Ngành bị đình chỉ, vẫn tuyển sinh
Dù Bộ GD-ĐT đã đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với một số ngành do không có giảng viên cơ hữu trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao nhưng các trường vẫn tuyển.
Kết luận kiểm tra việc thực hiện cam kết thành lập trường ĐH năm 2011 của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký ngày 29-12-2011, nêu kết luận đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với 12 ngành học thuộc 4 trường ĐH. Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện 2 trường trong số đó là ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và ĐH Nguyễn Trãi vẫn tuyển sinh những ngành đã đình chỉ.
Tuyển cả hệ ĐH lẫn CĐ
Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng bị đình chỉ tuyển sinh 2 ngành là quản trị kinh doanh và kế toán nhưng vẫn thông báo tuyển sinh ĐH-CĐ chính quy năm 2012, bao gồm: 1.200 chỉ tiêu hệ ĐH và 500 chỉ tiêu hệ CĐ. Trong đó, 2 ngành học quản trị kinh doanh và ngành kế toán vẫn tuyển sinh mà tuyển đến 4 khối, cả hệ ĐH và CĐ.
Theo kết luận kiểm tra của Bộ GD-ĐT, 2 ngành quản trị kinh doanh và kế toán bị đình chỉ tuyển sinh do không có giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao. Riêng tỉ lệ sinh viên cơ hữu/giảng viên của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng gấp đôi quy định cho phép (53,4 sinh viên/giảng viên). Theo tài liệu ba công khai của trường, đến thời điểm này, số lượng giảng viên của khoa kinh tế là 25, gồm 5 thạc sĩ, 20 cử nhân, không có tiến sĩ.
Bộ GD-ĐT cũng đình chỉ tuyển sinh 2 ngành là kỹ thuật xây dựng công trình và kinh tế của Trường ĐH Nguyễn Trãi do chưa có giảng viên cơ hữu có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Đến thời điểm tiến hành kiểm tra, trường này mới chỉ có 55 giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn; cơ sở vật chất chưa có, phải thuê mướn. Dù vậy, trường ĐH này cũng tiếp tục thông báo tuyển sinh năm 2012 với 800 chỉ tiêu. Trong đó, có ngành kỹ thuật xây dựng công trình (tuyển sinh khối A, A1, V) – ngành học đã có tên trong danh sách bị đình chỉ.
Video đang HOT
Dù đã bị đình chỉ tuyển sinh 2 ngành quản trị kinh doanh và kế toán nhưng Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng vẫn thông báo tuyển sinh 2 ngành này trong kỳ tuyển sinh 2012
Tréo ngoe chuyện dừng-tuyển
Khi chúng tôi liên lạc qua số điện thoại kèm với thông báo tuyển sinh đăng ở trên website của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng và thắc mắc vì sao 2 ngành học đã bị đình chỉ mà trường vẫn tuyển, ông Phạm Ngọc Đông, Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, xác nhận trường bị đình chỉ 2 ngành trên nhưng trường đã làm hồ sơ xin phép Bộ GD-ĐT cho tuyển lại. “Vấn đề cụ thể tôi không rõ, tôi chỉ biết là trường vẫn thông báo tuyển sinh 2 ngành trên”- ông Đông nói.
Còn ông Trần Văn Tuyến, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Trãi, cho biết trường ĐH này được Bộ GD-ĐT cho phép mở ngành kỹ thuật xây dựng vào tháng 10-2011 nhưng đến tháng 12-2011, bộ kiểm tra và kết luận đình chỉ trong khi ngành học này chưa hoạt động, chưa tuyển sinh. Ông Tuyến cho rằng có sự không ăn khớp trong quá trình kiểm tra và xử lý đình chỉ ngành học này. Do đó, trường đã làm đơn báo cáo lại sự việc với bộ. Do hoàn cảnh như vậy nên trường vẫn thông báo tuyển trong khi chờ phản hồi của bộ.
Liệu có triệt để?
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những ngành học đã bị đình chỉ của các trường đều là những ngành học mang tính sống còn, nếu bị đình chỉ tuyển sinh thì các trường này sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu đã đăng ký. Do vậy, các trường đã tìm cách xin phép bộ cho tuyển sinh lại. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn (2 tháng rưỡi) mà từ việc bị đình chỉ, các trường lại nhanh chóng được phép tuyển sinh năm 2012 như công bố chính thức của các trường là điều lạ lùng.
Với tiền lệ này, việc kiểm tra, xử lý đối với các trường vi phạm liệu có triệt để, có chính xác và có giá trị? Liệu thí sinh trúng tuyển vào học những ngành học đã có kết luận là không đủ điều kiện như cam kết thành lập trường: giảng viên cơ hữu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ không có, tỉ lệ sinh viên/giảng viên cao… thì chất lượng đào tạo sẽ ra sao?
12 ngành học bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 Theo kết luận kiểm tra thực hiện cam kết thành lập trường ĐH năm 2011, 12 ngành bị đình chỉ tuyển sinh năm 2012 là kỹ thuật xây dựng công trình, tiếng Anh, tiếng Trung và Việt Nam học (Trường ĐH Chu Văn An), công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ thực phẩm, bảo vệ thực vật, khoa học thư viện (Trường ĐH Lương Thế Vinh), kỹ thuật xây dựng công trình, kinh tế (Trường ĐH Nguyễn Trãi ), kế toán, quản trị kinh doanh (Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng).
Theo NLĐO
3 trường bị đình chỉ không 'tâm phục'!
Việc Bộ GD - ĐT đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với ĐH Văn Hiến, ĐH Đông Đô và CĐ Công nghệ Thông tin TP HCM, theo lãnh đạo các trường cần công bằng và khách quan hơn.
Ông Nguyễn Minh Đức, Chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM, tỏ ra bức xúc: "Chúng tôi rất chia sẻ và ủng hộ việc làm của Bộ GD-ĐT để chấn chỉnh lại mặt bằng chung tại các trường ĐH. Tuy nhiên, phải có cách đánh giá công bằng và khách quan hơn bởi chúng tôi có thể tự hào là điều kiện CSVC hơn hẳn nhiều trường khác như ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Kiến Trúc...".
Bằng mặt nhưng không bằng lòng
PGS.TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thông tin TP.HCM, cho biết: "Thực tế chúng tôi đã biết được điểm yếu của mình về diện tích đất cũng như đội ngũ giáo viên (diện tích 0,3ha, SV/GV là 84,5 -PV). Chính vì vậy, tại buổi thanh tra do Bộ GD-ĐT tiến hành tại trường, chúng tôi đã thẳng thắn thừa nhận những yếu điểm của mình; đồng thời cũng có cam kết sẽ đảm bảo những yêu cầu sớm nhất trong năm nay. Cụ thể, trường đang xây dựng thêm một cơ sở mới với diện tích 3.500m2 gồm 8 lầu sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 7.2012. Bên cạnh đó, trường cũng đã đưa ra nhiều chính sách &'chiêu hiền đãi sĩ' để tuyển dụng đội ngũ GV. Do vậy, đội ngũ GV cơ hữu của chúng tôi hiện là 140 người chứ không phải 76 người như báo cáo đã công bố trước đó". Ông Đức cũng cho rằng: "Trước mắt, năm 2012, chúng tôi sẽ tuân theo quy định của Bộ là sẽ dừng tuyển sinh và sẽ củng cố những yêu cầu đã cam kết như diện tích sàn, tỉ lệ giảng viên".
Nếu như CĐ Công nghệ Thông tin TP HCM chấp nhận dừng tuyển sinh năm 2012 để củng cố "nội lực" thì tại ĐH Văn Hiến, BGH nhà trường tỏ ra không đồng tình với quyết định này. Ông Nguyễn Mộng Hùng, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: "Trường chúng tôi đang làm báo cáo gửi về Bộ GD-ĐT để kiến nghị Bộ cân nhắc quyết định buộc trường phải dừng tuyển sinh trong năm 2012".
Ủng hộ, nhưng...băn khoăn
Sáng 3/1/2012, tại Trường ĐH Đông Đô, ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Chủ tịch HĐQT lâm thời của trường, thừa nhận việc kiểm tra thực hiện cam kết thành lập trường ĐH năm 2011 của Bộ GD-ĐT là có quy trình và đúng quy định.
Lý giải về việc trường chưa có đất, ông Thanh Tĩnh cho biết lãnh đạo trường các nhiệm kỳ trước đã xin thành phố Hà Nội giao đất để xây dựng trường. Năm 2004, trường được giao 18.000m2 đất ở xã Mỹ Đình (huyện Từ Liêm). Tuy nhiên, sau đó, Công ty Giống cây trồng thuộc Bộ Y tế cho rằng trước đây họ đã xây dựng khu đất này. Vì thế đến này, Trường ĐH Đông Đô không thể khởi công xây dựng.
Khi đề cập đến số liệu cán bộ, giảng viên của trường trong kết luận của Bộ GD-ĐT, ông Tĩnh cho rằng "không chính xác". "Thời điểm kiểm tra, số lượng sinh viên chúng tôi có là 3.612, nhưng trong văn bản kết luận của Bộ lại lấy số liệu của năm 2010 là 4.276 SV. Trường có 77 giảng viên cơ hữu và 42 giảng viên hợp đồng dài hạn, nhưng kết luận chỉ nói 77 giảng viên cơ hữu; trong khi các trường khác thì Bộ tính số SV/giảng viên cơ hữu và hợp đồng dài hạn. Như vậy đã đẩy số SV/giảng viên cơ hữu của trường lên rất cao 55.5 SV/giảng viên".
Nói về cách khắc phục các bất cập sau khi Bộ thanh tra, ông Thanh Tĩnh cho biết trường vừa giải quyết cho 50 cán bộ công nhân viên nghỉ việc theo chế độ tự nguyện; đã tuyển thêm được 1 PGS.TS, 1 TS, 1 ThS cho ngành Quan hệ quốc tế, Kiến trúc, Điện tử viễn thông; thời gian tới sẽ tiếp tục tuyển thêm cán bộ, giảng viên cơ hữu. Lãnh đạo trường tiếp tục đề nghị UBND TP.HN giao đất để xây dựng trường; đồng thời xúc tiến tìm mua đất ở vị trí phù hợp. Hiện trường đang tìm được 2 khu có thể mua để xây trường ở Hà Nội (huyện Đông Anh và Chương Mỹ) .
Theo TTO
Nhiều trường ĐH lớn bị đình chỉ tuyển sinh Bộ GD-ĐT vừa có kết luận đình chỉ tuyển sinh năm 2012 đối với Trường ĐH Văn Hiến (TPHCM), Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội) và Trường CĐ Công nghệ thông tin TPHCM cùng 12 ngành học của 4 trường ĐH là ĐH Chu Văn An, Trường ĐH Lương Thế Vinh, Trường ĐH Nguyễn Trãi và Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Kết...