Ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” gắn liền với công nghiệp 4.0
PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sau đó đến ngành Công nghệ thông tin.
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2020 Việt Nam cần 1 triệu nhân lực cho ngành Công nghệ thông tin. Tính đến năm 2018, cả nước còn thiếu khoảng 400.000 nhân lực cho lĩnh vực này. Công nghệ thông tin là một lĩnh vực đòi hỏi nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản, vừa vững kiến thức chuyên môn vừa có khả năng ngoại ngữ.
Do đó, ngành Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành hot nhất trong các ngành nghề đào tạo ở các trường ĐH hiện nay bởi tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, các năm tuyển sinh vừa qua, ngành CNTT luôn có điểm chuẩn cao nhất ở các trường đại học.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2018, lượng hồ sơ nộp vào ngành CNTT tăng đột biến, tỉ lệ chọi tới 1/8, nhà trường xét tuyển theo tổ hợp A và A1, tổng trung bình của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển trong 6 kỳ học THPT phải trên 20 điểm.
PGS.TS Trần Văn Tớp – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, ngành CNTT của trường có 3 mã ngành đào tạo gồm: Khoa học máy tính (IT1), Kĩ thuật máy tính (IT2) và Công nghệ thông tin (IT3). Trong đó, ngành CNTT số lượng thí sinh đăng ký đông nhất.
Thầy Tớp cho rằng, nhiều thí sinh chưa hiểu sâu về các ngành học CNTT nên đổ xô vào ngành này. Thực ra, ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” và gắn liền với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, thí sinh dự thi nên tìm hiểu kỹ về ngành học này.
Ngành Khoa học máy tính, Kĩ thuật máy tính mới là “lõi” gắn liền với công nghiệp 4.0
Thí sinh tham gia xét tuyển đại học năm 2019 tham khảo 3 ngành học trên hiện đang đào tạo tại ĐH Bách khoa Hà Nội xem khác nhau ở điểm nào:
Công nghệ thông tin
Sinh viên ngành này, có kiến thức nền tảng rộng và các định hướng ứng dụng chuyên sâu bao gồm Phát triển phần mềm hoặc Tích hợp hệ thống.
Với các kiến thức cập nhật chuyên nghiệp nhất trong lĩnh vực Phát triển phần mềm hoặc Tích hợp hệ thống, sinh viên tốt nghiệp hướng đến có tay nghề cao, có thể đảm nhận các vị trí công việc lập trình viên, lập trình viên chuyên sâu trong các ứng dụng đặc thù như ngân hàng, tài chính kế toán, hoặc trong các môi trường phát triển khác nhau như Android, Windows, Web, v.v.. hoặc quản trị, thiết kế, vận hành các hệ thống mạng hay máy chủ dịch vụ.
Kiến thức trang bị: Có kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Công nghệ thông tin bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, quản lý dự án CNTT.
Kiến thức lập trình chuyên sâu trong các môi trường phát triển ứng dụng khác nhau; Qui trình phát triển phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm; Kiến thức hệ thống mạng; Kiến thức các hệ thống máy chủ dịch vụ. Qui trình phân tích thiết kế & tích hợp hệ thống.
Video đang HOT
Các vị trí việc làm: Lập trình viên/kiểm thử viên, tại các doanh nghiệp CNTT trong và ngoài nước; Nhân viên vận hành kỹ thuật mạng và các máy chủ dịch vụ của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước; Kỹ sư phát triển phần mềm, phân tích yêu cầu, thiết kế hệ thống giải pháp CNTT trong các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật, điều hành trong các dự án phần mềm lớn và các công ty; Kỹ sư thiết kế, phát triển, đánh giá, quản trị dự án các hệ thống mạng cho các tổ chức doanh nghiệp hoặc cơ quan chính phủ.
Kỹ sư thiết kế, tích hợp các hệ thống sử dụng máy chủ dịch vụ như điện toán đám mây, các hệ thống máy chủ bán hàng, các hệ thống dịch vụ đảm bảo an toàn bền vững..
Kỹ thuật máy tính
Người học được đào tạo kiến thức cơ bản về toán, lý, điện tử số, thuật toán, cơ sở dữ liệu, phân tích và thiết kế hệ thống thông tin, kết hợp với kiến thức chuyên ngành về hạ tầng, các cơ chế kết nối, điều khiển, vận hành, an toàn thông tin của hệ thống máy tính và mạng truyền thông dữ liệu.
Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ thuật máy tính có đủ năng lực phát hiện và giải quyết bài toán xây dựng, triển khai phần cứng và phần mềm của các hệ thống tính toán ở các quy mô khác nhau.
Kiến thức: Nắm vững các kiến thức Toán và khoa học cơ bản, toán cho công nghệ thông tin để áp dụng vào giải quyết các bài toán kỹ thuật.
Khả năng áp dụng các kiến thức cơ sở cốt lõi ngành bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, mạng máy tính và truyền thông dữ liệu, kỹ thuật phát triển phần mềm, an toàn an ninh thông tin, xử lý mã hoá thông tin và tín hiệu, dịch vụ mạng.
Nắm vững và có khả năng áp dụng các kiến thức chuyên ngành, tiếp cận các định hướng ứng dụng về Mạng máy tính & Truyền thông dữ liệu, An toàn thông tin, Máy tính và hệ thống nhúng trong xây dựng và phát triển các hệ thống, dịch vụ, giải pháp kỹ thuật Kỹ thuật máy tính.
Các vị trí việc làm: Lập trình viên phát triển phần mềm cho các hệ thống tính toán, đặc biệt là hệ thống có kết nối mạng; Kỹ sư hệ thống mạng máy tính, mạng Internet vạn vật, kỹ sư an toàn an ninh cho mạng truyền thông số liệu; Kỹ sư thiết kế và xây dựng phần mềm cho hệ thống nhúng, đặc biệt là các hệ thống tiên tiến như ô tô tự lái, robot thông minh, hệ phân tán thời gian thực.
Khoa học máy tính
Sinh viên có kiến thức cốt lõi ngành; có khả năng vận dụng kiến thức chuyên sâu của một trong các định hướng của ngành: Công nghệ phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo để phân tích thiết kế, giải quyết vấn đề và đánh giá các giải pháp tiềm năng, có năng lực xây dựng và quản trị các hệ thống thông minh.
Kiến thức: Có kiến thức khoa học cơ bản và các kiến thức cốt lõi về ngành Khoa học máy tính bao gồm hệ thống máy tính, giải thuật và lập trình, cơ sở dữ liệu, phân tích thiết kế và phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo và khai phá dữ liệu, quản lý dự án…
Tùy theo định hướng lựa chọn, người học được trang bị thêm các kiến thức chuyên sâu:
Định hướng kỹ nghệ phần mềm: các phương pháp, quy trình, kỹ thuật và công cụ trong việc phát triển phần mềm, quản lý các dự án phần mềm.
Định hướng hệ thống thông tin: các phương pháp, kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ, xử lý thông tin và phát hiện tri thức nhằm thiết kế, phát triển, vận hành, bảo trì và đánh giá các hệ thống thông tin.
Định hướng Khoa học dữ liệu: các kỹ thuật và công nghệ để thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu lớn nhằm cung cấp giải pháp tiềm năng dựa trên dữ liệu đối với các ứng dụng phức tạp trong thực tế.
Định hướng trí tuệ nhân tạo (TTNT): các phương pháp mô hình toán học cho các lớp bài toán trong TTNT. Hiểu biết về công nghệ tri thức, về trí tuệ tính toán; sử dụng thành thạo các công cụ, nền tảng trong phát triển các ứng dụng TTNT.
Các vị trí việc làm: Lập trình viên/kiểm thử viên, tư vấn, giám sát chất lượng, quản trị dự án, trưởng nhóm phát triển. Nhân viên kỹ thuật phòng Công nghệ thông tin của các doanh nghiệp lớn hoặc tổ chức nhà nước.
Kỹ sư phát triển phần mềm, xây dựng giải pháp và dịch vụ CNTT-TT; Kiến trúc sư, quản trị dự án, chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm phát triển phần mềm, giám đốc kỹ thuật…
Kỹ sư tư vấn, thiết kế, xây dựng, đánh giá và quản trị CSDL, các HTTT cho các doanh nghiệp, tổ chức; Kỹ sư hệ thống thiết kế, xây dựng và đánh giá các giải pháp (tích hợp) các doanh nghiệp, tổ chức.
Kỹ sư dữ liệu tại các công ty phân tích, xử lý, cung cấp dịch vụ trên dữ liệu; Kiến trúc sư dữ liệu, kỹ sư phân tích dữ liệu cung cấp giải pháp cho các bài toán phức tạp dựa trên dữ liệu lớn.
Kỹ sư phụ trách nghiên cứu và phát triển các phần mềm điểu khiển robot, xe tự lái, giám sát giao thông…Kỹ sư phụ trách nghiên cứu, phát triển và vận hành các phần mềm tối ưu hoá sản xuất, phân phối hàng hoá…
Hồng Hạnh
Theo Dân trí
Làm gì để công nghệ thông tin ứng dụng thành công vào mọi lĩnh vực có nhu cầu
Những năm gần đây, chúng ta đang nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0. Và trong cuộc cách mạng đó, không chỉ là sự thâm nhập để ứng dụng CNTT mà còn là sự vận động nội tại của chính các lĩnh vực có nhu cầu. Tuy nhiên, yếu tố quyết định cho sự thành công chính là con người và bên cạnh việc đào tạo nhân lực CNTT thì còn phải đào tạo CNTT cho các lĩnh vực có nhu cầu.
Một lớp học thực hành tại Đại học CNTT-TT Thái Nguyên.
Khi cử nhân, kỹ sư CNTT chưa thể hiểu biết về chuyên môn của các lĩnh vực
Theo ông Nguyễn Nhật Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), CNTT có một đặc thù riêng là bên cạnh yếu tố chuyên sâu của nó thì còn phải thâm nhập vào các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng. Để làm được việc đó, đương nhiên các doanh nghiệp CNTT phải có những nghiên cứu nhằm tin học hóa, tự động hóa các quy trình hoạt động thực tế.
Song nhiệm vụ này về cơ bản là không dễ chút nào vì theo TS Mai Anh - nguyên Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam thì trong khi sinh viên các ngành học khác được học thêm về CNTT để ứng dụng vào lĩnh vực của mình thì sinh viên ngành CNTT lại dường như không được học gì về những lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng. Rất giỏi lập trình song không biết lập trình về cái gì thì sao có thể là giỏi được.
Dẫu vậy, khó có thể buộc những người đã tốt nghiệp ngành CNTT đi học thêm một chuyên môn khác cho nhu cầu công việc của mình, nhất là CNTT liên tục đổi mới và cập nhật nên việc cần làm hơn với họ là làm sao tự học hỏi, cập nhật các kiến thức đó.
Để giải quyết những bài toán này cho ngành CNTT, nhiều ý kiến cho rằng ngoài chương trình đào tạo chính thức thì các đại học cần có các hội thảo chuyên đề cho sinh viên về các lĩnh vực có nhu cầu như xây dựng, giao thông, y tế, thể thao... thay vì chỉ quanh quẩn với các bài toán quản lý.
Cũng về thực tế này, ông Nguyễn Nhật Quang cho rằng trong hoạt động đào tạo của mình, các đại học phải chủ động đón bắt các nhu cầu của tương lai, tức là đi trước doanh nghiệp về các xu thế ứng dụng và phát triển CNTT. Nguyên nhân vì công nghệ liên tục thay đổi và các đại học phải làm sao để sinh viên ra trường thích ứng được với ít nhất là các công cụ lập trình mới. Hiểu biết về các lĩnh vực có nhu cầu ứng dụng CNTT đương nhiên cũng là vấn đề phải đặt ra và bên cạnh việc hợp tác với các doanh nghiệp bên ngoài thì bản thân các ngành học khác trong cùng một trường cũng có thể chủ động bắt tay với ngành CNTT.
Xây dựng các giải pháp và phần mềm ứng dụng: Bí quyết của doanh nghiệp
Nói về thực tế ở Công ty Phần mềm Hài Hòa (Harmony Soft) của mình, ông Nguyễn Nhật Quang cho biết, để xây dựng các giải pháp và phần mềm trong lĩnh vực xây dựng, đội ngũ nhân viên ở đây ngoài các kỹ sư phần mềm và lập trình viên thì phải có cả kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư. Đương nhiên, các đội ngũ này phải làm việc phối hợp với nhau để có sản phẩm chung. Thành công hay không chính là bí quyết của doanh nghiệp không dễ gì chia sẻ song sẽ là lý tưởng nếu các kỹ sư xây dựng và kiến trúc sư đã kinh qua văn bằng 2 về CNTT hoặc đã học qua một số chứng chỉ ngắn hạn về CNTT.
Cũng hệt như vậy, nếu thâm nhập vào lĩnh vực y tế thì doanh nghiệp phần mềm cũng phải tuyển dụng cả bác sĩ. Tuy nhiên, để có sự hiểu biết lẫn nhau giữa bác sĩ là chuyên gia tin học thì dường như còn có phần khó hơn. Dẫu vậy, các bác sĩ cũng phải ý thức một điều là với các hệ thống mà họ góp phần xây dựng cùng đội ngũ phần mềm thì dữ liệu được tích lũy vào đó không phải là của riêng mình, mà là của cả hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ khác. Có như vậy, việc ứng dụng CNTT để chẩn đoán, khám bệnh mới tỏ ra hơn hẳn so với một bác sĩ thông thường do đã được tích lũy tri thức của hàng trăm, hàng nghìn bác sĩ.
Để triển khai ứng dụng CNTT, rất cần đội ngũ nhân lực mang tính chất "cầu nối". Ảnh: hoanhap.vn
Nói như vậy, có thể thấy để CNTT thâm nhập vào mọi lĩnh vực có nhu cầu thì nguồn nhân lực cho hoạt động này rất cần đến đội ngũ "cầu nối". Công việc của họ không phải là ngồi lập trình từng dòng lệnh mà là khảo sát, xây dựng kiến trúc tổng thể cho các phần mềm ứng dụng - một công việc phải đi trước một bước trước khi ra yêu cầu cho các kỹ sư phần mềm và lập trình viên.
Vậy nhân lực "cầu nối" giữa các lĩnh vực có nhu cầu và CNTT đã và sẽ ở đâu ra? Ngay từ những năm 1990, các trường đại học đầu ngành về CNTT đã bắt tay đào tạo kỹ sư, cử nhân văn bằng 2 cho các đối tượng có nhu cầu nhằm chuyển đổi nghề nghiệp hoặc làm ứng dụng CNTT cho chính lĩnh vực chuyên môn của mình. Tuy nhiên, theo GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Chủ tịch CLB các khoa, viện, trường đào tạo về CNTT (FISU) thì đáng tiếc là những năm gần đây, hệ đào tạo này thường không tuyển đủ số lượng học viên tối thiểu cần thiết. Phải chăng, nguyên nhân vì ngành giáo dục vẫn chỉ coi hoạt động đào tạo văn bằng 2 là "kế hoạch 3" của các trường chứ chưa thực sự nhận thức rằng đây chính là đội ngũ "nhân lực cầu nối" để CNTT thâm nhập vào các lĩnh vực có nhu cầu.
Theo viettimes
Những bạn trẻ Việt giành suất thực tập danh tiếng thế giới năm 2018 Tự tin, không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và đặt mục tiêu rõ ràng để chinh phục cơ hội trải nghiệm những công ty/ tập đoàn hàng đầu thế giới, các bạn trẻ Việt đã vượt qua nhiều cửa ải để giành được những suất thực tập danh giá trong năm 2018. 9X Việt chinh phục vị trí...