New Zealand rộng vòng tay bảo bọc du học sinh trong dịch Covid-19
Dịch bệnh bùng phát, các du học sinh lập tức được các gia đình bản xứ chăm sóc như người nhà. Chính phủ New Zealand cũng tạo điều kiện tối đa để bạn trẻ ổn định cuộc sống và có thể trở về nước ngay khi điều kiện cho phép.
Homestay – mái nhà thứ hai của du học sinh
Vốn chuẩn bị kế hoạch một tháng du lịch khắp New Zealand, nhưng 4 sinh viên người Đức gồm Thomas Metzler, Felix Gard, Julia Betz cùng Laura Spottke đã phải gác lại trải nghiệm này khi dịch Covid-19 bắt đầu diễn biến căng thẳng ở xứ Kiwi. Kế hoạch phong tỏa được triển khai nhanh chóng trên phạm vi toàn quốc cũng khiến các bạn trẻ không kịp quay về quê nhà.
Tuy nhiên, cả 4 sinh viên đều đã có một trải nghiệm khác cũng đáng nhớ không kém giữa mùa đại dịch. Đó chính là được trở thành một phần của các gia đình bản xứ đầy thân thiện và tốt bụng.
Homestay trở thành mái nhà thứ hai khi tại đây, mọi người được cùng nấu bữa tối, chia sẻ những câu chuyện về đất nước, con người ở cả Đức lẫn New Zealand cùng ba người con của chủ nhà. Các bạn cũng được tham gia các hoạt động khác cùng gia đình như chăm sóc vườn tược và tập thể thao.
Kate Dingemans, người đã đề nghị bốn cô cậu ở lại với gia đình bà đến khi có chuyến bay trở về nước, chia sẻ: “Tôi không muốn họ cảm thấy như mình bị bỏ rơi, việc giúp đỡ họ cũng khiến tôi cảm thấy cuộc sống mình tốt đẹp hơn”.
Bốn sinh viên Đức được đối xử như người nhà tại New Zealand.
Tất nhiên, nhóm của Thomas Metzler không phải là trường hợp duy nhất được giúp đỡ. Hơn 150 du học sinh hiện đang học tập tại Northland cũng được các gia đình homestay chăm sóc như người nhà trong suốt thời gian vừa qua. Chính phủ New Zealand cũng tạo điều kiện tối đa giúp các bạn trẻ ổn định cuộc sống và có thể trở về nước ngay khi điều kiện cho phép.
Mai Hà Thái (học sinh trường Marlborough Girl’s College) chia sẻ về lòng tốt của người dân xứ sở Kiwi trong mùa dịch: “Ông bà chủ homestay của em rất nhiệt tình và chu đáo. Trước ngày cách ly xã hội, ông bà đã mua giúp em tất cả những đồ dùng cá nhân và thực phẩm mà em muốn dự trữ. Ông bà cũng thường xuyên dặn em không cần phải lo lắng gì cả bởi ông bà sẽ luôn ở bên chăm sóc”.
Mai Hà Thái yêu mến đất nước New Zealand bởi sự nồng hậu và ấm áp của con người nơi đây.
Website hỗ trợ tinh thần du học sinh
NauMai NZ là kênh thông tin được Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) triển khai dành riêng cho học sinh sinh viên quốc tế.
Video đang HOT
Trong bối cảnh Covid-19, Naumai NZ chia sẻ rất nhiều thông tin và nguồn tham khảo hữu ích giúp hỗ trợ về mặt tinh thần trong trường hợp học sinh có dấu hiệu lo âu, căng thẳng hoặc suy nghĩ tiêu cực vì ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ có thể tải Mentemia – một ứng dụng bao gồm các bài viết và công cụ chăm sóc sức khỏe tinh thần để người dùng theo dõi cảm xúc cá nhân, các mẹo vặt để ổn định cảm xúc. Ứng dụng Mentemia cũng bao gồm khóa trị liệu trực tuyến Stay on track để hỗ trợ những người đang chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 mang lại.
Ứng dụng Mentemia hiện đã có mặt trên Google Play và App Store.
Khuyến khích lan tỏa tinh thần tích cực trong cộng đồng sinh viên
Bên cạnh việc hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho sinh viên quốc tế, Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) còn khuyến khích các bạn trẻ chia sẻ những thông điệp ý nghĩa và tích cực để động viên mọi người có thêm nguồn năng lượng tích cực trong mùa Covid.
Vượt qua những bất tiện trong thời gian đầu khi cách ly, Hồ Sỹ Tuấn Khang (học sinh trường Mount Albert Grammar) đã có thời gian rèn luyện nhiều thói quen tốt. Tuấn Khang chia sẻ: “Mình tự lập hơn khi có thể thiết kế thời gian biểu chia đều cho việc học, đọc sách, tập trượt ván. Ông bà trong gia đình homestay cũng khuyến khích mình tập các bài thể dục trong nhà và chạy bộ hằng ngày quanh khu phố để rèn luyện sức khỏe.”
Du học sinh người Việt quay video clip về những hoạt động ở nhà
Nhiều du học sinh đã làm video ngắn để chia sẻ với mọi người về cuộc sống trong 4 tuần cách ly, những việc nên làm để thời gian ở nhà không còn nhàm chán, giữ liên lạc với bạn bè và gia đình qua video call, những mẹo vặt thú vị trong lập thời khóa biểu và cách nâng cao tinh thần lạc quan mùa dịch. Các liều thuốc tinh thần này hiện được đăng tải trên trang web NauMai NZ.
Bạn Đinh, một du học sinh bậc phổ thông người Việt đã có một video chia sẻ sự hào hứng của bạn khi tiếp cận việc học online đầy thú vị, tập thể thao tại nhà và tranh thủ thời gian để học đàn guitar. Bạn có thể xem video chia sẻ của Đinh tại https://naumainz.studyinnewzealand.govt.nz/help-and-advice/personal-wellbeing/stay-well-stay-connected
Ngọc Minh
"Du học New Zealand thay đổi đời tôi"
Võ Trần Duy - Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh, Đại học Auckland (New Zealand), hiện là Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc hãng bảo hiểm ở Việt Nam - một trong những thế hệ du học sinh Việt đầu tiên tại New Zealand.
Sau hơn một thập kỷ học tập và làm việc tại xứ sở Kiwi, anh lĩnh hội nền giáo dục chất lượng, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Trải nghiệm du học không chỉ giúp anh hoàn thiện chính mình mà còn đem kiến thức quay về góp sức xây dựng quê hương.
Năm 1999, cậu học trò lớp 10 tại TP HCM có được thư mời học của một trường trung học ở Wellington (New Zealand). Với Duy và bạn bè của anh lúc đó, hai chữ "du học" khá mới mẻ và ngôi trường Duy theo học tại New Zealand cũng chưa từng có du học sinh Việt theo học trước đây. Duy nghĩ "nếu cơ hội đến sao mình không thử".
"Tuổi trẻ là dấn thân, tôi muốn bứt phá ra khỏi vùng an toàn để đổi lấy trải nghiệm mới. Tôi quyết định du học, chọn lối đi khác biệt so với bạn bè và chấp nhận thử thách", Duy nói. Đợt nhập học tháng 1/1999, nam sinh một mình đáp chuyến bay đến đất nước xa lạ, lần đầu tiên không có gia đình bên cạnh. Từ đây, cuộc đời Duy bước sang trang mới, có khó khăn, thử thách và cả "trái ngọt".
Đến New Zealand, mọi thứ với cậu học sinh lớp 10 đều lạ lẫm từ con người, phong cách ăn mặc đến ngôn ngữ, cách cư xử. Ấn tượng đầu tiên về New Zealand trong mắt chàng du học sinh Việt là một đất nước phát triển và hiện đại, với cảnh quan xinh đẹp, khí hậu trong lành. Cách mọi người giao tiếp khiến cậu vừa thấy lạ lẫm vừa thu hút.
Với Duy, kết bạn là một trong những cách để thích nghi với cuộc sống nơi xứ người nhanh nhất. Những người bạn đến từ nhiều quốc gia cho chàng du học sinh Việt cơ hội hòa nhập môi trường đa văn hóa. Nam sinh Việt còn học được cách thích nghi và dung hòa trước sự khác biệt văn hóa, lối sống, suy nghĩ... Trong quá trình tiếp xúc, Duy có dịp soi chiếu bản thân qua lăng kính từ bạn bè.
Ngoài việc học ở trường, nam sinh cùng những người bạn có nhiều kỷ niệm đẹp khi khám phá "quê hương thứ hai". Đó là những ngày cùng rong ruổi tìm hiểu văn hóa New Zealand, thưởng thức ẩm thực, du lịch đến vùng đất mới... Gia đình homestay còn nhiệt thành giúp đỡ cậu nhóc 16 tuổi mới chân ướt chân ráo đến. Cậu được trao quyền cho các quyết định. Những trải nghiệm trong hành trình tại xứ sở Kiwi giúp Duy mở rộng tầm mắt và nhìn cuộc sống đa chiều hơn.
Hòa nhập với môi trường quốc tế chỉ là bước khởi đầu trong hành trình bước ra thế giới của chàng du học sinh. Bởi cuộc sống du học có nhiều thứ để học và không phải lúc nào cũng trải đầy hoa hồng. Duy kể, có lần chẳng còn xu dính túi, phải nhặt từng đồng lẻ ở post điện thoại mua mì gói. Nhưng đối mặt với điều đó, anh học được cách thay đổi khi nhìn nhận khó khăn. "Trong một tình huống khó khăn hãy tìm một thái độ tích cực", anh nói.
Bài học đó đến giờ vẫn nguyên giá trị, giúp Duy giữ tinh thần "thép". Lúc công việc không thuận buồm xuôi gió nhưng nhiều nhân viên vẫn thấy anh lèo lái con thuyền vượt "giông bão" với thái độ bình tĩnh, lạc quan.
Phương pháp học tập ở xứ sở Kiwi rất khác so với cách học trước đây của Duy. Giáo viên gợi mở, học sinh tìm câu trả lời, nêu quan điểm cá nhân. Không quen với cách học thuyết trình và phản biện, Duy phải nỗ lực vượt lên chính mình. Thuyết trình bằng tiếng mẹ đẻ trước nhiều người không dễ, diễn đạt điều mình muốn bằng ngôn ngữ thứ hai càng khó hơn.
Trong quá trình đó, Duy nhận ra rằng để thuyết trình tốt phải nhìn vào cốt lõi vấn đề. Nội dung sâu sắc, tư duy có hệ thống, khi thể hiện ra bằng luận điểm hợp lý, lập luận chặt chẽ mới thuyết phục được số đông.
Duy bắt buộc bản thân phải thay đổi trong cách tiếp cận thông tin. Để tìm tư liệu học tập, chàng du học sinh phải gọi điện đến Tòa Thị chính Auckland để có được dữ liệu mình cần hay dành hàng giờ trong thư viện.
Sau khi hiểu sâu vấn đề, nam sinh bắt tay vào luyện nói sao cho mạch lạc, rõ ràng, thu hút người nghe. Kỹ năng khi được tập luyện, lặp lại nhiều lần trở nên thành thạo. Dần chàng du học sinh Việt được nhìn nhận và đánh giá cao ở khả năng trình bày.
"Bạn sẽ ngạc nhiên về những gì mình có thể làm được nếu được tạo điều kiện và kiên trì thực hiện. New Zealand luôn mở ra những cơ hội nếu bạn trẻ biết nắm bắt để khẳng định, nâng cao giá trị của bản thân", Duy nói.
Trong một cuộc thi quốc tế, anh cùng nhóm bạn đưa ra chiến lược phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp toàn cầu chỉ trong ba giờ. Áp lực về thời gian, khối lượng kiến thức quá rộng đòi hỏi cả đội phải tập trung cao độ. Kiến thức, kỹ năng được rèn luyện ở trường là "vũ khí" đắc lực giúp cả đội đoạt giải cao.
Sự năng động, tự tin và đạt thành tích tốt trong học tập giúp chàng du học sinh Việt rút ngắn thời gian trung học, nhận nhiều học bổng. Khi còn là sinh viên, Duy được mời làm trợ giảng tại Đại học Auckland - một trong những trường đại học hàng đầu ở quốc gia này. Tốt nghiệp cử nhân với hai chuyên ngành Quản trị Thông tin và Quản trị Nhân sự chỉ mới 21 tuổi, anh nhanh chóng có công việc ổn định tại công ty đa quốc gia. "Nền giáo dục chất lượng New Zealand tạo nền tảng vững chắc mở ra cho tôi những cơ hội mới", Duy nói.
Trong thời gian đó, anh không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức ở bậc cao hơn và nhận thêm bằng Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh. Nhận được mức lương đáng mơ ước nơi xứ người, đảm nhiệm những vị trí chủ chốt sau 7 năm làm việc nhưng vị giám đốc 8X vẫn hằng mong trở về quê hương.
Được nhiều công ty ở TP HCM săn đón nhưng anh chọn đầu quân cho công ty khai khoáng tại Đà Nẵng vào năm 2010. Hầu hết thời gian, anh làm việc trong mỏ trên núi, sống trong rừng. Công việc dù khó khăn nhưng với anh trải nghiệm mới mẻ giúp cuộc sống có ý nghĩa hơn, thấu hiểu nỗi vất vả của người dân tại quê hương mình. Anh còn tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện, các tổ chức phi lợi nhuận...
Khát khao đem kiến thức học được ở xứ người truyền dạy cho thế hệ trẻ, sau hai năm làm việc ở Đà Nẵng, anh quay lại Sài Gòn vừa làm vừa dạy cho sinh viên. Anh nhận được lời mời từ công ty bảo hiểm, được cất nhắc lên vị trí Giám đốc Phát triển Kinh doanh toàn quốc, kiêm Giám đốc Khu vực Miền Nam và Miền Trung.
"Học tập tại những nền giáo dục chất lượng, 'chân trời mới' sẽ giúp bạn trẻ mở rộng tầm hiểu biết, trải nghiệm quý báu", anh nói. Đó cũng là chìa khóa giúp vị giám đốc 8X đảm nhiệm những vị trí đầu tàu tại công ty đa quốc gia, đạt nhiều thành công trong sự nghiệp. Trong các sự kiện giáo dục, câu chuyện của vị giám đốc tài năng còn truyền cảm hứng cho bạn trẻ về hành trình chinh phục ước mơ.
Nội dung: Kim Uyên
Thiết kế: Lợi Nguyễn
Du học sinh Việt chiến thắng giải Tài năng doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland, New Zealand Mới đây, nam du học sinh Nguyễn Thế Mạnh (học sinh lớp 13, trường Mount Albert Grammar) và nhóm đã xuất sắc đoạt giải Tài năng Doanh nghiệp trẻ toàn khu vực Auckland 2019, New Zealand với dự án kinh doanh sản phẩm kết hợp từ trà Thái Nguyên của Việt Nam và lá thảo dược Manuka nổi tiếng của xứ sở kiwi....