Ngã vào xô nước, bé 17 tháng tuổi chết thương tâm
Khi vào viện cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu.
Kiểm tra đường thở là một bước quan trọng trong sơ cứu trẻ bị đuối nước
Ngày 8/3, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhi 17 tháng tuổi (ở Bình Chánh – TPHCM), trong tình trạng bị ngạt nước.
Khi vào viện cháu bé đã ngừng thở, ngừng tim, giãn đồng tử, suy mạch, hôn mê sâu… Dù các bác sĩ tận tình cứu chữa, nhưng do thời gian ngưng tim quá lâu, bé đã chết não và tử vong sau đó.
BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, theo người nhà cháu bé, trong lúc người lớn không để ý, bé đã đi vòng ra phía sau nhà, thấy xô nước để đó, do tò mò nên cố với lên và bị chúi đầu vào phía trong.
Sau khi không thấy con, gia đình mới chạy vòng quanh nhà tìm, khi vớt lên khỏi xô nước thì cháu bé đã tím tái. Ngay lập tức gia đình đưa bé đi cấp cứu, quên làm các biện pháp sơ cứu ban đầu.
Video đang HOT
Sau 10 phút thì bé chết não. Cho dù cứu được bé thì rất nhiều khả năng bé phải sống thực vật. Trường hợp của bé 17 tháng trên, gia đình cũng không biết cách sơ cứu ban đầu nên khi đến viện bé đã ngưng thở và tử vong.
Theo BS Đinh Tấn Phương, Trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, những ca cấp cứu như trường hợp cháu bé 17 tháng tuổi trên không phải là hiếm gặp.
Những trẻ khoảng hơn 1 tuổi, đang ở giai đoạn bò, tập đi thường rất thích nghịch nước. Với những chậu, lu nước đầy thì trẻ ít bị ngạt nước nhưng với những chậu nước ít, trẻ thường chúi đầu vào chơi nên dễ té ngã vào trong, dẫn tới tai nạn thương tâm.
BS Phương khuyến cáo,những gia đình có trẻ nhỏ ở giai đoạn mới biết bò, biết đi, phụ huynh phải giám sát không rời trẻ. Lu, xô, chậu trong nhà phải nằm khu cách ly, trẻ không tiếp cận được để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Trẻ bị đuối nước cần sơ cứu qua 4 bước sau: Bước 1 Khai thông đường thở: Dùng gạc hay khăn vải móc đất, bùn, đờm dãi (nếu có) ra khỏi miệng để thông thoát đường thở vùng miệng trẻ. Bước 2 Kiểm tra sự thở: Người cứu nạn áp tai mình vào mũi trẻ đồng thời mắt nhìn quan sát sự di động của lồng ngực để kiểm tra trẻ còn thở hay không. Nếu trẻ còn tự thở (nghe được hơi thở và thấy sự di động của lồng ngực) đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng an toàn để chất nôn dễ thoát ra ngoài nếu nạn nhân nôn ói. Nếu không nghe thấy hơi thở, lồng ngực không di động, tức nạn nhân ngừng thở, hãy tiến hành ngay hồi sinh tim phổi (thổi ngạt và ép tim) cho nạn nhân. Bước 3 Hồi sinh tim phổi: Người sơ cứu dùng 2 ngón tay bịt chặt mũi trẻ lại, áp miệng vào miệng trẻ thổi vào trong khoảng 2 giây, thổi 2 lần liên tiếp. Sau đó nhanh chóng tiến hành ép tim ngoài lồng ngực ở 1/3 dưới của xương ức. Đối với trẻ tử 1 đến 8 tuổi, dùng một tay ấn sâu 3-4 cm; trẻ từ 0-12 tháng tuổi dùng 2 ngón tay sâu xuống 1- 2 cm. Bước 4 Nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế: Ngay cả khi nạn nhân có vẻ như bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu, vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau ngạt nước. Trong quá trình vận chuyển phải tiếp tục các biện pháp sơ cứu (nếu cần) và đảm bảo sưởi ấm hoặc ủ ấm cho nạn nhân.
Theo Danviet
Vụ chết não sau khám phụ khoa: Bác sĩ TQ từng bị rút giấy phép
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã từng tước giấy phép hành nghề của bác sĩ người Trung Quốc tên Trịnh Túc Vinh - người khám và điều trị cho thai phụ.
Phòng khám đa khoa 168, nơi xảy ra sự việc
Như đã đưa tin, ngày 5/3, nạn nhân là chị T.T.T.T (29 tuổi), mang thai 20 tuần tuổi đến Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội, tại địa chỉ km 12, đường Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì để khám bệnh và chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu.
Chiều 8/3, ông Nguyễn Dương Trung, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, người điều trị trực tiếp cho nạn nhân là bác sĩ người Trung Quốc Trịnh Túc Vinh. Bác sĩ này đã từng bị rút giấy phép hành nghề 9 tháng do vi phạm Luật Khám chữa bệnh, còn phòng khám kiểm tra lần nào cũng phát hiện vi phạm.
Theo ông Trung, Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội hoạt động từ năm 2012. Phòng khám có đăng ký có 2 bác sĩ người Trung Quốc thực hiện khám chữa bệnh là Lưu Xuân Minh và Trịnh Túc Vinh.
Theo hồ sơ lưu tại Thanh tra Sở Y tế, bác sĩ Trịnh Túc Vinh, sinh năm 1965, quốc tịch Trung Quốc. Bác sĩ Vinh đã được Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề ngày 5/9/2013, chuyên môn Sản phụ khoa.
Tuy nhiên, tháng 9/2015, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra phòng khám và phát hiện bác sĩ Trịnh Túc Vinh vừa khám vừa bán thuốc.
"Hành vi này đã vi phạm luật Khám chữa bệnh nên Thanh tra Sở đã tước giấy phép hành nghề của bác sĩ Vinh với thời gian 9 tháng", Phó tránh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin.
Ông Nguyễn Dương Trung, Phó chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông tin về sự việc
Từ khi hoạt động đến nay, Phòng khám Đa khoa 168 Hà Nội thường xuyên bị xử phạt. Chỉ riêng trong năm 2016, Thanh tra phòng khám này 3 lần thì đều vi phạm. Do phòng khám không đảm bảo về nhân lực trong hoạt động; sổ theo dõi bệnh nhân không đầy đủ, sổ y bạ ghi chép không đầy đủ; quảng cáo không đúng phạm vi được cấp phép: Phòng khám có đăng ký khám bác sĩ nước ngoài nhưng tại thời điểm thanh tra không có mặt tại phòng khám.
Ông Trung cũng cho biết, trong Luật xử lý vi phạm hành chính không có hình phạt bổ sung tước giấy phép hoạt động của phòng khám nên Sở Y chỉ xử lý theo luật.
Đối với thai phụ T, thời điểm hiện tại Bác sĩ bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh nhân có tiên lượng xấu, mắt trắng, các chức năng ở não đều không hoạt động được. Các bác sĩ đang hội chẩn để có kết luận nguyên nhân cuối cùng.
Theo Danviet
Dự kiến giá khám dịch vụ không quá 200.000 đồng/lần Bộ Y tế sẽ xem xét việc tính giá dịch vụ khám theo yêu cầu không quá 200.000 đồng/ lần khám. Bảng giá "khám giáo sư" và "khám phó giáo sư" tại BV Da liễu Trung ương Theo kế hoạch của Bộ Y tế, trong năm 2017 sẽ thanh tra toàn diện việc khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các bệnh viện...