Ngành Giáo dục nên giảm bớt hoạt động tập thể sau kỳ nghỉ phòng tránh dịch bệnh
Ngành Giáo dục nên có phương án giảm tải bớt các hoạt động, các hội thi của cả thầy và trò để tập trung toàn bộ cho việc dạy và học chính khóa của nhà trường.
Sự cố dịch bệnh Covid-19 đến bất ngờ đã làm đảo lộn nhiều kế hoạch của ngành Giáo dục cũng như ở các nhà trường trong suốt hơn 1 tháng qua. Thế nhưng, thực tế nó chỉ bị trì hoãn lại chứ các hoạt động của ngành thì có lẽ vẫn không bị cắt bỏ.
Trong tình hình hiện nay, có lẽ ngành Giáo dục nên có phương án giảm tải bớt các hoạt động, các hội thi của cả thầy và trò để tập trung toàn bộ cho việc dạy và học của nhà trường. Đồng thời, đó cũng là cách để phòng tránh dịch bệnh có thể xảy ra đối với các nhà trường.
Các trường học chỉ nên tập trung cho việc dạy và học chính khóa ở trên lớp (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Bây giờ là tháng 3 nhưng các trường học mới thực hiện chương trình học kỳ II được 2 tuần lễ. Như vậy, theo khung thời gian của năm học thì các nhà trường còn 15 tuần nữa mới kết thúc.
Thời gian không còn nhiều nhưng nhiều hội thi, cuộc thi của cả thầy và trò trong ngành giáo dục lại rơi vào học kỳ II của năm học.
Điều này cũng đồng nghĩa ngành giáo dục ở các địa phương và các nhà trường đang còn rất nhiều hoạt động đã được lên kế hoạch từ đầu năm học, hoặc đầu học kỳ II mà có lẽ các Sở, Phòng vẫn duy trì, chưa có ý định giảm tải hay cắt bỏ cho giáo viên và học sinh.
Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay thì việc hạn chế tập trung đông người là điều mà ngành Giáo dục phải tính đến bởi thời gian còn lại của năm học này ngành chỉ nên tập trung hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm nhất là dạy và học chính khóa trên lớp.
Những hoạt động thường niên không cần thiết thì nên cắt bỏ nó đi để cả thầy và trò tập trung vào việc dạy và học bởi trong lúc này thì tâm thế của cả giáo viên và học sinh luôn canh cánh một nỗi lo đó là dịch bệnh thì còn đâu tâm trí cho các hội thi mà ngành phát động nữa.
Những hoạt động ngoại khóa, những hội thi cần chọn lọc và cân nhắc kỹ để giảm tải.
Chẳng hạn trong tháng 3 này thì các nhà trường, nhất là các trường Trung học phổ thông, các trường đại học hay tổ chức các phong trào Đoàn cho ngày 26/3 bằng một số hoạt động như cắm trại, thi văn nghệ, thể dục thể thao.
Nếu không có dịch bệnh thì những hoạt động này sẽ tạo cho học sinh, sinh viên có thêm niềm vui ngoài giờ học căng thẳng và cũng là cách để tạo cho các em có được những kỹ năng cần thiết trong các hoạt động tập thể.
Video đang HOT
Thế nhưng, những hoạt động này luôn tập trung đông người. Nhất là thi cắm trại không chỉ diễn ra trong một buổi, một ngày mà các trường học thường tổ chức đến hai ngày với một đêm. Thậm chí trong những đêm hội trại thì học sinh, sinh viên có nhiều em ở lại trường.
Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho học trò vì các em đều tham gia hoạt động tập thể trong khoảng thời gian dài. Vì vậy, điều tốt nhất là các trường không nên tổ chức những hoạt động tập thể vào ngày 26/3 tới để đề phòng dịch bệnh.
Khi hết dịch bệnh, trong năm vẫn còn nhiều dịp thích hợp để các tổ chức Đoàn có thể phát động và tổ chức vui chơi cho học sinh, sinh viên của mình.
Trong giảng dạy thì các Hội đồng bộ môn đang thực hiện các tiết thao giảng chuyên đề hàng tháng. Môn nào cũng tổ chức, cấp học nào cũng tổ chức. Vì thế, khi tổ chức thao giảng chuyên đề cấp huyện, cấp tỉnh thì bắt buộc giáo viên môn học đó trên địa bàn phải về đơn vị tổ chức để dự.
Số lượng người đông, đến từ nhiều trường, nhiều huyện khác nhau. Trong khi, hoạt động thao giảng Hội đồng bộ môn lâu nay hiệu quả cũng không được đánh giá cao.
Vẫn thiên về hình thức, trường tổ chức phải chuẩn bị cả tuần, thậm trí hàng tháng trời nên vất vả. Khi chuẩn bị thì không chỉ giáo viên mà học sinh cũng được huy động cùng tham gia trong nhiều ngày.
Các hội thi như thi giáo viên giỏi cấp huyện (thị), cấp tỉnh (thành phố) cũng không cần phải tổ chức vào năm học này nữa. Bởi đây là hoạt động thường xuyên của ngành Giáo dục. Không tổ chức năm nay thì năm sau giáo viên vẫn có thể tham gia được.
Thời gian còn lại không nhiều nên giáo viên mà tham gia hội thi này lại phải lao vào chuẩn bị, dạy thử. Dù kế hoạch thi giáo viên giỏi các cấp từ năm nay đã được thay đổi, chỉ báo trước vài ngày nhưng khoảng thời gian ấy cũng dư sức để giáo viên nháp đi nháp lại ở các lớp mà mình đang giảng dạy.
Những cuộc thi của học sinh như thi học sinh giỏi văn hóa, nghiên cứu khoa học, hùng biện tiếng Anh, tiếng Việt, kể chuyện cũng cần chọn lọc và cân nhắc kỹ trước khi tổ chức. Vì mỗi cuộc thi như vậy đòi hỏi cả thầy và trò chuẩn bị hàng tháng trời. Khi thi lại tập trung nhiều trường học lại với nhau.
Có lẽ, trong bối cảnh hiện nay thì ngành Giáo dục ở các địa phương cũng phải xác định có nhiều phong trào của ngành khó mà thực hiện được tốt. Nhiều kế hoạch đã được ban hành nếu không thực hiện thì đương nhiên sẽ không hoàn thành kế hoạch năm học.
Thế nhưng, cân nhắc giữa việc tổ chức và không tổ chức trong thời điểm hiện nay thì việc giảm đi, bỏ đi một số phong trào của ngành cũng là điều cần thiết.
Mục tiêu còn lại là dốc toàn bộ tâm sức để hoàn thành nội dung kiến thức của các bài học chính khóa, hoàn thành việc xét tốt nghiệp cho học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở và tập trung cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, thi tuyển sinh 10 là đã tốt lắm rồi.
THANH AN
Theo giaoduc.net
Học sinh 12 đi học trở lại, giáo viên, Hiệu trưởng thấp thỏm lo
Thầy Hiệu trưởng ra tận cổng trường để nhắc nhở giáo viên đo thân nhiệt, cấp phát khẩu trang cho học sinh trong ngày đầu tiên đi học trở lại.
Ngày 2/3, học sinh khối 12 của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên của Đà Nẵng trở lại trường học sau một thời gian dài nghỉ học để phòng, chống Covid-19.
Học sinh khối 12 đến trường được kiểm tra kỹ về sức khỏe. Ảnh: TT
Trước đó, ngành giáo dục địa phương đã yêu cầu các trường thực hiện tổng dọn vệ sinh trường lớp, phun thuốc khử trùng, chuẩn bị dung dịch sát khuẩn, khẩu trang... để học sinh và giáo viên sử dụng.
Tuy nhiên, do là ngày học đầu tiên khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với số ca nhiễm và tử vong trên thế giới vẫn tiếp tục tăng khiến thầy, trò đều thấp thỏm lo lắng.
Có mặt từ sáng sớm, thầy Phan Hùng - Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cùng các giáo viên trực ngay tại cổng trường để nhắc nhở các em đeo khẩu trang và sử dụng dung dịch sát khuẩn.
Từng chồng khẩu trang được chuẩn bị kỹ càng để cấp phát miễn phí cho học sinh. Nhiều lọ dung dịch sát khuẩn được để sẵn trên bàn để học sinh và giáo viên sử dụng khi vào lớp.
Theo thầy Hùng, để đón học sinh trở lại trường thì các thầy cô đã có những bước chuẩn bị rất kỹ càng về vệ sinh môi trường, lên phương án dự phòng từng trường hợp. Dù vậy, tâm lý chung của các thầy, cô là rất lo lắng.
"Khi học sinh đến trường thì chúng tôi sẽ khuyến cáo theo 5 điều của Bộ Y tế để phòng, chống dịch Covid-19.
Việc đón học sinh đi học trở lại thì nhà trường cũng rất lo lắng. Bởi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất phức tạp nên phải kiểm tra thường xuyên sức khỏe của học sinh, kể cả giáo viên.
Và chúng tôi cũng đã liên hệ với các cơ sở y tế của thành phố để có sự chuẩn bị, hoặc nếu có chuyển biến sức khỏe thì có hướng xử lý ngay.
Ngay trong nhà trường cũng đã bố trí riêng một phòng nghỉ cho học sinh ở dưới tầng, trong đó có đội ngũ y tế trực sẵn.
Thầy Hùng cũng cho biết thêm, qua kiểm tra sức khỏe của học sinh trong sáng ngày 2/3 thì chưa phát hiện trường hợp nào bất thường,và cũng không có học sinh nào đi du lịch hoặc từng đi qua vùng dịch ở Hàn Quốc hay Trung Quốc.
Còn tại Trường trung học phổ thông Phan Châu Trinh, lãnh đạo nhà trường cho biết, đã sắp xếp lớp học theo hình thức cách phòng (các phòng học không gần nhau). Đồng thời, lên phương án xử lý khi xảy ra trường hợp có học sinh biểu hiện ho hoặc sốt.
Cô Nguyễn Thị Thúy (một giáo viên trung học phổ thông ở Đà Nẵng) bày tỏ: "Được trở lại trường sau nhiều ngày nghỉ học cũng vừa mừng, vừa lo.
Các em học sinh lớp 12 thì cần phải học để kịp chương trình, chuẩn bị cho kỳ thi quốc gia sắp tới nên nếu nghỉ học kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều.
Đến trường trong những ngày dịch bệnh bùng phát thế này thì ai cũng rất lo lắng. Đó cũng là tâm lý chung. Nhưng tôi nghĩ rồi mọi chuyện sẽ ổn".
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng, trước khi cho học sinh đến trường vào ngày 2/3, các trường đã thông báo cho phụ huynh, học sinh tự đo thân nhiệt hàng ngày. Đồng thời, khuyến cáo học sinh nếu có biểu hiện sốt hoặc ho và khó thở thì không đến trường.
Các trường cũng không được tổ chức các hoạt động tập trung đông người như: chào cờ đầu tuần. Bố trí nước uống đầy đủ, đảm bảo vệ sinh, khuyến khích học sinh mang theo bình nước cá nhân để đựng nước uống.
Cùng chung tâm trạng với các thầy cô, nhiều phụ huynh cũng rất lo lắng khi để con em trở lại trường trong những ngày dịch bệnh như thế này.
Nhiều trường hợp đã chủ động xin cho con nghi học ở nhà để ôn tập bài vở qua mạng trực tuyến.
TẤN TÀI
Theo giaoduc.net
An Giang đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh Sáng nay 2-3, tất cả 52 trường THPT (49 trường công lập, 3 trường tư thục) với 49.143 học sinh (HS) và học viên các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh An Giang bắt đầu học trở lại sau thời gian nghỉ để phòng, chống dịch bệnh Covid-19....