“Nếu ông không giải quyết được thì ngay đêm nay trường này sẽ bị sập…”
Đó là một trong những câu chuyện gay cấn và đau đầu trong hơn 20 năm làm hiệu trưởng của TS. Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội).
“Làm hiệu trưởng, hầu như ngày nào, tuần nào tôi cũng hao mòn sức lực, trí tuệ vì những câu chuyện áp lực, bạo lực nơi học đường. Người ta bảo tôi nhanh già quá, tóc bạc nhanh quá…”
Những chia sẻ đã tạo nhiều lắng đọng, suy nghĩ tại chương trình Gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” do VTV7 phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công đoàn giáo dục Việt Nam tổ chức.
Người giáo viên cặm cụi đạp xe ở thời chưa có tiền ăn một bát phở
TS. Nguyễn Văn Hòa có hơn 40 năm làm nghề nhà giáo, xuất phát từ vị trí một giáo viên. Cách đây hơn 34 năm, thầy Hòa được giao một lớp 11 với 45 em. Các trò tuổi 16 nghịch ngợm, học sinh Hà Nội luôn tinh nghịch, có mọi kiểu ngang ngược, quậy phá. Lớp của thầy Hòa có nhiều thầy cô nhận lớp phải rút lui vì… không chịu được “nhiệt”.
Thầy Hòa kể: “Có một lần một số người ở Bộ Công An dẫn điệu một số học sinh của lớp tôi đến gặp hiệu trưởng vì các con cầm đao đuổi nhau trên đường phố. Học sinh của tôi đã phạm lỗi, phạm lỗi đến mức ấy chỉ có mức đuổi học.
Thầy hiệu trưởng gọi tôi đến giao cho tôi nhiệm vụ xử lý kỷ luật nghiêm khắc những học trò này để làm gương cho toàn trường. Tôi nghĩ trong lòng giận lắm, tại sao học sinh của mình lại như thế? Nghĩ kỹ thì lại thương các con nếu bây giờ các con bị đuổi học ở tuổi 15 thì rồi các con sẽ đi đến đâu?”…
TS. Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cầu Giấy, Hà Nội).
Ngay buổi tối hôm đó sau khi tan học, khoảng 7h tối người thầy giáo lọ mọ đạp xe đến từng nhà học sinh gặp các phụ huynh. Đó là một xóm nghèo. Ông muốn tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng học sinh để hiểu sao các em lại phạm lỗi đến mức độ cầm dao đánh nhau dọc đường phố.
Thì ra, các con đều là gia đình lao động, cha mẹ các con lam lũ, vất vả tối ngày lo chuyện mưu sinh. Họ không có thời gian nhiều lo lắng đến chuyện học hành của con cái. Hình ảnh người thầy cặm cụi đạp xe quanh xóm nghèo đến tận 11h đêm ở cái thời không có tiền mua một bát phở khiến những cậu học trò nghịch ngợm được cảm hóa dần.
“Khi tôi đến dù rất cảm động, nhưng phụ huynh đều nói “trăm sự nhờ thầy cô, trăm sự nhờ nhà trường”, biết làm sao đây. Tôi suy nghĩ rất nhiều, sáng hôm sau tối quyết định đến gặp hiệu trưởng và xin bảo lãnh cho các con. Tôi giữ các con ở lại để giáo dục và tôi hứa sẽ làm được điều đó.
Video đang HOT
Rất may thầy hiệu trưởng là một người nhân ái và đồng tình với tôi. Bằng tấm lòng thương yêu và sự chân thành, các con nghe tôi, dần trở nên chăm chỉ hơn, đỡ nghịch hơn. Năm sau, lên lớp 12 các con đều tốt nghiệp THPT”, thầy Hòa kể.
Bẵng đi một thời gian dài, sau hơn 20 năm những học sinh năm ấy mới tìm lại được thầy giáo Hòa vào một buổi chiều. Các trò ùa đến sân trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, bao vây, ôm chặt người thầy.
Những học sinh được giải thoát kỷ luật năm nào nói: “Thầy ơi, chúng con mất bao nhiêu năm mới tìm lại được thầy. Con nhớ năm ấy nếu không có thầy, cuộc đời của chúng con sẽ đi đến đâu nếu bị đuổi học. Chúng con mãi mãi là học trò của thầy. Mãi mãi là con của thầy”.
Lúc bấy giờ mái đầu người thầy giáo trẻ năm nào đã bạc trắng. “Tôi xúc động trào nước mắt và trào dâng niềm tự hào. Đó là niềm tự hào của một nhà giáo. Nghề nhà giáo cũng có lúc được bồi đắp như thế. Nhìn thấy học trò khờ dại nay đã trưởng thành, có con là họa sĩ, giáo viên, công an, chủ doanh nghiệp, chủ cửa hàng… trong lòng tôi luôn thấy hạnh phúc.
Tình thương yêu, sự chân thành của thầy cô giáo đã mang lại hạnh phúc tuổi thơ và chính tình thương yêu đó đã mang lại cuộc đời tốt đẹp, tương lai tốt đẹp cho các con. Đó là hạnh phúc cao quý của nhà giáo – nghề tôi theo đuổi suốt đời”, TS. Nguyễn Văn Hòa xúc động nói.
TS. Nguyễn Văn Hòa là người hiệu trưởng truyền cảm hứng về trường học hạnh phúc.
Với thầy Hòa, thầy cô xây dựng trường học hạnh phúc không phải bằng kỉ luật mà bằng sự thông cảm, tôn trọng lẫn nhau.
Liệu cứ thế này mình có “sống nổi” không…
Thầy Hòa đến nay cũng đã có hơn 20 năm làm hiệu trưởng. Suốt hơn 20 năm đó, ông thường rất bận rộn nhất là những năm đầu. Người đứng đầu thường xuyên phải giải quyết những sự vụ, sự cố, mâu thuẫn, giữa học sinh – học sinh, học sinh – cô giáo, cô giáo – cha mẹ học sinh.
“Đó là những câu chuyện rất gay cấn và đau đầu. Hầu như ngày nào, tuần nào tôi cũng phải hao mòn sức lực, trí tuệ vì những câu chuyện áp lực, bạo lực đó. Người ta bảo tôi nhanh già quá, tóc bạc nhanh quá…”, thầy Hòa kể.
Thường, gặp những việc gay cấn thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Hòa đều hóa giải được. Cách của ông là đặt mình trong mỗi câu chuyện để hiểu được họ, có thể kiên trì lắng nghe họ tâm sự, bày tỏ, nói hết nỗi lòng, nỗi uất ức của họ.
“Tôi làm cho mọi thứ xì hơi, cũng như rút ngọn lửa khi cơm đã sôi. Thường với sự chân thành, lắng nghe với sự tôn trọng, tôi nhận được sự đồng cảm, tin tưởng của những người trong cuộc và cuối cùng chúng tôi tìm ra giải pháp. Đôi khi người trong cuộc – chính những người đã kéo cả gia đình sừng sộ với tôi, kéo cả quân quyền đến nói rằng “nếu ông không giải quyết được thì ngay đêm nay trường này sẽ bị sập…”. Đó là nguyên lý người hiệu trưởng áp dụng để giải quyết mọi mâu thuẫn phát sinh ở học đường.
“Tôi thường là người sẵn sàng nói lời xin lỗi đầu tiên”, TS. Hòa nói.
“Tóc bạc thế này mà nói được lời xin lỗi tôi thấy nó có sức mạnh lắm”, ông nói tiếp.
“Sau lời xin lỗi, thường mọi việc được giải tỏa, chúng tôi hiểu và chia sẻ với nhau. Sau mỗi câu chuyện, không có ai thua, không có ai thắng tất cả đều giống nhau và mọi người nguyện cùng nhau đồng hành trên con đường mà học sinh đi”.
Nhiều khi người hiệu trưởng nghĩ, mình làm hiệu trưởng thế này, lúc nào cũng phải giải quyết công việc cụ thể thế này mình có “sống nổi” được không? Làm sao các thầy cô giáo trong trường tự giải quyết được công việc của họ, tự hóa giải câu chuyện của họ – như mình đã làm?
Hiệu trưởng Hòa lúc ấy suy nghĩ rất nhiều và đã tự tìm ra giải pháp. Đó là chương trình giáo dục giá trị sống – kỹ năng sống. Ông mời chuyên gia tâm lý cùng với mình giúp cho việc nâng cao năng lực, nhận thức về tâm lý học cho các thầy cô trong trường.
Các thầy cô được tìm ra giá trị sống, kỹ năng sống rồi tự quản lý và chuyển hóa cảm xúc của mình. Nhiều năm cùng với chương trình tập huấn, hỗ trợ, giúp đỡ nhau, cuối cùng các thầy cô giáo đã tự giải quyết được những sự vụ gay cấn. Những việc bạo lực được xử lý ngay từ mầm mống và các thầy cô giáo chủ nhiệm của tôi đã trở thành những nhà giáo dục tài năng.
Thầy Hòa quan điểm: “Khi tự giải quyết được sự cố, các thầy cô giáo hạnh phúc hơn, có giá trị hơn. Khi thầy cô hạnh phúc thì học sinh hạnh phúc, gia đình hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, ngôi trường hạnh phúc. Và môi trường học đường trở nên an toàn, câu chuyện bạo lực được quản lý”.
“Hiểu được giá trị nghề giáo, những người làm giáo dục sẽ có tấm lòng để xây dựng trường học hạnh phúc, từ đó bạo lực và bắt nạt học đường giảm bớt”, thầy Hòa nhấn mạnh.
“Tôi thường nói, các thầy cô có giá trị lắm đấy, vì trường tôi năm hội trường, các con bao giờ trở về cũng quây quần bên cô giáo chủ nhiệm, ôm lấy cô trò chuyện chụp ảnh vô cùng hạnh phúc. Tôi đi qua học sinh kính cẩn chào nhưng các em vẫn quanh quẩn bên thầy cô của họ. Các thầy cô suốt một đời đi dạy có hàng trăm hàng nghìn đứa con, tôi cho đó hạnh phúc cao quý của nghề. Nghề nhà giáo là nghề dạy dỗ, quan tâm từng học sinh, chăm lo đến các con để tương lai của các con được tốt đẹp. Đó là hạnh phúc chân chính của thầy cô giáo.
Tôi tin, thầy cô không chỉ là người dạy học, truyền thụ kiến thức mà trước hết, phải là nhà tâm lý, nhà giáo dục, thầy cô phải là người truyền cảm hứng, sự tự tin mạnh dạn bước vào cuộc sống. Như thế lớp học sẽ hạnh phúc, trường học hạnh phúc và đất nước sẽ phồn thịnh, hạnh phúc hơn. Hiệu trưởng không chỉ là nhà quản lý mà là người truyền niềm tin, giá trị cao quý của nghề cho các giáo viên của mình.
Khi đó giáo dục sẽ tiến một bước mới. Nghề giáo dục xứng đáng với sự tôn vinh của xã hội và chắc chắn nghề nhà giáo sẽ có sự tôn vinh của toàn xã hội”, thầy Hòa xúc động chia sẻ.
Chương trình gala “Thay đổi vì một trường học hạnh phúc” sẽ phát sóng vào 20h40 ngày 2/6 trên kênh VTV1 và 21h ngày 9/6 trên kênh VTV7.
Lệ Thu (ghi)
Theo Dân trí
Phải có niềm tin
Đó là lời tâm sự, sẻ chia của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại chương trình Gala "Thay đổi vì một trường học hạnh phúc" do VTV7 phối hợp với Bộ GD&ĐT và Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức ghi hình ngày 27/5.
Ảnh minh họa
Đó là điều mà Bộ trưởng đúc rút, "ngày càng ngấm" khi trải qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp, được chứng kiến những câu chuyện của các thầy cô đầy cố gắng và dũng cảm để "đi được tới những lớp học hạnh phúc".
Thực ra, không riêng gì lĩnh vực giáo dục, không chỉ tại Gala "Thay đổi vì một môi trường học hạnh phúc", trong xã hội, ở thời kỳ nào cũng vậy, với nghề nghiệp nào cũng thế, việc tạo ra được niềm tin, giữ vững niềm tin, có niềm tin vào người khác, vào những việc mình đang và sẽ làm luôn là điều quan trọng, thậm chí như "bảo bối", như báu vật. Bởi, có niềm tin xác đáng, con người ta sẽ vượt qua được những khó khăn, gian khổ để đi đến đích, dẫu lắm nhọc nhằn chông gai...
Bởi lẽ thường, cuộc sống không phải chỉ toàn màu hồng tươi đẹp. Không phải chỉ là những nhung lụa êm ái. Làm bất cứ việc gì, dù cho cá nhân hay tập thể, đều cần có niềm tin, thậm chí mãnh liệt không chùn bước, không ngại khó, ngại khổ... thì mới có thể đạt được kết quả như ý. Bởi, như nhà văn nổi tiếng Victor Hugo từng nói, "niềm tin cần thiết cho con người. Thật thống khổ cho ai không tin tưởng". Bởi, như chính Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tâm tình như động viên và cũng là nhắc nhở rằng: "Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, nếu như mất niềm tin thì không vượt qua được. Thậm chí là mất nhiều thứ, mất tất cả. Trong nghề giáo dục, nói không cũng đã khó rồi, vì nghề của chúng ta là nghề giảng bài".
Rõ ràng, ở thời đại nào, giáo dục cũng luôn là nghề cao quý, đáng trân trọng và có liên quan đến mọi người, mọi nhà. Chính vì thế, " nghề trồng người" thu hút sự quan tâm, chú ý của đông đảo người dân, thuộc mọi tầng lớp khác nhau. Những thành tựu, cống hiến được ghi nhận rộng rãi. Nhưng, những hạn chế, bất cập, yếu kém cũng "lộ sáng" nhiều hơn. Rõ ràng, có những điều phải được kịp thời ngăn chặn, ví như những hình phạt không thích đáng, ví như đạo đức nhà giáo bị phai nhạt, môi trường giáo dục bị "vấy bẩn"... Rõ ràng, phải có những sự đổi thay để thích ứng. Phải nhìn lại để bình tâm, cẩn trọng rút ra, thừa nhận những tồn tại, hạn chế để khắc phục một cách hiệu quả nhất.
Tất nhiên, không vì nhận được những sự phản biện, góp ý... mà các thầy, cô chùn bước, không vững tay chèo lái con thuyền giáo dục. Để cố gắng, quyết tâm, chân tình, bao dung, tâm huyết biến những khẩu hiệu thành hiện thực. Để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", với nhiều "lớp học hạnh phúc" trên mọi miền đất nước... Như Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ kết luận: "Khi các thầy cô thay đổi thì học sinh hạnh phúc. Khi học sinh hạnh phúc thì có lớp học hạnh phúc và điều đó cứ thế được nhân rộng ra. Ngành Giáo dục có nhiều thầy cô, lớp học hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc".
Dũng Minh
Theo GDTĐ
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Càng ngày tôi càng "ngấm" là phải có niềm tin' Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chia sẻ qua các công việc khác nhau, được chia sẻ và gần gũi các đồng nghiệp thì càng ngày ông càng "ngấm" là phải có niềm tin. Có niềm tin và tạo được niềm tin cho các học trò là điều mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ tại chương trình Gala "Thay đổi...