Ngăn chặn bạo lực học đường: Lấy giáo dục, nêu gương là chính
Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành Giáo dục về bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng chống bạo lực học đường, diễn ra ngày 17-4, đã thống nhất quyết tâm triển khai kế hoạch hành động về phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng trường học an toàn, thân thiện năm 2019.
Gần 20.000 đại biểu đã thể hiện sự nhất trí cao, chung tay ngăn chặn bạo lực học đường, trong đó giải pháp chính được xác định là giáo dục, nêu gương.
Việc tư vấn, hướng dẫn kỹ năng sống sẽ giúp học sinh có cách ứng xử phù hợp, tránh nảy sinh bạo lực học đường. Ảnh: Nguyễn Hoài
Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”
Đây là lần đầu tiên ngành Giáo dục tổ chức một hội nghị có số lượng đại biểu tham gia lên tới gần 20.000 người ở 63 điểm cầu của các tỉnh,thành phố và hơn 600 điểm cầu của các quận, huyện, thị xã. Điều này thể hiện quyết tâm cao của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương và mỗi nhà trường trong việc phòng, chống bạo lực học đường.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp, trong đó riêng hệ thống văn bản đã có tới 25 thông tư, hướng dẫn, quy định… về xây dựng trường học an toàn, ngăn chặn bạo lực. Hệ thống văn bản quy phạm và công tác chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng đã tạo hành lang pháp lý để các nhà trường bảo đảm tốt công tác an toàn trường học.
Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng ở một số địa phương; ở một vài nơi còn để xảy ra các vụ bạo lực học đường nghiêm trọng mà nạn nhân và thủ phạm đều là học sinh, khiến phụ huynh lo lắng, dư luận bức xúc.
Trước tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ở một số nơi,lấy ý kiến từ các điểm cầu đều thể hiện sự thống nhất cao với kế hoạch triển khai phòng, chống bạo lực học đường của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời, đưa ra một số giải pháp, đề xuất.
GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhận định: Bạo lực học đường gia tăng cho thấy trách nhiệm ngày càng nặng nề của các cấp quản lý, nhà trường và giáo viên. Một trong những lỗ hổng lớn hiện nay là việc chậm trễ, thiếu kiểm soát của cơ sở, khiến nhiều ca bạo lực không được giải quyết dứt điểm, gây bức xúc dư luận. Thực tế ấy đòi hỏi hiệu trưởng các nhà trường cần tăng tính chủ động và ý thức tự giác, không né tránh trách nhiệm. Để góp sức ngăn chặn bạo lực, nhà trường tiếp tục cập nhật, đưa vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên và giáo viên các quy định về đạo đức, kỹ năng ứng xử; tăng cường rèn kỹ năng ứng phó với các tình huống có vấn đề cho sinh viên…
Video đang HOT
Bà Nguyễn Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi nhà trường phải có phòng tư vấn tâm lý, có đội ngũ giáo viên chuyên trách về tư vấn tâm lý để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ những khúc mắc của học sinh, góp phần giảm nguy cơ dẫn đến các mâu thuẫn có thể nảy sinh hành vi bạo lực. Đó cũng là đề xuất của nhiều đại biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, phòng, chống bạo lực học đường là việc cần sự chung tay của toàn xã hội. Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ vấn đề này, mỗi nhà trường phải coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, chứ không phải mang tính phong trào.
“Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”
Thường xuyên trao đổi, tâm sự với học sinh sẽ giúp giáo viên nắm bắt tâm lý, định hướng giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh trong trường học. Ảnh: Nhật Nam
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, mặc dù việc phòng, chống bạo lực học đường là trách nhiệm chung, song ngành Giáo dục cần chủ động, tiên phong để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, quan tâm hóa giải các nguyên nhân dẫn đến bạo lực để phòng ngừa, ngăn chặn. Theo đó, vai trò của giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng nhà trường cần được chú trọng hơn.
“Các thầy giáo, cô giáo phải trở thành những nhà giáo dục, không phải là “thợ dạy”; cần lấy giáo dục, nêu gương là chính, chứ không nặng về phạt hoặc răn đe” – Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Còn theo thầy giáo Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), trước tiên, mỗi thầy giáo, cô giáo phải nỗ lực hoàn thiện mình để không chỉ vững về chuyên môn, giỏi kỹ năng sư phạm, mà còn có phẩm chất đạo đức tốt, là tấm gương để học sinh noi theo về mọi mặt. Việc xây dựng đội ngũ nhà giáo tốt sẽ góp phần xây dựng nhà trường trở thành một trung tâm văn hóa, chứ không phải là nơi dạy chữ đơn thuần. Đây là nền tảng để mỗi học sinh tự giác điều chỉnh ý thức, hành vi, trở thành công dân có tri thức và văn hóa.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và nhiều ý kiến tại các điểm cầu đều thể hiện sự đồng thuận với quan điểm lấy việc nêu gương, lấy “xây” để “chống”, nhằm ngăn chặn các hành vi bạo lực trong nhà trường. Ý kiến của các nhà trường cũng thống nhất chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tiên phong, thể hiện trách nhiệm trước các vụ việc bạo lực học đường.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm triển khai tới đội ngũ giáo viên về phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh; tăng cường truyền thông, làm lan tỏa các tấm gương điển hình tiêu biểu, nhằm giáo dục chuyển đổi hành vi cho cả giáo viên và học sinh; kiên quyết nói không với các hành vi bạo lực trong trường học.
Theo ông Đặng Hoa Nam, các nhà trường, địa phương cần phát huy vai trò của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và lưu ý đây không chỉ là số điện thoại đường dây nóng để sử dụng khi có sự việc xảy ra, mà còn là nơi tư vấn, hỗ trợ phụ huynh, học sinh khi gặp sự cố.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ yêu cầu mỗi cơ sở giáo dục phải cụ thể hóa kế hoạch phòng, chống bạo lực phù hợp; quan tâm giáo dục kỹ năng và nhân rộng các điển hình tiêu biểu, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu” để ngăn chặn các hành vi chưa đẹp. Cùng với việc nghiêm khắc xử lý các hành vi sai phạm về bạo lực, thì đây là những giải pháp căn cơ để hạn chế nguy cơ dẫn đến bạo lực học đường.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ vừa ký ban hành Chỉ thị số 993/CT-BGDĐT về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực học đường trong cơ sở giáo dục. Chỉ thị nêu rõ: Hiệu trưởng nhà trường chịu trách nhiệm trực tiếp, toàn diện trong việc bảo đảm an toàn trường học. Các nhà trường phải thiết lập kênh thông tin để tiếp nhận, xử lý kịp thời các thông tin về bạo lực học đường; tích cực nêu gương người tốt, việc tốt, đề cao sự gương mẫu của thầy giáo, cô giáo; xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp có hành vi bạo lực học đường.
Theo hanoimoi
Vĩnh Phúc: UBND tỉnh ban hành Chỉ thị nhằm phòng chống bạo lực học đường
UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Chỉ thị về tăng cường giải pháp đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh.
Ảnh minh họa. Báo Vĩnh Phúc
Theo Chỉ thị này, để tăng cường các giải pháp bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho sở GD&ĐT, sở Lao động - Thương binh và xã hội; sở Y tế; sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sở Thông tin và Truyền thông; sở Tư pháp; Công an tỉnh; Tỉnh Đoàn thanh niên; UBND các huyện, thành phố; Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội.
Riêng với sở GD&ĐT chủ trì, UBND tỉnh giao chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo, học sinh vi phạm nội quy trường, lớp.
Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho CBQL, giáo viên, người lao động về tư tưởng chính trị, đạo đức, kỹ năng xử lý tình huống sư phạm, kiến thức pháp luật, các quy định của ngành, trách nhiệm cá nhân trong việc xây dựng và thực hiện nền nếp, kỷ cương, kỷ luật tích cực trong trường học; nguyên tắc là vì lợi ích của học sinh, không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần, khích lệ và tôn trọng, phù hợp với đặc điểm và sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý trong việc thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em; triển khai theo thẩm quyền việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại.
Xử lý nghiêm các giáo viên, nhân viên có hành vi vi phạm đạo đức, hành vi bạo hành thể chất, tinh thần học sinh; người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vụ việc vi phạm.
Đối với trường hợp giáo viên, nhân viên vi phạm, tùy theo mức độ, quy định của pháp luật liên quan, tạm dừng việc giảng dạy, bố trí làm công việc khác để chờ xử lý hoặc xem xét đưa vào diện tinh giản biên chế, chấm dứt hợp đồng lao động.
Xây dựng các biện pháp xiết chặt kỷ cương, nền nếp nhằm ngăn chặn tình trạng học sinh, đánh nhau ở trong và ngoài trường học; học sinh xúc phạm, nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, nhân viên của nhà trường; giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực sư phạm với học sinh, bạo lực, bạo hành, xâm hại học sinh.
Nêu cao tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức, nền nếp, kỷ cương trường học; có biện pháp ngăn, ngừa, can thiệp hỗ trợ kịp thời không để xảy ra tình trạng giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Yêu cầu giáo viên phải nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ và xử lý tình huống sư phạm; trong quá trình giáo dục, cần tôn trọng sự khác biệt, phù hợp đối tượng, giảm áp lực cho học sinh...
Hải Bình
Theo GDTĐ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ra chỉ thị khẩn về bạo lực học đường Để tăng cường các giải pháp phòng, chống và xử lý kịp thời các vụ bạo lực học đường, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, bô GD&ĐT đa chi thi cac cơ sơ giao duc quan triêt va thưc hiên nghiêm tuc viêc xây dưng môi trương hoc đương an toan, lanh manh va thân thiên. Gân đây liên tiếp xảy...