Nga nói Kosovo đang ‘đùa với lửa’
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đang “đùa với lửa, kích động chống người Serb” và đẩy căng thẳng leo thang “gần tiến tới một cuộc xung đột vũ trang”.
Chướng ngại vật chắn ngang đường do người thiểu số Serb ở miền bắc Kosovo dựng lên tại thị trấn Zubin Potok ngày 11/12/2022. Ảnh: AFP/Getty Images
Theo đài RT, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moskva đang được “báo động” trước những căng thẳng gia tăng ở Kosovo, mà Moskva đổ lỗi cho chính quyền theo sắc tộc Albania được các nước phương Tây hậu thuẫn.
Bà Zakharova nói với các phóng viên rằng vào ngày 12/12 rằng các nhà chức trách ở Pristina, thủ phủ Kosovo, đã thực hiện một loạt “hành động khiêu khích” với sự ủng hộ của Mỹ và Liên minh châu Âu, sử dụng “bạo lực có động cơ sắc tộc” để nhắm vào những người Serb còn lại trong vùng lãnh thổ này.
Theo người phát ngôn Zakharova, Thủ tướng Kosovo Albin Kurti đang tìm cách đánh lạc hướng khỏi một chính sách đối nội thất bại bằng cách “đùa với lửa, kích động chống người Serb” và đẩy căng thẳng leo thang “gần đến một cuộc xung đột vũ trang”.
Đại diện ngoại giao của Moskva cho rằng chỉ có sự kiên nhẫn của người Serb địa phương và chính phủ ở Belgrade mới ngăn cản tình hình trở thành bạo lực công khai.
“Chúng tôi đoàn kết với sự lãnh đạo của Serbia”, bà Zakharova tuyên bố, tán thành quan điểm của Belgrade rằng người Albania ở Kosovo và phương Tây đang “phớt lờ Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, các thỏa thuận Brussels và Washington.”
Nghị quyết 1244 của Liên Hợp Quốc quy định về sự hiện diện của NATO tại Kosovo sau chiến dịch đánh bom Serbia năm 1999, trong khi thỏa thuận Brussels năm 2013 đề ra quyền tự trị cho người dân tộc Serb còn lại ở Kosovo.
Video đang HOT
Nghị quyết 1244 quy định rõ ràng về việc chính quyền Serbia được cử lực lượng an ninh vào Kosovo. Bà Zakharova đặc biệt chỉ trích tuyên bố gần đây của Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock rằng việc Serbia triển khai lực lượng an ninh như vậy là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp Belgrade bảo vệ các lợi ích quốc gia hợp pháp liên quan đến Kosovo dựa trên Nghị quyết 1244, vẫn còn hiệu lực mà không có bất kỳ ngoại lệ nào” – bà Zakharova nói.
Nữ phát ngôn viên này cáo buộc rằng thay vì gây sức ép buộc người dân tộc Albania tuân thủ các thỏa thuận đã ký kết, Mỹ và EU đã “phá hoại trắng trợn” thỏa thuận Brussels, đồng thời ủng hộ hành động bắt nạt và đổ lỗi cho người Serb ở Kosovo.
Tháng trước, Mỹ và Liên minh châu Âu đã thuyết phục được chính quyền Kosovo từ bỏ kế hoạch cấm xe ô tô mang biển số của Serbia. Tuy nhiên, bầu không khí yên bình chỉ kéo dài chưa đầy hai tuần khi cảnh sát Kosovo bắt đầu triển khai lực lượng tại các khu vực có đa số người Serb sinh sống, tiến hành cuộc đột kích vào một trường mẫu giáo và một nhà máy rượu.
Binh lính Ba Lan thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, theo đài CNN, Thủ tướng Kosovo ngày 11/12 đã kêu gọi binh sĩ gìn giữ hòa bình của NATO can thiệp sau khi người biểu tình thiểu số người Serb chặn đường và các tay súng lạ mặt đã đấu súng với cảnh sát Kosovo vào cuối tuần trước.
Tại một cuộc họp báo ở thủ đô Pristina của Kosovo ngày 11/12, Thủ tướng Albin Kurti đã yêu cầu KFOR, lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế do NATO lãnh đạo, đảm bảo “quyền tự do đi lại”, đồng thời cáo buộc “các băng nhóm tội phạm” chặn các đường phố.
Một nền hòa bình mong manh đã được duy trì ở Kosovo kể từ khi vùng lãnh thổ này tuyên bố độc lập khỏi Serbia vào năm 2008 sau cuộc chiến 1998-1999. Nga và Serbia không công nhận nền độc lập của Kosovo.
Trong những tuần gần đây, người Serb thiểu số ở phía bắc Kosovo đã phản ứng mạnh trước các động thái của Pristina mà họ coi là chống người Serb.
Thủ tướng Serbia: Tình hình Kosovo 'bên bờ vực chiến tranh'
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic cho biết chính quyền Pristina đã đẩy tình hình ở Kosovo đến bờ vực chiến tranh.
Cảnh sát đặc nhiệm Kosovo bảo đảm an ninh gần cửa khẩu biên giới Jarinje. Ảnh: AFP
Theo đài RT, Thủ tướng Serbia Ana Brnabic ngày 9/12 cho biết chính quyền ở Pristina đã đẩy tình hình ở Kosovo đến bờ vực chiến tranh. Belgrade tuyên bố sẽ tìm cách đưa lực lượng an ninh trở lại tỉnh ly khai này, cho rằng lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO đứng đầu đang thất bại trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Ông Brnabic cho biết, Serbia có quyền triển khai tới 1.000 nhân viên an ninh tại Kosovo theo các điều khoản trong Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bởi vì "KFOR không thực hiện nghĩa vụ của mình và người Serb ở Kosovo-Metohija không cảm thấy an toàn".
Thủ tướng Brnabic đã chỉ ra nhiều sự cố trong tuần này, bao gồm việc KFOR và cảnh sát Kosovo đột kích vào một trường mẫu giáo ở Leposavic. Ông đồng thời cho biết chính quyền Kosovo đang vi phạm các thỏa thuận Kumanovo và Brussels (tức hiệp định đình chiến năm 1999 và thỏa thuận Brussels năm 2013 về bình thường hóa quan hệ giữa Serbia và Kosovo).
Theo ông Petar Petkovic, ủy viên chính phủ Serbia tại Kosovo, cho biết ngày 8/12, ngoài cuộc đột kích vào trường mẫu giáo, chính quyền đã phá hủy toàn bộ kho chứa tại nhà máy rượu của một gia đình người Serb ở Velika Hoca và "thực sự chiếm toàn bộ thành phố" Kosovska Mitrovica với hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm được vũ trang mạnh mẽ.
Ông Petkovic cũng cảnh báo Tổng thống Aleksandar Vucic hoàn toàn nghiêm túc khi nói rằng Serbia sẽ không cho phép một cuộc tàn sát khác xảy ra ở Kosovo.
Trong khi đó, Đại sứ Nga tại Belgrade, Alexander Botsan-Kharchenko đã cảnh báo rằng chính quyền Kosovo do người sắc tộc Albania lãnh đạo đang nhắm vào người Serb với sự hỗ trợ của phương Tây. Đại sứ Nga Botsan-Kharchenko nói rằng hành động của Pristina giống như một "chiến dịch đe dọa và áp bức người Serb" nhằm giành quyền kiểm soát các quận có đa số người Serb "với sự dung túng và thậm chí hỗ trợ từ phương Tây."
Lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR ở Kosovo bảo vệ cây cầu chính ở thị trấn Mitrovica vào ngày 9/12/2022. Ảnh: AP/RT
Ông Botsan-Kharchenko nói thêm: "Tất nhiên phương Tây không quan tâm đến việc thực hiện các thỏa thuận mà họ làm trung gian. Điều quan trọng với họ là dành thời gian cho phe mà họ ủng hộ."
Theo cảnh sát Kosovo, việc triển khai cảnh sát tới thành phố Mitrovica mang tính chất phòng ngừa và là một phần của "các biện pháp cần thiết, hợp lý và hợp pháp để thực thi luật pháp và quyết định của các cơ quan nhà nước Kosovo". Pristina nói thêm rằng họ "có quyền kiểm soát tình hình an ninh và thực thi luật pháp trên toàn quốc".
Trong khi đó, đài RT Balkans dẫn lời nhà lãnh đạo Kosovo Vjosa Osmani cho biết cảnh sát Serbia sẽ "không bao giờ" quay trở lại Kosovo, gọi những tuyên bố của Belgrade là "giấc mơ bá quyền của người Serbia" và "một mối đe dọa xâm lược công khai".
Lực lượng của NATO nắm quyền kiểm soát Kosovo vào năm 1999, sau khi ném bom Serbia trong 78 ngày. Năm 2009, chính phủ lâm thời ở Kosovo theo sắc tộc Albania tuyên bố độc lập, một bước đi mà Belgrade từ chối công nhận.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo gần đây đã leo thang trở lại sau khi chính quyền Kosovo ngày 31/7 yêu cầu người Serbia sống trong vùng lãnh thổ này phải chuyển đổi sang biển số xe Kosovo trong vòng 60 ngày, tính từ 1/8.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp, dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước.
Chính phủ Kosovo cũng quyết định kể từ 1/8, tất cả công dân từ Serbia đến Kosovo phải xin giấy phép nhập cảnh tại biên giới. Pristina tuyên bố đây là động thái có đi có lại vì Serbia áp dụng quy tắc tương tự cho người Kosovo đến Serbia.
Đấu súng tại Nuevo Laredo ở Mexico khiến 7 dân thường thiệt mạng Rạng sáng 7/12 (theo giờ địa phương), hàng loạt vụ đấu súng đã xảy ra tại nhiều địa điểm trong thành phố Nuevo Laredo, Mexico, giáp ranh với bang Texas của Mỹ, khiến 7 dân thường thiệt mạng. Các thành viên của quân đội đối đầu với các tay súng dân sự ở Nuevo Laredo, Tamaulipas. Ảnh: Twitter Phóng viên TTXVN tại Mexico...