Ngành giáo dục sẵn sàng các phương án dạy học trong điều kiện dịch bệnh
Trong điều kiện dịch bệnh, ngành Giáo dục đã chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống.
Học sinh Trường Tiểu học Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) học qua truyền hình tại nhà.
Trong đó, Bộ GD&ĐT tính đến việc lùi thời gian kết thúc năm học; điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp… nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kéo dài.
Bộ GD&ĐT: Sẵn sàng các phương án
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngày 29/1, Bộ GD&ĐT có Công văn số 432/BGD&ĐT-GDTrH gửi các sở GD&ĐT về việc chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học ứng phó với dịch Covid-19.
Trong đó nhấn mạnh việc chuẩn bị các phương án điều chỉnh kế hoạch giáo dục của nhà trường; chủ động triển khai tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp với điều kiện thực tiễn để thực hiện chương trình. Sở GD&ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai kịp thời hiệu quả việc dạy học trực tuyến theo Công văn số 1061/BGDĐT-GDTrH ngày 25/3/2020 và các hình thức dạy học khác phù hợp với điều kiện của địa phương trong trường hợp phải cho HS nghỉ học ở trường.
Nhấn mạnh lại một lần nữa chỉ đạo trên, ngày 18/2, Bộ GD&ĐT gửi công văn đến các sở GD&ĐT, trường THPT trực thuộc về việc thực hiện chương trình giáo dục và phòng chống dịch Covid-19. Bộ yêu cầu các đơn vị chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục học kỳ II năm học 2020 – 2021 theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 432.
Tổ chức thực hiện dạy học trực tuyến (qua Internet, trên truyền hình) trong trường hợp HS nghỉ học ở trường theo hướng dẫn tại Công văn số 1061/BGD&ĐT-GDTrH và các văn bản có liên quan của Bộ GD&ĐT. Nội dung dạy học trực tuyến phải bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với HS từng cấp học; cách thức tổ chức linh hoạt phù hợp điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục, bảo đảm hiệu quả.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình với cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trong thời gian HS nghỉ học ở trường vì Covid-19; hướng dẫn công nhận kết quả dạy học trực tuyến, kiểm tra đánh giá thường xuyên trong giai đoạn HS phải học trực tuyến và xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi HS trở lại trường.
Với các văn bản hướng dẫn, theo PGS Nguyễn Xuân Thành, nhà trường có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học, triển khai ngay dạy học trực tuyến. Trong đó, ưu tiên dạy trực tuyến các nội dung phù hợp, cần tăng cường cho HS cuối cấp. Nội dung nào chưa cần ưu tiên thì để lại thực hiện sau khi HS trở lại trường. Những bài học thực hành, thí nghiệm hoặc để sau khi HS trở lại trường sẽ thực hiện kết hợp với ôn tập hoặc có thể khai thác nguồn video bài học thực hành, thí nghiệm trên mạng để dạy.
Video đang HOT
Học sinh Hà Nội học trực tuyến tại nhà theo thời khóa biểu.
Địa phương: Chủ động, linh hoạt
Không còn bỡ ngỡ như thời gian đầu phòng chống dịch, năm nay có thể thấy rõ sự chủ động, linh hoạt của địa phương nhằm đạt mục tiêu chung: An toàn sức khoẻ của HS, giáo viên; đồng thời hoàn thành kế hoạch năm học. Dạy học trực tuyến được các địa phương triển khai trên cơ sở chuẩn bị kỹ hơn về điều kiện và tâm thế. Phương án điều chỉnh kế hoạch năm học cũng sẵn sàng khi dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Do dịch bệnh, tỉnh Hưng Yên cho HS nghỉ học từ 1/2. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phan Xuân Quyết, sở có văn bản chỉ đạo nhà trường từ trước Tết Nguyên đán về việc chủ động chuẩn bị các điều kiện và khởi động hệ thống, qui trình tổ chức dạy học trực tuyến. Bước đầu, GV giao bài tập, hướng dẫn HS ôn tập, sẵn sàng tổ chức ngay dạy học trực tuyến chương trình chính khoá.
Sau nghỉ Tết, HS phải tạm dừng đến trường nên các trường trên địa bàn tỉnh tổ chức dạy học trực tuyến chương trình chính khoá. Với HS khó khăn và nội dung dạy học khó thực hiện dạy trực tuyến sẽ được bổ sung, củng cố khi đi học trở lại. Hiện, Hưng Yên hoãn kỳ thi chọn HS giỏi THCS cấp tỉnh; đến khi đi học trở lại sẽ cân nhắc việc tổ chức kỳ thi này.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, ngành Giáo dục Hải Dương đã kịp thời chỉ đạo để hoạt động dạy học có thể duy trì tốt nhất. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương, ông Lương Văn Việt, sở chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện dạy trực tuyến với nội dung được tinh giản theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; hoạt động này đã và đang được triển khai rất nghiêm túc. Trước mắt, địa phương không tổ chức thi chọn HS giỏi lớp 10 THPT và lớp 12 giáo dục thường xuyên. Với kỳ thi vào lớp 10, sở GD&ĐT đang xin ý kiến UBND tỉnh để chỉ thi 3 môn thay vì 5 môn theo kế hoạch cũ.
“Hy vọng dịch bệnh sẽ được kiểm soát trong tháng 3, khi đó lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 không phải điều chỉnh. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp, sở phải tính đến việc lùi thời gian tổ chức kỳ thi này” – ông Lương Văn Việt cho hay.
Chia sẻ cụ thể hơn về tình hình dạy học trực tuyến, ông Lê Thanh Cường, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT Hải Dương) cho biết: Sở GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường. Tài khoản học trực tuyến cho HS được kích hoạt. HS chưa có tài khoản được tạo mới, cấp bổ sung; kế hoạch, thời khóa biểu được xây dựng để triển khai dạy học trực tuyến.
Lãnh đạo các đơn vị được quán triệt chủ động chỉ đạo tổ/nhóm chuyên môn và giáo viên căn cứ mục tiêu, nội dung dạy môn học học kỳ II năm học 2020 – 2021, thống nhất, lựa chọn các bài học/tiết học/nội dung để tổ chức dạy học trực tuyến hoặc hướng dẫn HS tự học, tự tìm hiểu, làm, ôn tập… nhằm thực hiện đúng kế hoạch thời gian năm học.
“Theo thống kê, tỉ lệ HS có thiết bị kết nối mạng để học ở THPT là 99,73%, THCS: 98,29%, GDTX: 93,03%. Đa số các trường trên địa bàn tỉnh đã triển khai dạy học trực tuyến từ 17/2. Một số đơn vị THCS, GDTX triển khai chậm hơn vài ngày. Nói chung, hoạt động dạy học trực tuyến được triển khai rất nghiêm túc” – ông Lê Thanh Cường chia sẻ.
Bộ GD&ĐT chủ động xây dựng phương án để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Với quỹ thời gian 2 tuần dự phòng và tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình, nếu sau 28/2 HS quay lại trường học, kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GD&ĐT. Trường hợp dịch bệnh kéo dài, tháng 3 HS chưa thể trở lại trường học, căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ sẽ cân nhắc việc lùi thời gian kết thúc năm học. – PGS Nguyễn Xuân Thành
Ngành Giáo dục nỗ lực vượt khó
Năm 2020, cũng như cả nước, ngành Giáo dục Quảng Ninh phải đối mặt với những diễn biến phức tạp về dịch bệnh, khiến học sinh phải nghỉ học kéo dài trong thời gian 3 tháng ngoài kỳ nghỉ hè.
Kế hoạch năm học 2019-2020 bị thay đổi. Tuy nhiên, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Ninh luôn giữ tâm thế chủ động, vượt lên mọi khó khăn, thách thức, xây dựng, thực hiện linh hoạt nhiều phương án dạy học thiết thực.
Giáo viên Trường THPT Hòn Gai dạy trực tuyến tại nhà. Ảnh chụp tháng 4/2020.
Nhìn lại học kỳ II, năm học 2019-2020 (thời điểm đầu năm 2020), có thể thấy, Sở GD&ĐT đã rất chủ động, linh hoạt và quyết liệt trong công tác phòng dịch. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh có những quyết định quan trọng trong thời điểm dịch bùng phát nhằm đưa ra những kế hoạch đúng đắn giúp cán bộ, giáo viên, phụ huynh và học sinh yên tâm, tin tưởng. Hơn 3 tháng học sinh dừng đến trường, kéo dài từ ngày 26/1 tới 4/5/2020, nhiều hình thức dạy và học đã được triển khai tại các nhà trường.
Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Với phương châm "Tạm dừng đến trường nhưng không ngừng việc học", ngành Giáo dục đã triển khai phương án học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, phát phiếu bài tập tại nhà... nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, vừa giúp các em củng cố kiến thức cũ, đồng thời học bài mới theo chương trình học kỳ II. Dù không thể thay thế hình thức học truyền thống, nhưng các hình thức dạy học này đã mang lại những hiệu quả không thể phủ nhận.
Với những thôn, bản có 100% đồng bào là người dân tộc thiểu số, khó khăn trong tiếp cận hình thức học trực tuyến, nhiều thầy cô giáo đã tới tận nhà hướng dẫn, giao bài cho từng học sinh. Phương châm "Không học sinh nào bị bỏ lại phía sau" cũng giúp ngành GD&ĐT Quảng Ninh thành công trong việc áp dụng các hình thức học khác nhau khi học sinh không thể đến trường trong học kỳ II, năm học 2019-2020.
Dù là năm học có nhiều biến cố và thách thức, song với sự quyết tâm cao ngành Giáo dục Quảng Ninh vẫn gặt hái được nhiều thành công và trái ngọt. Toàn tỉnh có 53 giải học sinh giỏi quốc gia với 1 giải nhất, 7 giải nhì, 21 giải ba, 24 giải khuyến khích.
Giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, TP Hạ Long, vệ sinh lớp học để đón học sinh quay trở lại trường đầu tháng 5/2020.
Nhiều em tham dự các sân chơi KHKT cấp quốc gia cũng giành được giải cao. Điển hình là dự án: "Thay đổi hành vi của học sinh THPT trên địa bàn TP Hạ Long về việc ứng xử với rác thải nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn hướng tới lối sống xanh: của 2 học sinh Trường THPT Hòn Gai là Nguyễn Hà My, Nguyễn Bá Toàn.
Đặc biệt tỉnh còn có em Nguyễn Vũ Khánh Linh, Trường THPT Chuyên Hạ Long, đã hoàn thành chương trình đại học ngành công nghệ thông tin tại FUNIX - và sẽ trở thành một trong những kỹ sư công nghệ thông tin trẻ nhất Việt Nam...
Bước sang học kỳ I, năm học 2020-2021, Quảng Ninh tiếp tục đối mặt với những thách thức mới khi Chương trình GDPT mới được triển khai đối với 27.000 học sinh lớp 1.
Ở các điểm trường lẻ việc thực hiện còn nhiều khó khăn khi điều kiện về cơ sở vật chất không bằng ở các điểm trường chính. Đội ngũ giáo viên chưa thực sự đồng đều giữa các vùng, miền; nguồn tuyển giáo viên tiếng Anh, Tin học cũng gặp nhiều khó khăn...
Giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ nghiên cứu SGK lớp 1 mới.
Trước những khó khăn này, ngành GD&ĐT tỉnh đã tích cực rà soát để tham mưu, chỉ đạo thực hiện việc đưa học sinh ở các điểm trường lẻ về học ở điểm trường chính; tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về chuyên môn nghiệp vụ, trong đó quan tâm đến các vùng còn gặp khó khăn; phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhất là giáo viên day Tiêng Anh, Tin học.
Tiết học của cô và trò Trường Tiểu học Hạ Long, TP Hạ Long.
Sở cũng chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương trong tỉnh bố trí giáo viên dạy lớp 1 cho tất cả các trường học. 100% giáo viên dạy lớp 1 được bồi dưỡng về thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Năm 2020 có thể coi là một năm đặc biệt, là phép thử đối với ngành Giáo dục Quảng Ninh trong việc ứng biến linh hoạt trước những biến động lớn mang tính khách quan. Vượt qua tất cả, ngành Giáo dục tỉnh đã có những giải pháp kịp thời, hợp lý, thu được nhiều kết quả tích cực trong công tác dạy và học.
Quận Thanh Xuân: Kích hoạt trạng thái dạy, học mới thời Covid-19 Với tinh thần chủ động, quyết tâm vượt qua khó khăn, đội ngũ giáo viên, học sinh quận Thanh Xuân đã thực hiện kế hoạch học tập của học kỳ II năm học 2020-2021 theo hình thức trực tuyến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Chủ động ứng phó Xác định diễn biến phức tạp và có thể kéo dài của dịch Covid-19,...