Ngân hàng phản ứng ra sao khi Moody’s xem xét hạ tín nhiệm?
Từ thông báo của Moody’s tới khi đưa ra xếp hạng chính thức sẽ là 3 tháng. Trong thời gian này, nếu Việt Nam cải cách tích cực thì sẽ không bị hạ xếp hạng.
Trao đổi với Zing.vn, hầu hết ngân hàng đều cho biết việc xem xét xếp hạng tín nhiệm này diễn ra ở những chỉ số ngân hàng đang bằng với chỉ số tín nhiệm quốc gia.
3 tháng để có những cải cách tích cực
Hiện nay, theo Bộ Tài chính, việc đưa Việt Nam vào diện xem xét hạ bậc tín nhiệm của Moody’s là không phù hợp, bởi chỉ dựa trên những hạn chế trong công tác phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ dẫn đến tình trạng chậm thanh toán nghĩa vụ nợ Chính phủ.
Theo Bộ Tài chính Việt Nam, nghĩa vụ nợ được Chính phủ bảo lãnh, thuộc nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ, không phải là nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ. Cơ quan này khẳng định Việt Nam chưa bao giờ chậm trễ trong thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ.
Theo các ngân hàng, từ thông báo xem xét của Moody’s tới khi đưa ra xếp hạng chính thức sẽ là 3 tháng, trong thời gian này nếu Việt Nam có những cải cách tích cực thì sẽ không bị hạ xếp hạng.
Trường hợp Moody’s hạ tín nhiệm với Việt Nam trong 3 tháng tới, ngân hàng nào có chỉ số bằng với chỉ số quốc gia mới phải điều chỉnh giảm.
Tuy vậy, các ngân hàng đều cho biết sẽ có những xem xét, đánh giá tác động cụ thể với từng chỉ số tài chính liên quan.
Từ xem xét tới xếp hạng chính thức là cả một quãng đường
Đại diện ngân hàng đang bị Moody’s xem xét chỉ số tiền gửi ngoại tệ cho biết đây mới là xem xét chứ chưa có xếp hạng chính thức. Bên cạnh đó, do không phải động thái xem xét trực tiếp từ nội tại nên hoạt động của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
“Ngân hàng chưa thể đưa ra ý kiến vì đây mới chỉ xem xét, để đưa ra công bố xếp hạng chính thức dự kiến phải là cuối năm. Hiện tại, chắc chắn chưa có tác động nào tới 17 ngân hàng” vị này khẳng định.
Cũng theo vị này, đánh giá hạ tín nhiệm của một quốc gia không phải chuyện nhỏ và từ thông báo xem xét đến quyết định hạ là cả một quãng đường. Trong thời gian đó, Việt Nam có quyền thực hiện các hành động, trường hợp có những thay đổi tích cực thì Moody’s sẽ không hạ tín nhiệm.
Video đang HOT
Đại diện một ngân hàng tư nhân lớn tại Hà Nội cho hay đây là xem xét chung của toàn thị trường theo chỉ số tín nhiệm quốc gia chứ không do thể trạng của các ngân hàng. Theo đó, việc bị đưa vào diện xem xét này cũng không hề ảnh hưởng tới hoạt động, nghiệp vụ, hay chi phí vốn của ngân hàng… Vì vậy, các hoạt động đầu ra của ngân hàng không bị ảnh hưởng.
“Trường hợp Moody’s đánh giá riêng một hoặc một nhóm ngân hàng mới là vấn đề nội tại của nhà băng đó. Còn nếu xem xét đánh giá chung của cả quốc gia như đợt này thì hoạt động của các thành phần kinh tế không thay đổi”, vị này chia sẻ.
Danh sách 17 ngân hàng bị xem xét hạ tín nhiệm bởi Moody’s:
Ngân hàng
Tổng tài sản (đến ngày 30/6/2019)
ABBank 3,9 tỷ USD
ACB 15 tỷ USD
HDBank 9 tỷ USD
Vietcombank 48,1 tỷ USD
BIDV 60 tỷ USD
LienVietPostBank 8,1 tỷ USD
MBBank 17,2 tỷ USD
NamABank 3,6 tỷ USD
OCB 4,6 tỷ USD
SHB 14,7 tỷ USD
TPBank 6,2 tỷ USD
Agribank (đến ngày 31/12/2018) 55,3 tỷ USD
Vietinbank 50,7 tỷ USD
VIB 7 tỷ USD
MSB 6,2 tỷ USD
VPBank 14,9 tỷ USD
Techcombank 15,5 tỷ USD
Một lãnh đạo ngân hàng khác cho biết việc các tổ chức xếp hạng như Moody’s công bố xem xét xếp hạng tín nhiệm với một quốc gia hay các TCTD của quốc gia đó là bình thường, và các TCTD không có trách nhiệm phản hồi lại.
“Moody’s là tổ chức trung lập, việc của họ là phải nghiên cứu và công bố xếp hạng, còn các TCTD như ngân hàng không phải lấy kết quả đó rồi tuyên bố lại”, vị này nói.
Theo đó, trong trường hợp này quốc gia được xem xét xếp hạng mới có thể lên tiếng, và thực tế Bộ Tài chính đã lên tiếng về việc này. Còn các ngân hàng không thể phản đối các tổ chức xếp hạng trung gian. Trên thế giới cũng không có trường hợp nào phản đối lại tổ chức xếp hạng vì họ đánh giá theo trách nhiệm và được thế giới công nhận.
Điều gì xảy ra khi bị hạ xếp hạng tín nhiệm?
Tuy nhiên, đại diện các ngân hàng đều thừa nhận thực tế nếu một quốc gia bị hạ tín nhiệm sẽ ảnh hưởng đến huy động vốn của nước ngoài, cũng như tất cả TCTD khác trong nước và không ai muốn chuyện đó xảy ra.
Trường hợp xếp hạng tín nhiệm bị hạ, chi phí huy động vốn của ngân hàng sẽ cao hơn trong khi định giá sẽ bị giảm xuống. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết tất cả ngân hàng hiện nay đều có điểm tín nhiệm thấp hơn hoặc bằng điểm tín nhiệm quốc gia. Rộng hơn, không một thành phần kinh tế nào trong một quốc gia có điểm cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia đó. Do đó, việc các ngân hàng vào diện xem xét hạ tín nhiệm cùng với quốc gia là chuyện dễ hiểu.
Tuy nhiên, theo ông, kể cả trường hợp Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm cũng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động của các ngân hàng.
“Đối với các khách hàng và nhà đầu tư trong nước thì họ không quá quan tâm và cũng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, nó sẽ ảnh hưởng tới nhà đầu tư nước ngoài, khi họ muốn đầu tư vào các ngân hàng bao giờ họ cũng xem điểm tín nhiệm đầu tiên”, ông Hiếu cho hay.
Ông Hiếu phân tích, các nhà đầu tư nước ngoài luôn nhìn vào điểm tín nhiệm để định giá đầu tư.
Đặc biệt, khi phát hành chứng khoán, trái phiếu trên thị trường quốc tế, các ngân hàng sẽ phải chịu lãi suất cao hơn, cùng mức định giá thấp hơn khi tín nhiệm bị hạ xuống.
Ông Hiếu cũng cho biết quốc gia được Moody’s xếp hạng tín nhiệm có quyền lên tiếng đồng thuận hay phản đối với các quyết định của tổ chức này nhưng quyết định cuối cùng vẫn là tổ chức xếp hạng. Trước khi đưa ra những chấm điểm, các tổ chức này đã có nhiều nghiên cứu chuyên sâu. Vì vậy, việc quốc gia, tổ chức nên làm là cải thiện những chỉ số tài chính hiệu quả để đáp ứng các chỉ số cao hơn trong bảng xếp hạng tín nhiệm.
Theo News.zing.vn
Phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh
Nhằm góp phần thực hiện thành công chiến lược tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng phấn đấu đến năm 2025, 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh. Một ngân hàng được coi là "xanh" khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh; Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường...
Theo PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, để thực hiện thành công chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, góp phần phát triển bền vững, ngành Ngân hàng cần hướng tới mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh, đây là yêu cầu cần thiết va mang y nghia thiêt thưc trong bối cảnh hiện nay.
Một ngân hàng được coi là "xanh" khi thỏa mãn cả hai điều kiện: Về ngắn hạn, cung cấp các dịch vụ xanh, Về dài hạn, có một chiến lược kinh doanh dài hạn đáp ứng các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội và cả tiêu chuẩn về đảm bảo môi trường.
Tín dụng xanh là việc các tổ chức tín dụng (TCTD) cho vay đối với các hoạt động đầu tư, sản xuất ""xanh" bao gồm các hoạt động tiêu dung, đầu tư, sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường (không gây hại và góp phần bảo vệ môi trường).
"Các chính sách tín dụng xanh đóng góp tích cực cho sự phát triển cân bằng, hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện chất lượng đời sống nhân dân; là cơ hội để các tổ chức tài chính, tín dụng xanh quốc tế đầu tư vốn vào Việt Nam", PGS.,TS. Trần Thị Thanh Tú nhận định.
khảo sát của Ngân hàng Nhà nước mới đây cho thấy, sự hiểu biết của các TCTD dụng về tín dụng xanh đến nay đã được cải thiện. Hiện nay đã có 19 TCTD xây dựng chiến lược quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 13 TCTD tích hợp nội dung quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong quy trình thẩm định tín dụng xanh; 10 TCTD đã xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng cho các ngành/lĩnh vực xanh và đã quan tâm dành nguồn vốn huy động của ngân hàng để cấp tín dụng cho các lĩnh vực này với kỳ hạn chủ yếu là trung, dài hạn và có sự ưu đãi về lãi suất cho các dự án xanh...
Hướng tới mục tiêu phục vụ tăng trưởng xanh, ngành Ngân hàng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: 100% ngân hàng xây dựng được quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; 100% các ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; kết hợp đánh giá rủi ro môi trường như một phần trong đánh giá rủi ro tín dụng của ngân hàng; Ít nhất 10-12 ngân hàng có đơn vị/bộ phận chuyên trách về quản lý rủi ro môi trường và xã hội; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án tín dụng xanh...
Theo tapchitaichinh.vn
Số liệu thị trường tiền tệ tháng 5/2019 Thị trường tiền tệ tháng 5/2019.Tháng 5/2019, tỷ giá VND/USD có diễn biến tăng cao. Cụ thể, ngày 31/5/2019, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của VND với USD ở mức 23.065 VND/1USD. Với biên độ /-3% đang được áp dụng, tỷ giá VND/USD niêm yết tại các ngân hàng thương mại giao dịch trong khoảng từ 22.374 VND/USD...