Ngành Giáo dục Hà Tĩnh căng mình trước “cơn bão” thực phẩm bẩn
Trước cơn bão thực phẩm bẩn, bữa ăn học đường luôn là nỗi lo canh cánh của nhiều bậc phụ huynh. Ngành GD&ĐT Hà Tĩnh đã kịp thời chỉ đạo các phòng giáo dục, nhà trường siết chặt công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP).
Siết chặt công tác ATVSTP trong trường học
Nhằm tăng cường kiểm tra, giám sát bếp ăn bán trú ở các trường học, từ ngày 14/3/2019 đến nay, Chi cục ATVSTP tỉnh Hà Tĩnh đã tiến hành kiểm tra 9 trường mầm non và tiểu học ở TP Hà Tĩnh và huyện Cẩm Xuyên.
“Qua kiểm tra các bếp ăn ở các trường học đều đảm bảo về cơ sở vật chất, vệ sinh sạch sẽ, sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; các cô nuôi đều được đào tạo. Thời gian tới, đoàn kiểm tra của Chi cục tiếp tục tiến hành kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo ATVSTP ở các trường học trên toàn tỉnh và sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm”, ông Võ Tá Thành – Trưởng phòng Thanh tra Chi cục ATVSTP (Sở Y tế Hà Tĩnh) nhấn mạnh.
Đồ dùng dụng cụ ăn uống được rửa sạch và sấy khô sau khi sử dụng tại trường Tiểu học Nam Hà.
Tại thành phố Hà Tĩnh, ngày 18/3, Phòng GD&ĐT thành phố ban hành Công văn 137 về việc tăng cường công tác quản lý chất lượng VSATTP trong các cơ sở giáo dục tổ chức ăn bán trú. Theo đó, yêu cầu các nhà trường, nhóm trẻ độc lập tư thục kiểm soát chặt thực phẩm từ các nhà cung cấp, bảo đảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm sạch, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ổn định.
Công văn cũng yêu cầu các nhà cung cấp phải ký cam kết với nhà trường, nhóm trẻ độc lập tư thục về chất lượng lương thực, thực phẩm cung cấp cho bếp ăn, kiên quyết không để lương thực, thực phẩm không bảo đảm chất lượng lọt vào bếp ăn của trường, nhóm trẻ độc lập tư thục.
Bảng thông báo thực đơn hàng ngày được nhà trường thông báo công khai để phụ huynh theo dõi và kiểm tra.
Trong thời gian qua, Chi cục ATVSTP Hà Tĩnh đã triển khai mô hình điểm bếp ăn tập thể tại 10 trường mầm non trên địa bàn huyện Nghi Xuân và thị xã Kỳ Anh. Đến nay, 100% các trường được chọn làm điểm đã có sổ kiểm thực ba bước và thực hiện việc ghi sổ theo đúng quy định, việc ghi sổ được cập nhật thường xuyên; các bếp ăn được trang bị tủ lạnh lưu mẫu theo đúng quy định, không còn tình trạng dùng chung tủ lạnh lưu mẫu và lưu thực phẩm. Việc tổ chức lưu mẫu được tiến hành thường xuyên và đúng thời gian quy định.
Nhân viên chế biến thực phẩm có kiến thức và thực hành tốt các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm, giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ trong quá trình chế biến; mang mặc các trang phục bảo hộ lao động đầy đủ như: mũ chụp tóc, tạp dề, khẩu trang. Tỷ lệ cán bộ y tế học đường và người trực tiếp chế biến thực phẩm biết cách test nhanh hóa chất xét nghiệm nhanh ATTP đạt 70%.
“Nuôi dưỡng lo hơn nuôi dạy”
Đó là tâm sự chung của nhiều giáo viên tại các trường học tổ chức bán trú trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cô Nguyễn Thị Hiền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hà Huy Tập cho biết: “Phải nói thật, việc ăn uống cho các cháu chúng tôi còn lo lắng hơn cả việc dạy học. Chỉ cần một chút lơ là trong công tác đảm bảo VSATTP thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe các cháu. Vì vậy ngay từ khi tổ chức bán trú, chúng tôi đều lựa chọn những đơn vị có giấy đăng ký kinh doanh rõ ràng và giấy chứng nhận đảm bảo ATVSTP”.
Video đang HOT
Trường Mầm non Hà Huy Tập là một trong số ít trường hiếm hoi trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh chủ động tự cung được nguồn rau. Hiện, nhà trường tận dụng gần 80m2 đất để trồng các loại rau củ quả để chế biến cho học sinh hàng ngày. Các loại rau củ ở đây khá phong phú như: hẹ, dền, mồng tơi, rau cải, cà rốt, rau ngót Nhật Bản….
Trường Mầm non Hà Huy Tập tận dụng quỹ đất tự cung nguồn rau sạch trong bữa ăn.
Do hạn chế quỹ đất nên rất ít trường trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh có vườn rau sạch như thế này. Các trường chủ yếu hợp đồng rau củ với các nhà cung cấp.
Cô Tống Thị Thanh Bình – Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Hà cho hay: “Ngoài hợp đồng các loại thực phẩm như thịt, cá chúng tôi cũng lựa chọn những đơn vị cung cấp rau sạch có uy tín. Trước khi thực phẩm được chuyển từ nhà cung cấp đến bếp ăn đều được kiểm tra mỗi ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường nhà trường sẽ làm biên bản và trả lại ngay”.
Lo ngại trước thông tin về thực phẩm bẩn, nhiều tuần qua, một số ban phụ huynh đã liên tục tổ chức các cuộc kiểm tra bất thường tại các bếp ăn trường học.
Bữa ăn đảm bảo chất lượng trong học đường luôn là vấn đề quan tâm của phụ huynh và nhà trường.
“Đối với những kiểm tra bất thường này phía nhà trường luôn tạo điều kiện tối đa. Bởi đây cũng là kênh thông tin để phụ huynh có thể yên tâm khi gửi con”, cô Bình cho biết thêm.
Bếp ăn tại trường Tiểu học Nam Hà được thiết kế theo nguyên tắc một chiều, vệ sinh sạch sẽ, khô thoáng. Các vật dụng, dụng cụ ăn uống cho học sinh được sấy nóng trước khi sử dụng sơ chế, chế biến thức ăn và thực hiện việc lưu giữ mẫu thức ăn hàng ngày đúng quy định. Nhà trường cũng công khai thực đơn hàng tuần ở bảng tin trước cổng để phụ huynh kiểm tra, giám sát được thuận lợi, rõ ràng hơn.
Chị Trần Thị Lương (Khối phố 1, phường Nam Hà, thành phố Hà Tĩnh) phụ huynh học sinh cho biết: “Nhìn cơ sở bếp ăn sạch sẽ, phụ huynh chúng tôi cũng phần nào yên tâm khi gửi con ăn uống tại đây. Nhất là trong thời gian qua, thông tin về thực phẩm bẩn tràn lan trong nhiều trường học”.
Phượng Vũ
Theo Dân trí
Hà Nội: Trường mua máy test, chủ động nhắn phụ huynh kiểm tra thực phẩm mùa dịch
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi và sán lợn ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh gây xôn xao vừa qua, một số trường học ở Hà Nội chủ động mua máy test thực phẩm hoặc nhắn tin để phụ huynh tham gia giám sát chất lượng an toàn thực phẩm phục vụ bữa ăn của học sinh.
Mời phụ huynh kiểm tra nguồn cấp thực phẩm
"Ban giám hiệu nhà trường kính mời phụ huynh tham gia giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cung cấp cho nhà trường phục vụ ăn trưa cho các con. Thời gian 5h30 vào các buổi sáng trong tuần. Phụ huynh nào có thể bố trí được, xin đăng kí để ban giám hiệu sắp xếp".
Trên đây là tin nhắn của một nhóm phụ huynh, Trường tiểu học Đặng Trần Côn (quận Thanh Xuân) gửi đến các thành viên để chủ động kiểm tra nguồn thực phẩm cho học sinh.
Động thái này khiến nhiều phụ huynh hoan nghênh bởi sau khi thông tin sán lợn ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh và tình hình dịch tả lợn châu Phi đang gây lo lắng cho nhiều gia đình.
Cô Nguyễn Thị Ngân Bình, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) cho biết, trường đang thực hiện theo thực đơn "Bữa ăn học đường" để đảm bảo dinh dưỡng cho các con.
Nhà trường thuê đơn vị nấu bếp gồm 9 người.
"Ngay cả những khi không có dịch, việc quản lý thực phẩm bán trú được nhà trường đặc biệt quan tâm.
Theo đó, tầm 5h30 sáng, thành viên Ban giám hiệu gồm Hiệu trưởng, Hiệu phó, Ban quản lý bán trú và đại diện phụ huynh kiểm tra việc giao nhận thực phẩm. Ngoài ra, còn có thêm đoàn kiểm tra đột xuất trong những thời điểm căng thẳng về dịch dã", cô Bình cho biết.
Bà Chu Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Khương Mai (quận Thanh Xuân) cũng cho hay, nhà trường luôn đặt vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu.
Đặc biệt, không chỉ cán bộ, các thành viên Ban giám hiệu mà nhà trường luôn khuyến khích và mong muốn các phụ huynh giám sát thực phẩm để yên tâm hơn với bữa ăn của trẻ.
Bữa ăn của học sinh tiểu học ở Hà Nội
Trường chủ động mua máy test thực phẩm
Trước nguy cơ dịch bệnh, để tuyệt đối an toàn, Trường Phổ thông Liên cấp Olympia gửi thông báo đến toàn thể phụ huynh học sinh về việc sẽ thay đổi thực đơn từ ngày 11/3 để chuyển sang các thực phẩm khác. Nhà trường cũng mong muốn được thông cảm vì sự thay đổi này.
"Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chế độ dinh dưỡng tốt nhất cho học sinh, cán bộ, giáo viên và nhân viên, bộ phận dinh dưỡng Olympia sẽ thay đổi thực đơn các ngày có món ăn được chế biến từ thịt lợn sang các loại thực phẩm khác như thịt bò hoặc thịt gà hoặc thủy hải sản cho phù hợp.
Thực đơn này bắt đầu áp dụng từ ngày 11 tháng 3 năm 2019 cho đến khi có thông tin hết bệnh dịch", thông báo viết.
Tuy nhiên, một số lãnh đạo nhà trường, Phòng GD&ĐT trên địa bàn Hà Nội cho biết, không "tẩy chay" thịt lợn. Thay vào đó, các đơn vị chủ động mua các thiết bị test thực phẩm trước khi nhận hoặc gia tăng "siết" đầu vào.
Theo hiệu trưởng một trường trên địa bàn quận Hoàng Mai, Phòng GD&ĐT quận chủ trương không tẩy chay thịt lợn nhưng siết chặt nguồn đầu vào.
Nhiều trường ở Hà Nội chủ trương không tẩy chay thịt lợn trong bữa ăn học đường nhưng siết chặt nguồn đầu vào.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân cũng cho hay, không chỉ thời điểm này mà lúc nào, vấn đề an toàn thực phẩm vẫn phải đặt lên hàng đầu.
Hiện tại, Phòng chủ trương không "tẩy chay" thịt lợn bởi có những nguồn lợn sạch vẫn nên tiêu thụ cho bà con nông dân mà các em cũng được cung cấp đủ chất.
Tuy nhiên, đơn vị này yêu cầu các đơn vị giám sát chặt chẽ nguồn hàng. "Bình thường, các trường có một cán bộ ban giám hiệu, một cán bộ y tế và một đại diện phụ huynh tham gia vào quá trình giao nhận thực phẩm, kiểm tra bếp ăn bán trú lấy mẫu lưu kết quả hàng ngày.
Riêng đợt này, trước nguy cơ cao dịch bệnh hoành hành, quận còn tăng cường cả cán bộ phòng chống dịch", ông Hữu khẳng định.
Cũng theo ông Hữu, để chủ động, thậm chí nhiều trường còn tự mua các loại máy test thực phẩm nhanh tại chỗ để giám sát khi giao nhận thực phẩm.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, đơn vị này không khuyến cáo các trường tẩy chay thịt lợn mà yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đầu vào.
Sở cũng đã có các văn bản hướng dẫn, các công văn gửi đến các trường yêu cầu thực hiện nghiêm túc chỉ đạo về vệ sinh an toàn thực phẩm trường học.
Mỹ Hà
Theo Dân trí
Trách nhiệm người đứng đầu Qua hàng loạt sự cố đáng tiếc xảy ra trong ngành giáo dục thời gian gần đây, niềm tin của xã hội dành cho môi trường sư phạm ít nhiều suy giảm. Nhiều gia đình ở Thuận Thành đưa trẻ nhỏ lên Hà Nội xét nghiệm sán heo Sau sự cố liên quan đến thực phẩm bẩn khiến hàng trăm trẻ đang theo...