Nga thắng Mỹ trong cuộc chiến thông tin?
Mỹ được cho là “ bại trận” trước Nga trong cuộc chiến thông tin do cơ quan chịu trách nhiệm chiến lược truyền thông quốc tế của Washington hoạt động kém hiệu quả.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc hội đàm – Ảnh: Reuters
Bản báo cáo, do 30 chuyên gia chính sách công và chính sách ngoại giao Mỹ thực hiện, lý giải việc Mỹ thua Nga trong chiến tranh thông tin là do sự hoạt động kém hiệu quả của Hội đồng quản trị truyền thông BBG, một cơ quan của chính phủ Mỹ được thành lập vào năm 1994, theo Reuters ngày 25.3.
Được rót ngân sách 730 triệu USD/năm, BBG có nhiệm vụ tiến hành chiến lược truyền thông quốc tế của Mỹ, tài trợ, cấp quỹ hoạt động và giám sát/điều hành những đài phát thanh, đài truyền hình, website tin tức, chẳng hạn Đài châu Âu tự do nổi tiếng với quan điểm chống Nga.
Video đang HOT
Những cơ quan báo đài mà BBG đứng sau cung cấp tin tức nội địa của các quốc gia Mỹ nhắm đến (bằng thứ tiếng nước sở tại), cùng những bài phân tích sâu về các chính sách của Mỹ và các tin tức nội địa luôn bị truyền thông chính thống của các nước bác bỏ.
Tuy nhiên, giới phê bình chính trị Mỹ đã lên tiếng chỉ trích những cơ quan báo đài do BBG tài trợ hoạt động kém hiệu quả, đưa tin chậm chạp, tờ The New York Times (Mỹ) hồi tháng 1.2015 cho hay.
“Các đối thủ đưa ra hàng loạt những thông tin chống Mỹ đang xúc tiến cuộc chiến thông tin và đang giành chiến thắng trước các cơ quan báo đài mà chính phủ Mỹ hay BBG tài trợ. Đã đến lúc tái xây dựng chiến lược truyền thông quốc tế của Mỹ”, theo báo cáo trên.
Báo cáo dẫn lời các chuyên gia và thượng nghị sĩ Mỹ cho biết mặc dù Mỹ đã mở rộng chiến lược truyền thông quốc tế, tăng cường đưa tin phản đối việc Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập Nga vào năm 2014 và cáo buộc Nga viện trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine, nhưng Washington vẫn bại trận trước truyền thông Nga trong cuộc chiến thông tin.
Cuộc chiến “không cân sức”
Ông Jeff Trimble, Phó giám đốc Cục Phát thanh quốc tế của BBG, cho biết chiến tranh thông tin giữa Mỹ và Nga là cuộc chiến “không cân sức”, bởi Nga chặn những chương trình phát sóng mà chính phủ Mỹ đứng sau và rót đến 400-500 triệu USD/năm dành riêng cho mảng đưa tin đối ngoại bằng tiếng nước ngoài (nhất là tiếng Anh), trong khi Mỹ chỉ rót vỏn vẹn 20 triệu USD/năm cho dịch vụ tin tức bằng tiếng Nga.
“Đất nước chúng ta bị đánh bại bởi chiến dịch tuyên truyền của Nga và chiến lược tuyên truyền của chúng ta thì loạng choạng. Thật không thể chấp nhận được!”, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Mỹ Ed Royce cho biết trong tháng 3.2015.
Ông Royce đưa ra phát biểu trên ngay sau khi Tổng giám đốc BBG Andrew Lack từ chức. Ông Lack từ chức sau 6 tuần nắm giữ chức vụ, quay trở lại làm việc cho đài NBC News, nơi ông từng giữ chức chủ tịch trong giai đoạn 1993-2001, một động thái cho thấy lục đục trong giàn nội bộ lãnh đạo BBG.
Trước tình hình hoạt động kém hiệu quả của BBG, Hạ viện Mỹ đã thông qua một dự luật nhằm lập ra Cơ quan thông tin quốc tế Mỹ mới thay cho BBG vào năm 2014, nhưng Thượng viện Mỹ đến nay vẫn chưa thông qua, theo Reuters.
Trước đó, hồi tháng 4.2010, Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Coburn, từng tổ chức hàng loạt các cuộc họp nhằm vạch trần hoạt động không hiệu quả của BBG. “BBG là một cơ quan vô dụng nhất trong chính quyền liên bang. Nó tập trung toàn những người chẳng biết chút gì về truyền thông hay chính sách đối ngoại”, theo tạp chí Foreign Policy (Mỹ).
Reuters hồi 19.3 đưa tin Liên minh châu Âu (EU) cũng đang lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch mới trong cuộc chiến thông tin chống lại Nga.
Cao ủy EU phụ trách về đối ngoại, bà Federica Mogherini cho biết kế hoạch này sẽ hoàn tất vào tháng 6.2015, bao gồm việc sản xuất hàng loạt chương trình phát sóng bằng tiếng Nga nhắm vào đối tượng khán thính giả người Nga, nhằm chống lại những chiến dịch tuyên truyền chống EU của Nga.
Nhưng một quan chức EU giấu tên cho Reuters biết: “Đối phó với vũ khí tuyên truyền của Nga bằng những loại vũ khí giống như Moscow sẽ không hiệu quả và không khả thi”.
Phúc Duy
Theo Thanhnien