Nga tăng răn đe Thổ Nhĩ Kỳ bằng tên lửa không đối không
Với việc trang bị tên lửa không đối không cho Su-34, Tổng thống Putin muốn thể hiện hình ảnh mạnh mẽ và gửi lời cảnh báo đến Thổ Nhĩ Kỳ cùng các nước tham chiến tại Syria rằng ông sẽ không để mất thêm một máy bay nào khác.
Tiêm kích bom Su-34 Nga tại Syria được trang bị tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Ảnh: RT
Nga hôm qua thông báo máy bay Su-34 lần đầu tiên mang theo tên lửa không đối không khi thực hiện nhiệm vụ ở Syria, với mục đích phòng vệ. Động thái này diễn ra một tuần sau khi cường kích Su-24 Nga bị tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ.
Những tên lửa có khả năng đánh trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 60 km này sẽ bổ sung sức mạnh cho hệ thống tên lửa đất đối không tối tân S-400 mà Nga triển khai tới căn cứ không quân của mình ở gần Latakia, Syria, cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần 50 km về phía nam.
Theo Business Insider, với tên lửa không đối không và S-400, Nga rõ ràng đang gửi đi một thông điệp để ngăn Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Nga trong tương lai.
“Họ đang làm theo yêu cầu của Putin từ tuần trước rằng tất cả máy bay xuất kích tại Syria sẽ được hộ tống bởi máy bay có khả năng không đối không”, Boris Zilberman, một chuyên gia về Nga tại Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, trung tâm nghiên cứu tại Washington bình luận .
“Thông điệp của Putin vẫn giữ nguyên từ tuần trước: Chúng tôi sẽ không để việc này xảy ra một lần nữa”, Zilberman nói.
Đồng quan điểm, Tyler Rogoway viết trên trang Jalopnik rằng việc trang bị vũ khí cho Su-34 tại Syria, cùng với việc triển khai S-400 là thông điệp với Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ bên tấn công tiềm tàng nào rằng Nga sẽ không để mất thêm một chiếc máy bay khác, hoặc bất kỳ tài sản nào mà không trả đũa.
Zero Hedge cho rằng đây là lời cảnh báo rõ ràng với không chỉ Thổ Nhĩ Kỳ, mà tất cả lực lượng NATO tại khu vực, bao gồm Mỹ và Pháp, rằng bất kỳ hành động khiêu khích thêm nào với máy bay Nga sẽ bị đáp trả ngay lập tức, với sức mạnh tương đương.
Tuy nhiên, Rogoway cho rằng việc trang bị cho 4 chiếc Su-34 khả năng không đối không, cộng thêm 4 tiêm kích Su-30 đang đóng tại Syria, khó có thể đáp ứng tất cả nhiệm vụ yểm trợ cường kích như Nga đã tuyên bố. Một sự thay đổi về chiến thuật như vậy đòi hỏi phải có thêm tiêm kích được triển khai tới căn cứ của Nga ở phía nam thành phố cảng Latakia, Syria, hoặc nó sẽ đòi hỏi giảm tần suất xuất kích. Đây có vẻ là điều khó xảy ra khi Nga đang cố gắng tăng cường chiến dịch không kích ở Syria chứ không giảm đi.
Nếu Nga không triển khai thêm tiêm kích, thì đó sẽ là dấu hiệu cho thấy việc trang bị cho Su-34 có thể chủ yếu mang tính thể hiện, hoặc Nga sẽ chỉ sử dụng máy bay đa năng cho các nhiệm vụ ở biên giới, còn 11 cường kích Su-24 và 12 chiếc Su-25 sẽ chỉ được dùng để tấn công các mục tiêu nằm sâu trong nội địa Syria.
Video đang HOT
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã bày tỏ mối lo ngại về các vũ khí nhắm mục tiêu trên không. Ông cho rằng Nga đang khước từ lời kêu gọi từ các quan chức Mỹ là tập trung vào diệt IS.
“Chúng tôi nhận thức được những gì họ đang đặt tại đây. Đó là khả năng mà chúng tôi thấy không cần thiết trong cuộc chiến chống lại IS”, Jeff Davis, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, hôm qua nói.
“Cho dù đó là việc trang bị tên lửa không đối không cho máy bay hay triển khai tên lửa đất đối không, thì rõ ràng những động thái này không phải vì IS, bởi vì IS không có máy bay”, ông Davis nói. “Cho đến nay nó không có bất kỳ tác động nào với hoạt động của chúng tôi tại Syria nhưng đó chắc chắn là những thứ chúng tôi phải xem xét”.
S-400, tổ hợp tên lửa Nga có thể hạ mọi mục tiêu bay. Đồ họa: Sputnik (Xem chi tiết)
Rủi ro cao
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuần trước nói rằng ông “rất buồn” về vụ việc nhưng tuyên bố sẽ không xin lỗi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua tái khẳng định lập trường này trong cuộc họp báo chung với tổng thư ký NATO.
Các trợ lý của ông Putin cho biết ông rất tức giận vì không có lời xin lỗi từ phía Ankara, Reuters đưa tin. Nhưng giới chuyên gia chỉ ra rằng, các phương án trả đũa của Putin cần được giới hạn, nếu ông muốn tránh một cuộc đối đầu lớn hơn với NATO.
Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng họ không có ý định chiến tranh với Thổ Nhĩ Kỳ vì vụ bắn rơi Su-24. Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), có quyền cầu viện cam kết phòng thủ chung của liên minh này.
“Các chọn lựa của ông Putin bị hạn chế. Đó là lý do tại sao ông tiến hành những hành động bên lề”, ông Zilberman nhận định.
“Quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kỳ giờ như một mồi lửa. Sự suy thoái trong quan hệ là mất mát cho cả Moscow và Ankara”, ông nói thêm.
Hơn nữa, ông Putin cũng phải có những cân nhắc về địa chính trị. “Ông Putin không muốn làm bùng lên sự phản kháng với NATO, vì ông ấy đang có những bước tiến với châu Âu , cụ thể là Pháp, trong việc xoay chuyển thế bị cô lập”, chuyên gia địa chính trị Ian Bremmer, chủ tịch Eurasia Group nhận xét.
Theo các chuyên gia, ông Putin và ông Erdogan là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ với cái tôi lớn và mong muốn làm hài lòng những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc ở trong nước.
“Vấn đề là cả hai tổng thống đều là những người đề cao vị thế, và là hai người chơi sẵn sàng chấp nhận rủi ro cao”, nhà khoa học chính trị Ivan Krastev, chủ tịch Trung tâm Chiến lược Tự do ở Sofia, Bulgaria, nói.
“Không để hình ảnh của mình hiện lên là mềm yếu là điều rất quan trọng với cả Putin và Erdogan. Cả hai đều không biết cách rút lui hay xin lỗi. Về phương diện đó, họ giống như một cặp song sinh”.
Bằng cách bổ sung tên lửa không đối không và đất đối không, ông Putin đang tránh để hình ảnh của mình hiện lên là mềm yếu và làm hài lòng những người ủng hộ ông, nhưng ông cũng làm gia tăng đáng kể nguy cơ xảy ra sự cố trong tương lai, dù vô ý hay trả đũa.
“Cái tôi của Putin và Erdogan có thể khiến bất kỳ sự cố nào trong tương lai vượt ngoài tầm kiểm soát”, ông Zilberman nói.
Phương Vũ
Theo VNE
Nga cũng gánh mất mát từ đòn trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ
Nga áp đặt các biện pháp trừng phạt với Thổ Nhĩ Kỳ để trả đũa việc nước này bắn hạ một máy bay Nga, nhưng chúng cũng tác động đến Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Sputnik/Reuters.
Moscow cấm nhập khẩu một số loại hàng hóa từ Ankara, hạn chế đi lại và dự định yêu cầu vài doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động ở Nga. Động thái trên được đưa ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga gần biên giới với Syria hôm 24/11. Thổ Nhĩ Kỳ không xin lỗi, cho rằng nước này hành động để tự vệ.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ chịu tác động trực tiếp. Giới phân tích ước tính lệnh trừng phạt từ Moscow sẽ làm tốc độ tăng trưởng hàng năm của Ankara, vốn rất trì trệ, giảm 0,5%. Đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay đã mất gần 20% giá trị so với USD.
Các nhà xuất khẩu tại Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường lượng hàng hóa xuất sang Nga sau khi Moscow cấm nhập khẩu thực phẩm từ Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và nhiều nước phương Tây khác hồi năm ngoái, đáp trả những lệnh trừng phạt áp đặt lên Moscow liên quan đến khủng hoảng Ukraine.
Nga hiện chưa công bố danh sách chi tiết những mặt hàng cấm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ nhưng Phó thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich hôm qua cho biết chúng có thể là trái cây và rau.
Các nhà xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hứng chịu thiệt hại. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt kinh tế có thể sẽ tác động ngược trở lại Nga.
"Khoảng một phần tư tổng lượng thực phẩm nhập khẩu của Nga là từ Thổ Nhĩ Kỳ", CNN dẫn lời William Jackson, chuyên gia kinh tế về thị trường mới nổi tại Capital Economics, nói. "Nguồn hàng từ nơi khác sẽ đắt hơn".
Lạm phát tại Nga trong năm nay cũng tăng cao, gây thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đang suy thoái.
Nga còn tạm hoãn cấp thị thực du lịch miễn phí cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ, bắt đầu từ ngày 1/1/2016, và cấm công dân Thổ Nhĩ Kỳ làm việc tại Nga. Họ cần có giấy phép đặc biệt nếu muốn làm việc cho công ty Nga.
Thiệt hại chính sẽ từ những hạn chế trong ngành du lịch. Nga đã cấm các hãng du lịch bán vé hành trình đến Thổ Nhĩ Kỳ và cấm các chuyến bay thuê đến Thổ Nhĩ Kỳ hoặc từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Nga.
Du khách Nga là yếu tố quan trọng đối với ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này đón khoảng 4,5 triệu người Nga trong năm 2014. Số liệu chính thức từ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy người Nga chiếm hơn 12% tổng số khách du lịch, nhiều thứ hai chỉ sau người Đức.
"Trong trường hợp tồi tệ nhất, không có khách du lịch người Nga đến Thổ Nhĩ Kỳ suốt năm 2016, doanh thu từ ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mất khoảng 3 tỷ USD, tương đương 0,4% GDP", Jackson nói.
Tuy nhiên, tác động từ lệnh trừng phạt Nga phần nào được bù đắp bởi nguồn hỗ trợ tài chính từ EU. EU hôm 29/11 nhất trí chi 3 tỷ euro (3,2 tỷ USD) cho Ankara để hỗ trợ 2,2 triệu người tị nạn Syria đang ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý hành động để giới hạn lượng người di cư đến châu Âu.
Như Tâm
Theo VNE
Nga gắn tên lửa không đối không cho Su-34 tại Syria Tiêm kích ném bom Su-34 của Nga lần đầu tiên gắn theo tên lửa không đối không khi thực hiện nhiệm vụ không kích tại Syria. Hành động được cho là tự vệ sau vụ Su-24 Nga bị bắn rơi. Tiêm kích ném bom Su-34 của Nga tại Syria được gắn thêm tên lửa không đối không - Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga...