Ngán ngẩm vì các thảm họa mới của phim Việt
Một trong những ứng cử viên “sáng giá” cho ngôi vị quán quân “ Phim thảm hoạ của Việt Nam” là “ Hello cô Ba” có mặt tại LHP quốc gia năm nay. .
LHP Việt Nam lần thứ 18 diễn ra tại Hạ Long (Quảng Ninh) từ ngày 11 đến 15/10 với khẩu hiệu: “Điện ảnh Việt Nam – Dân tộc, nhân văn, sáng tạo, hội nhập”. Tiêu chí của LHP lần này là hướng đến các tác phẩm điện ảnh mang đậm bản sắc dân tộc, nội dung tư tưởng giàu tính nhân văn, nghệ thuật thể hiện sáng tạo, mới mẻ, chủ động hội nhập quốc tế hiệu quả. nhưng có đến gần một nửa trong danh sách 23 phim truyện nhựa tham gia LHP lần này “đóng mác” phim thảm họa.
Hello cô Ba
Một trong những ứng cử viên “sáng giá” cho ngôi vị quán quân “Phim thảm hoạ của Việt Nam” là Hello cô Ba có mặt tại LHP quốc gia năm nay. Công thức hài nhảm và tận dụng một dàn diễn viên tên tuổi: Hoài Linh, Kim Thư, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Phi Nhung, NSƯT Việt Anh… để câu khách là công thức chưa bao giờ “nguội” của hãng Phước Sang. Hầu như năm nào cũng thế, các phim Tết của Phước Sang luôn được xếp vào danh sách “thảm hoạ điện ảnh”. Nhưng nghịch lý là các phim của họ luôn có doanh thu cao chót vót. Theo thống kê sau mùa phim Tết 2012,Hello cô Ba là phim “bội thu” nhất với doanh thu lên tới trên dưới 25 tỷ đồng.
Hoài Linh xuất hiện với những màn giả gái quen thuộc.
Trong phim này yếu tố gây hài đặt lên hàng đầu nhưng là kiểu “cù lét” khán giả bằng cách cho nhân vật có những hành động ngốc nghếch có thể, sự hốt hoảng, la hét luôn thường trực trên gương mặt từng diễn viên. Hoài Linh được xem là “con át chủ bài” của phim với nhiều màn giả gái thái quá. Nhưng đó vẫn chỉ là những mảng miếng hài cũ kỹ, quen thuộc được Hoài Linh “xào nấu” lại. Bối cảnh thì được chọn qua loa. Nói không quá, chẳng có sự đầu tư nào cho bộ phim ngoài tiền cát-xê trả diễn viên.
Kim Thư và Hiếu Hiền trong một cảnh phim.
Công Hậu được biết đến gần 30 năm nay với hàng trăm phim trên cương vị diễn viên. Bộ phim đầu tay của anh với cương vị đạo diễn mang tên Giấc mộng giàu sang lại làm khán giả lắc đầu ngao ngán.
Một cảnh trong Giấc mộng giàu sang.
Bộ phim được đạo diễn Công Hậu làm để hướng đến khán giả bình dân nhưng lại bình dân đến mức quá cẩu thả. Nội dung phim thiếu chặt chẽ, các tình tiết lỏng lẻo. Bị các cụm rạp lớn từ chối phát hành, Giấc mộng giàu sang chỉ được sắp lịch chiếu ở một số rạp nhỏ. Không có gì phải ngạc nhiên khi khán giả “tặng” danh hiệu thảm hoạ cho Giấc mộng giàu sang.
Minh Béo vào vai Út gầy.
Video đang HOT
Ranh giới trắng đen thuộc thể loại phim hành động, phản ánh mối quan hệ xã hội và tình cảm của con người với nhau. Phim xoay quanh hành trình giải cứu em gái khỏi nhóm xã hội đen của Tâm ( Võ Thành Tâm đóng). Anh chàng làm nghề chỉ đạo võ thuật trong các đoàn làm phim . Cuộc đấu sinh tử của Tâm được sự trợ giúp của đội cảnh sát hình sự cùng nhiều người bạn nước ngoài.
Một cảnh hành động trong phim.
Đây là bộ phim có kịch bản rất hời hợt, đường dây, cốt truyện lỏng lẻo, phần kỹ thuật dựng cẩu thả với những màn cắt ghép vô tội vạ. Ví như, chẳng hiểu thế nào mà các diễn viên có thể chạy rầm rập qua lại giữa cảnh bãi biển và cảnh những đường phố Sài Gòn. Rồi chuyện ba diễn viên người Indonesia vào vai các đạo diễn, diễn viên qua Việt Nam làm phim có thể nói được tiếng Việt vanh vách.
Dù mang danh nghĩa phim hợp tác quốc tế giữa Việt Nam – Indonesia nhưng bộ phim khiến khán giả hết hồn vì sự tụt hậu của nó khi mang hơi hướng phim cảnh sát Hong Kong… cách đây 30 năm. Điều này khiến khán giả vừa xem vừa cười khúc khích, không phải vì phim hài hước mà bởi những tình tiết ngô nghê đến khó chịu.
Khán giả khó chịu vì những tình tiết ngô nghê trong phim.
Được chọn làm phim chiếu khai mạc LHP Quốc tế Hà Nội năm 2012, nhưng bộ phim Cát nóng của đạo diễn Lê Hoàng đã làm điện ảnh nước nhà phải mất mặt với bạn bè quốc tế. Cái táo bạo của vị đạo diễn là việc dùng máy quay phim truyền hình cho dự án điện ảnh này. Lê Hoàng tự tin cho rằng: “Bộ phim được quay bằng máy quay truyền hình, nhưng đó lại là một bộ phim nhựa…Là phim nhựa hay không là do cái đầu”.
Kim Tuyến vai Tuyết và Quách Ngọc Ngoan vai Nam.
Nội dung không phức tạp nhưng phải đến 30 phút đầu, khán giả khó có thể hiểu bộ phim đang nói về điều gì. Thay vào đó là những lời thoại vô nghĩa và dài lê thê. Người xem còn cảm thấy bực bội vì tính cách nhân vật “ngây thơ” đến vô lý. Ví dụ như không hiểu tại sao một cô gái hồn nhiên như Cát lại… “trèo lên giường” của anh chàng Nam chỉ để cầu xin anh “đừng ăn dông!”.
Nhân vật Cát ngây thơ đến… vô lý.
Phim có quá nhiều cảnh phản cảm, đặc biệt là những cảnh máu me khi đầu bếp chế biến món dông, cảnh cô Tuyết cầm dao chặt đầu con dông, cảnh dông bị nướng chín, phơi mình trên đĩa, cảnh hàng trăm con dông bị cháy… Người xem khó có thể hiểu được vì sao Lê Hoàng phải lạm dụng những cảnh tàn sát dông rùng rợn như thế trong một phim được cho là đậm chất nhân văn về tình yêu của con người với loài động vật này.
Theo 2Sao
Các 'chiêu' để tạo nên thảm hoạ phim Việt 2012
Như một bài văn phải có từng cấu trúc, những bộ phim Việt cũng có những công thức để cho ra lò những cái mác "thảm hoạ".
1. Chọc cười vô tội vạ
Hầu hết những bộ phim thảm hoạ Việt đều rơi vào thể loại phim hài. Làm phim hài dễ mà khó. Song dường như các nhà làm phim khá lạc quan với thể loại này, đua nhau đưa hết các màn hài kịch nhạt nhẽo theo phong cách "đè" khán giả ra để cù nách một cách thô bạo rồi bảo "cười đi". Lẽ dĩ nhiên, gượng ép không tạo nên hạnh phúc và hầu hết những bộ phim này đã bị phản tác dụng, thất bại trong việc chọc cười và còn khiến khán giả thêm giận dữ.
Một ví dụ khá điển hình là bộ phim "Hello cô Ba". Tập hợp khá nhiều những danh hài nổi tiếng, bộ phim nghiễm nhiên phát huy tối đa lợi thế chọc cười của mình. Nhưng sự quá đà đã khiến bộ phim không còn là một tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa. Tổng thể bộ phim như một vở tấu hài kiểu kịch truyền hình "trong nhà ngoài phố".
"Gia sư nữ quái" và những pha chọc cười vô tội vạ
Cũng vô tội vạ không kém trong màn chọc cười chính là bộ phim "Gia sư nữ quái". Bộ phim ảnh hưởng bởi những bộ phim hài Hong Kong với các tình tiết cường điệu thái quá, những màn chọc cười cũ kỹ khiến khán giả thêm mệt mỏi.
2. Lẩu thập cẩm mang tên "sao"
Mỗi bộ phim khi bắt đầu bấm máy đều lơ lửng một câu hỏi: Làm sao để thu hút khán giả? Một biện pháp đảm bảo an toàn chính là những người nổi tiếng. Nhưng khi được sử dụng một cách vô tội vạ, biện pháp an toàn ấy lại trở thành một con dao hai lưỡi.
Nếu như bộ phim Hello cô Ba quy tụ dàn sao khủng: Hoài Linh, Tấn Beo, Hiếu Hiền, Phi Nhung, NSƯT Việt Anh, Kim Thư, Bảo Châu, Huỳnh Anh Tuấn, Lương Thế Thành, thì phim Nàng men chàng bóng hội tụ: Đinh Ngọc Diệp, Ngô Kiến Huy, Đức Tiến, Kim Hiền, NSƯT Việt Anh, NSƯT Thanh Thuỷ, Cát Phượng, Tấn Beo. Gia sư nữ quái thì "ít" hơn, chỉ có Trấn Thành, Chí Tài, Hoài Linh, Hoàng Sơn, Bảo Thy, Issac...
Hello cô Ba và sự nhồi nhét thái quá những gương mặt nổi tiếng
Sự nhồi nhét thái quá những gương mặt tên tuổi khiến khán giả gần như bội thực và biểu hiện chán ngán khi ăn hoài một món là không thể tránh khỏi.
3. Câu chuyện cẩu thả, hời hợt
Đây là điều tối kỵ trong mỗi bộ phim song lại là lỗi khá cơ bản với nhiều đạo diễn. Hầu hết các bộ phim thành thảm hoạ đều bởi nội dung cẩu thả, hời hợt, tình tiết đầy phi lý, gượng gạo, chuyển cảnh thô bạo.
Ranh giới trắng đen là sự hợp tác đầu tiên giữa Indonesia và Việt Nam, được quảng cáo với mức đầu tư khổng lồ và dàn diễn viên tài năng song lại gây thất vọng toàn phần với khán giả. Với mô- típ hành động võ thuật của Hong Kong mà khán giả vốn đã xem "no mắt" trong suốt hai thập kỷ qua, tuy nhiên bộ phim lại xây dựng chưa tới, khiến những pha hành động lại trở nên cẩu thả với những màn cắt dựng bừa bãi.
Những cảnh "phim lồng trong phim" quá non nớt, khiến khán giả nhiều phen hồ nghi, thậm chí còn có thắc mắc: "Nước biển tràn tới Sài Gòn" với một giây trước là cảnh biển, một giây sau là cảnh rượt đuổi trong lòng thành phố với những xung quanh những biển số Sài Gòn.
"Ranh giới trắng đen" và những tình tiết cẩu thả
Đây cũng là công thức sai lầm của Gia sư nữ quái. Những màn tung hứng quá đà của tuyến nhân vật phụ đã khiến bộ phim đi chệch khỏi trọng tâm ban đầu và sa vào tiểu tiết chọc cười.
Tương tự là trường hợp Nàng men chàng bóng, hành động của nhân vật khá dễ dãi, thiếu chiều sâu: Từ khóc đến cười, từ lảm nhảm đến la hét, từ chửi bới đến gầm rú... tuyệt nhiên không để lại chút ấn tượng gì cho người xem. Bộ phim còn hồn nhiên diễn đạt cách nhìn méo mó, lệch lạc về đồng tính: Những nhà làm phim "đánh thức bản năng đàn ông" ở một anh chàng đồng tính chỉ bằng một đụng chạm cơ bản với phụ nữ. Nỗ lực chọc cười này của đoàn làm phim đã thất bại nặng nề và nhận lấy nhiều chỉ trích của khán giả.
4. Chớp nhoáng lên phim
Đặt tiêu chí ăn khách lên hàng đầu nên hầu hết những "thảm hoạ" Việt đều sử dụng sách lược "đánh nhanh thắng nhanh". Có lẽ đây cũng chính là lý do khiến các tiêu chí về chất lượng và nghệ thuật bị những nhà làm phim "xếp xó". Một sự đầu tư không kỹ lưỡng, thời gian quay phim bị khống chế, bối cảnh thiếu thốn cũng khiến điện ảnh nước nhà bị đóng mác "thảm hoạ". Ngay đến "siêu phẩm" mang danh hợp tác giữa Việt Nam và Indonesia như "Ranh giới trắng đen" cũng chỉ mất vỏn vẹn... 1 tháng từ khi bấm máy đến lúc đóng máy.
Nàng men chàng bóng bị báo chí chê bai tơi tả
5. Quảng cáo lộ liễu
Hầu hết các bộ phim đều tìm kiếm cho mình một nhà tài trợ và cũng không tránh khỏi việc quảng cáo tên tuổi của nhà tài trợ trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên, khi thể hiện quá lộ liễu, việc này khiến các bộ phim bị mất điểm và trở thành một thất bại cho những "thảm hoạ" điện ảnh Việt. Đó là Hello cô Ba với những hình ảnh quảng cáo về kẹo cao su đầy rẫy trên những khung hình, đó là "Ranh giới trắng đen" với những thùng giấy in đầy nhãn hiệu nhà tài trợ...
6. Bám cánh "ông lớn" truyền thông
Truyền thông là vũ khí cực mạnh mà hầu hết các nhà làm phim đều tận dụng triệt để. Một đặc điểm chung của những bộ phim bị gắn mác "thảm hoạ" là rất chăm chỉ tung những hình ảnh, câu chuyện hậu trường nhằm mục đích kích thích trí tò mò của khán giả. Thậm chí, những bài chê bai và phê bình càng được khuyến khích để công chúng lũ lượt kéo nhau đi kiểm chứng. "Hello cô Ba" và "Nàng men chàng bóng" ngay khi chưa chính thức ra rạp đã bị truyền thông, báo chí thi nhau "ném đá", vậy nhưng doanh thu vẫn đội mức kỷ lục và rạp chiếu vẫn chật kín những người.
Những rạp chiếu phim đông kín người đến xem "thảm hoạ"
Một thực tế đáng buồn là tuy bị liệt vào dạng thảm hoạ nhưng các bộ phim này lại rất hút khán giả và đem về những khoản doanh thu lớn. Chỉ một tuần ra rạp, "Nàng men chàng bóng" đã đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng, "Hello Cô Ba" đạt hơn 25 tỷ đồng. Riêng "Ranh giới trắng đen" đã được lên kế hoạch phát hành tại 4 nước Đông Nam Á và trở thành phim điện ảnh đầu tiên của Việt Nam tấn công thị trường khu vực. Vậy lý gì các nhà làm phim không đua nhau "đẻ" ra thảm hoạ?
Theo Tiin
Cánh diều 2013: Danh sách phim tranh giải "tàm tạm" Trong danh sách 10 phim điện ảnh tham dự "Cánh diều 2013" vắng mặt khá nhiều phim hot, nhưng đồng thời các "thảm họa" cũng không xuất hiện. Hội Điện Ảnh Việt Nam vừa công bố danh sách 10 phim truyện nhựa dự giải Cánh diều 2013, bao gồm các phim: Thiên mệnh anh hùng (Victor Vũ), Cưới ngay kẻo lỡ (Charlie Nguyễn),...