Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội: Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện
Năm học 2018 – 2019, ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội đã tập trung triển khai thực hiện tốt 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản.
Nhờ vậy, chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển, khẳng định được vị trí dẫn đầu cả nước.
Theo ông Lê Ngọc Quang – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT Thủ đô đã tăng cường đầu tư xây dựng, bổ sung cơ sở vật chất trường, lớp học, đáp ứng sự gia tăng về số lượng học sinh và yêu cầu nhiệm vụ.
Gặt hái được nhiều thành tựu
Năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục. (Ảnh minh họa)
Năm học vừa qua, toàn thành phố đã thành lập mới 77 trường học; cải tạo, sửa chữa 427 trường học với 2.450 phòng học xây mới và 2.552 phòng học cải tạo, sửa chữa. Các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được trang bị theo hướng đồng bộ và đạt chuẩn. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm 66,7%.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả. Quy mô và chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên Thủ đô ngày càng hoàn thiện với hơn 150.000 người, trong đó 100% giáo viên đều đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo và kỹ năng, đảm bảo về cơ cấu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, sẵn sàng chuẩn bị cho việc thực hiện chương trình và sách giáo khoa mới.
Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục phát triển. Việc đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy được đẩy mạnh ở tất cả các cấp học, ngành học… Nhờ vậy đã mang lại những kết quả nhất định. Theo đó, Hà Nội đã được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Kết quả thi THPT quốc gia năm 2019, Hà Nội là đơn vị có số bài thi đạt điểm 10 cao nhất cả nước với 166 bài. Số bài thi đạt điểm giỏi (từ 8,0 điểm trở lên) là 46.569/401.412 bài thi (chiếm tỷ lệ 11,6 %). Tỷ lệ tốt nghiệp chung toàn Thành phố đạt 96,18% (không tính thí sinh tự do), trong đó có 70 đơn vị (41 trường THPT công lập, công lập tự chủ và 29 trường THPT ngoài công lập) có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%.
Đáng nói, trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục khẳng định vị trí dẫn đầu cả nước, giành thành tích cao với 197 giải và huy chương quốc tế năm 2018, 134 giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm 2019, 21 đề tài đạt giải tại cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm 2019.
Đặc biệt, trong kỳ thi Olympic quốc tế Toán học (IMO), Vật lý (IPhO), Hóa học (IChO) được tổ chức vào tháng 7/2019, 3 học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã xuất sắc giành 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc.
Video đang HOT
Tiêu biểu là em Trần Bá Tân đã xuất sắc giành Huy chương Vàng tại IChO 2019 với 95,47/100 điểm, cao thứ 4 của kỳ thi, đồng thời đạt giải “Best Practical Exam” (Bài thực hành tốt nhất) với điểm số 40/40; em Trần Xuân Tùng, giành Huy chương Vàng kỳ thi IPhO 2019, là thí sinh đạt thành tích tốt nhất của đội tuyển Việt Nam với tổng điểm bài thi nằm trong TOP 10 thế giới…
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, bên cạnh những kết quả đã đạt được, năm học 2018 – 2019, ngành GD&ĐT Hà Nội vẫn còn một số hạn chế, chẳng hạn như: Dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp được tiếp tục xây mới gây áp lực về cơ sở vật chất và tình trạng thiếu trường, lớp học; một số địa phương chưa triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới, phát triển trường lớp, việc đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ còn hạn chế.
Công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh chưa thực sự đạt được hiệu quả cao. Công tác quản lý điều hành, chỉ đạo dạy học, tổ chức tuyển sinh ở một số trường chưa được thực hiện nghiêm; còn xảy ra một số hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và những vụ việc liên quan đến ứng xử chưa chuẩn mực, thiếu trách nhiệm trong quản lý, chăm sóc trẻ, học sinh ở một số đơn vị trường học…
Tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện
Năm học 2019 – 2020, ngành GD&ĐT Hà Nội tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Đây cũng là năm bản lề để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới vào năm học tiếp theo.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Lê Ngọc Quang cho biết: Trên cơ sở thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ GD&ĐT và UBND TP Hà Nội, trong năm học 2019 – 2020, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ tập trung tăng cường nền nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên.
Giáo dục mầm non tiếp tục đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Giáo dục phổ thông tập trung đổi mới phương thức dạy học; chú trọng việc học đi đôi với hành, giáo dục nhà trường gắn với giáo dục gia đình và cộng đồng; khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Giáo dục thường xuyên thực hiện đa dạng hóa nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Để hoàn thành mục tiêu này, thời gian tới đây, ngành GD&ĐT Thủ đô sẽ ưu tiên tập trung thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Đó là: Rà soát, chuẩn hóa đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp; tập trung các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới; xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý, chuẩn hóa, số hóa, đồng bộ dữ liệu; tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng miền của Thủ đô; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát công tác tài chính, thực hiện quy chế dân chủ, kiểm tra nội bộ trong trường học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện tốt chương trình thí điểm đào tạo song bằng trong trường phổ thông và các cuộc thi quốc tế; đổi mới cơ chế trong quản lý, xây dựng mô hình tự chủ tại một số trường mầm non, phổ thông ở những địa bàn, khu vực có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các trường tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2018 – 2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019 – 2020 vừa được Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị trong năm học tới đây, ngành GD&ĐT Thủ đô cần tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.
Bên cạnh đó, toàn ngành cần quán triệt các nhiệm vụ và giải pháp mà Bộ GD&ĐT đã đề ra để thực hiện; nắm rõ các quy định mới trong Luật giáo dục năm 2019. Đồng thời mong muốn, các nhà trường và các thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá cũng như công tác quản lý nhà trường hướng tới mục tiêu hình thành phẩm chất năng lực cho học sinh; chuẩn bị kỹ càng về sách giáo khoa, bồi dưỡng giáo viên cũng như cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Phạm Thảo
Theo laodongthudo
Lần đầu xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu giáo viên
Dữ liệu là cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa-thiếu số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Giáo viên trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội, trong giờ dạy. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam)
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, chiều 5/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc họp nghiệm thu cơ sở dữ liệu đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Đây là lần đầu tiên một cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh về đội ngũ giáo viên được xây dựng và đưa vào sử dụng, cung cấp thông tin về đội ngũ đầy đủ, chính xác và kịp thời. Dữ liệu là cơ sở cho cơ quan quản lý ra các quyết định về chính sách hiệu quả, khắc phục tối đa những bất cập hiện nay như thừa-thiếu số lượng, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng, chính sách cho nhà giáo.
Sẽ không còn bất cập thừa-thiếu giáo viên?
Thông tin về cơ sở dữ liệu này, ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, đây là cơ sở dữ liệu lưu trữ đầy đủ thông tin của đội ngũ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên toàn quốc phục vụ thông tin quản lý về đội ngũ cho các cơ quan quản lý giáo dục.
Đến nay, cơ sở dữ liệu đã được triển khai tại 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo và 52.900 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên cả nước. Mỗi đơn vị được cấp một tài khoản quản trị để quản lý và sử dụng hệ thống.
Dữ liệu đội ngũ được cập nhật từ các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu từ các nhà trường. Sở giáo dục và đào tạo sẽ thẩm tra và duyệt dữ liệu của phòng. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thẩm tra và phê duyệt dữ liệu của các địa phương.
Việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ theo từng địa phương, từng môn học đang là bài toán khó của ngành giáo dục hiện nay. (Ảnh: PV/Vietnam )
Theo ông Hải, với dữ liệu hiện tại, các cấp quản lý có thể tra cứu, khai thác được các thông tin về số lượng đội ngũ của từng cấp học theo từng tỉnh/thành phố, quận/huyện và nhà trường; theo chuyên ngành đào tạo, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, giới tính, dân tộc, đảng viên, trình độ ngoại ngữ, tin học.
"Cơ sở dữ liệu này cũng cho phép thống kết quả đánh giá theo chuẩn đến từng tiêu chí và tra cứu hồ sơ chi tiết của từng nhân sự. Đặc biệt, hệ thống chỉ ra được thực trạng thừa - thiếu giáo viên theo định mức, theo môn học của từng trường học, quận/huyện và tỉnh/thành phố," ông Hải cho hay.
Là đơn vị trực tiếp khai thác cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên, ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết, mặc dù đang trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nhưng cơ sở dữ liệu đã phục vụ rất tốt cho một số nhiệm vụ phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với một số bộ, ngành khác trong thời gian qua như thiết kế bảng lương mới cho đội ngũ nhà giáo; thu thập dữ liệu về bình đẳng giới; thống kế số lượng đảng viên trong đội ngũ giáo viên...
"Trước đây khi chưa có cơ sở dữ liệu, hoạt động thống kê đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện thông qua niên giám hàng năm, thường cuối năm sau mới có số liệu thống kê của năm trước. Điều này gây ra không ít khó khăn cho công tác quản lý. Bức tranh dữ liệu ngành được xây dựng sẽ giúp các cơ quan quản lý ra quyết định quản lý chính xác và kịp thời," ông Minh chia sẻ.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì cuộc họp nghiệm thu cơ sở dữ liệu giáo viên. (Ảnh: PV/Vietnam )
Mỗi giáo viên sẽ có mã số định danh riêng
Dựa trên cơ sở dữ liệu đội ngũ, hiện nay, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang giao Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục xây dựng báo cáo thực trạng giáo viên của từng địa phương để gửi Bộ Nội vụ, các địa phương và báo cáo Chính phủ trước năm học mới. "Trách nhiệm của ngành Giáo dục là chủ động thống kê đầy đủ thực trạng đội ngũ để đề nghị ngành nội vụ có kế hoạch tuyển dụng sát với yêu cầu thực tế và ban hành, tham mưu ban hành các chính sách phù hợp," Bộ trưởng Nhạ nói.
Ở góc độ khai thác nguồn dữ liệu, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, cần khai thác có hiệu quả để không chỉ giải quyết bài toán thừa - thiếu giáo viên ở từng địa phương mà còn phục vụ cho công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ, điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo ngành sư phạm. "Muốn khai thác tốt thì nguồn dữ liệu được kê khai từ cơ sở giáo dục phải chính xác, tránh sai sót trong quá trình nhập liệu. Tiến tới việc chuẩn hóa dữ liệu, nhập liệu, khai báo," Bộ trưởng nêu rõ.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý tới việc xây dựng công cụ dự báo nhu cầu giáo viên từ cơ sở dữ liệu đội ngũ. Việc này hiện đang được giao cho một nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội thực hiện. Theo Bộ trưởng, việc thể hiện được con số dự báo tăng hay giảm số lượng giáo viên cho từng cơ sở giáo dục sẽ giúp các địa phương chủ động bố trí giáo viên, các trường sư phạm chủ động điều chỉnh chỉ tiêu đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động điều chỉnh hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, việc kê khai theo từng trường như hiện nay mới chỉ là bước một của cơ sở dữ liệu đội ngũ, tới đây, mỗi giáo viên phải có mã số định danh riêng để chính giáo viên sẽ là người kê khai, bổ sung các thông tin cần thiết hay thay đổi thông tin nếu có.
"Cố gắng trong năm 2019 cơ sở dữ liệu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vận hành thông suốt, được khai thác có hiệu quả, góp phần khắc phục một số bật cập về đội ngũ giáo viên hiện nay, đồng thời hỗ trợ hiệu quả việc xây dựng chính sách cho nhà giáo," Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo./.
Hà An
Theo Vietnamplus
Trường quốc tế Alaska bỗng dưng xóa sạch mác "quốc tế"... là ý gì? Từ tên biển hiệu đến mọi thông tin trên website, facebook liên quan đến trường Tiểu học Quốc tế Alaska (Hà Nội), nằm ngay cạnh trường Gateway vừa xảy ra vụ bé trai bị bỏ quên trên xe đưa đón tử vong, đều bị gỡ bỏ, xóa sạch. Tới thời điểm này, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ việc cháu...