Nếu truy tố sai chủ quán phở, ai phải chịu trách nhiệm?
Người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. (Khoản 1, Điều 293 Bộ luật hình sự).
Mấy ngày nay dư luận đang xôn xao về việc chủ quán phở, cà phê bị khởi tố về tội Kinh doanh trái phép do chậm đăng ký kinh doanh. Trong khi Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh vẫn khẳng định là mình làm đúng thì nhiều chuyên gia pháp lý đã vào cuộc phân tích và cho thấy việc ra quyết định khởi tố và truy tố ông Nguyễn Văn Tấn là chưa đúng với quy định của pháp luật.
Trả lời trên báo điện tử Người đưa tin luật sư Lê Ngọc Luân, Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát huyện Bình Chánh cần phải xem xét lại việc khởi tố vụ án và truy tố ông Nguyễn Văn Tấn ra tòa. Việc làm này cho thấy việc áp dụng pháp luật có phần tùy tiện và thiếu căn cứ”.
“Làm công tác xét xử gần 30 năm tôi chưa bao giờ gặp vụ án tương tự như thế này, một vụ án có quá nhiều sai sót trong hoạt động tố tụng của cơ quan điều tra và VKS huyện Bình Chánh mà các Luật sư và các báo đã phân tích”, nguyên Chánh án Tòa án nhân dân huyện Hải Hậu, Nam Định, Vũ Viết Năng chia sẻ với báo điện tử Infonet.
Một câu hỏi được đặt ra là trong trường hợp việc khởi tố, truy tố chủ quán phở là chưa đúng với quy định của pháp luật thì ai sẽ người phải chịu trách nhiệm?
Chia sẻ băn khoăn pháp lý trên với PV báo điện tử Người đưa tin luật sư Trần Xuân Thành, công ty luật Vũ Trần, Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định: “Nếu đúng như thông tin báo chí đưa vào mấy ngày qua về vụ việc thì có thể thấy việc khởi tố ông Nguyễn Văn Tấn về tội Kinh doanh trái phép là chưa đúng.
Căn cứ vào khoản 1 Điều 159 Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 và khoản 2 Điều 6, điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ thì chỉ trong trường hợp ông Tấn bị xử lý vi phạm hành chính hai lần về hành vi kinh doanh không có giấy phép đăng ký kinh doanh (theo khoản 2 Điều 6 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) và hành vi kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký kinh doanh (theo điểm b khoản 3 Điều 8 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về một trong các hành vi quy định tại Điều 153, 154, 155, 156, 157, 158, 160, 161, 164, 193, 194, 195, 196, 230, 232, 233, 236, 238 của Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009 thì ông Tấn mới bị khởi tố vụ án về tội Kinh doanh trái phép.
Luật sư Trần Xuân Thành, công ty luật Vũ Trần, Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Việc Biên bản xử lý vi phạm hành chính lần 2 được công an huyện Bình Chánh lập là về hành vi vi phạm trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm theo Nghị định số 178/2013/NĐ-CP, đây không phải là hành vi kinh doanh không đúng nội dung đã đăng ký nên việc khởi tố vụ án của Công an huyện Bình Chánh là không có căn cứ”.
Video đang HOT
Theo luật sư Trần Xuân Thành thì trong trường hợp anh Tấn bị khởi tố, truy tố oan sẽ tuỳ vào tính chất, lỗi của người tiến hành tố tụng, trong từng giai đoạn để xử lý theo quy định, nếu thoả mãn cấu thành quy định tại Bộ luật hình sự thì sẽ bị xử lý hình sự. Ngoài ra người bị oan còn được bồi thường theo luật bồi thường nhà nước.
Luật sư Phạm Văn Vũ – Văn phòng luật sư Trần Phạm và Cộng Sự – Đoàn luật sư TP.HCM
Cũng đưa ra quan điểm về vụ việc luật sư Phạm Văn Vũ – Văn phòng luật sư Trần Phạm và Cộng Sự – Đoàn luật sư TP. HCM nhận định: “Hiện tại, vụ việc người bán phở chậm làm thủ tục đăng kí kinh doanh bị khởi tố hình sự đang được Công an TP. Hồ Chí Minh rút hồ sơ lên xác minh giải quyết.
Nếu vụ việc này có kết luận oan sai thì chắc chắn người gây ra oan sai sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình. Cụ thể, hành vi gây ra oan sai có dấu hiệu của tội Truy cứu trách nhiệm hình sự người không có tội theo quy định tại Điều 293 BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009. Theo khoản 1 của điều này thì người nào có thẩm quyền mà truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là không có tội, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Ngoài ra, có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm”.
Theo thông tin từ báo Sài Gòn Giải Phóng, anh Nguyễn Văn Tấn (cư ngụ quận Bình Tân) thuê mặt bằng tại địa chỉ C12/26 khu phố 3, thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh để mở quán cà phê, ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Ngày 8/8/2015, anh khai trương cửa tiệm. Chỉ sau 5 ngày khai trương, vào ngày 13/8/2015, hai chiến sĩ Công an huyện Bình Chánh đến kiểm tra hành chính, lập biên bản vi phạm “kinh doanh không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Ngay hôm sau, anh Tấn lên UBND huyện đăng ký chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ kinh doanh cá thể. Chỉ 5 ngày sau, anh được UBND huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Với số tiền phạt lên đến 17 triệu đồng, anh Tấn đứng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Anh đã lỡ ký hợp đồng thuê nhà thời hạn 5 năm, giá 4 triệu đồng/tháng và đã thế chân, nếu bỏ thì mất tiền thế chân. Do vậy, anh chọn giải pháp ngưng kinh doanh để tiến hành một số thủ tục khác theo yêu cầu. Trong lúc chưa chạy được tiền nộp phạt, ngày 10/9/2015, hai cán bộ Công an huyện Bình Chánh tiếp tục đến kiểm tra, anh Tấn không còn kinh doanh không phép nữa thì bị công an kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm! Biên bản lần này ghi anh vi phạm hành chính về hành vi “sử dụng khu vực chế biến có côn trùng độc hại” và “sử dụng nước không đạt quy chuẩn kỹ thuật để chế biến thực phẩm” theo Nghị định 178/2013/NĐ-CP, trong khi quán của anh Tấn đã ngưng bán đồ ăn từ trước. Công an huyện Bình Chánh dùng 2 biên bản kiểm tra vi phạm hành chính ngày 8/8/2015 và ngày 10/9/2015 để làm căn cứ khởi tố anh Tấn về tội Kinh doanh trái phép.
Phương Anh – Hằng Nguyễn
Theo_Người Đưa Tin
Góc nhìn pháp lý vụ 'người tố cáo tham nhũng' bị bắt
Nếu như trước đó anh Lợi báo cho cơ quan có thẩm quyền phối hợp thì chắc chắn anh Lợi không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, Ls. Thái Hùng nhận định.
Như thông tin đã đưa, chiều hôm 22/3, ông Trần Minh Lợi (SN 1968, ngụ xã Ea B'hốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) bị bắt giam và khám xét nhà riêng để điều trà hành vi đưa hối lộ với vai trò giúp sức liên quan đến việc xảy ra tại Công an huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông, mà ông là người cung cấp bằng chứng tố cáo.
Trước đó, ngày 15/1 công an huyện này bắt 6 người đánh bạc tại xã Thuận An. Trung úy Lãnh Thanh Bình đã liên hệ với gia đình những người này, "gợi ý" chi tiền để các nghi phạm được tại ngoại. Một người thân của nhóm đánh bạc đã liên hệ với ông Lợi nhờ phanh phui sự việc.
Người nhà các nghi can sau đó đã gom tiền đưa cho Bình 60 triệu đồng. Hành vi nhận tiền của viên trung úy bị ghi hình, ghi âm sau. Ông Lợi sau đó dùng chúng làm bằng chứng tố cáo với các cơ quan chức năng.
Ngày 17/3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam trung úy Lãnh Thanh Bình để điều tra về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Công an tỉnh Đắk Nông cũng đã tạm đình chỉ công tác thiếu tá Y Nam và trung úy Trần Thanh Hải.
Sau đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông cũng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam Huỳnh Cao Trí (SN 1978) và Nguyễn Xuân An (SN 1985), cùng trú xã Thuận An, huyện Đắk Mil về hành vi đưa hối lộ vì liên quan đến vụ việc.
Luật sư Hà Trọng Đại - Đoàn luật sư TP. Hà Nội
Dưới khía cạnh pháp lý của vụ việc luật sư Hà Trọng Đại - Công ty luật The Light - Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: "Hành vi của ông Lợi rất có thể đã cấu thành tội phạm và việc cơ quan cảnh sát điều tra bắt tạm giam và khởi tố ông Lợi về Hành vi môi giới hối lộ, đưa hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự là có cơ sở. Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, ngày 15/1/2016 các đối tượng bị bắt về tội đánh bạc, sau đó nguời nhà đã gom tiền " đưa cho ông Lợi" nhờ giúp đỡ. Sau khi đưa khoản tiền đó ông Lợi đã ghi lại làm bằng chứng. Việc phát hiện có hành vi đưa và nhận hối lộ này thì ông Lợi cần tố cáo ngay với cơ quan chức năng và yêu cầu cơ quan chức năng mật phục, bắt quả tang. Không làm điều đó, ông lợi đã thực hiện xong hành vi đưa tiền, như vậy hành vi này đã hoàn thành và cấu thành tội phạm.
Thứ hai, khoảng cách thời gian từ khi đưa hối lộ đến ngày 27/2/2016 là khá dài. Và như vậy không có cơ sở khẳng định ông Lợi chủ định tố cáo kịp thời đến cơ quan chức năng. Hay vì nguyên nhân khác? Việc không tố cáo kịp thời đã khiến nhiều nguời đặt câu hỏi: liệu rằng còn vì mục đích khác hay mục đích đưa hối lộ không có kết quả nên sau đó mới tố cáo?".
Cũng có quan điểm về vụ việc luật sư Nguyễn Đình Thái Hùng - Đoàn luật sư TP.Đà Nẵng cho biết: "Hiện Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Nông đang bắt tạm giam ông Trần Minh Lợi để điều tra liên quan đến vụ án đưa hối lộ. Môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ để những người này thực hiện việc đưa và nhận hối lộ.
Trong vụ việc này cần phải làm rõ nhiều vấn đề mới có thể khẳng định ông Lợi có vai trò môi giới hối lộ hay không? Có lợi dụng việc tố cáo để trục lợi hay không?
Việc này sẽ phụ thuộc vào lời khai và các chứng cứ mà cơ quan điều tra thu thập được. Thực hiện quyền công dân tố cáo tham nhũng là tốt, tuy nhiên việc cài bẫy đưa tiền rồi quay phim chụp hình làm bằng chứng nhưng không báo trước cho cơ quan chức năng có thẩm quyền để phối hợp là không đúng pháp luật".
Theo luật sư Thái Hùng nếu như trước đó anh Lợi báo cho cơ quan có thẩm quyền như công an hoặc Viện kiểm sát phối hợp thì chắc chắn anh Lợi không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội môi giới hối lộ.
Được biết, Ông Trần Minh Lợi là người khá nổi tiếng tại Đắk Lắk và trên mạng xã hội Facebook với chủ trương "chống tham nhũng không phải của riêng ai".
Tháng 11-2014, ông Lợi gửi 20 triệu đồng tiền vật chứng "chạy án" xảy ra tại Công an huyện Cư Kuin cho Ban nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk.
Ông Lợi cũng tố cáo nhiều lãnh đạo, cán bộ tại công an, Viện KSND liên quan đến việc chạy án, buôn lậu gỗ. Có 11 cán bộ liên quan tại Công an huyện Cư Kuin bị kiểm điểm, kỷ luật.
Từ sự việc này, ông Lợi nổi lên là một người "tích cực chống tham nhũng". Ông sẵn sàng "giúp đỡ về pháp lý miễn phí (chữ hay dùng của ông Lợi)" cho bất cứ ai tố cáo tiêu cực.
Bằng cách dùng các thiết bị ghi âm, ghi hình bí mật, ông Lợi thu thập chứng cứ nhiều vụ tiêu cực của cán bộ công an liên quan đến việc chạy án, chạy việc sau đó gửi đơn tố cáo.
Hằng Nguyễn - Phương Anh
Theo_Người Đưa Tin
Vẫn buộc pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự Trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét bỏ phiếu thông qua Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi). Đây là lần sửa đổi toàn diện bộ luật có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật với 425 điều luật. So với luật hiện hành, Dự thảo bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân,...