Ngâm mình dưới nước chờ… đưa con đi học
Đó là hoàn cảnh của nhiều bậc phụ huynh ở thôn 9, xã Phú Định, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Do quá nhỏ, các em học sinh không thể lội qua khe nước sâu cắt ngang đường đến trường mà phải đợi người lớn cõng qua.
Chọn thời điểm gần giờ các em học sinh tan trường, tôi có mặt bên khe Thầy Luyến (còn gọi là khe Cải Tạo) thuộc thôn 9, xã Phú Định để chứng kiến cảnh những ông bố đứng đợi để lần lượt cõng các em học sinh qua khe nước sau mỗi giờ tan trường.
Một phụ huynh cõng con qua khe.
Trong lúc đứng đợi con tan trường, anh Trần Văn Tình (SN 1970), một người dân ở thôn 9 tâm sự: Vào mùa mưa lũ như hiện nay, nước khe Thầy Luyến dâng khá cao. Học sinh THPT có thể tự bơi qua để đến trường, còn học sinh tiểu học và THCS thì gia đình phải “cõng” qua. Cuối buổi học, trong thôn sẽ cử người ra đứng gác bên khe làm nhiệm vụ cõng các em về nhà.
Video đang HOT
Công việc này được những người đàn ông trong thôn thay nhau thực hiện từ nhiều năm qua nhằm bảo đảm an toàn cho các em học sinh. Hiện toàn thôn có 35 trẻ tới trường. Lúc nước lũ mạnh thì mỗi “ca trực” có từ 2 – 3 người, lúc nước xuống thấp thì chỉ cần 1 người. Chính vì vậy, ngày nào cũng có phụ huynh sắp xếp việc nhà để có mặt bên khe này.
Ông Phạm Văn Phê -Trưởng thôn 9 cho biết: Thôn 9 được thành lập năm 1979, từ đó đến nay công việc thường xuyên của những người cha ở đây là cõng con qua khe để đến trường học chữ. Có khi, cả phụ huynh và học sinh vấp ngã giữa khe khiến áo quần, sách vở ướt sũng, nhưng các em vẫn kiên trì đến lớp…
Nói về cuộc sống của các hộ dân ở thôn 9, anh Trần Văn Tình chia sẻ, vào mùa mưa lũ nước khe dâng cao, trong thôn hầu như chỉ toàn đàn ông đi chợ chứ phụ nữ không dám qua khe.
Thôn trở thành một “làng nổi” bị cô lập, không buôn bán, trao đổi gì được với bên ngoài bởi con đường qua khe Thầy Luyến đã bị ngập chìm trong nước. Người dân không có thực phẩm, còn trẻ con thì bị cắt mất đường tới trường, phải nghỉ học. Mong ước của người dân nơi đây là có một cây cầu giúp việc đi lại được an toàn, thuận lợi hơn.
Thei DV
7 đề án để xây dựng đội ngũ giáo viên
Ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận có quyết định Phê duyệt Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020.
Theo Bộ GD-ĐT, hiện nay trong 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước, có 14 trường đại học sư phạm (SP) và 39 trường cao đẳng SP.
Ở các trường đại học SP hiện có 4.490 giảng viên; trong đó: 5,2% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 13,7% có trình độ tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và 48,7% có trình độ thạc sĩ. Ở các trường cao đẳng SP hiện có 3.543 giảng viên; trong đó: 0,07% có chức danh giáo sư, phó giáo sư; 0,93% có trình độ tiến sĩ và 36,89% có trình độ thạc sĩ.
Bên cạnh những thành tựu cơ bản, các trường SP vẫn còn một số yếu kém, bất cập trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển trường, trong xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế. Đặc biệt, các trường SP còn chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện lí tưởng, phẩm chất đạo đức của sinh viên và việc đào tạo nghiệp vụ SP; nội dung đào tạo SP chưa đáp ứng yêu cầu của giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non; chậm đổi mới phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên; kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục còn hạn chế.
Trước những thực trạng nêu trên, Bộ GD-ĐT triển khai thực hiện Chương trình phát triển ngành SP và các trường SP từ năm 2011 đến năm 2020 nhằm nâng cao năng lực của cả hệ thống các trường SP, lực lượng chủ yếu đáp ứng nhiệm vụ: "xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng" như đã nêu trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Nội dung của Chương trình thể hiện ở 7 đề án là: Củng cố mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất của các trường SP; Phát triển đội ngũ giảng viên các trường, khoa SP; Đổi mới công tác quản lý và điều hành các cơ sở đào tạo giáo viên; Nâng cao vai trò của các trường SP trong công tác phát triển đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên; Tăng cường vai trò của các trường SP trong công tác bồi dưỡng hiệu trưởng trường mầm non, phổ thông và giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên và công chức sở, phòng giáo dục và đào tạo (gọi chung là cán bộ quản lý giáo dục); Nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế của các trường SP; Kiểm định chất lượng các trường SP.
Thời gian thực hiện sẽ chia là hai giai đoạn từ 2011 - 2015 và giai đoạn từ 2016 - 2020. Tổ chức tổng kết thực hiện Chương trình vào cuối năm 2020.
Theo DT
Sức sống mới từ cách dạy học hiệu quả Không chỉ dừng lại tạo hứng thú và khả năng tư duy độc lập của học sinh, bản đồ tư duy còn được Ban giám hiệu các trường áp dụng linh hoạt trong việc quản lý. Sức sống mới từ phương pháp dạy học tích cực đã làm thay đổi bộ mặt của cấp học THCS. Trước đây, với cách học truyền thống...