Nga “dụ” quan hệ tốt đẹp với Hy Lạp, nếu rời EU
Quan chức chính phủ Nga vừa cho biết, nếu Hy Lạp ra khỏi EU, nước này sẽ thoát khỏi sự trừng phạt và xây dựng mối quan hệ mới với Nga.
Nga “dụ”: Ra khỏi EU, sẽ có mối quan hệ tốt đẹp với Nga
Hãng thông tấn Nga RIA Novosti cho biết, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp Liên bang Nga Nikolai Fyodorov ngày 17-1 tuyên bố, Moscow không loại trừ khả năng gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với thực phẩm Hy Lạp nếu nước này ra khỏi Liên minh châu Âu.
“Điều này có thể xảy ra nếu Hy Lạp sẽ bị buộc phải rút khỏi Liên minh châu Âu. Chúng tôi sẽ cùng Hy Lạp xây dựng mối quan hệ độc lập tốt đẹp. Về cơ bản, đó là một đối tác tiềm năng đối với chúng tôi” – ông Fedorov nói với các phóng viên.
Trước cuộc bầu cử quốc hội ở Hy Lạp, dự kiến diễn ra vào ngày 25 tháng 1, các phương tiện truyền thông nước ngoài tích cực thảo luận về việc nước này có thể ra khỏi khu vực đồng tiền chung Euro bởi những biến động trong giới chức cầm quyền nước này.
Vừa qua, Eurozone đã đón chào thành viên thứ 19 là Litva. Kể từ ngày 1/1/2015, Litva chính thức trở thành thành viên thứ 19 của của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Nước này cũng là thành viên cuối cùng ở khu vực Baltic gia nhập khu vực sử dụng đồng Euro sau Estonia và Latvia.
Với sự gia nhập này, Litva đã nối gót 18 thành viên cũ là Bỉ, Bồ Đào Nha, Estonia, Hy Lạp, Hà Lan, Ireland, Latvia, Luxembourg, Malta, Pháp, Phần Lan, Slovakia, Slovenia, Síp, Tây Ban Nha, Áo, Italia và Đức, từ bỏ đồng nội tệ Lita, chuyển sang dùng đồng Euro.
Video đang HOT
Nguy cơ Hy Lạp ra khỏi EU rất cao nếu đảng cánh tả thắng cử
Tuy Litva gia nhập Eurozone nhưng rất có khả năng Eurozone vẫn chỉ có 18 thành viên bởi nguy cơ Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu, nếu đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tới đây, là rất cao. Đảng này theo đuổi mục đích hủy các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà EU đưa ra và đòi xóa một phần nợ cho Hy Lạp.
Từ năm 2010 cho đến nay, Hy Lạp sống nhờ vào tiền của các chủ nợ quốc tế là Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng trung ương châu Âu và Liên hiệp châu Âu (IMF, ECB và EU).
3 định chế này đã cam kết cho Hy Lạp vay tổng cộng 240 tỷ USD với điều kiện nước này phải thực hiện một kế hoạch thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt. Chính nó đã khiến nhân dân nước này bất mãn và dồn phiếu cho các đảng cánh tả, càng đẩy Hy Lạp nhanh đi tới con đường rời khỏi EU.
Hy Lạp rời EU, hệ lụy gì đối với châu Âu?
Việc Hy Lạp rút khỏi Eurozone được các chuyên gia dự đoán là “điều không thể tránh khỏi” nếu đảng đối lập cánh tả Syriza giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tới đây. Những “Kế hoạch khắc khổ” mà các “chủ nợ” áp đặt đã khiến người dân Hy Lạp quá mệt mỏi và vì vậy, họ sẵn sàng dồn phiếu cho đảng Syriza trong cuộc bầu cử sắp tới.
Đảng cực tả này không muốn Hy Lạp rời Eurozone nhưng yêu cầu các chủ nợ trước hết phải giảm bớt nợ công của Hy Lạp (hiện đã chiếm tới 175% GDP). Nếu không đạt được thỏa thuận này, Hy Lạp sẽ bị vỡ nợ và sẽ rời khỏi Eurozone. Các nhà phân tích kinh tế cho rằng khả năng xảy ra kịch bản Grexit (Hy Lạp rời khỏi Eurozone) là 30%.
Tất nhiên là Liên minh châu Âu sẽ không thể thỏa hiệp những đòi hỏi vô lý của 1 thành viên vì điều đó sẽ tạo lên tiền lệ xấu. 5 năm qua, Brussels đã quá mệt mỏi vì cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp nổ ra vào cuối năm 2009, suýt chút nữa đã làm tan rã Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Người dân Hy Lạp phản ứng chính sách “thắt lưng buộc bụng” mà EU áp đạt cho nước này
Nếu đảng này thắng cử ở Hy Lạp, tất cả những kế hoạch mà EU áp đặt cho nước này sẽ phá sản, đồng thời nó sẽ cổ vũ cho các đảng “chống khắc khổ” tại những nước khác ở châu Âu, ví dụ như đảng Podemos chủ trương chống cải tổ theo hướng tự do, đang dẫn đầu các cuộc thăm dò cho cuộc bầu cử tháng 11 tới ở Tây Ban Nha. Khi đó, EU mới thực sự mệt mỏi.
Và tất cả các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đều hiểu rằng Hy Lạp rời khỏi sẽ là một đòn choáng váng đối với khu vực đồng tiền chung, vốn được cho là mô hình chuẩn mực của các khu vực trên thế giới cho đến trước cuộc khủng hoảng nợ công năm 2010.
Cả EU đang đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó có việc chủ nghĩa khủng bố trỗi dậy ở chính châu lục này, khủng hoảng ở Ukraine tác động lớn đến EU, và đặc biệt là cuộc chiến kinh tế với nước Nga. Thêm sự ra đi của Hy Lạp, châu Âu chỉ bày ra một bức tranh ảm đạm về kinh tế, chính trị, xã hội.
Điều đáng lo ngại nhất là sự tháo chạy của dòng vốn ra khỏi châu Âu. Nếu các nhà đầu tư không an tâm rằng kinh tế Eurozone vẫn ổn định, lãi suất có thể tăng và sau đó là đến chi phí đi vay.
Ngoài ra, không riêng Hy Lạp đối diện với nguy cơ vỡ nợ, mà còn có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italy… Chi phí vay mượn tăng cùng với đầu tư giảm sút sẽ là sự cản trở đối với những nỗ lực phục hồi tăng trưởng.
Nhưng một hệ lụy khác mà việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone là sẽ gây ra là sự bất ổn cho nền kinh tế khu vực đang trong tình trạng trì trệ và điều này có thể là một cái giá đắt. Và với bức tranh như vậy, sẽ chẳng có nhà đầu tư nào mạo hiểm tham gia thị trường của châu Âu.
Đây chính là hệ lụy lớn nhất khi Hy Lạp không còn ở trong Eurozone.
Huy Bình
Theo_Báo Đất Việt