Ngân hàng Nhà nước hút về hơn 100.000 tỷ từ đầu năm
Bằng hoạt động phát hành tín phiếu, cơ quan quản lý tiền tệ đã hút về hơn 100.000 tỷ đồng sau chưa đầy hai tháng từ đầu năm.
Tiếp nối quãng thời gian hút ròng tiền trên thị trường tiền tệ, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy cơ quan này vẫn đang tích cực phát hành tín phiếu để hút tiền trong nền kinh tế về.
Theo đó, tính từ đầu tuần đến hết ngày 19/2, Ngân hàng Nhà nước đã hút về thêm gần 15.000 tỷ đồng, tương đương mức thu hồi gần 5.000 tỷ mỗi ngày qua kênh tín phiếu. Trong đó, thời hạn tín phiếu kéo dài 91 ngày với lãi suất 2,65%/năm.
Như vậy, lũy kế từ đầu năm đến nay, số tiền mà cơ quan quản lý tiền tệ này hút khỏi nền kinh tế qua kênh tín phiếu đã vượt mốc 100.000 tỷ đồng.
Trái ngược với việc phải bơm tiền ra nền kinh tế khi thanh khoản hệ thống ngân hàng khó khăn, việc NHNN hút ròng tiền từ đầu năm cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang dồi dào.
Một phần nguyên nhân đến từ việc người dân có xu hướng gửi tiền tiết kiệm nhiều sau Tết Nguyên Đán. Đây cũng là lý do lãi suất tiền gửi trên thị trường ngân hàng không tăng từ đầu năm.
Thanh khoản tiền trên thị trường ngân hàng đang dồi dào sau Tết Nguyên Đán 2020. Ảnh minh họa: Quỳnh Trang.
Video đang HOT
Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc cơ quan quản lý tăng lượng hút tiền nhằm mục đích kiểm soát cung tiền trong bối cảnh lạm phát đang dần tăng cao trở lại.
Cũng theo báo cáo về tuần hoạt động gần nhất của ngân hàng (10-14/2), lãi suất huy động bằng đồng Việt Nam trên thị trường hiện phổ biến ở mức 0,2-0,8%/năm với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng. Các gói tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng có lãi suất 4,3-5%/năm; từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở 5,3-7%/năm; và kỳ hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 6,6-7,5%/năm. Những mức lãi suất này có xu hướng ổn định từ đầu năm đến nay.
Trong khi đó, lãi suất huy động bằng USD vẫn được áp mức 0%/năm.
Ở chiều cho vay, lãi suất vay bằng tiền Đồng hiện phổ biến ở mức 6-9%/năm với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay bằng USD phổ biến ở mức 3-6%/năm.
Trên thị trường liên ngân hàng, với các giao dịch bằng tiền Việt lãi suất bình quân liên ngân hàng trong tuần qua đã giảm ở các kỳ hạn so với tuần liền trước.
Trong đó, lãi suất bình quân các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm lần lượt là 0,6%, 0,22% và 0,5% xuống mức 2,17%, 2,4% và 3,01%/năm.
Với các khoản vay liên ngân hàng kỳ hạn 6 và 9 tháng, lãi suất cũng lần lượt ở mức 4,74% và 5,63%/năm.
Theo news.zing.vn
Chuyên gia: 'Lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định'
Ông Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, lãi suất năm 2020 được dự báo nhiều khả năng sẽ ổn định, không tăng thêm so với năm 2019.
Mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Độ cho rằng nhìn chung, năm 2019, mặt bằng lãi suất biến động theo chiều hướng tăng. Cụ thể, trong 3 quý đầu năm, lãi suất huy động, chủ yếu là lãi suất huy động dài hạn được các ngân hàng điều chỉnh theo chiều hướng tăng, tất nhiên mức tăng không phải là quá lớn, do các ngân hàng đứng trước áp lực cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II và thực hiện quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về lộ trình giảm tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, trong quý cuối năm 2019, NHNN đã đồng loạt điều chỉnh giảm đồng bộ 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành; giảm 0,2 - 0,5%/năm trần lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên; giảm 0,75%/năm lãi suất nghiệp vụ thị trường mở.
Đồng thời, NHNN cũng chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động cân đối nguồn vốn và năng lực tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý; điều hòa thanh khoản ổn định thị trường, nhờ đó duy trì lãi suất thị trường liên ngân hàng phù hợp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn chi phí hợp lý cho doanh nghiệp. Kết quả sau các động thái điều hành của NHNN, mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm. Trong đó, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng giảm 0,2 - 0,5%/năm và lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên giảm 0,5%/năm.
Năm 2020, mặt bằng lãi suất nhiều khả năng sẽ duy trì được sự ổn định. Bởi trước hết, hiệu ứng của việc NHNN hạn chế tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn, cũng như áp lực nâng cao năng lực tài chính (theo chuẩn Basel II) đã phản ánh trong năm 2019 rồi.
Thứ hai, năm 2020, dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng chậm lại so với năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho nền kinh tế có thể không quá lớn. Cùng với đó, một số lĩnh vực như bất động sản có thể vẫn tiếp tục xu hướng chững lại của năm 2019, nên nhu cầu về vốn cho một số lĩnh vực cần nhiều vốn như bất động sản cũng không quá mạnh trong năm 2020.
Thứ ba, nếu như nhìn tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2019 cũng đã có dấu hiệu chững lại, không còn tăng mạnh như những năm trước, nên sức ép lên lãi suất cũng sẽ không lớn.
Thứ tư, về yếu tố tỷ giá, trong cả năm 2019, tỷ giá được giữ tương đối ổn định. Năm 2020, nhiều khả năng tỷ giá vẫn sẽ tiếp tục xu hướng ổn định, nên sức ép tỷ giá lên lãi suất không nhiều.
Thứ năm, về yếu tố lạm phát, năm 2019, lạm phát bình quân tăng 2,79%. Năm 2020, nhiều khả năng lạm phát sẽ cao hơn một chút, tôi dự báo, lạm phát năm nay nằm trong khoảng 3,5%. Với mức lạm phát này vẫn nằm dưới ngưỡng 4%, nên tác động của yếu tố lạm phát đến lãi suất cũng không phải là quá mạnh.
"Tuy nhiên, tôi cho rằng, mặt bằng lãi suất của Việt Nam như hiện tại vẫn cao so với lạm phát. Bởi, nếu với mức lạm phát dưới 4%, trong khi gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 1 năm trở lên có lãi suất khoảng 8%, thì mức lãi suất thực dương 4% không phải là nhỏ, cho thấy lãi suất vẫn đang neo ở mức khá cao", ông Độ nói.
Chuyên gia cũng cho rằng lãi suất cho vay phục vụ nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân trong thị trường 1 (thị trường giữa các ngân hàng thương mại với các tổ chức kinh tế và cá nhân). Vì vậy, nếu người dân vẫn chủ yếu gửi tiền kỳ hạn ngắn thì lãi suất cho vay, nhất là vay dài hạn rất khó giảm.
Cuối năm 2019, NHNN đã thực hiện một số chính sách nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay như hạn chế trần lãi suất huy động ngắn hạn, giảm lãi suất điều hành. Khi NHNN điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động ngắn hạn được kỳ vọng sẽ khuyến khích người dân chuyển sang gửi tiền kỳ hạn dài nhiều hơn.
Mặc dù vậy, tác động của chính sách này mạnh tới mức nào thì còn cần theo dõi thêm, nhất là trong bối cảnh người dân vẫn chưa thật sự tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế đất nước trong trung, dài hạn, nên cũng rất khó để có thể thay đổi thói quen gửi tiền ngắn hạn của người dân.
PV
Theo TBTC
Nỗ lực giữ mặt bằng lãi suất huy động Nếu lãi suất tiết kiệm ở mức khó hấp dẫn thì hệ thống ngân hàng khó thu hút được vốn cho nền kinh tế, các chuyên gia lưu ý. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet Hiện nay vẫn có sự mất cân đối trong hệ thống tài chính Việt Nam khi khu vực tổ chức tín dụng chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng...