Nga-Trung Quốc bắt đầu tập trận trên biển
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, một đội tàu hải quân nước này ngày 16/7 đã lên đường để tham gia cùng lực lượng hải quân và không quân Nga trong một cuộc tập trận nhằm “ bảo vệ an ninh của các tuyến đường thủy chiến lược”.
Có tên mã là “Phương Bắc/Tương hỗ-2023″, cuộc tập trận đánh dấu sự hợp tác quân sự ngày càng tăng cường giữa Trung Quốc và Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, đồng thời, diễn ra trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục từ chối các lời kêu gọi nối lại liên lạc quân sự của Mỹ.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo đội ngũ tham gia của nước này bao gồm 5 tàu chiến và 4 máy bay trực thăng, đã rời cảng phía đông Thanh Đảo và sẽ gặp các lực lượng Nga tại một “khu vực được xác định trước’.
Video đang HOT
Ngày 15/7, Bộ này cho biết các lực lượng hải quân và không quân Nga sẽ tham gia cuộc tập trận diễn ra ở Biển Nhật Bản.
Tờ Thời báo Hoàn cầu dẫn lời các nhà quan sát quân sự cho biết đây sẽ là lần đầu tiên cả hai lực lượng Nga tham gia cuộc tập trận.
Gromkiy và Sovershenniy, hai tàu chiến Nga tham gia cuộc tập trận ở Biển Nhật Bản, hồi đầu tháng này đã tiến hành huấn luyện riêng với hải quân Trung Quốc tại Thượng Hải, tập trung vào chuyển động đội hình, liên lạc và cứu nạn trên biển.
Vài ngày trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Tổng thống Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về mối quan hệ đối tác “không giới hạn” mà hai bên nhấn mạnh là nhằm “ứng phó với ảnh hưởng của Mỹ”. Một lĩnh vực đáng chú ý của quan hệ đối tác Trung-Nga là hợp tác quân sự.
Khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc gặp người đứng đầu hải quân Nga, Đô đốc Nikolai Yevmenov, tại Bắc Kinh đầu tháng này, cả hai bên đã nhắc lại cam kết tăng cường quan hệ quân sự.
Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Lưu Chấn Lập và Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga Valery Gerasimov đã đưa ra cam kết tương tự trong một cuộc điện đàm video vào tháng 6
Trung Quốc đề xuất bảo vệ an ninh và ổn định tại châu Á - Thái Bình Dương
Ngày 14/7, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị đã nêu đề xuất 3 điểm về bảo vệ an ninh và ổn định ở châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Vương Nghị phát biểu tại một hội nghị trực tuyến ở Bắc Kinh. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Theo Tân Hoa xã, phát biểu ngày 14/7 tại cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 56 (AMM-56) và các hội nghị liên quan tại thủ đô Jakarta của Indonesia, ông Vương Nghị nhấn mạnh năm nay đánh dấu kỷ niệm 30 năm thành lập ARF. Theo ông, là cơ chế an ninh có phạm vi bao phủ rộng nhất ở châu Á - Thái Bình Dương, diễn đàn đã kiên trì thực hiện đối thoại và hợp tác an ninh, đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực. Quan chức ngoại giao Trung Quốc nêu đề xuất 3 điểm nhằm duy trì bối cảnh chiến lược an toàn và ổn định ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ nhất, đó là tôn trọng sự cởi mở và toàn diện và thúc đẩy an ninh chung. Ông kêu gọi tính đến nguyện vọng và lợi ích của tất cả các bên và đi theo con đường an ninh chung thông qua tham vấn rộng rãi, đóng góp chung và chia sẻ lợi ích. Theo ông Vương Nghị, khu vực châu Á - Thái Bình Dương không cần chạy đua vũ trang, không thể đối đầu theo khối và không muốn bắt đầu lại mọi thứ. Ông nhấn mạnh, Trung Quốc kiên quyết phản đối cái gọi là "phiên bản châu Á - Thái Bình Dương của NATO".
Thứ hai, bảo vệ các quy tắc khu vực và thúc đẩy an ninh toàn cầu. Ông Vương Nghị nhấn mạnh Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), có mục đích và nguyên tắc rất phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và Tinh thần Bandung đã tạo thành chuẩn mực điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực với nhau. Ông kêu gọi các nước nghiêm túc thực hiện TAC và thực hành chủ nghĩa đa phương thực sự
Thứ ba, đó là tăng cường hợp tác thực chất và đạt được an ninh hợp tác. Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị cho rằng các nước trong khu vực nên tận dụng các dự án hợp tác để tiếp thêm sức sống mới cho các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trong nhiều lĩnh vực. Ông kêu gọi hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn và nỗ lực thúc đẩy lợi ích an ninh chung nhằm tăng cường sự tin cậy lẫn nhau về an ninh.
"Con bài chiến lược" trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Ngay khi Trung Quốc công bố áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu phục vụ ngành sản xuất chip toàn cầu, Mỹ đã lập tức phản đối và tìm kiếm tham vấn từ đồng minh để giải quyết vấn đề này. Những con bài mới có thể sẽ được tung ra trong loạt động thái "ăn miếng trả miếng"...