Nga mất oanh tạc cơ Tu-22M3, chiến sự Ukraine có ảnh hưởng?
Nga xác nhận một chiếc Tu-22M3 rơi do lỗi kĩ thuật khi nó đang trở về căn cứ sau nhiệm vụ chiến đấu, trong khi Ukraine tuyên bố lần đầu tiên bắn hạ thành công mẫu oanh tạc cơ tầm xa quan trọng trong biên chế không quân Nga.
Theo các thống kê được Nga công bố, vụ rơi Tu-22M3 hôm 19/4 là lần đầu tiên một máy bay loại này rơi kể từ khi chiến sự ở Ukraine bùng phát tháng 2/2022. Quân đội Nga tuyên bố chiếc phi cơ gặp trục trặc kĩ thuật, rơi xuống một cánh đồng ở vùng Stavropol phía Tây Nam nước này.
Hình ảnh chiếc Tu-22M3 bị thiêu trụi sau sự cố ngày 19/4. Ảnh: GettyImages
Nga khẳng định 3 phi công đã kịp thời bung ghế thoát hiểm và sau đó được đưa đến bệnh viện, một người mất tích. Sự cố với chiếc Tu-22M3 xảy ra khi nó không mang vũ khí và bay trên khu vực không người ở nên không gây thiệt hại về người và tài sản dưới mặt đất.
Hình ảnh ghi lại vụ việc chiếc Tu-22M3 rơi cho thấy máy bay bị cháy phần đuôi, rơi theo phương thẳng đứng. Sau cú tiếp đất, chiếc phi cơ bị thiêu rụi hoàn toàn.
Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Kyrylo Budanov tuyên bố quân đội nước này bắn rơi máy bay trong một cuộc “phục kích” kéo dài một tuần. Ukraine khẳng định chiếc Tu-22M3 trúng đạn từ khoảng cách 308km, nhưng không nêu tên loại vũ khí.
Ukraine không có nhiều tên lửa đạt tầm bắn xa đến 300km. Một nguồn tin tình báo nói với hãng tin Reuters rằng, máy bay của Nga đã bị tấn công bằng hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-200 từ thời Liên Xô đã được cải tiến.
Tu-22M3 của Nga cất cánh cùng tên lửa Kh-22. Ảnh: GettyImages
Ông Budanov tiết lộ, binh sĩ Ukraine “chờ đợi rất lâu” để theo dõi chiếc máy bay. Quan chức Ukraine nói Kiev đã áp dụng các biện pháp “kỹ thuật và phương tiện” tương tự vụ bắn hạ một chiếc trinh sát cơ A-50 của Nga hồi đầu năm.
Tu-22M3 là phiên bản cuối cùng của dòng Tu-22, được NATO định danh là Backfire. Theo cục thiết kế Tupolev, nguyên mẫu đầu tiên của phiên bản M3 cất cánh lần đầu ngày 20/6/1977 và bắt đầu được sản xuất năm 1978. Tập đoàn sản xuất máy bay Kazan đã chế tạo tổng số gần 500 biến thể Backfire khác nhau.
Tu-22M3 dài hơn 42m, sở hữu thiết kế cánh cụp, cánh xoè để hoạt động linh hoạt ở nhiều dải vận tốc khác nhau. Chiếc phi cơ có sải cánh rộng nhất 34,28m khi xòe, 23,3m khi cụp và trọng lượng cất cánh 124 tấn. Thân máy bay được làm bằng hợp kim nhôm, thép cường độ cao, magie và cả hợp kim titan để đảm bảo khả năng chống chọi mọi điều kiện thời tiết.
Tu-22M3 có khả năng hoạt động ở vận tốc tối đa hơn 2.300km/h. Ảnh:Airliners
Khi Tu-22M3 được đưa vào biên chế, nó khiến hải quân Mỹ rất bất an do chúng được thiết kế để mang theo tên lửa hành trình diệt hạm tầm xa. Tu-22M3 là oanh tạc cơ bay nhanh nhất khi nó ra đời, đạt vận tốc tối đa Mach 1,88 (hơn 2.300 km/h).
Dù có kích thước nhỏ hơn hai mẫu oanh tạc cơ chiến lược khác là Tu-160 và Tu-95, Tu-22M3 vẫn có thể mang theo 24 tấn vũ khí, bao gồm các loại tên lửa tầm xa hoặc bom. Trong các nhiệm vụ chiến đấu ở Ukraine, nó thường mang tên lửa Kh-22.
Phiên bản Kh-22 thông thường có tầm bắn 600km, tốc độ tối đa hơn 5.000 km/h, trong khi phiên bản Kh-32 nâng cấp đạt tầm bắn đến 1.000km. Mỗi quả tên lửa loại này có thể mang đầu nổ thông thường nặng một tấn, dẫn đường bằng radar kết hợp hệ thống định vị hiện đại. Khi đến gần mục tiêu, Kh-22 sẽ tăng độ cao bay, sau đó bổ nhào xuống ở tốc độ cao, gây sát thương lớn.
Quân đội Ukraine từng nhiều lần thừa nhận Kh-22 là một trong những tên lửa khó đánh chặn nhất của Nga. Trong cuộc tập kích sáng 19/4, tức ngay trước khi chiếc Tu-22M3 bị rơi, Ukraine xác nhận chặn được 2/6 quả đạn Kh-22.
Reuters trích dẫn báo cáo Cân bằng Quân sự năm 2024 của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London, không quân Nga hiện vận hành tổng cộng 57 chiếc Tu-22M3, bao gồm cả chiếc mới bị rơi.
Tuy nhiên, do chúng được bố trí ở nhiều sân bay trên khắp nước Nga phục vụ nhiệm vụ trực chiến tại nhiều khu vực khác nhau, sự cố với chiếc Tu-22M3 tại căn cứ ở Stavropol có thể giảm hiệu suất tấn công các mục tiêu Ukraine của Nga trong thời gian ngắn.
Toà nhà ở Ukraine bị phá huỷ sau khi trúng tên lửa được cho là Kh-22. Ảnh: CNN
Khi tuyên bố bắn rơi chiếc Tu-22M3 của Nga, lãnh đạo tình báo Ukraine Budanov mô tả Tu-22M3 được thiết kế để tấn công các mục tiêu trên biển và trên mặt đất, từng gây ra “những tàn phá nặng nề” ở thành phố cảng Odessa. “Odessa bây giờ sẽ dễ thở hơn một chút”, ông Budanov đánh giá.
Bên cạnh đó, nếu nó thật sự đã rơi do bị bắn hạ, sự cố này có thể khiến Nga lựa chọn phương án đưa oanh tạc cơ đến các căn cứ nằm sâu hơn phía sau tiền tuyến, đồng thời phải bố trí thêm các hệ thống tên lửa phòng không đến các căn cứ quan trọng.
Theo Reuters, Tu-22M3 từng bị Ukraine nhắm mục tiêu nhiều lần. Năm ngoái, tình báo quân đội Anh cho biết một chiếc Tu-22M3 không trong trạng thái hoạt động “rất có thể đã bị phá hủy” trong một cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine vào căn cứ Nga tại vùng Novgorod. Nga không xác thực thông tin nêu trên.
Ông Trump nói gì về khả năng đến Ukraine trước bầu cử Mỹ?
Lãnh đạo Ukraine một lần nữa đề nghị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm đất nước đang trong chiến sự với Nga để thảo luận về giải pháp chấm dứt xung đột.
Đáp lại những lời kêu gọi đó, đội ngũ tranh cử của ông Trump ngày 10.4 cho biết cựu tổng thống Mỹ nghĩ rằng việc ông đến thăm Ukraine lúc này là không thích hợp vì ông đang không giữ chức vụ, theo Reuters. Họ cũng tiết lộ Kyiv vẫn chưa tiếp cận ông Trump một cách chính thức.
"Không có sự tiếp cận nào từ (Tổng thống Ukraine Volodymyr) Zelensky và Tổng thống Trump đã công khai tuyên bố rằng việc ông đến Ukraine vào lúc này là không thích hợp vì ông không phải là tổng tư lệnh", đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết trong một email gửi Reuters.
Ông Trump bác tin muốn Ukraine nhượng lãnh thổ lấy hòa bình
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông được công bố hôm 9.4, ông Zelensky đã đề nghị ông Trump thăm Ukraine để ông có thể nghe ý tưởng của cựu chủ nhân Nhà Trắng về giải pháp chấm dứt cuộc chiến với Nga. Hồi tháng 11.2023, nhà lãnh đạo Ukraine cũng từng có lời kêu gọi tương tự.Các ứng viên tổng thống Mỹ thường đi nước ngoài để củng cố uy tín về chính sách đối ngoại của họ.
Ông Trump hôm 10.4. Ảnh REUTERS
Các ứng viên nay đã bỏ cuộc phía đảng Cộng hòa, như cựu Phó tổng thống Mike Pence và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, đã đến Ukraine trong quá trình chạy đua nhằm giành được đề cử của đảng này cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông Trump đã đến thăm Mexico và gặp tổng thống khi đó là ông Enrique Pena Nieto.
Ông Trump, người giờ đây đã nắm chắc khả năng đại diện đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống, sẽ đối đầu với nhà lãnh đạo đương nhiệm Joe Biden trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào ngày 5.11 tại Mỹ, lặp lại kịch bản cuộc bầu cử năm 2020.
Bất chấp những lời kêu gọi liên tục từ Kyiv, ông Trump và các nhà lập pháp thuộc phe cứng rắn của đảng Cộng hòa trong quốc hội Mỹ phản đối việc cung cấp thêm hỗ trợ cho Ukraine, trừ khi việc này diễn ra dưới dạng cho vay.
Ông Trump cũng chỉ trích việc Washington hỗ trợ Ukraine trong cuộc chiến với Nga và nói ông có thể kết thúc chiến sự sau 24 giờ nếu tái đắc cử. Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào tháng 6 năm ngoái, tổng thống thứ 45 của Mỹ cho rằng chính phủ Kyiv có thể phải nhượng một số lãnh thổ cho Nga để chấm dứt cuộc chiến. Ông nói nếu ông trở thành tổng thống một lần nữa, mọi thứ sẽ phải được đàm phán.
Báo The Washington Post hôm 7.4 đưa tin ông Trump từng chia sẻ trong các cuộc gặp riêng tư rằng ông có thể chấm dứt chiến sự bằng cách gây áp lực buộc Ukraine phải nhượng lại bán đảo Crimea và vùng Donbass cho Nga.
Điểm xung đột: Ông Biden vạch 'sai lầm' của Israel; Nga phá hệ thống điện Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 9.4, Tổng thống Zelensky cho biết ông sẵn sàng lắng nghe các đề xuất của ông Trump nhưng cũng bày tỏ sự hoài nghi. "Nếu thỏa thuận chỉ đơn giản là chúng tôi từ bỏ lãnh thổ của mình và đó là ý tưởng chủ chốt, thì đó là một ý tưởng rất thô sơ", ông nói.
9 oanh tạc cơ Tu-95MS của Nga cất cánh, Ukraine báo động khẩn Ukraine phát cảnh báo không kích trên diện rộng sau khi phát hiện ít nhất 9 oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS của Nga được lệnh cất cánh từ vùng Murmansk. Oanh tạc cơ chiến lược Tu-95MS của quân đội Nga. Ảnh: Tupolev PravdaUkraine sáng nay (21/3) dẫn thông báo của không quân Ukraine khẳng định ít nhất 9 oanh tạc cơ chiến...