Ngành giáo dục với những “căn bệnh” trầm kha?
Chưa đầy 3 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra, rồi kế đến là kỳ thi ĐH. Đây là chuỗi thời gian “buộc” học sinh phải tập trung cao độ, để đảm bảo có kết quả tốt trong kỳ thi tới.
Về phía nhà trường, các thầy cô cũng tập trung ôn luyện cho các em sao cho tỷ lệ thi tốt nghiệp của lớp, của trường đạt kết quả tốt nhất…
Kiểm tra trước “giờ G”
Mới đây, Sở GD&ĐT đã thành lập 5 đoàn kiểm tra để thực hiện công tác kiểm tra 28 trường THPT trên địa bàn Thủ đô. Trong đó có 14 trường công lập và 14 trường ngoài công lập.
Qua đó, các đoàn kiểm tra thấy rằng, các kế hoạch năm học, kế hoạch chuyên môn, hoạt động ngoài giờ, hướng nghiệp dạy nghề, dạy học tự chọn… vẫn còn ghép chung. Nó thể hiện sự thiếu rõ ràng và “mập mờ”. Đồng thời, việc thực hiện phân phối chương trình từng môn chưa được chi tiết và cụ thể, đặc biệt là các môn học giảm tải.
Video đang HOT
Tại các trường THPT như: Vạn Xuân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đông Đô, Lương Thế Vinh đã dạy dồn các môn phụ nhằm kết thúc sớm so với quy định. Đồng thời, tổ chức luyện thi và tăng cường cho các môn học khác có số tiết/môn/năm học không đảm bảo theo quy định.
Một số trường lại cắt bỏ nội dung thực hành trong các chương trình của môn vật lý, hóa học, sinh học, như trường THPT Lương Thế Vinh là một ví dụ. Các trường khác như THPT Maricurie chỉ thực hiện dạy duy nhất 1 tiết/tuần đối với môn thể dục, có trang thiết bị và đồ dùng dạy học nhưng chưa sử dụng.
Đoàn kiểm tra của Sở GD&ĐT còn phát hiện một số trường ra đề kiểm tra thường xuyên đối với các môn nặng về kiến thức của lớp trên, trong đó có môn vật lý. Trường THPT Đông Đô còn áp dụng thời gian học quá tải đối với học sinh như học 7 ngày trong tuần, mỗi ngày học 2 buổi và mỗi buổi học 4 tiết.
Song song với đó, công tác quản lý, kiểm tra của giám hiệu, tổ trưởng tổ chuyên môn còn khá yếu. Về phía giáo viên, nhiều loại sổ sách như lịch báo giảng, sổ ghi đầu bài… không khớp nhau, còn thiếu và không cập nhật đầy đủ thông tin về tình hình lớp học. Đồng thời, xếp thời khóa biểu tùy tiện, ghép đôi, ghép ba các môn không đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, thời khóa biểu lại chưa nêu rõ thời gian thực hiện. Điều này khiến việc kiểm tra, đối chiếu không thuận lợi.
Trước thực trạng này, Sở GD&ĐT Hà Nội đã yêu cầu các nhà trường rút kinh nghiệm và khắc phục những tồn tại trên. Đồng thời, bổ sung và hoàn thiện hồ sơ, sổ sách theo quy định của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu các nhà trường hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông theo đúng tiến độ, không được dạy dồn.
Có thể thấy, đổi mới giáo dục ngoài việc thay đổi từ tư duy, hệ thống giáo dục, phương pháp dạy và học… thì bản thân các nhà trường cũng cần phải nghiêm túc thực hiện đúng các quy định của Bộ GD&ĐT. Những việc làm như tự ý “giảm bớt” chương trình học ở một số môn phụ như công nghệ, thể dục, tin học… dạy dồn chương trình học là nhằm kết thúc sớm các môn học đó. Thời gian “tiết kiệm” sẽ được các trường tổ chức luyện thi và tăng cường học cho các môn học khác. Vậy đây có phải là một biểu hiện của “bệnh” thành tích hay không? Hay nói cách khác là các trường đang cố “nhồi nhét” học sinh học để nhà trường có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhất, số lượng học sinh đỗ ĐH nhiều nhất?
Các căn bệnh của ngành giáo dục vẫn chưa tìm ra thuốc chữa dứt điểm. Ảnh:Nguyễn Tuấn
Vẫn xoay quanh điểm số và thi tuyển
Vấn đề điểm số và thi tuyển vẫn luôn là chủ đề nóng trong việc cải cách và đổi mới giáo dục, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi ngành giáo dục đang bị “kêu” nhiều về chất lượng. Thực tế, hai vấn đề kia chỉ mang tính hình thức chứ không phải là “cốt lõi” bởi việc phân loại cũng như chất lượng học sinh mới là điều cần bàn. Đây là một vấn đề khó, cần sự chung tay của nhiều Bộ, ban, ngành chứ không riêng ngành giáo dục. Tình trạng mất cân bằng trong thị trường lao động, mà ở đây là việc “thừa thầy thiếu thợ” là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Thực tế, nếu như ngành giáo dục không “loại bỏ” được tầm “quan trọng” của điểm số và thi tuyển thì ngành khó có thể đổi mới được, bởi: Thứ nhất, sức ép về điểm số cũng như tỷ lệ tốt nghiệp khiến cho nhiều trường học phải “dồn” và bắt học sinh học theo chương trình “riêng”. Điều này khiến một số môn bị giảm bớt, học dồn; còn một số môn lại bị học quá tải. Trong khi đó, việc phân bổ môn học cũng như số lượng tiết của mỗi môn đều dựa trên giáo trình học, được áp dụng khoa học, đảm bảo cho học sinh có thời gian nghỉ ngơi, suy nghĩ và có thời gian tư duy, phát triển một cách tự nhiên.
Thứ hai, việc làm của nhà trường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý học sinh. Hay nói cách khác, vô hình trung nhà trường đã dạy các em cách “nói dối”, làm “láo” và “đối phó” với các quy định chung của Bộ GD&ĐT.
Thứ ba, một số trường đã cố tình “cho, tặng thêm” điểm cho học sinh. Nói cách khác là chấm điểm dễ dãi để các em có một kết quả học tập “đẹp như mơ” trong khi kiến thức mới chỉ dừng lại ở mức trung bình. Nhưng đổi lại, nhà trường sẽ có thành tích tốt, được khen thưởng.
Đây chỉ là một số hệ lụy liên quan đến việc ngành giáo dục quá “quan tâm” đến điểm số và thi tuyển. Nếu những người thầy, người cô đứng trên bục giảng, dạy dỗ hàng triệu học sinh cũng vẫn phải sống “giả”, chạy theo thành tích thì khó có thể trở thành tấm gương sáng cho học sinh. Những điều họ đã, đang và sẽ dạy cũng khó có thể chuẩn mực.
Trong khi đó, xã hội đang phát triển ngày một nhanh nhưng ngành giáo dục của chúng ta lại vẫn “giậm chân tại chỗ” trong phương pháp dạy và học kiểu cũ, trong tư duy xoay quanh điểm số và thi tuyển, trong căn bệnh thành tích. Ngay bản thân những điều này đã kém sức hấp dẫn với học sinh, dễ khiến học sinh “lệch lạc” trong tư duy và suy nghĩ. Hơn nữa, nó lại tạo ra nhiều “lỗ hổng” khiến cho một số giáo viên biến chất “luồn lách” để trục lợi riêng cho bản thân, chứ không phải cống hiến cho ngành giáo dục nước nhà.
Theo VNE