Ngân hàng chạy đua tốt nghiệp Basel II
Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12-15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.
Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) áp dụng Basel IItiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại NHTM Nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.
Chỉ mới đếm trên đầu ngón tay
Theo kế hoạch ban đầu, đầu năm 2018, việc thí điểm này sẽ hoàn thành, sau đó sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các NHTM khác trong nước. Theo quy định Thông tư 41/2016/TT-NHNN, năm 2020 sẽ là thời điểm mà tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tuy nhiên, đến thời điểm này sau 4 năm triển khai mới có một vài ngân hàng hoàn tất: Vietcombank, OCB, VIB chủ động triển khai Basel II để nâng cao hệ thống quản trị, mang đến sự an toàn vốn cho ngân hàng.
Trong khi, với các ngân hàng Việt Nam, việc triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn, đồng thời nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn, sẽ mang lại các kết quả kinh doanh khả quan và bền vững hơn.
Đặc biệt, sau triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển khác. TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia ngân hàng cho rằng, lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước bất ổn và biến động của thị trường. Một khi khả năng quản trị rủi ro tốt hơn giúp nền kinh tế Việt Nam hoạt động bền vững hơn, giảm các nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng, giảm tác động xấu đến nền kinh tế khi khủng hoảng xảy ra.
Thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các chuẩn mực Basel II, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã chọn 10 ngân hàng thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, bao gồm: BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Tuy nhiên, đến nay chỉ mới 2 nhà băng (Vietcombank, VIB) trong số này đã sớm tốt nghiệm Basel II và thêm OCB nằm ngoài danh sách. Còn lại, các nhà băng đang phải chạy đua thời gian để có thể áp chuẩn quốc tế nói trên trong năm 2019 này.
Nhưng tính khả thi còn tùy thuộc vào kế hoạch tăng vốn của ngân hàng có thành công trong năm 2019. Trong đó, ngân hàng có vốn nhà nước (Vietinbank, BIDV) vẫn có áp lực lớn trong việc tăng vốn, vì khó được chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Áp lực hệ số CAR giảm
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, NHNN nên yêu cầu các NHTM sớm áp dụng Thông tư 41 về an toàn vốn ngay năm 2019 và thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngân hàng gắn liền xử lý nợ xấu. Thực tế, Vietcombank, VIB đã sớm tất toán nợ xấu đã bán cho VAMC. Riêng OCB tính cuối tháng 9/2018 chỉ giữ 242 tỷ đồng trái phiếu của VAMC, giảm 67% so đầu năm. Trong đó, trích lập dự phòng 154 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do quá trình tăng vốn, nâng cao tiềm lực tài chính còn khó khăn thời gian qua. Không chỉ với nhà băng nhỏ mà cả khối ngân hàng quốc doanh (BIDV, Vietinbank) nên khó có thể đáp ứng sớm việc hoàn tất thực hiện chuẩn Basel II.
Video đang HOT
Định hướng ngành ngân hàng đến 2019 – 2020 hoàn tất tăng vốn nhóm quốc doanh để đạt chuẩn Basel II. Vì thế, không chỉ với các nhà băng quy mô vừa và nhỏ chạy đua tăng vốn mà ngay cả những nhà băng quy mô trong ngành cũng khó tránh vòng xoáy trên để tiến tới đáp ứng các chuẩn mực quốc tế theo tiêu chuẩn basel II.
Theo NHNN, tỷ lệ CAR của toàn hệ thống đang ở mức khoảng 12% (quy định tối thiểu là 9%). Trong đó, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4% thì của khối ngân hàng TMCP là hơn 11,3%. Tới năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm hơn nữa dựa theo công thức mới. Việc Chính phủ, NHNN vừa bật đèn xanh với cho BIDV hút vốn ngoại cũng được xem là động thái tích cực tiến tới Basel II. BIDV sẽ phát hành 603 triệu cổ phần, tương đương 17,65% vốn hiện tại và 15% vốn sau tăng cho chỉ một nhà đầu tư KEB Hana Bank. Vốn điều lệ BIDV tăng từ 34.187 tỷ đồng lên 40.220 tỷ đồng.
VPBank vừa xin phép NHNN áp dụng toàn phần tiêu chuẩn Basel II trong quản trị rủi ro từ đầu năm 2019, sớm 1 năm so với yêu cầu đặt ra của NHNN nếu được chấp thuận. HDBank cho biết, từ năm 2015-2016, ngân hàng đã lên các kịch bản chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu từ trước khi NHNN ban hành Thông tư 41 với các chuẩn mực tương tự Basel II. Sacombank khởi động dự án “Mô hình lượng hóa rủi ro tín dụng”; triển khai phần mềm xếp hạng tín dụng… Thông qua việc triển khai các dự án này cùng với dự án “Hoàn thiện khung cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro”, Sacombank đang đẩy nhanh quá trình hoàn thành phương pháp tiêu chuẩn (Standard Approach – SA) và tiến lên phương pháp tiếp cận nội bộ của Basel II.
Lợi ích mang lại
Vietcombank, OCB và VIB sẽ được hưởng cơ chế riêng về tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới. Theo Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng, với các ngân hàng đã đáp ứng về tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 ngay trong năm 2019 các nhà băng sẽ được cấp chỉ tiêu về tăng trưởng tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác.
Tại OCB, Basel II đem đến những giá trị thiết thực không chỉ cho chính Ngân hàng, mà các khách hàng và cổ đông cũng nhận được nhiều lợi ích. Việc triển khai Basel II thành công đã giúp OCB tối ưu hóa lợi nhuận bằng các chiến lược kinh doanh dựa vào mức độ rủi ro, phân bổ vốn hợp lý vào các đối tượng khách hàng và sản phẩm, thiết lập được danh mục đầu tư/tín dụng có mức lợi nhuận tối ưu.
Đánh giá cao kết quả của dự án trên cả khía cạnh tuân thủ yêu cầu của NHNN về triển khai quy định Basel II cũng như tính ứng dụng trong thực tiễn kinh doanh, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, Ngân hàng sẽ sử dụng các kết quả của dự án ngay cho các hoạt động quản lý danh mục tín dụng, lập và quản lý kế hoạch kinh doanh năm 2019, tiếp tục hoàn thiện cho các năm tiếp theo. OCB triển khai tiếp tục các khuyến nghị của tư vấn tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý rủi ro, quản lý dữ liệu theo đúng định hướng chiến lược ngân hàng đã đặt ra. Có thể thấy, dự án này nói riêng và các công việc triển khai ứng dụng Basel II khác sẽ là nền tảng quan trọng giúp OCB có sức bật mạnh mẽ trong các năm sắp tới.
Tổng giám đốc VIB-Hàn Ngọc Vũ cho hay, việc áp dụng chuẩn Basel II có lợi cho VIB nói riêng, toàn hệ thống nói chung trong quản lý rủi ro, hoạt động lành mạnh.
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, NHNN khuyến khích các ngân hàng và được hưởng cơ chế riêng, song cũng có sự kiểm tra và yêu cầu cao hơn với các ngân hàng thực hiện Basel II sớm. Nếu các ngân hàng vi phạm Thông tư 41/2016/TT-NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020 thì sẽ có chế tài khác, bị xử lý nặng hơn gấp đôi so với các ngân hàng khác. Điều đó cho thấy, NHNN tạo điều kiện cho ngân hàng nhưng phải thể hiện trách nhiệm với NHNN.
Theo thegioitiepthi.vn
Lại hối hả tăng vốn theo Basel II
Tăng vốn điều lệ (VĐL) là vấn đề được đề cập nhiều lần, các NH cũng đang tìm mọi cách để thực hiện, nhằm đáp ứng quy định về hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo Basel II. Song đây vẫn là câu chuyện còn rất dài và khó đi đến hồi kết, bởi khó khăn trong hoạt động tăng vốn vẫn chưa thể giải quyết trong 1-2 năm tới.
Đủ cách tăng vốn
Thống đốc NHNN vừa ban hành quyết định sửa đổi mức VĐL cho Vietcombank. Theo đó, VĐL hiện tại của NH này đạt hơn 37.088 tỷ đồng, tăng 1.111 tỷ đồng so với trước. Khoản vốn tăng lên do đối tác GIC (Singapore) đã mua 2,55% cổ phần và Mizuho mua thêm cổ phần để đảm bảo duy trì tỷ lệ sở hữu 15% VĐL. Số cổ phiếu phát hành vốn cho đối tác ngoại này mới đạt 1/3 tổng số cổ phiếu dự kiến chào bán.
Hồi tháng 9 năm ngoái NHNN cũng chấp thuận việc Vietcombank thực hiện tăng vốn lên 39.575 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ tổ chức ĐHCĐ 2019 vào ngày 26-4. Tại thông báo về ngày đăng ký để thực hiện quyền tham dự họp gửi đến cổ đông, NH cho biết sẽ tiếp tục đưa ra tờ trình về tăng VĐL bên cạnh các nội dung khác.
Các nhà đầu tư nước ngoài ở khu vực khác, nhất là châu Âu rất nhạy cảm đối với văn hóa kinh doanh Việt Nam. Do đó, dù họ thấy tiềm năng của các NH Việt nhưng mới chỉ nhòm ngó. Chỉ khi nào tỷ lệ sở hữu nước ngoài được mở rộng đúng như kỳ vọng, nhóm nhà đầu tư này mới mạnh dạn đổ tiền vào. Bởi lẽ họ không muốn đầu tư nhưng không có quyền quyết định như hiện nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu,
chuyên gia tài chính NH
Thực tế, tăng VĐL là yêu cầu chung của tất cả NHTM đang hoạt động. Do đó, mỗi nhà băng đều lên kế hoạch và tìm mọi cách để thực hiện. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho NHTMCP Quốc Dân (NCB).
Theo đó, NH này sẽ chào bán 199,44 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành tới, bao gồm chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu, phát hành cho cán bộ nhân viên 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá hơn 1.994 tỷ đồng. Khi phát hành thành công, VĐL của NCB sẽ tăng từ 3.010 tỷ đồng lên hơn 5.000 tỷ đồng.
Các NH khác như BIDV cũng đang trong tiến trình thực hiện kế hoạch tăng VĐL thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank (Hàn Quốc), với tỷ lệ 17,65% VĐL hiện tại. LienVietPostBank dự kiến xin ý kiến cổ đông về phương án phát hành cổ phiếu trong ĐHCĐ sắp tới để tăng VĐL và chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM. TPBank cũng đã chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu và chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tổng tỷ lệ 28% để tăng VĐL lên 8.566 tỷ đồng.
Khó khăn của VietinBank cần phải tăng 20% vốn, tương đương 7.500 tỷ đồng mới cải thiện hệ số CAR, đáp ứng Basel II.
Nhiệm vụ cấp bách
Tại báo cáo triển vọng 2019, Công ty chứng khoán Vietcombank nhận định, theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, thời điểm áp dụng Basel II đối với hệ thống TCTD sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2020. Như vậy, trong năm 2019, các NH phải hoàn thiện công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn, cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.
Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc các TCTD phải thực hiện các biện pháp để tăng vốn cấp 1 cần có. Vốn cấp 1 có thể được tăng cường nhờ gia tăng vốn chủ sở hữu bằng việc phát hành thêm cổ phiếu, hoặc từ lợi nhuận giữ lại.
Việc phát hành cổ phiếu ra công chúng hay cho đối tác sẽ đem lại dòng tiền mới cho thị trường, đồng thời tạo kỳ vọng tăng trưởng cho các cổ phiếu NH.
Tuy nhiên, không phải NH nào cũng gặp thuận lợi trong việc tăng vốn. Trong khi nhóm NHTMCP có quy mô lớn, đã niêm yết, có lợi thế về điều kiện phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu, thì lợi nhuận của các NH nhỏ hiện nay còn khá thấp, do đó việc giữ lại lợi nhuận cũng không hỗ trợ tăng vốn được nhiều, nên không ít nhà băng đã thất bại.
Còn các NHTM có vốn nhà nước, dù đã có những tín hiệu mới song việc tăng vốn cải thiện hệ số CAR vẫn đối mặt với nhiều áp lực, vì nhóm NH này vốn đã không có nhiều lựa chọn để cải thiện hệ số CAR. Như trường hợp Vietinbank đang cần tăng vốn khoảng 20%, tương đương 7.500 tỷ đồng trong 2 năm tới để đáp ứng yêu cầu về hệ số CAR. Tuy nhiên, do tỷ lệ sở hữu nhà nước ở mức 64,46% (thấp hơn mức tối thiểu theo quy định 65%) nên Vietinbank gặp nhiều khó khăn trong tăng vốn.
Trong buổi gặp gỡ với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây, Tổng giám đốc Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), cho biết NH này sẵn sàng hỗ trợ Vietinbank tăng vốn và mong muốn được Chính phủ ủng hộ. Song nếu vốn càng tăng thêm, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước sẽ càng giảm xuống, nếu Nhà nước không bơm thêm vốn vào sẽ đẩy NH này vào thế khó.
Theo Quyết định 986 của Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển của ngành NH đến năm 2025, tỷ lệ sở hữu tại các NHTM có vốn nhà nước sẽ giảm về mức 51% trong giai đoạn 2021-2025. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Do đó, thời điểm này, Vietinbank chỉ có thể co hẹp tăng trưởng tín dụng để giữ hệ số CAR theo đúng quy định.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đầu năm nay, 4 NHTM có vốn nhà nước là Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đồng loạt kiến nghị gỡ tăng vốn, với các giải pháp cho phép chia cổ tức bằng cổ phiếu và tháo gỡ các điều kiện ràng buộc để bán vốn nhà đầu tư nước ngoài.
Trông cậy nhà đầu tư Nhật, Hàn
Mặc dù có rất nhiều giải pháp đang được áp dụng và nhiều kiến nghị được đề xuất lên Chính phủ và NHNN để mở ra cánh cửa tăng vốn, nhưng tâm lý chung của các NH đang rất kỳ vọng vào sự hỗ trợ từ nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, nhất là sau khi nhiều nhà băng đã phát hành cổ phiếu thành công cho đối tác ngoại. Song dòng vốn ngoại cũng đang lựa chọn kỹ đối tác Việt Nam và tập trung vào những NH lớn.
Cụ thể, theo thông tin được công bố gần đây, Tập đoàn Tài chính NongHuyp - định chế tài chính đứng thứ 4 tại Hàn Quốc - muốn hợp tác với Agribank để thực hiện lộ trình cổ phần hóa NH này. Ngược lại, một số NHTMCP nhỏ dù chủ động tìm đối tác nước ngoài nhưng nhiều năm qua cũng chưa có kết quả.
Cũng liên quan đến việc mời gọi đối tác nước ngoài đầu tư để tăng vốn, hiện nhiều nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc đang quan tâm đến việc góp vốn vào NH Việt Nam vì các quốc gia này có văn hóa kinh doanh tương đồng với Việt Nam. Hơn nữa họ vào đầu tư tại các NH Việt Nam một phần vì muốn hỗ trợ các khách hàng truyền thống của họ, đó là những doanh nghiệp đang làm ăn với doanh nghiệp Việt Nam và quan hệ với các NH lớn của Việt Nam.
Yên Lam
Theo saigondautu.com.vn
Giữa hàng loạt ngân hàng tăng, ngân hàng nào đã bất ngờ giảm lãi suất? Đối mặt với thanh khoản căng thẳng trong thời điểm cuối năm, tháng đầu năm nay chứng kiến mặt bằng lãi suất tiếp tục đi lên. Sau khi một loạt ngân hàng tăng lãi suất trong nửa đầu tháng 1, thì nửa cuối tháng 1 ghi nhận thêm không ít nhà băng tiếp tục điều chỉnh lãi suất, nhưng bất ngờ là đã...