lưu ý. Tuy nhiên, màu sắc lợi nhuận của các ngân hàng cũng "mỗi người một vẻ". Một số ngân hàng đầu tiên đã hé lộ...