Ngành giáo dục TP HCM ra văn bản “gò” các trường về việc kiểm tra học kỳ
Sở GD-ĐT TP HCM vừa có văn bản hướng dẫn các trường thực hiện kiểm tra học kỳ năm học 2019 – 2020. Theo đó, đối với lớp 9 và lớp 12, các trường không được sử dụng kỳ kiểm tra học kỳ vào mục đích luyện tập cho học sinh thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi THPT Quốc gia.
Ngoài ra, các trường chỉ thực hiện theo chương trình chuẩn biên soạn một đề kiểm tra chung cho mỗi môn ở từng khối lớp, đảm bảo hình thức, nội dung kiểm tra theo đúng chương trình, kế hoạch dạy học, phù hợp giữa thời gian làm bài và nội dung kiểm tra.
Các trường thực hiện cả chương trình chuẩn và chương trình nâng cao, mỗi môn (trừ Tiếng Anh) của khối lớp 10 và 11 biên soạn một đề kiểm tra có hai phần: phần chung bắt buộc và phần riêng tự chọn cho hai chương trình chuẩn và nâng cao. Tỉ lệ điểm giữa phần chung và phần riêng của từng môn do nhà trường quy định.
Nội dung kiểm tra phải bảo đảm tính chính xác, câu hỏi rõ ràng, phải theo tiến độ bài dạy ở kỳ kiểm tra và sát với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình. Cấu trúc đề kiểm tra phải đảm bảo đánh giá đúng và phân hóa năng lực học sinh.
Học sinh được trải nghiệm thi trên điện thoại, máy tính trong kỳ kiểm tra giữa học kỳ vừa qua.
Cụ thể, khối lớp 6,7,8,9,10,11 các môn sẽ thi theo hình thức tự luận, riêng tiếng Anh sẽ thi trắc nghiệm 100%. Khối lớp 12 sẽ thi môn văn theo hình thức tự luận, các môn chung khác sẽ thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận. Đặc biệt, môn toán khối 12 sẽ thi theo hai phương án: trắc nghiệm khách quan phối hợp tự luận và trắc nghiệm khách quan độc lập với tự luận. Tỉ lệ giữa phần trắc nghiệm và phần tự luận các trường bố trí 5:5; 6:4 hoặc 7:3.
Video đang HOT
Các trường không bố trí kiểm tra quá 2 môn/ngày/khối. Không thực hiện kiểm tra theo tổ hợp như thi THPT Quốc gia.
Nguyễn Thuận
Theo nguoilaodong
Thi học kỳ trên máy tính: Còn nhầm lẫn, sai sót
Học sinh 2 trường THPT tại TP HCM vừa kết thúc đợt thi giữa học kỳ I theo hình thức trực tuyến. Ngoài những lợi ích tích cực, còn nhiều băn khoăn xoay quanh vấn đề quản lý và kết quả thi khi các thiết bị điện tử được kết nối internet
Đón đầu xu hướng áp dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục, kỳ thi giữa học kỳ I vừa qua, các trường THPT tại TP HCM đã mạnh dạn tổ chức thi bằng hình thức trực tuyến trên máy tính và điện thoại thông minh, giúp giáo viên (GV), học sinh (HS) làm quen, tập luyện thao tác trên máy tính để không bị bỡ ngỡ khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 theo dự kiến là thi trên máy tính. Đồng thời, đánh giá, khắc phục những hạn chế, lỗ hỏng trong quá trình thử nghiệm thi trực tuyến.
Cải tiến cách thi, chấm điểm
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, thầy Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (quận 5, TP HCM), cho biết thông qua phổ điểm đợt kiểm tra giữa học kỳ I lần này cho thấy việc thay đổi về hình thức kiểm tra đánh giá không làm thay đổi kết quả thi. Thực tế, thi theo hình thức trực tuyến chỉ thay đổi về mặt kỹ thuật, cải tiến công tác kiểm tra, chấm điểm của GV. Thay vì GV phải chấm điểm trên giấy từng bài một, mất thời gian thì với hình thức mới này, GV chỉ cần bằng một cú nhấp chuột là có kết quả ngay lập tức.
Kiến thức thi y như kiểm tra giấy, thi trắc nghiệm nên các câu sẽ có thời gian làm bài ngắn. Về công tác quản lý thi, cơ chế, trình tự, quy trình thi, hình thức kỷ luật khi phát hiện gian lận vẫn như kiểm tra truyền thống bằng giấy.
Dựa trên nền tảng công nghệ, ứng dụng Trường học thông minh 789.vn đã đưa ứng dụng hỗ trợ GV tự động chấm điểm, giúp HS biết được ngay kết quả thi của mình, GV cũng không còn cảnh mang bài thi về nhà thức đêm chấm điểm. Ma trận đề sẽ sắp xếp các câu hỏi không bị trùng nhau, khi thi, mỗi HS được tự động nhận mỗi mã nên cuộc thi diễn ra công bằng, minh bạch. HS có thể dễ dàng thực hiện bài kiểm tra trên hệ thống máy tính, điện thoại thông minh. Đồng thời, ứng dụng này sẽ đặt hệ thống máy chủ tại trường, trường sẽ có không gian mạng riêng, bảo mật riêng, chống sao chép câu hỏi, thông tin bị lộ. Mỗi trường sẽ tự quản lý đề thi, điểm số, hay thông tin cá nhân của GV, HS.
"GV sẽ tiết kiệm được 60% sức lao động so với hình thức thi truyền thống. GV không phải chấm từng bài, tiết kiệm thời gian, áp dụng công nghệ vào quá trình soạn đề và ra bài tập về nhà, vào sổ điểm tự động, thông báo kết quả kiểm tra tự động cho phụ huynh qua email, sẽ giảm tải bớt phần nào công việc cho GV" - cô Trần Thị Ngọc Huyền, GV vật lý Trường THPT Trần Hữu Trang, chia sẻ.
Đồng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM), khẳng định đây là dịp để tập huấn cho HS khối 12 năm nay làm quen với hình thức thi trên máy tính, tới đây có thể tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM. Lớp 11 được triển khai tập huấn bước đầu nhằm chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021. Sau khi tiến hành thử nghiệm thi trên máy tính 3 môn, toán, lý, hóa, phần lớn các em HS cảm thấy phấn khích, phản ánh trung thực kết quả học tập của từng em.
Giáo viên Trường THPT Trần Hữu Trang rút ngẫu nhiên 5% bài thi giữa học kỳ I vừa qua để đối chiếu lại điểm trên ứng dụng 789.vn
Lỗi máy móc có thể gây thiệt thòi cho học sinh
Tuy nhiên hình thức thi mới này vẫn còn tạo áp lực, lo lắng cho HS. Một HS Trường THPT Trần Hữu Trang kể lại: "Việc thi trên máy tính, điện thoại thông minh vừa qua cũng đã có ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả thực tế của em so với khi em thi trên giấy. Khi bắt đầu thi trên ứng dụng 789.vn, môn địa lý trong câu đầu tiên em chọn đáp án A sau đó quay lại chọn đáp án B nhưng khi chấm bài hệ thống vẫn tính chọn đáp án A, có rất nhiều bạn gặp phải trường hợp như vậy, kết quả bị chấm sai, em phải báo cáo lên thầy phụ trách để được xem xét lại đáp án và điều chỉnh điểm".
"Có những bạn chụp hình đề cương ôn tập trong đó có đáp án, khi thi, các bạn mở ảnh lên để xem lại, như vậy điểm đó thực sự không công bằng. Nếu tiếp tục hình thức thi trên điện thoại, máy tính thì nên cải tiến ứng dụng, khi mở sang các cửa sổ trình duyệt khác, bài thi sẽ tự động bị hủy" - HS này đề nghị.
Thầy Nguyễn Anh Quân, GV môn tiếng Anh Trường THPT Trần Hữu Trang, đề cập đến vấn đề nghẽn mạng khi các em cùng một lúc đăng nhập vào hệ thống, có những em đã phải tự mua 3G, 4G để sử dụng trong lúc thi vì chất lượng wifi không thể đáp ứng được, vào thì bị văng ra. "Do ứng dụng nặng, tốn bộ nhớ, nên có thể khi các em đang làm bài thì bị đứng máy, phải thoát ra làm lại, mặc dù thời gian sẽ được tính lại, kết quả sẽ được lưu liên tục nhưng phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý của các em" - thầy Quân băn khoăn.
Thầy Huỳnh Thanh Phú cũng cho rằng cần nâng cấp ứng dụng, bảo đảm chất lượng mạng ổn định... Mỗi lần thi chỉ được 150 em trên 3 phòng máy nên bắt buộc phải thi nhiều đợt.
Khó khăn để tập huấn giáo viên
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP HCM cho rằng việc triển khai đồng bộ hình thức thi trên máy tính cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2021 là một thách thức lớn. GV quá đông và không phải ai cũng có khả năng sử dụng công nghệ, giáo trình hướng dẫn cụ thể chưa được thống nhất, rất khó để tập huấn. Với cơ sở vật chất như hiện nay, để tiến hành thi đồng loạt trên cả nước là điều bất khả thi, phải chia ra thành nhiều đợt thi nhưng chưa có chế tài chặt chẽ để chống gian lận công nghệ cao.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẬN
Theo nguoilaodong
Kiểm tra trực tuyến - làm sao nhân rộng? Mới đây, trong đợt kiểm tra giữa kỳ khối 12 tại TPHCM, Trường THPT Trần Hữu Trang, quận 5, đã tổ chức cho học sinh kiểm tra theo hình thức trực tuyến. Ảnh minh họa/ INT Học sinh làm bài kiểm tra trên điện thoại cá nhân. Mỗi em được cấp một tài khoản, đến giờ làm bài, nhà trường gửi đề kiểm...