Ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất
Sau thông báo hạ trần lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất. Nhiều ngân hàng còn áp dụng lãi suất thấp hơn mức trần quy định.
Cụ thể, lãi suất cao nhất của các ngân hàng đối với các khoản tiền gửi 1 tháng đến dưới 6 tháng chỉ còn 4,75%/năm, ở các kỳ hạn ngắn và dài hạn cũng được điều chỉnh giảm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với trước đó. VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 – 3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Khách hàng giao dịch tại SHB Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Ở nhóm ngân hàng liên doanh, IndovinaBank (IVB) đưa lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng đồng loạt ở mức 4,75%/năm nếu lĩnh lãi cuối kỳ, còn nếu lĩnh lãi hàng tháng với kỳ hạn 2 và 3 tháng thì lãi suất là 4,74%/năm.
Ở nhóm cổ phần tư nhân, Sacombank, VIB, Techcombank, OCB lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động 4,3 – 4,75%. Với các khoản tiền gửi dưới 1 tháng hoặc không kỳ hạn, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất từ 0,8% xuống cao nhất còn 0,5%/năm. Ngân hàng Bản Việt giảm lãi suất kỳ hạn 1 – 5 tháng còn 4,7%/năm. Còn lãi suất 6 tháng lên 7,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất là 8,5%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng. Các kỳ hạn 18 tháng trở lên, lãi suất ở mức 8%/năm. Ngân hàng Nam Á cũng giảm lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng xuống mức 4,75%/năm. Lãi suất các kỳ hạn dài trên 1 năm phổ biến ở mức 7,4 -7,5%/năm.
Đáng chú ý, NHNN không quy định trần lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên, vẫn giao cho các TCTD được tự quyết định dựa trên cơ sở cung – cầu vốn trên thị trường; lãi suất trung – dài hạn cũng giảm mạnh theo. Cụ thể, lãi suất cao nhất tại ACB đã giảm mạnh từ 7,8%/năm xuống còn 7,45%/năm (kỳ hạn 18 – 24 tháng, gửi từ 5 tỷ trở lên).
NamABank giảm 0,3% lãi suất ở các kỳ hạn 30 – 36 tháng xuống còn 7,5%/năm. Tại kỳ hạn 12 tháng, giảm từ 7,99% xuống mức 7,8%/năm. Tại VietCapitalBank, lãi suất kỳ hạn 24 – 60 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,8%/năm.
Video đang HOT
Trước khi có các quyết định cụ thể về chính sách và cơ sở pháp lý, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ – NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN điều chỉnh lãi suất điều hành để phát tín hiệu rõ ràng, mạnh mẽ sẵn sàng hỗ trợ TCTD trong trường hợp cần tiếp cận vốn.
Thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt diễn biến thị trường tài chính toàn cầu (lãi suất, tỷ giá, giá dầu…), qua đó cập nhật, phân tích, dự báo để sử dụng linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ tại thời điểm và với liều lượng hợp lý.
Theo các chuyên gia, việc điều chỉnh lãi suất của NHNN là bước đi hợp lý bởi thanh khoản của các ngân hàng đang dồi dào. Động thái này cộng với việc hạ trần lãi suất tiền gửi ngắn hạn sẽ giúp các ngân hàng giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ DN, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên.
Theo Kinhtedothi.vn
Ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, gửi tiền tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn?
Ngay sau hiệu lệnh giảm trần lãi suất huy động của Ngân hàng Nhà nước đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, hôm nay các ngân hàng thương mại đã đồng loạt giảm theo. Câu hỏi đặt ra là liệu lãi suất giảm có làm kênh tiết kiệm ngân hàng trở nên kém hấp dẫn.
Tác động trong trung và dài hạn
Theo các quyết định được ban hành hôm qua, từ hôm nay, 17/3, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm.
Với các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn giao các tổ chức tín dụng quyết định dựa trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Theo đánh giá của chuyên gia tài chính, TS Bùi Quang Tín, động thái điều chỉnh lãi suất điều hành lần này của NHNN lần này phù hợp với tương quan của các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác. Trong đó, lạm phát 2 tháng đầu năm nếu so với cùng kỳ năm ngoái tăng 5,91% được xem là cao hơn mức dự trù ban đầu 4%.
TS Bùi Quang Tín cho rằng, tác dụng giảm lãi suất điều hành của NHNN sẽ mang tính trung, dài hạn. Mục tiêu lớn nhất của việc giảm lãi suất điều hành là lãi suất liên ngân hàng, tái chiết khấu... sẽ giảm trong thời gian tới, giúp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng. Do đó các doanh nghiệp sẽ chờ động thái mạnh hơn từ phía các ngân hàng thương mại.
Chính sách giảm lãi suất lần này của NHNN cũng sẽ chỉ tác động đến các khoản vay mới nếu lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng giảm theo. Đối với hợp đồng cho vay cũ, ông Tín cho rằng rất khó để các ngân hàng hỗ trợ giảm lãi suất, trừ khi đối với lĩnh vực mà khách hàng chứng minh được thiệt hại từ dịch Covid-19 .
Người dân có rút tiền khỏi ngân hàng?
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, sau thông báo của NHNN, nhiều ngân hàng đã đồng loạt điều chỉnh giảm lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng, tuy nhiên mức điều chỉnh là không đáng kể, dao động từ 0,1 - 0,2%.
Nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng
Đơn cử, Vietcombank điều chỉnh lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng xuống 4,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng xuống 4,7%/năm, giảm 0,1 điểm phần trăm so với trước đó. VietinBank giảm 0,05 điểm phần trăm, niêm yết lãi suất kỳ hạn 3 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm, lãi suất kỳ hạn 1 tháng -3 tháng ở mức 4,3%/năm.
Ở nhóm ngân hàng thương mại tầm nhỏ và tầm trung, mức giảm cao nhất là 0,25%, từ mức 5%/năm xuống 4,75%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Sacombank niêm yết lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng dao động từ 4,3% đến 4,7%, giảm mạnh so với mức 4,9 - 5%/năm áp dụng trước đó. VietCapitalBank giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 4,7%/năm, áp dụng đồng loạt đối với các kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng. VIB áp dụng mức lãi suất đồng loạt cho kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,6%/năm, giảm 0,4 điểm phần trăm so với biểu lãi suất cũ...
Đối với lãi suất huy động trung và dài hạn, đa phần các ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất cũ. Trước đó, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa, từ mức 8,6 - 8,7%/năm về quanh mức 8%/năm.
Trả lời câu hỏi liệu việc các ngân hàng giảm lãi suất huy động có khiến người dân rút tiền tiết kiệm tại các ngân hàng chuyển sang các kênh đầu tư khác, TS Bùi Quang Tín cho rằng điều này không đáng lo.
Bởi trong các kênh đầu tư hiện nay, gửi tiết kiệm đối vẫn là một trong những kênh vừa an toàn, vừa phát huy hiệu quả đối với người dân. Vì trong bối cảnh này, chứng khoán không phải là kênh phù hợp khi thị trường liên tục giảm giá, đổ tiền vào chứng khoán thời điểm này rủi ro rất lớn.
Trong khi đó, kênh đầu tư bất động sản thanh khoản kém, lãi suất vay mua bất động sản có xu hướng tăng. Thị trương hàng hóa và các kênh đầu tư khác đều không hấp dẫn, hầu hết trong tình trạng cầm cự qua đại dịch lần này.
"Vì vậy, tiền gửi tiết kiệm, nếu lãi suất vẫn cao hơn lạm phát kỳ vọng 4%/ năm thì vẫn đang tạo ra lợi tức nhất định cho người dân. Hiện lãi suất huy đông trung và dài hạn đang ở mức 7-8%, nếu trừ lạm phát 4% thì người dân vẫn được lãi 3-4%.
Riêng với việc hạ lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng còn 4,75%, nếu họ gửi kỳ hạn dưới 6 tháng, họ vẫn có khoản dư nhất định nên đây sẽ vẫn là kênh hiệu quả đối với người dân" - chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định.
Theo Anninhthudo.vn
Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất: Doanh nghiệp còn cần thêm gì? Ngân hàng Nhà nước bắt đầu giảm lãi suất điều hành từ hôm nay 17/3, tuy vậy theo nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vẫn cần thêm nhiều yếu tố hỗ trợ khác. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ra thông báo giảm một loạt lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, có hiệu lực...