Ngành học của nam bắt đầu tuyển nữ
Học sinh khối 12 trên cả nước đang đứng trước những băn khoăn về lựa chọn ngành nghề cho bản thân. Vì vậy, theo các chuyên gia tư vấn, phụ huynh đóng vai trò là người tư vấn để giúp con cái chọn ngành phù hợp.
Các nhà tư vấn tuyển sinh cho biết nhiều ngành học lâu nay chỉ có nam sinh đăng ký dự thi như: Kỹ sư cơ khí, cơ khí ô tô, kỹ thuật… thì một vài năm trở lại đây đã có thí sinh nữ đăng ký dự thi. PGS. TS Đỗ Văn Dũng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM cho hay: Các ngành kỹ thuật như cơ khí ô tô, chế tạo máy… rất ít nữ theo học. Mỗi khóa chỉ khoảng 5 đến 6 nữ sinh viên mà thôi.
Hiện nay, kỹ sư không phải làm những công việc chân tay nữa mà làm những công việc điều khiển kỹ thuật cao, ngồi trong văn phòng để làm việc. Do đó, ngành kỹ thuật đang xóa đi ranh giới giữa nam và nữ. Nữ học kỹ thuật thì cơ hội việc làm rất cao. Tại trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, những em nữ học về ngành kỹ thuật ôtô được các công ty đến đặt hàng rất nhiều. Bởi hiện nay lĩnh vực dịch vụ ôtô đang cần rất nhiều nhân lực nữ kỹ sư.
TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM cho biết thêm: Nếu nữ học ngành kỹ thuật cũng có nhiều ưu thế. Với những ngành khô khan như Cầu đường, những em nữ có cơ hội rất lớn trong tuyển dụng. Khi đi thực tập các bạn nữ được ưu tiên và xin việc rất dễ. Trường kỹ thuật cũng có nhiều ngành phù hợp với nữ như kinh tế xây dựng, kinh tế ôtô… Những ngành này đào tạo chuyên về quản trị dự án nên cơ hội việc làm của các em rất tốt.
Thực tế từ các mùa tuyển sinh năm trước, số thí sinh đăng ký vào các ngành khối kinh tế, y dược khá đông. Trong khi đó, khối ngành thuộc lĩnh vực nông lâm ngư rất khó tuyển. Bởi nhiều người quan niệm rằng: Học nông lâm ngư là phải lên rừng xuống biển.
PGS.TS. Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Nông lâm TPHCM giải thích: Những ai có quan niệm như thế là chưa đúng. Học các ngành khối nông lâm ngư vẫn làm việc ở thành phố bình thường, thậm chí là thu nhập cao.
Video đang HOT
PGS. TS Huỳnh Thanh Hùng (bìa phải) nói rằng: Học các ngành khối nông lâm ngư không phải bao giờ cũng lên rừng xuống biển.
Mỗi phụ huynh là một nhà tư vấn
TS Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục TP HCM nói: “Hiện nay, nhiều phụ huynh thay vì tư vấn cho con thì lại ép con chọn ngành nghề theo sở thích của mình hoặc theo truyền thống gia đình. Đừng nên ép con chọn ngành khi năng lực của con không đáp ứng được với ngành nghề đó. Hãy tôn trọng sự lựa chọn ngành nghề của con mình vì đó là ngành nghề sẽ nuôi sống con chúng ta sau này. Chúng ta chỉ là những người tư vấn cho các cháu mà thôi”.
Hiện nay, nhiều phụ huynh phân vân không biết định hướng cho con mình theo ngành nghề nào, bởi bản thân các học sinh không có những năng khiếu đặc biệt, thậm chí cũng không biết mình thích ngành nghề nào.
TS. Đinh Phương Duy cho rằng, đây là một thực tế của xã hội. Tuy nhiên, phụ huynh có thể biết được những điểm mạnh, sở thích của con em mình thông qua sinh hoạt, công việc, học tập hằng ngày. Vấn đề là chúng ta phải gần gũi với con em mình và tạo cơ hội để các cháu bộc lộ nguyện vọng sau này muốn làm nghề gì.
Đồng quan điểm trên, TS. Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ: Phụ huynh hãy để cho các em nói ra những điều các em mong muốn và đưa ra hướng chọn ngành cùng các em. Cần phải hiểu rõ là cùng một ngành học nhưng vị trí việc làm rất nhiều nên không nên bó buộc các em vào một ngành nào đó.
Ngày 8-1, trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đã tổ chức Ngày hội hướng nghiệp – Ngày mở lần 5 năm 2012. Ngày hội đã thu hút khoảng 4.500 học sinh của 50 trường THPT ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Nai, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Định, Gia Lai, Kom Tum, Khánh Hòa… tham gia. Tham gia ngày hội, các học sinh được tham quan các cơ sở thực hành, phòng thí nghiệm, nơi học tập… của 17 đơn vị trong nhà trường. Tại đây, các học sinh cũng được các giảng viên của các ngành, các khoa thuyết minh về các ngành học, giúp học sinh hiểu rõ về ngành nghề để định hướng chọn ngành nghề phù hợp với bản thân.
Theo TPO
Đìu hiu lớp học ít sinh viên
Dù rất vất vả để duy trì những lớp học quá ít sinh viên nhưng các trường ĐH vẫn phải gồng gánh để tránh hệ lụy của việc phải đóng cửa ngành học.
Nhiều ngành học của một số trường ĐH tại TPHCM phải chịu hậu quả của một mùa tuyển sinh khó khăn khi số sinh viên trúng tuyển quá ít. Không ít ngành học đã đóng cửa nhưng một số ngành vì nhiều lý do khác nhau vẫn phải duy trì.
Tương tác tốt hơn
Có mặt tại Khoa châu Á - Thái Bình Dương của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều lớp học vắng hoe. Một số lớp chỉ có trên dưới 10 sinh viên đang học. Lớp Nhật Bản học năm thứ nhất trong giờ học ngữ pháp chỉ có 14 sinh viên ngồi dồn lên phía trên, để lại khoảng trống lớn phía sau.
Bà Điều Thị Bích Hải, Phó trưởng Khoa châu Á - Thái Bình Dương, Trưởng ngành Nhật Bản học, cho biết đây là năm tuyển được ít sinh viên nhất. "Năm 2006, ngành học này tuyển được 70 sinh viên; năm 2007, tuyển được 40; các năm tiếp theo tuyển được hơn 20 đã thấy vắng thế mà năm nay chỉ có 14 sinh viên"- bà Hải chạnh lòng. Bi đát hơn là ngành Trung Quốc học năm nay chỉ tuyển được 7 sinh viên nhưng vẫn phải mở lớp. Riêng ngành Hàn Quốc học tuyển được 16 sinh viên và còn duy trì một lớp tuyển năm 2010 với 7 sinh viên.
Bà Hải cho biết sở dĩ những ngành học này tuyển được ít sinh viên là do khối ngành C, D ngày càng ít thu hút. Hơn nữa, việc tư vấn hướng nghiệp chưa thật sự hiệu quả nên thí sinh chưa hiểu hết về các ngành học. Sinh viên ít thì có thuận lợi là thầy và trò tương tác tốt hơn bằng phương pháp trực tiếp, tuy nhiên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến không khí, tinh thần dạy-học.
Tại Trường ĐH Hùng Vương, ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng tuyển sinh năm 2011 chỉ được 11 sinh viên, ngành Nhật Bản học đang duy trì một lớp năm thứ nhất với số lượng 11 sinh viên. Các lớp này vẫn dạy và học bình thường. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Mai Bình, trưởng phòng đào tạo của trường, nhiều giảng viên thổ lộ sự chán nản khi dạy lớp học quá ít sinh viên...
Sinh viên năm thứ nhất ngành Nhật Bản học của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng trong giờ học.
Chật vật bài toán kinh phí
Bài toán kinh phí đang trở thành gánh nặng đối với các trường khi phải duy trì những lớp học dạng này. Bà Nguyễn Thị Mai Bình cho biết Trường ĐH Hùng Vương đầu tư rất nhiều tiền mua sắm thiết bị cho ngành công nghệ kỹ thuật xây dựng. Tuy nhiên, số sinh viên quá ít đang khiến trường lỗ rất nặng. Bà Hải cũng cho biết hiện khoa đang kiến nghị trường xin phép Bộ GD-ĐT tuyển sinh viên hệ liên thông từ CĐ lên ĐH để đào tạo, tránh lãng phí cơ sở vật chất, giảng viên; tăng cường công tác hướng nghiệp, trao học bổng, tổ chức các chương trình hợp tác với các nước để tăng sức hấp dẫn cho chương trình đào tạo.
Ông Nguyễn Quốc Hợp, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Hiến, cho biết năm 2011, trường phải đóng cửa 2 ngành học là văn học và xã hội học vì mỗi lớp chỉ tuyển được trên dưới 10 sinh viên. Lý do không thể duy trì ngành học bởi trường không đủ tài chính để cân đối thu chi. Hơn nữa, hàng năm số lượng sinh viên còn "rơi rụng" thêm khoảng 10% nữa nên đối với lớp quá ít sinh viên thì đành phải đóng cửa.
Ông Nguyễn Thế Lực, Trưởng Phòng Đào tạo Trường CĐ Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp, cũng cho biết năm 2011, trường phải đóng cửa ngành cơ - điện tử vì chỉ tuyển được khoảng 10 sinh viên. Là ngành công nghệ đòi hỏi chi phí thực hành, thí nghiệm rất lớn, bên cạnh đó còn phải tính đến việc mỗi khóa sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 60% - 70%, nếu số lượng sinh viên ít mà mở lớp thì trường "chịu không nổi".
Lớp đông bù lớp ít Bà Điều Thị Bích Hải cho biết dù số lượng sinh viên ít nhưng các lớp vẫn hoạt động bình thường theo chương trình đào tạo đã đề ra. Các ngành học này không thể ghép lại thành một lớp vì mỗi ngành có sự riêng biệt. "Duy trì những lớp học này là cố gắng lớn của trường. Vì nếu đóng cửa ngành học thì bao nhiêu công sức lâu nay của lãnh đạo bộ môn, của giảng viên sẽ đổ sông, đổ biển"- bà Bùi Phan Anh Thư, Trưởng ngành Hàn Quốc học - Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, bộc bạch và nói thêm rằng nếu không duy trì được ngành học thì cơ sở vật chất, tài liệu, giáo trình, các dự án đang thực hiện... phải bỏ dở. Do vậy, có lúc trường đã yêu cầu xem xét đóng cửa ngành học nhưng lãnh đạo ngành đã làm đơn xin được duy trì.
Theo NLĐO
Có ngành học chỉ một giảng viên, chưa bằng trường THPT Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết, một số trường đại học chất lượng rất yếu kém; có ngành học chỉ một hay ba giảng viên, cơ sở vật chất hoàn toàn thuê mướn. Ảnh minh họa: Hồng Vĩnh.Đây là những thông tin được đưa ra tại hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT-TTG...