Ngành Công nghệ thực phẩm: lựa chọn cho tương lai vững vàng.
Được xem là một trong những ngành học có tính ứng dụng cao và đa dạng, nhất là trong cuộc sống hiện đại, ngành Công nghệ thực phẩm đã có sức hấp dẫn đặc biệt đối với giới trẻ trong những năm gần đây.
Ngành học giàu tiềm năng
Với dân số trên 86 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình khoảng 7,5%/năm, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam đối với thực phẩm chế biến ngày càng lớn và phong phú, đặc biệt là nhu cầu về các sản phẩm sạch được chế biến an toàn và tinh tế. Ngoài những ngành kinh tế kỹ thuật chính: rượu – bia – nước giải khát; chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; chế biến bột và tinh bột;… lĩnh vực thực phẩm của nước ta đang ngày càng mở rộng để phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu.
96% sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tìm được việc làm phù hợp ngay sau khi tốt nghiệp
Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu sản phẩm nông sản nhưng các dòng sản phẩm chế biến sẵn vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Nguyên nhân chính là do chênh lệch về trình độ công nghệ, trang thiết bị và nhân lực. Nước ta đang thực sự thiếu những người lao động có trình độ chuyên môn và tay nghề vững vàng trong lĩnh vực thực phẩm. Đó là khó khăn của nền kinh tế nhưng cũng chính là cơ hội để các kỹ sư Công nghệ thực phẩm chớp lấy và thành công. Vì vậy, học ngành Công nghệ thực phẩm cũng đồng nghĩa với việc bạn đã chọn cho mình một mảnh đất vô cùng “màu mỡ” để khai thác và thể hiện bản thân.
Cơ hội nghề nghiệp đa dạng
Ứng dụng của Công nghệ thực phẩm là vô cùng đa dạng, vì tất cả những gì liên quan đến đồ ăn thức uống, an toàn thực phẩm đều có thể ứng dụng kiến thức ngành học này. Xuất phát từ nhu cầu thực tế, sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm được trang bị kiến thức, kỹ năng về nhiều lĩnh vực như: Phân tích thực phẩm, Vệ sinh an toàn thực phẩm, Công nghệ sản xuất rượu bia – nước giải khát, Công nghệ chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa, Bảo quản và chế biến thủy sản, Bảo quản và chế biến rau quả, Chế biến trà – cà phê – ca cao,… Sự đa dạng của ngành nghề chính là lợi thế để các bạn tìm cho mình một công việc thích hợp sau khi ra trường.
Video đang HOT
TS.GVC. Nguyễn Lệ Hà hướng dẫn sinh viên thực hành tại phòng thí nghiệm HUTECH với những trang thiết bị tiên tiến nhất hiện nay
TS.GVC. Nguyễn Lệ Hà – Phó trưởng khoa Công nghệ sinh học – Thực phẩm – Môi trường của Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) cho biết: “Công nghệ thực phẩm là ngành học gắn liền với thị trường lao động và hứa hẹn nhiều cơ hội nghề nghiệp đa dạng. Bên cạnh việc được đào tạo bài bản về lý thuyết, sinh viên HUTECH được thường xuyên thực hành trong phòng thí nghiệm, tập làm quen với công việc phân tích thực phẩm, đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm và thực hiện các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm. Đặc biệt, các phòng thí nghiệm mở của trường cho phép sinh viên đến thực hành, nghiên cứu vào bất cứ khi nào. Nhờ đó, điểm khác biệt của sinh viên Công nghệ thực phẩm HUTECH là sau khi ra trường các bạn có thể làm việc ngay tại các xí nghiệp mà không cảm thấy bỡ ngỡ”.
Đón đầu xu thế hội nhập
Đạt 20% PIB (tổng sản lượng nội địa), xếp thứ hai trong ba nhóm ngành dẫn đầu về nhu cầu nhân lực giai đoạn 2015-2020, Công nghệ thực phẩm đang khẳng định vị thế của mình trong nền kinh tế Việt Nam. Hơn nữa, cùng với xu hướng hội nhập, ngành này đã mở rộng và đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhiều doanh nghiệp thực phẩm liên tục được xây dựng, đầu tư để đa dạng hóa chủng loại và chất lượng sản phẩm. Do vậy, thị trường lao động luôn có những vị trí tuyển dụng thích hợp để “chào mời” và làm hài lòng các kỹ sư Công nghệ thực phẩm.
Ngoài học tập, sinh viên HUTECH còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa thú vị, bổ ích
Trần Công Thắng, sinh viên năm cuối ngành Công nghệ thực phẩm HUTECH, chia sẻ: “Mình đã chọn học ngành Công nghệ thực phẩm vì mong muốn sau khi ra trường sẽ dễ tìm việc làm và có thu nhập ổn định. Tại HUTECH, ngoài học tập chuyên môn sinh viên còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động đội nhóm và sinh hoạt học thuật rất thú vị. Hiện tại, mình đang thực tập tại Công ty Thủy Hai San Sai Gon và rất hài lòng về lựa chọn của bản thân”.
Bộ Công thương đã xếp Công nghiệp thực phẩm vào nhóm ngành đang có lợi thế cạnh tranh và cùng với đà phát triển mạnh mẽ như hiện nay, đây sẽ là một ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, tương lai của các kỹ sư Công nghệ thực phẩm tài giỏi và đam mê với nghề sẽ không chỉ được đảm bảo ở sự vững vàng mà chắc chắn sẽ ngày càng vươn xa hơn.
Theo TTVN
Bất ngờ khi đỗ thủ khoa khối thi không phải thế mạnh
Đỗ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM với số điểm 26,5 thi khối A vào ngành Công nghệ Thực phẩm, cô gái nhỏ nhắn, vốn ít nói Võ Thùy Phương Ngân là niềm tự hào của gia đình và nhà trường. Được biết, khối B mới là sở trường của Ngân.
Cô học trò Phương Ngân không bất ngờ với số điểm của mình nhưng việc đỗ thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là điều em chưa hề nghĩ đến. Bởi bắt đầu vào năm học 12, Ngân dành nhiều thời gian cho các môn thi đại học, đặc biệt là khối B. Theo Ngân, "ước mơ từ thuở bé của em là trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Nhưng từ khi vào cấp 3, tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực y học thì em mới thấy mình hợp với ngành Dược sĩ hơn".
Võ Thùy Phương Ngân - thủ khoa Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM năm 2013.
Phương Ngân chia sẻ rằng ngoài khối B, em chọn thi thêm khối A vào ngành Công nghệ Thực phẩm vì rất thích môn hóa học. Nếu như Hóa học và Toán là hai môn được đầu tư nhiều thì Vật lý không phải là thế mạnh của Ngân. Thi môn Hóa đạt 10 điểm, trong khi toán có chút tiếc nuối vì sai sót nên đạt điểm 9, Vật lý thì đạt 7,5 điểm. Ngân cho biết: "Trong kỳ thi em bị áp lực môn Vật lý. Em không đầu tư nhiều lắm cho môn này, em nhớ chỉ còn 15 phút nữa là hết giờ mà còn tới 20 câu chưa chọn".
Là học sinh chuyên hóa của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, Phương Ngân là một trong những học sinh xuất sắc. Thành tích thời kỳ học phổ thông của Ngân cũng rất đáng nể: đạt giải Bạc kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 môn sinh học ở năm học lớp 10, 11. Đạt giải nhì cấp thành phố môn Hóa học lớp 11. Sang năm học lớp 12, Ngân thi cả hai môn Sinh học và Hóa học và đạt giải nhất cấp thành phố. Bên cạnh đó, Thùy Ngân còn xuất sắc đạt danh hiệu học giỏi 12 năm liền.
Thủ khoa Phương Ngân cho biết em dành nhiều thời gian để học và làm bài tập.
Thành tích học tập đáng nể là thế, nhưng theo Ngân thì cô bạn không có bí quyết học tập gì đặc biệt và cũng không phải là dân "mọt sách". Thời gian học tập của Ngân khá quy cũ, bắt đầu học từ 8g tối đến hơn 11 giờ tối; hôm nào bài vở nhiều, vào kỳ thi thì Ngân dậy lúc 5 giờ sáng để học.
Thùy Ngân rất thích đọc truyện ngắn, tiểu thuyết, thời gian còn lại thì xem ti vi, đọc thông tin trên mạng. Từ năm lớp 12, Ngân bắt đầu tìm tòi tài liệu và ôn thi trên internet và theo cô bạn thì đó là một kênh rất tiện ích và hiệu quả.
Thùy Ngân rất tự giác trong việc học của mình, không đợi ai nhắc nhở. Ở lớp thì chăm chú nghe thầy cô giảng bài, điều gì không rõ thì hỏi ngay thầy cô và bạn bè. Về nhà thì chủ yếu làm bài tập trong sách giáo khoa và bài tập nâng cao.
Không những thế, Thùy Ngân đặc biệt có năng khiếu ở môn vẽ và cờ vua. Chú Võ Văn Phương - bố Ngân cho biết: "Ngay từ bé Ngân đã có năng khiếu vẽ. Ngoài giờ học ra, em còn vẽ rất nhiều. Lúc ấy gia đình cứ nghĩ sau này em sẽ theo ngành mỹ thuật hay kiến trúc gì đó. Năm lớp 2, Ngân còn đạt giải nhất cấp quận ở bộ môn cờ vua".
Thủ khoa Phương Ngân và bố.
Ngân có người anh trai là sinh viên năm 3 trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Bố Ngân giờ đang làm bảo trì, sửa chữa trang thiết bị tại một trường học là trụ cột kinh tế gia đình. Mẹ làm việc tại một trường mầm non nhưng sau một tai nạn bị đứt dây chằng chân nên đã nghỉ làm và hiện đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
"Ngân là cô bé ngoan hiền, vốn ít nói, cũng hơn nhút nhát nhưng rất nghiêm túc và cứng rắn theo đuổi mục tiêu học tập hay quyết định của mình. Trong việc lựa chọn ngành học là quyết định của Ngân, gia đình không có can thiệp gì và rất ủng hộ sở thích của em. Con cái chăm chỉ học hành làm gia đình vui lòng, chỉ mong con thực hiện được ước mơ của mình. Sau này có ngành nghề rồi cuộc sống tốt hơn", bố Ngân chia sẻ.
Quốc Anh - Lê Phươnng
Theo dân trí