“Ngại chống tham nhũng vì ai cũng đầy rẫy khuyết điểm, nhập nhằng”
“Nhiều vụ án tôi thấy chủ yếu xử người ở cuối dây và mới chỉ đánh mơn man bên ngoài tham nhũng. Theo tôi muốn đạt hiệu quả phải đánh thẳng vào người có chức, có quyền và cả lực lượng chống tham nhũng nữa”, đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Bên lề buổi thảo luận tổ thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/10, đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương đã thẳng thắn trao đổi với báo chí về vấn đề chống tham nhũng. Theo đại biểu Đương, không phải ai cũng mạnh dạn nói về tham nhũng bởi bản thân mỗi người tự cảm thấy đầy rẫy những khuyết điểm, những nhập nhằng trong tiền bạc. Vì vậy, nếu họ đề cập đến vấn đề chống tham nhũng thì lại sợ người khác bới ra cái sai của mình.
“Phải khởi tố điều tra chính cán bộ nương nhẹ tham nhũng”, Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Một số vụ án tham nhũng lớn, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã được các cơ quan chuyên trách ở Trung ương phát hiện và xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng nương nhẹ, giơ cao đánh khẽ trong xử lý tham nhũng khiến nhiều người lo ngại căn bệnh này bị lờn thuốc, thưa ông?
Những vụ án tham nhũng lớn nếu người trên nghiêm, quyết đưa ra xử thì sẽ làm được. Thế nhưng trong nhiều vụ án tôi thấy chủ yếu xử lý người ở cuối dây như kế toán, thủ quỹ. Đáng lẽ ra những vụ ấy phải xử lý giám đốc hoặc chủ tịch mới đúng vì họ mới là người quyết định sự việc.
Việc xử cho xong như thời gian qua là không đáp ứng được yêu cầu. Tôi đã nhiều lần nói thẳng mới chỉ đánh mơn man bên ngoài tham nhũng. Theo tôi, đánh tham nhũng phải đánh thẳng vào những người có chức cao, quyền cao thì mới hiệu quả.
Nhiều vụ án điển hình như thương vụ Dương Chí Dũng và đồng bọn mua ụ nổi 83M cho thấy một cá nhân không thể “nuốt trôi” được mà phải có cả hệ thống cùng bắt tay rút ruột tiền của nhà nước thế nhưng khi xử lý vẫn chỉ thấy “nhỏ giọt” vài ba đối tượng?
Những cái lớn như vậy có phải cây kim, sợi chỉ đâu mà “nuốt trôi” được. Khi nhập khẩu những tài sản lớn như thế có sự kiểm soát rất chặt chẽ của cơ quan an ninh, thậm chí có cả những lực lượng đặc biệt khác nữa. Tôi cho rằng việc truy cứu đến cùng những người có quyền quyết định là việc rất cần thiết. Thế nhưng hiện nay để làm được điều đó không dễ, vướng rất nhiều, đụng chạm rất nhiều.
Video đang HOT
Trong thời gian ngắn đối tượng có liên quan trong những “đại án” tham nhũng tại Vinalines… không thể hoàn tất hành vi của mình mà nó đòi hỏi phải có cả quá trình. Đến khi các đối tượng đó “đút túi” hàng ngàn tỉ đồng vụ việc mới được phát hiện. Điều đó có cho thấy bộ máy chống tham nhũng có vấn đề hay chính sách còn nhiều sai sót dẫn đến tham ô, tham nhũng, thất thoát?
Tôi phải nói rằng chính sách không sai. Chủ trương, chính sách lớn của mình là đúng, thế nhưng các văn bản quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực còn nhiều sơ hở dẫn đến các đối tượng lợi dụng nó để ban hành các quyết định “cá biệt”. Thế nên nhiều đối tượng mới “đục nước béo cò” ra những quyết định đầu tư, thẩm định đấu giá sai trái nhằm kiếm lợi cho riêng mình. Tôi cho việc này có trách nhiệm của Quốc hội. Quốc hội có trách nhiệm phải sửa để bịt kín những sơ hở đó.
V iệc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm. Vậy có cách nào xử lý những cán bộ cố tình “bẻ cong” hành vi tham nhũng không, thưa ông?
Phải khởi tố điều tra chính những anh đó. Chính những anh đó mới là người bao che tội phạm. Ở nhiều nước chống tham nhũng trước hết người ta tấn công thẳng vào lực lượng chống tham nhũng. Họ điều tra chính cảnh sát, công tố, thẩm phán trước. Để làm được điều đó nước ta phải có cơ chế đặc biệt chống tham nhũng, còn vẫn cứ cơ chế như hiện nay thì không làm được.
Tham nhũng diễn ra tràn lan như hiện nay, còn có lý do nhiều người biết nhưng làm ngơ không muốn hoặc không dám tố cáo một mặt vì nể nang, né tránh vì ngại điều đó gây phiền hà cho bản thân?
Không phải ai cũng mạnh dạn tố cáo tham nhũng vì người chống tham nhũng phải có bản lĩnh. Một trong những lý do những người không dám nói ra tham nhũng là bản thân họ cũng đầy rẫy những khuyết điểm, cũng có những nhập nhằng trong tiền bạc.
Đến nay cử tri rất sốt ruột trong việc xử lý 10 đại án tham nhũng phức tạp, nghiêm trọng, như tại Ngân hàng ACB liên quan đến “bầu” Kiên, Vinalines… Theo ông, lo lắng đó của cử tri có chính đáng?
Tham nhũng càng để lâu càng dễ hóa bùn. Làm gì thì làm năm 2014 phải kết thúc xong 10 vụ án tham nhũng đó. Nếu đưa vào tay tôi chỉ đạo sẽ làm được trong thời gian ngắn nhất. Hành vi rõ đến đâu tôi cho xử đến đó chứ không hợp tất cả lại rồi kéo dài đến vài năm không xong.
Còn vấn đề tham nhũng thì cử tri biết hết. Họ nói thẳng với tôi rằng nếu chống tham nhũng tốt nước ta không phải vay nợ nhiều mà vẫn thay đổi từng ngày. Bởi vì tiền nhà nước không phải là ít, tại sao lại đi đâu hết trong khi đầu tư công chưa được bao nhiêu.
Quang Phong (ghi)
Theo Dantri
Cử tri đề nghị xử lý 10 vụ án tham nhũng
Đó là các vụ án tại Ngân hàng ACB liên quan đến "bầu" Kiên; Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tập đoàn Vinashin...
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (Ảnh: Tri thức trực tuyến)
Sáng 21/10, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6, QH khóa 13, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cụ thể, đã tổng hợp được 1.129 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, cử tri và nhân dân rất quan tâm và hoan nghênh việc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, giám sát, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng phức tạp vừa qua.
Cử tri hy vọng trong thời gian tới, công tác phòng, chống tham nhũng sẽ có những chuyển biến rõ rệt, đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI), đáp ứng niềm tin của nhân dân vào quyết tâm phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân cũng cho rằng, trong thời gian qua, công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế. Tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm
Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng nhiều nơi thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp. Các vụ tham nhũng chủ yếu bị phát giác thông qua tố cáo của người dân và các cơ quan báo chí; việc tự phát hiện và phát hiện qua thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế.
Việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng xử lý kỷ luật hành chính để không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, bỏ lọt tội phạm. Cử tri và nhân dân kiến nghị đẩy mạnh việc thanh tra, kiểm tra, điều tra truy tố, xét xử và xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ án tham nhũng lớn đã được phát hiện, đặc biệt là với 10 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.
Đó là các vụ án tại: Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Công ty Cho thuê tài chính 2 (thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn); Công ty dệt kim Phương Đông và một chi nhánh Agribank ở TP.HCM; Sở quản lý kinh doanh vốn và ngoại tệ thuộc Agribank; Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Phương Nam và một số ngân hàng ở Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu; Ngân hàng Phát triển VN chi nhánh Đắk Nông; Ngân hàng TMCP Công thương VN; Ngân hàng ACB liên quan đến "bầu" Kiên; Chi nhánh Nam Hà Nội của Agribank; Tập đoàn Vinashin.
Lĩnh vực y tế, thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc gây bức xúc trong nhân dân xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số bệnh viện và quản lý chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng ngành y tế. Điển hình như: vụ "nhân bản" xét nghiệm máu tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (thành phố Hà Nội); việc sử dụng Vaccine viêm gan B dẫn đến chết người tại Quảng Trị và một số địa phương; việc quản lý và sử dụng không đúng vật tư y tế, tài chính của một số cơ sở y tế.
Cử tri và nhân dân kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế và chính quyền các địa phương làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những vi phạm của từng cơ quan, cá nhân trong từng cấp quản lý; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn hoạt động của các bệnh viện, cơ sở y tế, quản lý và lưu thông thuốc chữa bệnh, giá thuốc; nâng cao y đức trong các cơ sở khám chữa bệnh. Ngành y tế cần triển khai quyết liệt hơn các giải pháp giảm tải ở các bệnh viện.
Về Dự án Luật đất đai (sửa đổi), nội dung được đông đảo cử tri quan tâm và kiến nghị là vấn đề thu hồi đất. Cử tri tán thành cao quy định về thu hồi đất với trường hợp vì mục đích quốc phòng, an ninh và lợi ích quốc gia, công cộng.
"Tuy nhiên đối với mục đích phát triển kinh tế - xã hội thì còn nhiều ý kiến băn khoăn và chưa thật sự đồng tình. Cử tri và nhân dân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần có quy định chặt chẽ bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư khi thu hồi đất", ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết.
Theo Báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013 ngày 16/9/2013 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội khóa XIII, nhìn chung tham nhũng thời gian qua không giảm, nhưng số vụ việc được phát hiện ít, phát hiện có tham nhũng nhưng thu hồi rất ít. Qua thanh kiểm tra có 14.000 vụ chuyển cho hình sự, nhưng xử lý hình sự chỉ được 36 vụ, còn lại là xử lý hành chính.
Theo Khampha
Cựu chủ tịch Vinalines bị đề nghị truy tố tội Tham ô tài sản Ngày 14/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) hoàn tất điều tra sai phạm của bị can Dương Chí Dũng (nguyên cục trưởng Hàng Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn Vinalines) cùng 9 thuộc cấp. Ảnh minh họa Theo hồ sơ vụ án chuyển đến VKSND Tối cao, ông Dũng và các đồng phạm bị cơ quan...