Nga “đánh tiếng” tháo gỡ căng thẳng Triều Tiên
Điện Kremlin cho biết Nga sẵn sàng trở thành trung gian hòa giải để kết nối Mỹ và Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng, nếu cả hai bên đều nhất trí với phương án này.
Quân đội Triều Tiên diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 26/12 cho biết Nga sẵn sàng làm trung gian để giải quyết căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên nếu Mỹ và Triều Tiên đồng ý để Moscow thực hiện vai trò này.
“Bạn không thể trở thành bên hòa giải giữa hai nước nếu đó là chỉ là mong muốn của riêng bạn. Điều đó là không thể. Bạn cần sự sẵn sàng của cả hai bên”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.
Theo ông Peskov, “sự sẵn lòng của Nga trong việc dọn đường để hạ nhiệt căng thẳng đã thể hiện rất rõ ràng”.
Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng kêu gọi Mỹ và Triều Tiên khởi động các cuộc đối thoại và khuyên Washington nên hành động trước.
Video đang HOT
“Tôi nghĩ bên nào mạnh hơn và sáng suốt hơn nên là bên hành động trước. Chúng tôi biết rằng vẫn có những người Mỹ tin rằng tình hình (Triều Tiên) nên được giải quyết thông qua các biện pháp ngoại giao”, Ngoại trưởng Lavrov nói.
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson ngày 26/12, ông Lavrov cũng đề cập tới vấn đề Triều Tiên và nhấn mạnh rằng những tuyên bố gây hấn của Mỹ đối với Triều Tiên cũng như các động thái tăng cường chuẩn bị quân sự của Washington trong khu vực càng khiến tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng lên. Đối với Moscow, đây là điều “không thể chấp nhận được”. Ngoại trưởng Lavrov cũng cho rằng các cuộc tập trận quân sự của Mỹ khiến cho đối thoại Mỹ – Triều trở nên khó khăn hơn.
Khi được hỏi về đề xuất trung gian hòa giải của Nga, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Justin Higgins cho biết Washington “có thể kết nối với Bình Nhưỡng thông qua nhiều kênh ngoại giao khác nhau”.
“Chúng tôi muốn chính quyền Triều Tiên hiểu rằng luôn có một con đường khác để họ có thể lựa chọn, tuy nhiên vẫn phải phụ thuộc vào Triều Tiên nếu nước này chấp thuận thay đổi đường lối và quay trở lại các cuộc đàm phán đáng tin cậy”, ông Justin cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, phát ngôn viên Michael Cavey của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định Washington vẫn luôn để ngỏ cơ hội đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông Michael, Bình Nhưỡng đã “thể hiện rất rõ qua lời nói và hành động của nước này rằng họ không hứng thú với việc đàm phán trong giai đoạn này”.
Trong khi đó, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm qua dự đoán Triều Tiên có thể ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ vào năm tới, tuy nhiên vẫn tiếp tục tìm cách để được công nhận là quốc gia hạt nhân.
Thành Đạt
Theo Dantri
Bất chấp trừng phạt, thu nhập của người Triều Tiên vẫn tăng
Số liệu thống kê của Hàn Quốc cho thấy thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2016 có sự gia tăng, bất chấp lệnh trừng phạt ngày càng mạnh tay của cộng đồng quốc tế.
Người dân Triều Tiên xếp hàng chào đón các nhà khoa học hạt nhân về dự hội nghị tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters)
Theo dữ liệu của Cơ quan Thống kê thuộc chính phủ Hàn Quốc, thu nhập bình quân đầu người của Triều Tiên năm 2016 ước tính khoảng 1,46 triệu won (khoảng 1.340 USD), tăng so với con số 1,39 triệu won một năm trước đó và bằng 3,8% so với thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc.
Dữ liệu của Hàn Quốc cho biết tổng thu nhập quốc gia (GNI) của Triều Tiên đạt 36,37 nghìn tỷ won năm 2016. Trong khi đó, chỉ số GNI của Hàn Quốc cùng năm là 1.639 nghìn tỷ won, tức cao gấp 45 lần so với Triều Tiên. Theo số liệu thống kê gần đây, tổng kim ngạch thương mại của Hàn Quốc ở mức 902 tỷ USD trong năm 2016, trong khi Triều Tiên chỉ đạt 6,5 tỷ USD.
Dân số Triều Tiên năm 2016 ước tính khoảng 24,9 triệu người, trong khi dân số Hàn Quốc khoảng 51,25 triệu người. Tỷ lệ sử dụng điện thoại di động trong dân cư tại Triều Tiên ở mức 14,26/100 người, còn ở Hàn Quốc là 122,65/100 người.
Các chỉ số khác cũng cho thấy sự chênh lệch giữa Hàn Quốc và quốc gia láng giềng Triều Tiên. Tổng sản lượng điện của Hàn Quốc năm 2016 đạt mức 106 triệu kilowatt, gấp 14 lần so với con số 7,66 triệu kilowatt điện của Triều Tiên. Năm 2015, tổng sản lượng gạo của Hàn Quốc là 4,2 triệu tấn, gần gấp đôi so với con số 2,22 triệu tấn của Triều Tiên. Về cơ sở hạ tầng, trong khi Hàn Quốc xây dựng được 108.780 km đường, Triều Tiên mới chỉ làm được 26.176 km.
Mặc dù Triều Tiên không công bố các số liệu về kinh tế nhưng Hàn Quốc vẫn duy trì việc cung cấp các dữ liệu về kinh tế Triều Tiên từ năm 1991 đến nay. Các dữ liệu này được đưa ra dựa trên các thông tin thu thập được từ các cơ quan của chính phủ, gồm Bộ Thống nhất Hàn Quốc và Cơ quan Tình báo Quốc gia.
Bất chấp những căng thẳng trong quan hệ song phương và các lệnh trừng phạt của cộng đồng quốc tế, chính phủ Hàn Quốc hồi tháng 9 vẫn quyết định thông qua gói viện trợ trị giá 8 triệu USD cho Triều Tiên thông qua các tổ chức nhân đạo của Hàn Quốc. Đây là khoản viện trợ đầu tiên của Hàn Quốc cho Triều Tiên kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in nhậm chức hồi tháng 5.
Theo Bộ Thống nhất Hàn Quốc, quan điểm cơ bản của chính phủ nước này là hoạt động cứu trợ nhân đạo cho những người khó khăn ở Triều Tiên cần được tiếp tục bất chấp các vấn đề chính trị.
Thành Đạt
Theo Dantri
Triều Tiên cảnh báo Mỹ tiến gần bờ vực chiến tranh Bình Nhưỡng hôm nay 14/12 cảnh báo việc Mỹ tìm cách phong tỏa đường biển đối với Triều Tiên là hành động không thể tha thứ và đẩy bán đảo Triều Tiên tới bờ vực của một cuộc chiến tranh. Quân đội Triều Tiên diễu binh tại thủ đô Bình Nhưỡng (Ảnh: Getty) "Do cảm thấy sợ hãi trước những thành tựu của...