Ngành học chống… hacker
An ninh mạng là ngành mới ở Việt Nam. Những bạn muốn theo ngành này phải chủ động học hỏi với niềm đam mê và tinh thần sáng tạo.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, các cuộc tấn công mạng diễn ra ngày càng nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng. Nhu cầu về đội ngũ nhân viên, chuyên gia an ninh mạng, bảo mật thông tin trở nên cấp thiết.
Nhân viên an ninh mạng làm việc nhằm đảm bảo hệ thống mạng thông tin của một tổ chức, quốc gia hoạt động ổn định. Họ là người phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn kịp thời và bảo vệ an toàn cho hệ thống mạng thông tin trước các đợt tấn công, phá hoại của hacker; đồng thời, đưa những người sử dụng hệ thống mạng thông tin thực hiện hành vi phạm pháp xử lý trước pháp luật.
Trước nhu cầu xã hội, nhiều bạn trẻ muốn ứng tuyển vào ngành này. Là người hoạt động trong ngành, tôi cho rằng ngoài kiến thức các môn thi đại học, sự đam mê với nghề, các bạn trẻ cần phải có tư duy sáng tạo.
Ở Việt Nam, đây là ngành mới, chương trình đào tạo đang trong quá trình hoàn thiện. Do đó, sinh viên cần phải tự học hỏi, mày mò, tìm hiểu kiến thức từ bên ngoài. Nếu không có niềm đam mê cháy bỏng với nghề cùng sự sáng tạo, họ khó vượt qua thử thách đầu tiên trên.
Nước ta có nhiều cơ sở đào tạo nhưng chưa thực sự đào tạo sâu về lĩnh vực này. Vì thế, người học gặp khó khăn trong việc tìm cơ sở đào tạo tốt.
Việc tự học, tự nghiên cứu rất quan trọng. Dù học ở trường nào, sinh viên cũng cần chủ động tìm hiểu. Họ có thể đăng ký tham gia các hội thảo, khóa huấn luyện của các nước tiên tiến. Qua đó, bạn trẻ không chỉ có thêm kiến thức, mà còn hỗ trợ, chia sẻ thông tin giữa những người cùng ngành, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên tương lai.
Video đang HOT
Đại úy Ngô Ngọc Trân. Ảnh: Nguyễn Sương.
Ngoài đam mê, những bạn có ý định ứng tuyển vào ngành An ninh mạng cần có kiến thức nền tảng về công nghệ thông tin, máy tính, lập trình, hệ thống thông tin và tiếng Anh tốt.
Do là ngành mới, nhiều tài liệu học tập chủ yếu vẫn là tiếng Anh. Ngoài ra, lĩnh vực an ninh mạng đòi hỏi cập nhật thông tin liên tục. Trong đó, nguồn tin bằng tiếng Anh chiếm phần lớn và rất quan trọng.
Sinh viên ngành này cần tham gia các hội thảo, khóa huấn luyện của nước ngoài nên tiếng Anh là công cụ thiết yếu để tiếp cận thông tin, phát triển bản thân.
Vừa qua, ông Nguyễn Sơn Tùng, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu và Huấn luyện An ninh mạng (CSO), trở thành người Việt Nam đầu tiên và là người thứ 91 trên thế giới đạt chứng chỉ bảo mật GMON của Học viện SANS, Mỹ.
Theo tôi, CSO sẽ là một trong những cầu nối quan trọng để đưa những kiến thức chuyên sâu về an ninh mạng thế giới đến Việt Nam.
Có thể khẳng định, việc đào tạo an ninh mạng ở nước ta hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội cả về số lượng lẫn chất lượng.
Vì thế, tôi mong muốn, trong thời gian tới, Việt Nam sẽ có những trung tâm đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về lĩnh vực này để tạo ra đội ngũ nhân sự đủ kiến thức, kỹ năng, phục vụ tốt hơn trong công việc bảo mật thông tin mạng.
Học ngành này ở đâu?
Các bạn trẻ có thể theo học chuyên ngành An ninh mạng thuộc ngành An toàn thông tin tại Đại học FPT hoặc ngành An toàn thông tin tại Học viện Bưu chính Viễn thông và Học viện Kỹ thuật Mật mã.
Năm nay, Học viện Bưu chính Viễn thông dự kiến tuyển 200 thi tiêu ngành An toàn thông tin ở cơ sở phía Bắc và 70 chỉ tiêu ở cơ sở phía Nam. Trường xét tuyển căn cứ kết quả thi THPT quốc gia theo một trong hai tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học hoặc Toán, Vật lý, tiếng Anh.
Năm 2015, điểm chuẩn phía Bắc là 23 và 20 ở phía Nam.
Học viện Kỹ thuật Mật mã cũng là cơ sở uy tín với hơn 10 năm đào tạo Kỹ sư An toàn thông tin. Năm 2016, trường tuyển 480 chỉ tiêu ở cơ sở phía Bắc và 120 chỉ tiêu ở cơ sở phía Nam. Học viện căn cứ kết quả kỳ thi THPT quốc gia theo một trong hai tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học hoặc Toán, Vật lý, tiếng Anh để xét tuyển.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường là 18,5.
Thí sinh muốn ứng tuyển vào Đại học FPT cần đủ tiêu chuẩn học đại học theo quy định của Bộ GD&ĐT hoặc có điểm trung bình cộng 3 môn trong 5 học kỳ cuối cùng ở THPT lớn hơn hoặc bằng 6 điểm xét theo tổ hợp môn tương ứng ngành đăng ký học.
Học sinh sẽ thực hiện 3 bài thi bằng tiếng Việt. Bài 1 đánh giá năng lực phổ thông nền tảng, liên quan ngành học đăng ký dự thi. Bài 2 nhằm đánh giá năng lực chuyên biệt liên quan ngành An toàn thông tin. Bài 3 nhằm đánh giá năng lực nghị luận thông qua một bài luận có chủ đề thông dụng và gần gũi học sinh đã hoàn thành chương trình trung học.
Sau khi trúng tuyển, sinh viên chọn chuyên ngành An ninh mạng sẽ học các chương trình Quản trị Hệ thống Máy tính, Kết nối đa cấp, Điều tra mạng, Thâm nhập thử và phòng thủ bên cạnh các kiến thức chung, kiến thức khoa học máy tính và công nghệ thông tin cũng như các môn ngành An toàn thông tin.
Năm 2015, điểm trúng tuyển của ngành này là 46/105.
Theo Zing