Ngân hàng chủ động thực thi Thông tư 22/2019
Với thông tư mới ban hành, cơ quan quản lý tiếp tục thể hiện rõ quan điểm “mạnh tay” trong cho vay bất động sản, song các ngân hàng cho biết, điều này không ảnh hưởng nhiều tới hoạt động kinh doanh bởi đã có sự chuẩn bị từ trước đó…
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Quản trị tài chính và nguồn vốn SCB cho biết, Thông tư 22/2019/TT-NHNN vừa được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 15/11/2019 nhằm thay thế Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (hiệu lực từ 1/1/2020) có một số điểm khác biệt cơ bản:
Thứ nhất, nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, NHNN quy định lộ trình áp dụng tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn.
Cụ thể, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng cho vay trung, dài hạn là 40%; từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2020 là 37%; từ ngày 1/10/2021 đến ngày 30/9/2022 là 34% và kể từ ngày 1/10/2022 sẽ giảm xuống 30%.
Thứ hai, tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi của các ngân hàng thương mại được nâng từ 80% lên 85%.
Thứ ba, về tỷ lệ an toàn vốn (áp dụng đối với các ngân hàng chưa thực hiện theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN) được quy định nhằm kiểm soát, hạn chế cho vay kinh doanh bất động sản, chuyển dòng tiền cho vay vào các kênh sản xuất – kinh doanh khác và phân khúc ít rủi ro hơn như nhà ở xã hội, và quan trọng hơn là giúp các ngân hàng có lộ trình hướng đến áp dụng Thông tư 41/2016 vào năm 2023.
Đặc biệt, cơ quan quản lý còn tăng hệ số rủi ro khi kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200%, bên cạnh áp dụng hệ số rủi ro từ 50-150% với các khoản vay cá nhân phục vụ mua nhà.
Cụ thể, các khoản phải đòi được đảm bảo toàn bộ bằng nhà ở (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai), quyền sử dụng đất, công trình xây dựng gắn với quyền sử dụng đất của bên vay và đáp ứng một trong các điều kiện sau sẽ có hệ số rủi ro 50%.
Đối với các khoản phải đòi khác như đối với cá nhân phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận cho vay/mức cho vay tại các hợp đồng tín dụng của khách hàng đó từ 4 tỷ đồng trở lên (sau khi trừ đi khoản phải đòi của khách hàng đó đã áp dụng hệ số rủi ro 50%) sẽ bị áp hệ số rủi ro 120%, có hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đến hết ngày 31/12/2020 và sau đó sẽ nâng lên 150% kể từ ngày 1/1/2021.
“Thông tư 22/2019 không quá khác biệt so với bản dự thảo được Ngân hàng Nhà nước lấy ý kiến từ giữa năm 2019. Vì vậy, không chỉ SCB, mà hầu hết các ngân hàng thương mại đã có những bước chuẩn bị cần thiết cho việc áp dụng thông tư này vào đầu năm 2020″, ông Hoàn nói.
Ngay tại SCB, ông Hoàn cho biết, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung – dài hạn đã dưới mức 30% (đạt mức quy định áp dụng vào ngày 1/10/2022). Tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi hiện vẫn đảm bảo dưới 80%.
Video đang HOT
Đối với tỷ lệ an toàn vốn, SCB đang thực hiện dự án “Thực hiện chuẩn mực an toàn vốn theo Thông tư 41/2016″ với đối tác triển khai giải pháp tính tỷ lệ an toàn vốn là Công ty TNHH Raffles Việt Nam & Blackice Enterprise Risk Management Inc.
Hiện nay, dự án đã đến giai đoạn “Người dùng kiểm thử hệ thống” (User Acceptance Test – UAT). Nếu giai đoạn này ổn, dự án sẽ hoàn thành ngay trong năm 2019.
Chia sẻ với phóng viên, một cán bộ cao cấp HSBC Việt Nam cho biết, hoạt động cho vay bất động sản vốn đã được kiểm soát và siết rất chặt nên Thông tư 22/2019 được ban hành không ảnh hưởng đến hoạt động của Ngân hàng.
Tại TPBank, một lãnh đạo cao cấp thông tin, sau tái cơ cấu, Ngân hàng đẩy mạnh hoạt động bán lẻ và tiêu dùng, nên Thông tư 22/2019 về cơ bản không tác động đến hoạt động kinh doanh.
Theo đó, mặc dù thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm 2019 tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng mạnh hơn, đạt 72%, lên 757 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mảng kinh doanh ngoại hối và đầu tư chứng khoán có sự tăng trưởng đột biến về lãi thuần, lần lượt tăng 178% và 137%. Riêng lãi thuần thu về từ đầu tư chứng khoán là 824 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, với sự trợ giúp của công nghệ, mỗi tháng hệ thống LiveBank đã phục vụ hơn 2.500 giao dịch thành công. Thế nên, dù đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, song lợi ích mang về cho TPBank đã chuyển hóa tích cực, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
“Phí dịch vụ thanh toán của TPBank tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của ngân hàng số như mạng lưới LiveBank và các ứng dụng e-Banking đã trợ giúp cho các dịch vụ gửi tiền và giao dịch qua Ngân hàng”, báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI nêu rõ.
Mặt khác, với mục tiêu phát triển ngân hàng bán lẻ trong đó định hướng sự đóng góp của các sản phẩm thu phí sẽ ngày càng tăng cao và dựa trên nhu cầu thực tế của thị trường, TPBank đã lựa chọn Sun Life Việt Nam làm đối tác.
Giá trị chính thức của hợp đồng tuy không được tiết lộ, nhưng qua tìm hiểu cho thấy, tổng giá trị hợp đồng có thể lên tới gần 1 tỷ USD. Trong đó, riêng để đổi lấy việc độc quyền khai thác bảo hiểm, SunLife sẽ phải chi hỗ trợ ban đầu hơn 80 triệu USD.
“Cho vay bất động sản không còn là thị phần rất hấp dẫn đối với TPBank”, vị lãnh đạo trên nhấn mạnh.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng cho rằng, Thông tư 22/2019 được ban hành đã chính thức hóa các dự định của NHNN, trong đó việc giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn là giảm rủi ro cho các ngân hàng và đây là điều thích hợp với tình hình thực tế và thị trường.
Trước câu hỏi về lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn xuống 30% đến đầu năm 2022 liệu có chặt chẽ, TS. Hiếu cho rằng, tỷ lệ này tại Việt Nam còn quá rộng rãi, bởi theo thông lệ quốc tế chỉ là 20%.
“Dù vậy, thực tế, ngành ngân hàng Việt Nam có rất nhiều vốn lưu động là vốn ngắn hạn nên mức 30% là tương đối phù hợp”, ông Hiếu nói.
Theo Tinnhanhchungkhoan.vn
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang quay trở lại với kênh cổ phiếu
Trong 11 tháng kể từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu trên toàn cầu. Đi cùng với đó, các quỹ đầu tư trái phiếu cũng ghi nhận dòng vốn chảy vào khoảng 372 tỷ USD. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, dòng vốn đầu tư toàn cầu đã bắt đầu có dấu hiệu quay lại với kênh cổ phiếu.
Dòng vốn đầu tư toàn cầu đang quay trở lại với kênh cổ phiếu (Nguồn: Internet)
Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán SSI (SSI Research) vừa công bố báo cáo về lưu chuyển dòng vốn toàn cầu tháng 11/2019.
Sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư khỏi thị trường cổ phiếu bắt đầu từ tháng 12/2018. Kể từ khoảng thời gian này đến tháng 10/2019 đã có 277 tỷ USD rút khỏi các quỹ đầu tư trái phiếu toàn cầu. Đây là đợt rút vốn mạnh nhất và kéo dài nhất của cổ phiếu trong 4 năm trở lại đây.
SSI Research nhận định đợt dịch chuyển dòng vốn đầu tư này có mối lên hệ chặt chẽ với sự ảm của triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đi kèm với đó là sự leo thang xung đột thương mại Mỹ - Trung.
Tâm lý e ngại rủi ro đã khiến dòng tiền tìm đến những kênh trú ẩn an toàn là trái phiếu, vàng và đồng tiền phòng vệ. Những tài sản này cũng đã ghi nhận mức tăng giá mạnh trong thời gian qua. Cụ thể với vàng, chỉ trong 3 tháng 6, 7 và 8, giá vàng đã tăng trên 20%.
Đến tháng 10/2019, thị trường toàn cầu đặc biệt là Mỹ đã phát ra những tín hiệu lạc qua hơn. FED cắt giảm lãi suất lần 3, đã tạo động lực cho dòng tiền chảy về kênh chứng khoán. Chỉ số S&P 500 và Dow Jones của Mỹ cũng tăng lần lượt 23,4% và 19,1% so với hồi đầu năm.
Chính sách nới lỏng tiền tệ không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn lan rộng trên toàn cầu. Từ đầu năm tới nay đã có hơn 139 đợt cắt giảm lãi suất của các Ngân hàng Trung ương (NHTW), trong đó một số ngân hàng cắt giảm tới 3-4 lần. Cụ thể lãi suất tại Nhật đang duy trì ở mức -0,1%, EU 0%, Anh 0,75%. Lãi suất tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan đang ở mức thấp kỷ lục trong lịch sử.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) cũng đã có động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc liên tục 6 lần từ tháng 4/2018 đồng thời thay đổi cơ chế để tăng hiệu lực điều hành lãi suất, bơm mạnh tiền qua công cụ cho vay trung hạn (MLF) và giảm lãi suất MLF.
Trong bối cảnh đó, những kênh đầu tư khác như Trái phiếu Chính phủ và Ngoại hối lại trở nên kém hấp dẫn hơn. Đối với kênh Trái phiếu Chính phủ, việc các nhà đầu tư tránh rủi ro bằng cách tìm đến kênh này cũng đã khiến lợi tức sụt giảm rất sâu trong năm 2019 và đang ở vùng thấp nhất lịch sử. Dư địa tăng giá của TPCP đã giảm đi đáng kể. Do đã tăng giá mạnh và không gian nới lỏng tiền tệ của các NHTW lớn không còn nhiều, thị trường đã bắt đầu nói đến nỗi lo bong bóng trên thị trường trái phiếu.
Thị trường ngoại hối đang chịu áp lực từ quá nhiều biến động khó lường của chiến tranh thương mại, Brexit, các diễn biến địa chính trị... Trong bối cảnh đó, cổ phiếu nổi lên là kênh đầu tư có tiềm năng trong các kênh đầu tư truyền thống.
Lần đầu tiên kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào cổ phiếu dương trong 3 tuần liên tục (Nguồn: SSI)
Thận trọng với sự đảo chiều
Thời kỳ vốn rẻ tràn lan trên toàn cầu đã thúc đẩy các nhà đầu tư quay trở lại với cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển. Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi đã có lúc tăng hơn 4% trong 3 tuần qua, khi có khoảng 5.2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của thị trường này.
Tuy nhiên, dòng vốn tăng thêm lại tập trung nhiều vào các quỹ đầu tư toàn cầu, và phần nhiều được đổ vào thị trường thông các ETF nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.
SSI nhận định dòng tiền quay lại với kênh cổ phiếu có nhiều mối liên hệ với bức tranh thương mại Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, mối quan hệ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu có những diễn biến khởi sắc. Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại giữa hai quốc gia này có những biến động bất ngờ, rất có thể dòng vốn đầu tư sẽ tiếp tục đảo chiều.
Riêng với Trung Quốc, dòng vốn đầu tư trở về nước để hỗ trợ nền kinh tế từ nửa cuối 2018 đã bắt đầu suy giảm. Có vẻ như các nguồn vốn đầu tư mà Bắc Kinh có thể chi phối đã chạm giới hạn trong khi những diễn biến ảm đạm của kinh tế trong nước đã khiến dòng vốn rời bỏ Trung Quốc gia tăng. Theo dữ liệu của EPFR, dòng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu của Trung Quốc là khoảng 10 tỷ USD./.
Theo Viettimes.vn
Doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi khủng: Cảnh báo là chưa đủ Cơ quan chức năng đã cảnh báo về hiện tượng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu về diễn biến thị trường trong thời gian gần đây để có các điều chỉnh về pháp lý kịp thời và giám sát chặt chẽ nhằm tránh rủi ro cho thị...