Ngắm nhìn ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ
Mùa nước đổ khiến những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh, dưới nắng vàng rực rỡ đẹp tựa như một bức tranh.
Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.
Nếu có dịp đến Mù Cang Chải vào tháng 6, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang nơi đây vào mùa nước đổ.
Không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng ở vùng đồng bằng phù sa châu thổ, những thửa ruộng ở vùng cao ở Tây Bắc nói chung và Mù Cang Chải nói riêng cứ chồng lên nhau từ lớp này đến lớp khác như những bậc thang bắc lên trời xanh.
Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.
Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang nơi đây có khó khăn hơn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, người dân nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ.
Mùa đổ nước, người dân đắp đập, ke bờ, dẫn nước vào ruộng để chuẩn bị cày ải, gieo mạ và cấy lúa.
Video đang HOT
Đâu đâu cũng thấy những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp trải rộng khắp các quả đồi.
Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang với hình ảnh bà con dân tộc Mông đang hăng say cấy hái.
Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng cao đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.
Không chỉ giúp nhân dân có cuộc sống ổn định, đẩy lui đói nghèo mà sự hòa quyện giữa vẻ đẹp của những thửa ruộng bậc thang cùng nét văn hóa bản địa độc đáo còn giúp Mù Cang Chải trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn.
Năm 2007, ruộng bậc thang ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha – thiên đường ruộng bậc thang Việt Nam – đã được Nhà nước công nhận Danh thắng quốc gia.
Không chỉ vậy, Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.
Nhằm quảng bá du lịch cũng như vẻ đẹp ruộng bậc thang, hàng năm huyện Mù Cang Chải tổ chức các hoạt động du lịch “mùa nước đổ” thu hút đông đảo du khách đến với vùng cao nơi đây.
Nhằm tôn vinh danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Mông, đồng thời nâng cao ý thức bảo tồn di sản, thu hút khách du lịch, từ năm 2015 tỉnh Yên Bái đã cho tổ chức nhiều hoạt động gồm chọi dê, hội giã cốm, hội chợ ẩm thực, dù lượn “Bay trên mùa vàng” và “Bay trên mùa nước đổ” tại đỉnh Khau Phạ, đồi Mâm Xôi cùng nhiều hoạt động văn hóa khác.
Cùng với sự thân thiện, hồn hậu, hiếu khách, mùa nước đổ đang giúp Mù Cang Chải đẹp hơn trong lòng du khách.
Cảnh 'vô thực' ở Mù Cang Chải vào mùa nước đổ
Đầu tháng 7, trên những đồi ruộng bậc thang biểu tượng ở Mù Cang Chải lênh láng nước, báo hiệu mùa cấy bắt đầu.
Đây cũng là một trong hai mùa đẹp nhất, cùng mùa lúa chín.
Năm nay, mùa nước đổ đến muộn do vừa trải qua đợt nắng hạn kéo dài. Những năm trước, từ giữa tháng 5 đến tháng 6, nước đã tràn về khắp các thửa ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải, Yên Bái. Nước đổ từ bậc ruộng này sang bậc ruộng khác, tạo nên cảnh tượng dường như "vô thực".
Bộ ảnh do Vàng A Thào, người Mông sinh sống ở Mù Cang Chải, thực hiện vào đầu tháng 7 tại hai điểm ruộng bậc thang đẹp nhất Yên Bái là đồi Mâm Xôi và đồi Móng Ngựa.
"Cảm giác vượt các cung đường ngắm ruộng bậc thang mang đến những trải nghiệm khó quên. Tuy nhiên, để thưởng thức trọn vẹn, du khách nên tham khảo thêm thông tin từ các hướng dẫn viên bản địa và từ các nhóm review du lịch địa phương trước khi lên đường", anh Vàng A Thào, 29 tuổi, hướng dẫn viên địa phương kiêm dẫn tour chụp ảnh sống tại Mù Cang Chải, chia sẻ.
Năm 2007, danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia, với diện tích 330 ha, trên địa bàn ba xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình. Năm 2020, ruộng bậc thang Mù Cang Chải được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt
Ruộng bậc thang đồi Mâm Xôi thuộc bản Hán Xung, xã La Pán Tẩn trở thành biểu tượng của Mù Cang Chải khiến bất kỳ du khách nào đặt chân đến vùng cao này cũng hỏi đường lên thăm. Đồi Mâm Xôi được cấy lúa vào ngày 1.7 và hiện đã cấy xong
Nếp nhà yên bình và triền ruộng bậc thang xen kẽ với màu mạ non mới cấy của người Mông. Nguồn nước được dẫn từ các khe suối về. Hiện tại nhiều đường mương đã được xây dựng nên việc lấy nước thuận lợi hơn
90% dân số ở Mù Cang Chải là là người Mông và tất cả đều làm ruộng, cuộc sống tự cung tự cấp nên họ chỉ xuống chợ khi cần mua sắm. Trên ảnh là chị Khang Thị Chai và con gái Vàng Thanh Vân, 5 tuổi, trong trang phục truyền thống tham gia công việc đồng áng tại Mù Cang Chải
Vào mùa này, trời mưa thất thường nên du khách phải luôn mang theo áo mưa khi ngắm ruộng bậc thang Mù Cang Chải. Vì mùa mưa nên khoảnh khắc hoàng hôn cũng hiếm hoi và vô cùng ảo diệu
Nước lênh láng trên những thửa ruộng bậc thang được hoàng hôn "pha màu" đỏ rực khiến khung cảnh dường như "vô thực"
Sáng Nhù, cách thị trấn Mù Cang Chải 4 km là nơi có nhiều ruộng bậc thang có hình dạng đa dạng, với đường nét trông như móng ngựa, mũi giày hay con mắt. Trong ảnh là đồi ruộng bậc thang Móng Ngựa, nơi thu hút nhiều nhiếp ảnh gia và du khách
Thị trấn Mù Cang Chải huyền ảo trong ánh đèn đêm bên ruộng bậc thang mùa nước đổ.
Vẻ đẹp ruộng bậc thang Mù Cang Chải mùa nước đổ Cứ vào dịp tháng 5, tháng 6 hàng năm khung cảnh ruộng đồng ở vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) lại hiện lên như những bức tranh thủy mặc. Những thửa ruộng bậc thang ẩn hiện trong mây núi vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn luôn rất đẹp mắt, nhất là khi người Mông ở đây ra đồng đưa nước vào...