Ngành giáo dục vẫn loay hoay tìm lời giải cho những bài toán cũ
Kết thúc năm học 2018-2019, ngành giáo dục vẫn thừa nhận chưa giải quyết được các bất cập đã tồn tại nhiều năm như thừa-thiếu giáo viên, hạn chế giáo dục đạo đức lối sống, bất cập phân luồng…
Thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non là một trong những tồn tại của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Chưa giải quyết được triệt để bài toán thừa-thiếu giáo viên, tình trạng bạo lực học đường; bất cập trong công tác sắp xếp mạng lưới, phân luồng học sinh; chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu… là hàng loạt các hạn chế được Bộ Giáo dục và Đào tạo thừa nhận tại Hội nghị Tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020.
Hội nghị diễn ra sáng nay, ngày 6/8, theo hình thức trực tuyến tại 63 điểm cầu ở các tỉnh, thành trên cả nước.
Chú trọng giải quyết các nút thắt
Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018-2019, ngành đã chú trọng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những “nút thắt” trong hoạt động đổi mới giáo dục. Từ đó, ngành đã đạt được một số chuyển biến.
Ở bậc mầm non, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ được quan tâm. Ở bậc phổ thông, chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn được nâng cao; việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới được tích cực thực hiện. Với giáo dục đại học, một số trường đã triển khai đào tạo hiệu quả nguồn nhân lực theo các chương trình tiên tiến được chuyển giao từ các nước phát triển; đẩy mạnh việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp đối với sinh viên.
Việc đổi mới phương thức kiểm tra đánh giá được triển khai ở các cấp học theo hướng ứng dụng thực tiễn, đánh giá năng lực học sinh.
Đặc biệt với môn ngoại ngữ là môn học có chất lượng đào tạo còn thấp, Bộ đã đưa ra một số giải pháp như ban hành khung năng lực giáo viên ngoại ngữ, bộ tiêu chí đánh giá các đơn vị tổ chức bồi dưỡng giáo viên ngoại ngữ. Các hệ thống trực tuyến bồi dưỡng giáo viên về năng lực ngoại ngữ và năng lực sư phạm đã được hoàn thành. Số lượng giáo viên đạt yêu cầu về năng lực ngoại ngữ của các cấp học được nâng lên.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong dạy học ngày càng được đẩy mạnh. Bộ đã xây dựng được cơ sở dữ liệu của các cấp học. Đặc biệt, lần đầu tiên ngành giáo dục xây dựng được dữ liệu về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được đưa vào sử dụng làm cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay. Việc cắt giảm các thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt.
Video đang HOT
Hoạt động giáo dục kỹ năng, lối sống, đạo đức cho học sinh vẫn còn yếu trong các nhà trường, đặc biệt là hệ thống trường công lập. (Ảnh: PV/Vietnamplus)
Còn nhiều bất cập
Tuy đã có nhiều nỗ lực, ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều tồn tại, trong đó có nhiều vấn đề đã được đặt ra từ nhiều năm nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Trước tiên là công tác sắp xếp mạng lưới trường, lớp học ở một số địa phương vẫn còn bất cập. Ở nhiều nơi, việc sắp xếp trường lớp còn mang tính cơ học, chưa tạo thuận lợi cho học sinh, phụ huynh. Theo đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên nhân do một số địa phương chưa hoàn thiện quy hoạch tổng thể về phát triển trường, lớp mầm non; chưa dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non, đặc biệt là khu vực có các khu công nghiệp, khu chế xuất; công tác sáp nhập trường, lớp chưa thực hiện tốt trách nhiệm phát triển trường, lớp đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ.
Tình trạng thừa-thiếu giáo viên vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để, đặc biệt là việc thiếu giáo viên mầm non. Lý giải vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, từ năm 2015 đến nay, số lượng trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non tăng nhanh, tăng trên 1,2 triệu trẻ; tương ứng tăng thêm trên 41.000 nhóm/lớp. Điều này kéo theo nhu cầu cần thêm khoảng trên 80.000 giáo viên. Tuy nhiên, số lượng giáo viên được tuyển dụng hằng năm chưa tương xứng với số lượng trẻ tăng thêm. Trong khi đó, mỗi năm toàn ngành có khoảng 3.000 giáo viên nghỉ hưu. Công tác tuyển dụng tại một số địa phương còn chậm, chưa kịp thời đáp ứng được quy mô trường, lớp tăng hằng năm.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra gây bức xúc dư luận, trong đó có cả bạo hành giữa học sinh với học sinh, giáo viên với học sinh. Mặc dù ngành giáo dục đã có rất nhiều văn bản liên quan nhưng không đạt hiệu quả mong đợi.
Công tác phân luồng, giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông chưa hiệu quả. Trong khi nhận thức của học sinh, gia đình và xã hội với giáo dục nghề nghiệp vẫn còn hạn chế thì công tác hướng nghiệp trong các nhà trường chậm đổi mới.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, lạc hậu, tỷ lệ phòng học kiên cố thấp.
Ở bậc giáo dục đại học, chất lượng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Kỹ năng và năng lực ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam còn thấp.
Đặc biệt, năm 2018, ngành giáo dục gây chấn động cả nước khi để xảy ra sai phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi năm 2018 ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La. Phần mềm chấm thi trắc nghiệm tuy cơ bản đáp ứng yêu cầu chấm thi nhưng vẫn còn có những kẽ hở trong bảo mật có thể dẫn đến bị lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi, nhất là khi người dùng thực hiện gian lận có tổ chức và có chủ đích từ trước.
Trước những tồn tại trên, trong năm học 2019-2020, ngành giáo dục đặc mục tiêu khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về giáo dục đào tạo mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.
Cụ thể, ngành xác định tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, gồm: rà soát, sắp xếp, quy hoạch mạng lưới các cơ sở trường lớp; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý giáo dục; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên…/.
Phạm Mai
Theo Vietnamplus
An Giang khó khăn trong tinh giản 10% biên chế giáo dục theo lộ trình
Sáng 6/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyển với 63 tỉnh thành về Tổng kết năm học 2018 - 2019 triển khai nhiệm vụ năm học 2019 - 2020.
Tại hội nghị, liên quan Đề án sắp xếp tinh giản biên chế, quy hoạch lại bộ máy ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho hay: Vừa qua, Tỉnh ủy An Giang đã giao cho Sở Nội vụ xây dựng đề án tinh giản biên chế với các sở ngành trên toàn tỉnh. Đặc biệt chú ý đến ngành giáo dục vì đây là ngành đặc thù, có những đặc điểm riêng nên phải chú ý để vừa tinh giản nhưng đảm bảo chất lượng giao dục vẫn được duy trì.
Trước đây, về chất lượng giáo dục và đào tạo thì tỉnh An Giang nằm trong nhóm trung bình của cả nước, trong quá trình điều hành chúng tôi thấy: Cơ sở vật chất cho giáo dục của An Giang còn gặp nhiều khó khăn, sĩ số trước đây thường vượt quá quy định của Bộ GD&ĐT(45 học sinh/lớp) thực tế 45-55 học sinh. Phong trào đổi mới dạy và học lấy học sinh làm trung tâm hết sức khó khăn.
Hội nghị trực tuyến tại đầu cầu An Giang
Nhiều nước trên thế giới kể cả nước có chất lượng giáo dục trung bình cũng không lên đến sĩ số 45-55 học sinh/lớp. Trong quá trình đổi mới phương pháp dạy và học rõ ràng sự chăm sóc học sinh sẽ chưa thực sự tốt.
Thời gian qua, An Giang tập trung đổi mới cơ sở vật chất, giảm dấn lượng học sinh trong lớp theo số năm (năm đầu giảm xuống 50 học sinh/lớp, năm tiếp theo giảm xuống 45 học sinh/lớp).
Còn nơi nào cơ sở vật chất đảm bảo có thể giảm xuống 35- 35 học sinh/lớp để đảm bảo học sinh được quan tâm hơn, điều kiện tốt hơn, giáo dục chất lượng hàng năm nhiều tiến triển.
Hiện nay ngành sư phạm đang đào tạo thừa giáo viên. Khi chưa giải quyết được vấn đề này thì chưa sắp xếp tinh giản 10% theo lộ trình như hướng dẫn của Bộ GD&ĐT vì nếu không sẽ gây hoang mang cho đội ngũ giáo viên.
Do vậy, có thể năm đầu giảm 2-3% rồi mới tính đến giảm biên chế tiếp theo để tiệm cận đến sĩ số.
Trong các giải pháp mà Bộ xây dựng có nêu ra vấn đề giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vươn lên và xem xét cơ chế để đơn vị này được đầu tư giống như vùng nhiều khó khăn để tập trung đầu tư.
Ông Nguyễn Thanh Bình nêu ra đề xuất: Phát triển giáo dục phải nâng cao trình độ giáo viên, cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT nên tính toán thực hiện xây dựng nghiên cứu hệ thống hóa trường lớp và hệ thống công vụ. Đó cũng là một trong những bước đi giúp các trường công lập đẩy nhanh lộ trình tự chủ.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, đúng là hiện nay một số địa phương vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; nhiều tỉnh còn thiếu giáo viên mầm non, phổ thông theo định biên quy định; một số địa phương thực hiện tinh giản biên chế đối với ngành Giáo dục khá cứng nhắc, chưa gắn với quy mô phát triển dân số (hằng năm cắt giảm theo lộ trình để đến năm 2021 giảm 10%), do vậy không có biên chế để tuyển mới, dẫn đến thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non.
Số lượng, chất lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp; năng lực phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại và kinh nghiệm thực tiễn của một số giảng viên còn hạn chế.
Chế độ chính sách đối với nhà giáo chưa tương xứng với loại hình lao động mang tính đặc thù cao trong xã hội. Việc nhà giáo được điều động về các cơ quan quản lý giáo dục không được tiếp tục hưởng phụ cấp ưu đãi khiến việc điều động gặp khó khăn. Chính sách tiền lương đối với đội ngũ, đặc biệt đối với giáo viên mầm non hiện tại không còn phù hợp.
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện rà soát quy hoạch; khảo sát, đánh giá thực trạng về dồn dịch điểm trường lẻ, sáp nhập các điểm trường mầm non và phổ thông có quy mô nhỏ, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tại một số địa phương; tổ chức Hội nghị sắp xếp, dồn dịch các điểm trường ở các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo infonet
Năm nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục năm học 2019-2020 Để tạo sự chuyển biến tích cực, ngành giáo dục đã đưa ra năm nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong năm học 2019-2020. Sáng 6-8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 trực tuyến với 64 điểm cầu trên cả nước. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho...