Nga chặn đường sống của Mỹ?
Vài ngày sau khi Pakistan tuyên bố đóng tuyến đường tiếp viện của NATO vào Afghanistan, trả đũa vụ tấn công “nhầm” của máy bay NATO khiến 28 binh sĩ nước này thiệt mạng, Nga cũng đe dọa phong tỏa Mạng lưới phân phối phía Bắc (NDN), khóa chặt các tuyến đường tiếp viện cho liên quân tại Afghanistan.
Một số nhà phân tích nhận định, Nga đang tranh thủ cơ hội hiếm có để “dọa dẫm”, gây áp lực lên NATO và Mỹ nhằm phục vụ mục đích riêng của họ. Tuy nhiên, dù Nga có “không làm như những gì đã tuyên bố” thì lời đe dọa của họ cũng mang những ý nghĩa nhất định đối với Mỹ và NATO.
Thực tế là mối đe dọa kép từ Pakistan và Nga để khóa cả hai tuyến đường tiếp viện chính cho liên quân tại Afghanistan khiến NATO đối mặt với nguy cơ bị cô lập và dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.
Pakistan cứng rắn
Ngay sau vụ tấn công nhầm của máy bay NATO khiến 28 binh sĩ Afghanistan tử nạn và nhiều người khác bị thương, Islamabad mạnh mẽ cáo buộc đây là cuộc tấn công vô cớ, xâm phạm đến chủ quyền của Pakistan.
Ngoài ra, song song với các buộc này, Chính phủ Pakistan quyết định phong tỏa các cửa ngõ vào Afghanistan, chặn các đoàn tiếp viện cho quân đội NATO tại đây. Tuyến đường tiếp viện này đi qua Torkham gần khu vực Khyber, thuộc thành phố Peshawar và Chaman, phía Tây Nam tỉnh Baluchistan của Pakistan.
Islamabad đóng cửa cửa ngõ vào Afghanistan. Ảnh minh họa: Reuters.
Không dừng lại ở đó, Islamabab còn buộc quân đội Mỹ phải nhanh chóng “cuốn gói’ khỏi căn cứ không quân Shami ở Balochistan, nơi lâu nay vẫn là “nhà” của các máy bay không người lái của Mỹ chuyên thực hiện các nhiệm vụ tấn công khủng bố “cắm dùi” sâu trong lãnh thổ Pakistan. Đồng thời, Islamabad cũng tuyên bố xem xét lại tất cả các quan hệ hợp tác về quân sự lẫn tình báo với Mỹ và NATO.
Video đang HOT
Tuy nhiên, dù Pakistan bề ngoài khiến cả thế giới tin rằng phản ứng quyết liệt của họ đơn giản xuất phát từ vụ tấn công nhầm của chiến đấu cơ NATO, nhiều nhà phân tích nhấn mạnh nguyên cớ sâu xa xuất phát từ việc Islamabad vẫn luôn cho rằng Mỹ và NATO trên thực tế, sẽ không bao giờ kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy cuộc chiến mà Mỹ phát động ở Afghanistan đã hoàn toàn thất bại. Tuy nhiên, sự thật là Chính phủ Mỹ không phải đối mặt với quá nhiều áp lực để buộc phải rút quân khỏi “vũng lầy” Afghanistan từ phía Thượng viện Mỹ hay từ phía công chúng nước này.
Lý do là nhiều người Mỹ không có thái độ quá thù địch với chiến tranh, thậm chí, một số người còn tự hào rằng nước Mỹ đang cố gắng để hoàn thành các nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Do đó, để gia tăng áp lực cho chính quyền Obama đẩy mạnh thực hiện cam kết rút quân, Pakistan đưa ra các phản ứng cực đoan như trên.
Tuy nhiên, nhóm các nhà phân tích này nhấn mạnh, Islamabad nên chuẩn bị tinh thần để đón nhận những hậu quả theo sau động thái trên của họ.
Đầu tiên là việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan quá gấp rút sẽ tạo điều kiện cho phiến quân Taliban nổi lên. Hậu quả là Afghanistan sẽ có nhiều nguy cơ rơi vào vòng kiểm soát chặt chẽ của Taliban và khi đó, Pakistan sẽ phải chấp nhận “chung sống” với một Chính phủ bị giật dây bởi những chiến binh khủng bố.
Nhưng điều đáng nói là, Islamabad cũng sẽ không thể tránh được các cuộc tấn công của các chiến binh Taliban và thậm chí, phải đối mặt với nguy cơ rơi vào nội chiến đẫm máu bởi sự kích động của họ.
Song đáng tiếc là Islamabad lại không nhận ra những nguy cơ này. Họ đang sống với niềm tin rằng việc Mỹ rút khỏi Afghanistan sẽ giúp giảm sự thù địch của Taliban với Pakistan, nhờ đó, giảm các cuộc tấn công của họ trên lãnh thổ Pakistan.
Ngoài ra, người Pakistan đơn giản tin rằng nếu Taliban nhận thấy hợp tác giữa Washington-Islamabad giảm dần, họ sẽ không coi Islamabad là “cái gai” trong mắt nữa. Do đó, nguy cơ Taliban kích động nội chiến ở Pakistan sẽ bị loại bỏ.
Lý do là người Pakistan cho rằng chừng nào quân đội Mỹ còn hiện diện ở Afghanistan thì chừng ấy Taliban còn tìm “trăm phương nghìn kế” để chống Mỹ và Pakistan sẽ bị “vạ lây” bởi cái tiếng là đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố.
Hơn nữa, việc phong tỏa con đường tiếp viện của quân đội NATO ở Afghanistan mà không có bất cứ cam kết mở lại nào cũng như việc đóng cửa căn cứ không quân Shami sẽ làm gián đoạn, thậm chí, đình trệ hoạt động của phi đội máy bay không người lái của Mỹ.
Đây là rõ ràng là điều mà Pakistan mong muốn từ lâu. Trước đó, trong chuyến thăm đến Washington hồi tháng 4, Trung tướng Ahmed Shuja Pasha, người đứng đầu Cơ quan tình báo liên quân của Pakistan từng mạnh bạo yêu cầu Washington cắt giảm các phi vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ lên lãnh thổ Pakistan nhưng bị Chính phủ Mỹ thẳng thừng từ chối.
Cuối cùng, giới lãnh đạo Pakistan đinh ninh rằng “làm căng” với Mỹ sẽ là liều thuốc xoa dịu sự giận dữ, bất mãn của người dân trong nước với Chính phủ. Trước đó, Islamabad nhiều lần “khốn đốn” bởi những lời chỉ trích từ một bộ phận lới người dân Pakistan rằng họ quá nhu nhược trước những hành động xâm hại chủ quyền trắng trợn, liên tục của người Mỹ được mở đầu từ vụ tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden hồi đầu tháng 5.
Nga hùa theo sau
Thực tế đây không phải lần đầu tiên quân đội Mỹ và quân đội liên quân đang hoạt động ở Afghanistan bị Pakistan “chơi khó”, chặn đường tiếp viện.
Tháng 10/2010, cửa ngõ vào Kabul Torkham của NATO từng bị Chính phủ Pakistan phong tỏa trong 10 ngày nhằm đáp trả vụ máy bay Mỹ tấn công nhầm gây ra cái chết của nhiều binh sĩ Pakistan tương tự như vụ tấn công hôm 26/11 mới đây.
Không dừng lại ở đó, những đoàn xe vận tải chở hàng tiếp viện cho quân đội NATO tại Afghanistan qua ngã tư Chaman cũng bị “cản trở hành chính”.
Sau động thái “gây khó dễ” của Islamabad, Mỹ và phương Tây nhận ra mối nguy khi quá phụ thuộc vào tuyến đường tiếp viện đi qua Pakistan. Do đó, Mỹ bắt đầu suy tính việc quá cảnh qua Mạng lưới phân phối phía Bắc (NDN) để đề phòng bất trắc khi quan hệ với Pakistan không được “cơm lành canh ngọt”.
Vấn đề là NDN lại khiến NATO và Washington phụ thuộc nhiều hơn vào Moscow bởi nó phần lớn đi qua lãnh thổ, không phận của người Nga và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ kéo dài đến biển Baltic, nay vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của Moscow.
Song NATO và Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác tốt hơn bởi đây là tuyến đường thay thế tuyệt vời cho tuyến đường tiếp viện đi qua Pakistan.
Trong những tháng gần đây, kể từ khi quan hệ Mỹ – Pakistan bắt đầu rạn nứt, NDN trở thành tuyến đường tiếp viện chủ yếu cho quân đội Mỹ và quân đội liên quân ở Afghanistan.
Hiện 52% hàng tiếp viện của NATO quá cảnh qua NDN trong khi đó chỉ còn 48% hàng tiếp viện quá cảnh qua tuyến đường Pakistan truyền thống. Thậm chí, NATO còn dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ chuyển 75% hàng tiếp viện cho quân đội liên quân ở Afghanistan thông qua NDN.
Riêng đối với Mỹ, 40% hàng tiếp viện của Mỹ đến Afghanistan quá cảnh qua NDN trong khi đó, tuyến đường Pakistan truyền thống chỉ tiếp nhận 30%, phần còn lại Mỹ chuyển đến Afghanistan bằng đường hàng không có đi qua không phận Karakoram-Torkham của Pakistan.
Do đó, không có gì phải bàn cãi khi NDN nghiễm nhiên đóng vai trò sống còn đối với quân đội NATO ở Afghanistan, Mỹ lẫn phương Tây.
Theo Báo Đất Việt