Ngai vàng Hoa cúc của các hậu duệ Nữ thần Mặt trời Nhật Bản
Nhật hoàng, người đứng đầu nền quân chủ lâu đời nhất thế giới, thường được coi là hậu duệ của thần thánh và rất được người dân nước này kính trọng.
Nhật hoàng Akihito. Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito, với lý do sức khỏe, mới đây đã ngầm đề cập khả năng thoái vị, rời khỏi Ngai vàng Hoa cúc của vương triều lâu đời nhất thế giới.
Nếu khả năng đó thành hiện thực, ông sẽ là Nhật hoàng đầu tiên trong vòng 200 năm qua xuống ngôi khi còn tại thế, theo CNN. Bài phát biểu của ngài Akihito khiến triều đình Nhật trở thành tâm điểm chú ý tuần này.
Hậu duệ của thần thánh
Nhật hoàng Akihito là hoàng đế thứ 125, trong một dòng dõi hoàng gia từ thời dựng nước được bắt đầu từ năm 600 trước Công nguyên. Người đầu tiên nắm ngai vàng là Hoàng đế Jimmu, người được coi là hậu duệ của Nữ thần Mặt trời. Truyền thuyết về 25 vị hoàng đế đầu tiên được bao phủ bởi bức màn bí ẩn, nhưng các thế hệ Nhật hoàng nối ngôi từ năm 500 sau Công nguyên cho đến ngày nay còn lưu giữ được nhiều bằng chứng lịch sử.
Sau khi mỗi Nhật hoàng qua đời, tên hiệu của họ được đổi nhằm phản ánh tình hình của thời kỳ mà họ đã cai trị. Nếu Nhật hoàng Akihito băng hà, tên hiệu của ông sẽ được đổi thành Heisei (Hòa bình ở khắp mọi nơi), phản ánh những gì diễn ra trong thời kỳ ông cai trị kể từ khi lên ngôi năm 1989.
Phụ thân của ông, cố Nhật hoàng Hirohito – người lên ngôi khi đất nước đang có chiến tranh – được đổi tên thành Showa, nghĩa là “Nhật Bản rạng rỡ”.
Trong tiếng Nhật, hoàng tộc gọi là Tenno, được hiểu là thiên triều. Danh từ này xuất phát từ tư tưởng cho rằng các thành viên hoàng gia là hậu duệ của thần thánh.
Theo đạo Shinto, hoàng đế là người đứng đầu quốc gia và có quyền lực tối cao. Trong lịch sử, các triều đình cũng duy trì thần quyền bất khả xâm phạm để tiện cai trị, nhưng việc tôn xưng hoàng đế lên thành á thánh chỉ mới xuất hiện nhiều thế kỷ gần đây, do động lực từ các giáo phái xung quanh triều đình.
Video đang HOT
Ngay sau khi kết thúc Chiến tranh Thế giới II, như một phần của thỏa thuận đầu hàng của Nhật Bản, Nhật hoàng Hirohito đã từ bỏ điều ông mô tả là “những quan niệm sai lầm cho rằng hoàng đế là á thánh”. Sau năm 1947, Hiến pháp của Nhật Bản đã được sửa đổi, hoàng đế trở thành “biểu tượng của nhà nước và tinh thần đoàn kết của nhân dân”, và không có quyền lực chính trị.
Phụ nữ và quyền lực
Trong lịch sử, phụ nữ có thể lên ngai vàng và cai trị, nhưng từ xưa đến nay Nhật Bản mới chỉ có 8 vị hoàng đế là nữ.
Trước thế kỷ 20, hoàng đế Nhật Bản thường có một người vợ và một số cung phi, tất cả đều là thành viên của các gia đình quý tộc. Nhật hoàng Akihito là hoàng đế đầu tiên được phép kết hôn với thường dân, và ông đã làm điều đó, kết hôn với bà Michiko Shoda vào thập niên 50 sau khi gặp nhau trên một sân tennis. Điều này vô tình khiến phong trào đánh tennis bùng nổ trong xã hội Nhật Bản thời kỳ đó.
Hoàng thái tử Naruhito cũng kết hôn với một thường dân, Masako Owada, một cựu nhân viên ngoại giao. Công nương Masako được chẩn đoán trầm cảm năm 2006, nguyên do có thể là những áp lực của việc phải hạ sinh một thái tử.
Theo Luật Hoàng gia của Nhật Bản, người thừa kế ngai vàng phải là nam giới. Năm 2005, Nhật có kế hoạch điều chỉnh luật để cho phép một người phụ nữ trở thành nữ hoàng. Tuy nhiên, kế hoạch đó không còn được xem xét nữa sau khi công nương Kiko, vợ Hoàng tử Akishino, con trai thứ hai của Nhật hoàng, sinh ra một bé trai, người có thể kế thừa ngai vàng.
Ngai vàng Hoa cúc
Nhật hoàng Akihito và gia đình sống ở Hoàng cung tại Tokyo, một khu phức hợp tuyệt đẹp giữa thủ đô của Nhật Bản. Đây được coi là một trong những khu bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Các cung điện bao gồm nhà ở cho các thành viên của gia đình hoàng gia, các văn phòng của Cơ quan Hoàng gia và bảo tàng.
Chế độ quân chủ lâu đời của Nhật Bản thường được nhắc đến với hình ảnh tượng trưng là “Ngai vàng Hoa cúc”. Trên thực tế, có một ngai vàng hoa cúc thật. Đó là một chiếc ghế được trang trí công phu, gọi là takamikura, được các hoàng đế ngồi lên trong lễ đăng quang.
Các hoàng đế Nhật Bản thời hiện đại cũng rất quan tâm đến khoa học. Vào đầu mỗi năm mới kể từ năm 1869, khi Hoàng đế Minh Trị phục hồi quyền lực thiên triều và tiến trên con đường biến Nhật Bản trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa, ngài tổ chức một loạt các buổi thuyết giảng khoa học.
Nhật hoàng Akihito và cha của ông đều chia sẻ quan tâm về sinh thái đại dương. Nhật hoàng còn được coi là một chuyên gia về cá bống, ngài đã viết 38 bài báo khoa học về loài này. Một loài cá bống mới được phát hiện đã được đặt theo tên của Nhật hoàng.
Trọng Nghĩa
Theo VNE
Cuộc sống không cổ tích của Thái tử phi Nhật Bản
Nếu Nhật hoàng thoái vị, Thái tử phi Masako, người vốn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hoàng cung, sẽ trở thành hoàng hậu và phải đảm đương trọng trách lớn hơn.
Thái tử Nhật Bản Naruhito và Thái tử phi Masako gặp các vận động viên nước nhà trước thềm Olympic hồi tháng 7. Ảnh: Reuters
Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, ám chỉ trong một bài biểu trên truyền hình hồi đầu tuần rằng ông muốn thoái vị vì tuổi cao sức yếu.
Thái tử Naruhito, 56 tuổi, được coi là sẵn sàng kế vị và đã đảm nhận nhiều nhiệm vụ chính thức hơn trong thời gian qua. Tuy nhiên, vợ ông, Masako Owada, 52 tuổi, người từng hai lần từ chối lời cầu hôn trong cuộc tình bắt đầu gần 30 năm trước, đã rất vất vả trong cuộc sống cung đình.
Bà Masako từng theo học Đại học Harvard và miễn cưỡng từ bỏ sự nghiệp ngoại giao để kết hôn. Bà phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm trong hơn một thập kỷ, phải đối mặt với các quy định ràng buộc của cuộc sống hoàng cung và áp lực sinh con trai. Bà ít khi xuất hiện trước công chúng.
Con gái của họ, Aiko, 14 tuổi, không thể thừa kế ngai vàng vì pháp luật quy định người kế vị chỉ có thể là nam.
"Các thành viên hoàng tộc thường giành được tình cảm của người dân qua các hoạt động với công chúng", Kenneth Ruoff, giáo sư tại Đại học bang Portland, nói. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko được nhiều người yêu mến vì họ giúp đỡ những người thiệt thòi và nỗ lực hàn gắn vết thương Thế chiến II ở nước ngoài.
Thái tử Naruhito đã nói rõ ông sẽ tiếp tục công việc của cha mình để nhắc nhở mọi người về tầm quan trọng của hòa bình. "Nếu ông Naruhito cũng tích cực tham gia các hoạt động như vậy, chắc chắn ông ấy cũng sẽ được tôn kính như cha mình. Tuy nhiên, trường hợp của bà Masako thì khó đoán hơn".
Bảo vệ
Thái tử Naruhito luôn hết lòng bênh vực và bảo vệ bà Masako. Năm 2004, ông gây bất hòa với cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động của hoàng tộc khi tuyên bố bà Masako đã hoàn toàn kiệt sức khi cố gắng thích ứng với cuộc sống hoàng gia.
Ông Naruhito tiếp tục lên tiếng bảo vệ vợ trong những năm sau đó, khi các tờ báo địa phương chỉ trích vợ ông lơ là nhiệm vụ. Năm 2008, ông đề nghị mọi người cảm thông khi nói rằng: "Masako đang nỗ lực hết sức với sự giúp đỡ của những người xung quanh".
Nhật hoàng có nhiệm vụ chính thức là tham gia các nghi lễ tôn giáo và khai mạc quốc hội, đồng thời gian gia các hoạt động phúc lợi xã hội.
Hình ảnh Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko mặc trang phục giản dị, ngồi nói chuyện với nạn nhân thiên tai tại các trung tâm sơ tán đã in dấu trong trí nhớ công chúng. Họ cũng nhiều lần đến thăm trung tâm cho người khuyết tật và người già.
Midori Watanabe, một nhà báo và là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Bunka Gakuen, cho rằng ở vùng nông thôn hay với những người cao tuổi, sự xuất hiện của cặp đôi hoàng gia luôn được trân trọng một cách đặc biệt.
"Điều quan trọng là hai người phải đi với nhau", Watanabe nói. "Ông ấy (Naruhito) đã hứa sẽ bảo vệ bà ấy cả đời", bà nói thêm. "Tôi nghĩ rằng bà ấy sẽ cố gắng vì ông ấy".
Miiko Kodama, giáo sư danh dự tại Đại học Musashi, cho rằng khi bà Masako trở thành hoàng hậu, bà có thể sẽ vui vẻ hơn, giống như mẹ chồng mình.
Hoàng hậu Michiko, mẹ chồng của bà Masako, là thường dân đầu tiên kết hôn với một người thừa kế hoàng gia. Trong những ngày đầu gia nhập hoàng tộc, bà gầy đi rất nhiều và cũng phải chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, bà sau đó trở thành hoàng hậu xuất hiện trước công chúng nhiều nhất trong lịch sử Nhật Bản.
"Khi bà Masako trở thành hoàng hậu, địa vị cao hơn sẽ đồng nghĩa với việc tiếng nói của bà có trọng lượng hơn", Kodama nói.
"Tôi nghĩ rằng khi có ít người gây áp lực cho bà ấy hơn, nhiều triệu chứng bệnh của bà sẽ thuyên giảm".
Phương Vũ
Theo VNE
Liệu Nhật có để Thiên hoàng thoái vị Mong muốn nghỉ ngơi của Thiên hoàng được nhiều người dân thông cảm nhưng cũng có thể mở ra những vấn đề tranh luận mới cho đất nước. Nhật hoàng Akihito. Ảnh: Reuters Nhật hoàng Akihito, 82 tuổi, hôm 8/8 có bài phát biểu trên truyền hình tỏ ý muốn thoái vị vì sức khỏe yếu. Nhật Bản là nước quân chủ lập...