“Ngành giáo dục chưa biết lắng nghe”
Trong 5 – 7 năm qua, trong và ngoài nước, các ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục, nhưng tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó…”, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình nói.
Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo (GD-ĐT) đã được Hội nghị lần thứ 6 của BCH TƯ Đảng khóa XI thảo luận, cho ý kiến. BCH TƯ cho rằng đây là vấn đề lớn, hệ trọng và phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, do đó cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết, bàn bạc một cách thấu đáo, cẩn trọng, tạo sự thống nhất cao để ban hành nghị quyết vào thời điểm thích hợp. Đầu năm 2013, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, người rất trăn trở về nền giáo dục nước nhà, đã trao đổi với PV về vấn đề này.
- PV: Vừa qua Hội nghị TƯ 6 chưa thông qua Đề án Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Theo bà, đề án này cần tiếp tục hoàn thiện thêm những nội dung gì để được kỳ vọng về đổi mới giáo dục hiện nay?
Bà Nguyễn Thị Bình: Vừa rồi đề án chưa được thông qua, chứng tỏ sự chuẩn bị chưa tốt. Tôi cũng tham gia đóng góp ý kiến cho đề án nhưng có nhiều nội dung đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học chưa được tiếp thu đầy đủ. Trong xây dựng đất nước, lĩnh vực nào cũng quan trọng, có nhiều điều mới mẻ nên còn nhiều khó khăn. Nhưng điều quan trọng là người lãnh đạo phải khách quan, phải biết lắng nghe. Tôi cho là ngành giáo dục hiện nay không biết lắng nghe.
Trong 5 – 7 năm qua, trong và ngoài nước, các ý kiến đóng góp rất nhiều cho giáo dục, tất nhiên trong đó có những ý kiến không phù hợp nhưng ý kiến tốt rất nhiều. Nhưng tôi thấy lãnh đạo ngành giáo dục không tiếp nhận các ý kiến đó. Lĩnh vực giáo dục rất khó, là vấn đề khoa học tổng hợp về con người, tự nhiên, xã hội, cho nên càng phải có sự nghiên cứu nghiêm chỉnh và phải biết lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, nhà giáo dục. Nhưng hiện nay, khuyết điểm là chúng ta chưa huy động được trí tuệ tập thể, chưa lắng nghe nhiều. Tôi mong sắp tới phải giải quyết được điều này.
Đề án đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục phải là trí tuệ tập thể của đất nước chứ không phải chỉ của ngành giáo dục. Thậm chí, chỉ vài đồng chí phụ trách đề án này là không được đâu. Giáo dục nhằm đào tạo ra một lớp người toàn diện nên một ngành không thể nghĩ ra hết. Thế nên, tới đây phải biết huy động trí tuệ của tập thể thì chúng ta mới làm được. Tôi cho vấn đề giáo dục bức xúc lắm rồi, nó quyết định hết tất cả, vì thế cần phải cấp bách đổi mới.
Một vấn đề xã hội nhức nhối vừa qua là nhiều thanh niên vướng vào tệ nạn xã hội chẳng hạn. Vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân từ giáo dục. Không phải chúng ta quy tất cả nguyên nhân cho nhà trường, nhưng phải thấy tất cả trẻ em đều qua nhà trường, qua ngành giáo dục. Dĩ nhiên, ở đây gia đình cũng có vấn đề do không quan tâm con em đầy đủ. Đổi mới giáo dục phải giải quyết được những vấn đề này.
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình
Video đang HOT
- Theo bà, có nên thành lập ủy ban cải cách giáo dục?
Trong tình hình hiện nay theo tôi phải có một ủy ban chỉ đạo vấn đề cải cách giáo dục. Ủy ban này không chỉ có ngành giáo dục mà phải có cả các nhà khoa học, nhà giáo dục trong và ngoài ngành để nghiên cứu một đề án tổng thể cả về giáo dục phổ thông, dạy nghề, giáo dục đại học. Đề án này phải được trình ra Trung ương, ra Quốc hội, với sự tham gia của các nhà chuyên môn, với những quan điểm đổi mới giáo dục rõ ràng. Phải hết sức quyết tâm, còn nếu cứ lơ mơ thế này rất khó thành công. Cần hiểu rằng, giáo dục chậm 1 năm là đất nước trễ hàng chục năm, ảnh hưởng đến cả một lớp người. Tôi rất quan tâm đến đề án này và mong đề án sớm được xây dựng một cách hoàn thiện. Tôi cũng mong muốn xã hội quan tâm hơn nữa đến giáo dục. Xã hội phải thấy giáo dục quyết định sự phát triển của chúng ta về tất cả các mặt.
- Lần này, bà mong muốn cải cách giáo dục Việt Nam theo hướng nào?
Trước đây, nhiệm vụ độc lập, giải phóng đất nước là mục tiêu, mọi người đều theo hướng đó. Ngày nay, với nhiệm vụ phát triển, từng người phải phát triển tiềm năng của mình. Những tiềm năng đó sẽ được phát huy trong từng lĩnh vực, giúp tạo ra những sản phẩm một cách sáng tạo hơn, khoa học hơn. Chúng ta phải hình thành ra những lớp người tự chủ thì mới có một đất nước tự chủ. Tôi muốn giáo dục sẽ đổi mới theo hướng làm cho lớp thanh niên của Việt Nam có tự chủ. Con người tự chủ để xây dựng một đất nước tự chủ, chứ không thụ động. Còn hiện nay, giáo dục của chúng ta còn quá thụ động, chưa tự chủ.
Theo Phan Thảo (Sài Gòn giải phóng)
Nghịch lý thiếu giáo viên ở các huyện miền núi
Hàng trăm sinh viên tốt nghiệp đại học theo diện cử tuyển ra trường vẫn chưa được bố trí việc làm. Trong khi đó, tại các huyện Mường Lát, Quan Hóa của tỉnh Thanh Hóathì tình trạng thiếu giáo viên đang trở nên trầm trọng.
Theo quy định mới của tỉnh Thanh Hóa, yêu cầu các đơn vị trực thuộc chưa được phép tuyển dụng hoặc hợp đồng giáo viên (GV) để thực hiện việc điều động, cân đối đội ngũ cán bộ quản lý và GV trên phạm vi toàn tỉnh.
Nhiều học sinh ở các huyện miền núi có nguy cơ không được đến trường vì tình trạng thiếu giáo viên.
Tại huyện Mường Lát hiện tại huyện này có 40 con em đồng bào dân tộc trong huyện đi học theo diện cử tuyển đã tốt nghiệp ra trường. Đó là chưa kể hàng chục sinh viên theo học các ngành khác nhau ra trường vẫn chưa được bố trí việc làm.
Ông Lương Văn Bường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, huyện Mường Lát còn thiếu gần 200 GV, trong đó có 74 GV bậc mầm non; riêng bậc Tiểu học thiếu 120 GV, trong đó GV văn hoá thiếu 40 người, còn lại là GV đặc thù; đối với bậc THCS còn thiếu 25 GV.
Cũng theo ông Bường, từ năm 2010 đến nay, tỉnh Thanh Hoá có văn bản chỉ đạo không được tuyển và hợp đồng mới GV. Đặc biệt năm 2012 có chỉ tiêu nhưng không được tuyển. Tỉnh Thanh Hoá có chủ trương đưa GV miền xuôi lên theo diện bố trí, sắp xếp lại GV dôi dư nhưng nhiều GV không lên do điều kiện khó khăn.
Việc thiếu GV đã gây ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương. Cấp Tiểu học phải học 2 ca/ngày, GV vừa thiếu, số còn lại phải vất vả hơn trong công tác giảng dạy.
Điều kiện kinh tế khó khăn cũng ảnh hưởng đến chất lượng học của các em học sinh miền núi.
"Mới đây, UBND tỉnh Thanh Hoá giao cho Sở Nội vụ phối hợp với Sở GD-ĐT kiểm tra và báo cáo UBND tỉnh. Đây là vấn đề bức xúc ở địa phương. Riêng bậc học mầm non nếu thấy cần thiết chúng tôi sẽ hợp đồng, không để học sinh (HS) không được đến lớp", ông Bường nhấn mạnh.
Còn tại huyện Quan Hóa thì tình trạng trên cũng tương tự. Từ năm 2005 - 2011 huyện Quan Hóa có hơn 140 em tốt nghiệp ngành Sư phạm theo diện đi học cử tuyển nhưng cho đến nay cũng mới chỉ sắp xếp công việc được 18 trường hợp. Trong khi đó, huyện Quan Hóa đang thiếu 60 GV mầm non nếu căn cứ theo tình hình thực tế; cấp Tiểu học thiếu 47 GV; cấp THCS thiếu 24 GV.
Theo đánh giá của chính quyền địa phương, chỉ đạo của tỉnh Thanh Hóa trong việc tạm dừng tuyển dụng, hợp đồng GV là cần thiết đối với tình trạng chung của Thanh Hóa. Tuy nhiên, với các huyện vùng cao khó khăn như Mường Lát và Quan Hóa với những đặc điểm kinh tế - xã hội đặc biệt, quy định trên lại đang gây ra những khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh miền núi.
Do đặc điểm dân cư cư trú phân tán trên địa hình phức tạp ở vùng cao nên lớp học tại vùng cao hầu hết không đáp ứng được yêu cầu về sĩ số của tỉnh Thanh Hóa. Như tại Quan Hóa, chỉ tiêu của tỉnh Thanh Hóa là 30 HS/lớp (bậc Trung học cơ sở) thì Quan Hóa chỉ đáp ứng được ở mức 25 HS/lớp; bậc tiểu học quy định 20 HS/lớp thì Quan Hóa chỉ đáp ứng được 14 HS/lớp.
Huyện Quan Hóa có 258 lớp Tiểu học thì có tới 110 lớp ghép hai trình độ. Đặc biệt có nơi dù là lớp ghép hai trình độ song cũng chỉ đạt được 6-8 HS/lớp ghép, như tại bản En (xã Phú Thanh), bản Giá (xã Thanh Xuân). Chính vì vậy, việc bắt buộc phải phân chia GV ra các vùng nhỏ lẻ cũng tác động lớn đến tình trạng thiếu GV ở các huyện vùng cao Thanh Hóa.
Ông Phạm Anh Toàn, Phó phòng GD-ĐT huyện Quan Hoá cho biết: "Thực hiện các quyết định của UBND tỉnh Thanh Hóa, huyện Quan Hoá đang cố gắng bố trí, sắp xếp không để bản nào trắng GV mầm non. Tuy nhiên căn cứ vào tình hình thực tế thì vấn đề thiếu GV đang gây nhiều khó khăn cho địa phương. Hiện con em địa phương ra trường mới bố trí được khoảng 40% vào công tác trong ngành, còn lại Phòng cũng đã báo cáo cấp trên để có hướng xử lý".
Việc thiếu giáo viên đã gây không ít khó khăn cho ngành giáo dục của các địa phương miền núi.
Từ nhu cầu thực tế, năm học 2011-2012, huyện Mường Lát đã tuyển dụng tạm thời 50 GV. Tuy nhiên, do tỉnh ra quy định cấm tuyển dụng, hợp đồng GV trong năm học 2012 - 2013 nên số giáo viên này đã phải nghỉ dạy, làm tăng tình trạng thiếu GV trên địa bàn huyện. Trong khi đó vẫn chưa có GV mới nào được điều động từ các huyện khác lên cho Mường Lát.
Nghịch lý vấn đề GV ở các huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đang khiến nhiều HS có nguy cơ không được đến trường vì không có GV
Duy Tuyên
Theo dân trí
Về "làng tiến sĩ" ở xứ Thanh Làng Trung Điền, xã Nga Trường, huyện Nga Sơn nổi tiếng ở Thanh Hóa về phong trào học tập, khuyến học khuyến tài. Đến nay, cả làng có 5 tiến sĩ, 19 thạc sĩ và 66 cử nhân. Con số này không dừng lại ở đó mà mỗi năm một tăng lên... "Làng giáo" Làng Trung Điền có 312 hộ với 1100 nhân...