Ngân hàng giờ cũng rao bán… tài khoản số đẹp ‘phát tài, phát lộc’
Gần đây, nhiều ngân hàng đã mở bán tài khoản số đẹp cho khách hàng. Trước đó, ưu đãi này chỉ dành cho khách hàng VIP, khách hàng bình thường muốn săn tài khoản số đẹp phải trả giá rất cao.
Ngân hàng Bản Việt vừa mở bán 1.000 số tài khoản đẹp cho khách hàng doanh nghiệp. Theo đó, có nhiều kho số như Lộc Phát: 666, 888, 6868, 686868; Thần tài: 7979, 797979, 3939, 393939; Ngũ quý, lục quý: 33333, 222222, 111111; Số lặp: 1515, 202020, 789789; Số tiến: 12345, 123456, 1234567,… ; Số tam hoa kép: 222444, 333666, 222555,…; Số gương soi: 1221, 456654,…
Quảng cáo rao bán tài khoản số đẹp trên một diễn đàn. (Ảnh chụp màn hình)
Tuy nhiên, ngân hàng này không đưa ra mức giá cụ thể mà chỉ tiết lộ giá thấp nhất là 200.000 đồng, còn mức giá cụ thể thế nào thì tùy theo từng gói và thỏa thuận với khách hàng.
Đây không phải là ngân hàng đầu tiên rao bán tài khoản số đẹp. Trước đó, VPBank cũng từng bán tài khoản số đẹp cho cả khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp.
Cụ thể, tài khoản gồm bộ 6 số đẹp, hay còn gọi là tài khoản số lục quý, tài khoản lộc phát, phát lộc hoặc tài khoản số tiến, mức phí mở tài khoản sẽ là 10 triệu đồng.
Đối với tài khoản có số ngũ quý và tứ quý, mức phí sẽ lần lượt là 5 triệu đồng và 2 triệu đồng. Ngoài ra khách hàng cũng có thể đề xuất số tài khoản theo ý muốn với mức phí là 1 triệu đồng.
Chính sách này cũng áp dụng với doanh nghiệp. Mức phí với khách VIP, mở tài khoản doanh nghiệp số đẹp phát tài, phát lộc hoặc tam hoa là 2,5 triệu đồng, còn với tài khoản số tứ quý thì phí là 1 triệu đồng. Nếu không phải là khách hàng VIP, mức phí này sẽ cao gấp đôi.
Ngân hàng ACB cũng có chính sách này nhưng chỉ áp dụng cho khách hàng thương gia.
Trước đó, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, số tài khoản được thực hiện ngẫu nhiên, ngân hàng chỉ ưu tiên chọn tài khoản số đẹp cho khách hàng VIP.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM cho biết muốn chọn tài khoản số đẹp ngân hàng phải can thiệp hệ thống, còn thông thường số tài khoản sẽ chạy theo tuần tự. “Do có lượng khách hàng lớn mà kho số có hạn nên ngân hàng chỉ ưu tiên cho khách hàng VIP, giao dịch tài khoản nhiều và xem như một hình thức chăm sóc khách hàng chứ không bán” – vị phó tổng giám đốc này giải thích.
Tuy nhiên trên thực tế, trước nhu cầu săn lùng tài khoản số đẹp của một số người làm kinh doanh với quan niệm sở hữu tài khoản đẹp thì việc làm ăn sẽ phát tài, phát lộc, dễ ghi nhớ…thời gian qua trên mạng xuất hiện dịch vụ mở tài khoản ngân hàng số đẹp.
Nhiều người săn tài khoản số đẹp với quan niệm sẽ gặp may mắn trong làm ăn, phát lộc…
Video đang HOT
Trên một diễn đàn quy tụ khá đông thành viên, dễ dàng gặp hàng loạt câu hỏi như “em cần tìm gấp số tài khoản đuôi 6868, cần mua số tài khoản tứ quý 6″ hay “anh chị nào hỗ trợ mở tài khoản ngân hàng số đẹp cho cá nhân và doanh nghiệp không”…
Đáp lại, hàng loạt thành viên quảng cáo là nhận cung cấp tài khoản VIP, tam hoa, ngũ quý, lục quý số chọn của rất nhiều ngân hàng, kèm theo đó là các dãy số đang rao bán với giá rất cao. Rẻ thì 10, 15 triệu đồng, có số được rao bán 55-65 triệu đồng.
Hiện có cả trang web mang tên tài khoản ngân hàng số đẹp với lời quảng cáo rằng đã phục vụ đến 2.000 khách hàng.
Liên hệ với một đầu mối cung cấp tài khoản số đẹp, người cung cấp cho biết có người quen làm trong ngân hàng và nhận làm tài khoản số đẹp của hàng loạt ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Sacombank, ACB, VPBank trên toàn quốc.
“Đây là các số chưa sử dụng, do có quen biết với nhân viên ngân hàng nên có thể giúp khách hàng chọn số đẹp chứ khách hàng bình thường không thể yêu cầu được”, người cung cấp cho biết.
Người này cũng cho biết hiện tài khoản số đẹp của Vietcombank có giá cao nhất. Theo đó tài khoản có đuôi tứ quý giá 20 triệu đồng, còn đuôi ngũ quý giá lên đến 40 triệu. Với tài khoản của Sacombank, đuôi tứ quý giá 5 triệu, còn ngũ quý là 15 triệu. VPBank đuôi tứ quý 8 triệu, ngũ quý 15 triệu. Số đuôi là cặp 79 thần tài giá cũng 8 triệu…
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện một ngân hàng đang có dịch vụ bán tài khoản số đẹp cho biết việc cung cấp số tài khoản đẹp cho khách hàng ngoài việc thử nghiệm còn nhằm tránh việc nhân viên ngân hàng “đi đêm” trục lợi.
Mặt khác, so với chi phí mà khách hàng bỏ ra trên thị trường “ chợ đen” mà không có sự đảm bảo, mức phí mà ngân hàng đưa ra không phải là quá cao trong khi khách hàng lại được lựa chọn số tài khoản chính thức ngay tại ngân hàng.
Các ngân hàng cũng lưu ý hiện ngân hàng không cho chuyển nhượng số tài khoản đã có người dùng vì số tài khoản gắn với nhân thân. Do vậy sẽ rắc rối nếu có tranh chấp về sau.
Theo Tuổi trẻ
Ngân hàng số: 'Có Internet, ở vũ trụ cũng mở được tài khoản'
'Có internet, sẽ mở được tài khoản, kể cả khi bạn đang ở ngoài không gian vũ trụ', ông Michael Leung, Giám đốc thông tin và vận hành, China CITIC Bank, International 'khoe' tại Hội thảo quốc tế 'Số hóa ngân hàng - Cơ hội đột phá' do Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các đối tác tổ chức ngày 1/11/2018.
Theo ông, China CITIC Bank là ngân hàng đầu tiên triển khai ví điện tử từ 2 năm trước tại Hồng Kông với tham vọng áp dụng mô hình "ngân hàng trong fintech".
Đi tiên phong bao giờ cũng gặp khó
Ban đầu, cơ quan quản lý Hồng Kông không mấy tin tưởng và coi là mơ hồ đối với việc dịch chuyển tiền từ ngân hàng tới ví điện tử. Nhưng cuối cùng, những sản phẩm do China CITIC Bank tạo ra đã thuyết phục hoàn toàn giới chức ở đặc khu hành chính này.
"Người đi tiên phong bao giờ cũng gặp khó. Khó khăn đầu tiên là thuyết phục cơ quan quản lý", ông Michael Leung giãi bày.
Phân tích về các phương thức xác thực hiện đại so với truyền thống, ông cho rằng, có nhiều cách xác thực mà không nhất thiết phải đến quầy, không nhất thiết phải bấm hàng loạt dãy số liên hồi khó nhớ.
Dịch vụ thanh toán, chuyển tiền không còn là đất độc diễn của ngân hàng.
Thay vào đó, hàng loạt cách thức mới như: Nhận biết khách hàng điện tử mà không cần gặp trực tiếp (xuyên biên giới, các khu vực ở xa); xác minh ID/hộ chiếu sử dụng IA (trí tuệ nhân tạo, thủ tục tòa án - forensic, OCR v.v.); xác thực sinh trắc học (gương mặt, ngón tay, các đặc tính sống); không cần chữ ký vật lý (chữ ký số, chứng thư số...); không cần bằng chứng về địa chỉ (phương tiện truyền thông xã hội, tự chụp ảnh tại nhà...).
Và chính công nghệ sẽ đưa đến mô hình kinh doanh mới: ngân hàng số (digital banking). Ở đó, khách hàng chẳng cần đến quầy, không giao dịch trực tiếp, không điền đơn.
Trước đó, muốn mở một tài khoản ngân hàng tại China CITIC Bank, khách hàng phải đến tận nơi, mất nửa tiếng, thậm chí 45 phút và xuất trình đủ giấy tờ. Nhưng sau đó, ngân hàng đã đi đầu trong việc mở tài khoản không cần gặp mặt khách hàng vì chỉ cần thông qua điện thoại cầm tay, có thể mở tài khoản từ xa. Khi những ngăn cách vật lý và địa lý được tháo dỡ, chỉ trong 6 tháng, ngân hàng này đã có 10 nghìn khách hàng mới đăng ký dịch vụ.
"Tưởng tượng xem 10 nghìn khách hàng mà xếp hàng ở quầy thì biết khi nào làm xong? Chúng tôi không cần biết khách hàng ở đâu, kể cả ngoài không gian vũ trụ miễn là có kết nối internet. Làm đi!", ông Michael Leung nói như cổ vũ.
Tuy nhiên, ông Lili Dong Kwon, Giám đốc Oliver Wyman Việt Nam (Tập đoàn tư vấn Oliver Wyman) lại có vẻ cẩn trọng hơn: "Chuyển đổi sang số nhưng đừng quên sản phẩm truyền thống vì có tới 90% nguồn thu vẫn ở đó. Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình digital banking, nên vẫn không được quên yếu tố căn bản: ngân hàng quầy. Các cơ quan quản lý nên tạo điều kiện cho các dòng truyền thống và số phát triển song song để thị trường nhận thấy sự khác biệt".
Phiên đối thoại đề cập nhiều vấn đề nhưng so với triển vọng hiện thực hóa vẫn còn xa xôi.
Hệ sinh thái vẫn còn như "ma trận"
Trả lời câu hỏi của VietnamFinance: "Hệ sinh thái số của hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng ở đâu trong thang điểm 10" và "quan điểm như thế nào trước sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc cấp phép cho một số loại hình dịch vụ số hóa", ông Trần Thanh Nam, Tổng giám đốc Moca nói: "Nhìn ở góc độ của người làm thanh toán số, tôi chấm 5,5 điểm về mặt giao dịch thôi".
Ở vế thứ hai, ông Nam cho rằng, những vướng mắc mà một số đơn vị đang phản ánh, phải thấy là cơ quan quản lý phải nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau. Họ cũng có lý khi lựa chọn cái gì trước, sau, nhanh hay chậm. "Có những lúc, không phải chỉ có Ngân hàng Nhà nước mà còn các bộ ngành khác. Tôi nghĩ còn vướng mắc thì hãy cùng nhau tháo gỡ, chứ không phải quay lại trách móc Ngân hàng Nhà nước", ông Nam bênh vực.
Tuy nhiên, yếu tố "quản lý" trong hệ sinh thái số lại chỉ là một vấn đề. Điều thu hút sự quan tâm của hội thảo lần này hơn cả là về dữ liệu nhìn ở các góc độ: sự đồng nhất, tương thích và chia sẻ.
Ông Oliver Wyman nhấn mạnh thêm: "Tôi cũng nhận thấy chất lượng dữ liệu, tính đồng bộ, tích hợp của thông tin chưa ổn và vì vậy, cần phải đầu tư nhiều hơn vào đây. Chuyển đổi số không phải dự án công nghệ thông tin đơn thuần mà là cuộc cách mạng căn bản".
Ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam: Thực trạng dữ liệu Việt Nam không liên thông, không sạch, không đồng nhất. Vì vậy, phải có hẳn hoi một chiến lược về dữ liệu, quản trị, kết nối và chia sẻ.
Một chuyên gia khác cho rằng, ngoài ra, con đường số hóa ngân hàng còn bị chậm trễ bởi một yếu tố nữa là xác thực bằng phương pháp phi truyền thống còn rất nhiều trở ngại. Ví dụ, khi chưa có chứng minh thư điện tử, vẫn phải xác thực bằng chứng minh thư bằng nhựa (truyền thống). Tuy nhiên, phương pháp này hiện bị làm giả khá nhiều: bóc ảnh, thay đổi yếu tố thông tin trên chứng minh nhân dân mà bằng mắt thường rất khó phát hiện, nhất là đối với sinh viên mới ra trường.
Tuy nhiên, giải pháp kỹ thuật như quay video, lấy vân tay mặc dù tốt hơn phương pháp đối chiếu trực diện chứng minh nhưng để chia sẻ nguồn dữ liệu vân tay như thế nào, hiện nay khá là nan giải.
Hiện tại, ngành công an có kho dữ liệu về vân tay, nếu được kết nối giữa mạng ngân hàng với ngành này, chỉ cần gửi mẫu vân tay đến kho, xác thực đúng vân tay thì có thể cho tiến hành giao dịch như các nước đã từng làm.
Tuy nhiên, đã nhiều lần Ngân hàng Nhà nước đề cập vấn đề cho dùng chung kho dữ liệu nhưng đến nay vẫn phải... chờ.
"Mẩu bánh" thị phần mà các công ty fintech giành được trong 2 năm tới. Nguồn: ông Lê Nhân Tâm, giám đốc công nghệ IBM Việt Nam
Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 4/2018, chúng tôi thấy:
- Về mức độ nghiên cứu, triển khai chiến lược chuyển đổi số, có 59% đã bước đầu triển khai trong thực tế; 35% đang nghiên cứu xây dựng chiến lược; 6% chưa tính đến việc xây dựng chiến lược.
- Thách thức trong phát triển ngân hàng số tại Việt Nam:
Chưa đủ khuôn khổ pháp lý nhằm tạo thuận lợi, thích ứng với bối cảnh số hóa
Rủi ro an ninh mạng phát sinh từ các hành vi gian lận, lừa đảo khách hàng, tấn công mạng.
Tốn nhiều chi phí đầu tư và thời gian chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình số.
Mức độ sẵn sàng hợp tác của đối tác; mức độ hợp tác - cạnh tranh với Fintech.
Nguồn: Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Theo Báo Mới
Số hóa ngân hàng - cơ hội đột phá thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống Ngày 1/11, tại Hà Nội, Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Viện Nhân lực Ngân hàng Tài chính tổ chức Hội thảo Quốc tế thường niên ngành Ngân hàng -Tài chính lần thứ 7 với chủ đề 'Số hóa ngân hàng - Cơ hội đột phá'. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang khiến các...