Nếu nghĩ mua máy ảnh mới để chụp đẹp hơn, bạn đã lầm
Các nhà sản xuất thường nâng cấp camera sau 1-2 năm, người dùng có nên “chạy đua công nghệ” cho những chiếc camera mới không?
Lược dịch bài viết là quan điểm của nhiếp ảnh gia Dan Ginn, trang Digital Trends.
Tôi đã trải nghiệm Fujifilm X-T4, mẫu camera mới của Fujifilm nâng cấp cho X-T3 ra mắt tháng 9/2018. Đã là đời sau thì sẽ có nhiều điểm mới để thu hút người dùng nâng cấp, đặc biệt nếu sử dụng những đời cũ hơn như X-T2, chiếc máy ảnh mà tôi dùng 4 năm nay.
Sau khi Fujifilm X-T4 ra mắt, tôi rất đắn đo về việc có nên nâng cấp từ X-T2 lên X-T4 hay không.
Chiếc Fujifilm X-T4 được ra mắt sau X-T3 chỉ 19 tháng. Ảnh: Digital Trends.
Cuộc “chạy đua vũ trang” của thị trường máy ảnh
Ngày nay, sự cạnh tranh trong thị trường máy ảnh là rất lớn. Sau khi “xóa sổ” dòng camera du lịch, smartphone đã khiến nhiều người quan tâm đến nhiếp ảnh, các nền tảng như YouTube, Instagram hay TikTok trở thành nơi chia sẻ tác phẩm của chính họ.
Dần dần, các “nhiếp ảnh gia di động” muốn vượt ra khuôn khổ camera điện thoại, hướng đến những thiết bị chuyên dụng cho phép họ mang đến nội dung khác biệt, nổi bật hơn trên mạng xã hội.
Đó chính là mảnh đất mà các nhà sản xuất máy ảnh nhắm đến. Một trong những thay đổi rõ rệt là các dòng camera giờ đây được nâng cấp chỉ sau 1-2 năm tương tự smartphone.
Fujifilm X-T4 ra mắt sau X-T3 19 tháng với những nâng cấp khá lớn như công nghệ chống rung trong thân máy (IBIS) lần đầu xuất hiện trên dòng X-T, màn hình lật xoay linh hoạt hơn, tính năng chụp liên tục nhanh hơn và thời lượng pin lâu hơn.
Tuy nhiên, chúng thực sự chỉ mang ý nghĩa bổ sung những cái còn thiếu, vốn đã xuất hiện trên các sản phẩm đối thủ từ trước.
Ảnh chụp từ Fujifilm X-T4. Ảnh: Digital Trends.
Vậy, những nâng cấp trên có khiến ảnh chụp đẹp hơn? Theo tôi, nó không cải thiện nhiều. Nói cách khác, chất lượng ảnh từ camera kỹ thuật số hiện nay đã đạt đỉnh. X-T4 thực chất sử dụng chung cảm biến ảnh với X-T3, bản thân nó chỉ mang đến những cải tiến nhỏ so với X-T2.
Ngay cả các sản phẩm có vòng đời dài hơn, chất lượng ảnh vẫn không cải thiện nhiều nếu so giữa 2 đời. Chất lượng ảnh từ mẫu DSLR Nikon D780 mới ra mắt gần như không thể phân biệt so với D750 – bản tiền nhiệm ra mắt cách đây 5 năm.
Năm 2018, những cải tiến về chất lượng ảnh trên mẫu Canon 6D Mark II rất khó thấy so với ảnh chụp từ Canon 6D ra mắt trước đó 4 năm, dù trang bị cảm biến hoàn toàn mới.
Video đang HOT
Không phải chụp ảnh, tính năng mà các hãng đang tập trung nâng cấp nằm ở quay video, như dòng Canon EOS R5 sắp ra mắt sẽ hỗ trợ quay phim RAW 8K. Tuy nhiên, vấn đề là nâng cấp này “quá nhỏ” để người dùng nhận ra, và “quá lớn” để nhiều người sử dụng.
Cảm biến tốt, nhiều MP, quay video độ phân giải cao hơn sẽ “tô hồng” bảng thông số kỹ thuật, nhưng rồi chúng cũng bị giảm chất lượng khi bạn đăng lên mạng xã hội.
Đó là cuộc sống hiện tại: các công nghệ cho người dùng được xây dựng theo một “văn hóa cải tiến” – nơi mà chúng ta đánh giá thấp những gì đang có, chỉ thèm muốn những cái mới hơn.
Còn đây là ảnh chụp của tôi với Fujifilm X-T2. Ảnh: Digital Trends.
Hãy là người tiêu dùng thông thái
Liệu nhu cầu của tôi có cần chạy theo những nâng cấp của camera đời mới sau 2 năm không? Chắc chắn là không.
Tất nhiên ý tôi không phải muốn các nhà sản xuất camera quay về thời chụp ảnh phim. Nhưng với tư cách một nhiếp ảnh gia, thực tế là văn hóa cải tiến sản phẩm này không phù hợp với những gì tôi cần, thay vào đó lại dẫn dắt tôi tin lời đội ngũ marketing, các YouTuber và người dùng Internet.
Với những người dư dả tài chính, họ hoàn toàn có thể bỏ tiền mỗi 1-2 năm để mua máy ảnh đời mới nhất. Tôi cũng không nhắm đến những nhà sưu tầm máy ảnh vì đó là đam mê của họ.
Đối với tôi, đó là những trường hợp ngoại lệ. Thế nhưng tôi đã thấy nhiều đồng nghiệp đăng bán máy ảnh cũ sau 2 năm rồi bù tiền mua đời mới vì nghĩ rằng máy ảnh hiện tại của họ không còn khả năng đáp ứng công việc nữa.
Dù đã 4 năm tuổi, tôi không có ý định nâng cấp từ Fujifilm X-T2 lên X-T4. Ảnh: Digital Trends.
Chất lượng ảnh phần lớn nằm ở tay nghề người chụp
Sẽ thật sai nếu nói công nghệ không ảnh hưởng đến khả năng chụp ảnh của con người, tuy nhiên những thay đổi trên bảng thông số không phải lúc nào cũng thể hiện trong ảnh.
Đối với tôi, nâng cấp hoặc mua ống kính mới là thứ quan trọng hơn máy ảnh. Một ống kính tốt sẽ mang đến khác biệt rõ rệt về chất lượng. Các phụ kiện như đèn chiếu sáng cũng là thứ đáng đầu tư, ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng ảnh.
Tuy nhiên, khoản đầu tư quan trọng nhất nếu muốn cải thiện chất lượng ảnh chính là kỹ năng chụp. Thay vì lên YouTube xem những thiết bị mới nhất, hãy theo dõi video hoặc thủ thuật tạo ra những bức ảnh đẹp với bố cục, ánh sáng tốt hoặc cách sử dụng Photoshop.
Nhiều bức ảnh đẹp trong lịch sử được chụp từ những chiếc máy ảnh cũ hơn bây giờ rất nhiều. Không ai đủ thời gian “soi” từng cái nhiễu hạt, chi tiết kém hoặc lấy nét chưa chuẩn. Thay vào đó, những thứ được đánh giá cao gồm kỹ thuật chụp, góc nhìn, bố cục, cảm xúc và ý nghĩa bức ảnh – tất cả được điều chỉnh bởi người chụp, không phải camera.
Tôi vẫn sẽ gắn bó với chiếc Fujifilm X-T2 này bởi những tấm ảnh nhiều kỷ niệm được tôi chụp từ nó, và nó vẫn hỗ trợ tốt nhu cầu của tôi. Mua máy ảnh mới không giúp nâng cao tay nghề của tôi, và tôi sẽ không bỏ tiền trừ khi chúng làm được điều đó.
Đánh giá nhanh Fujifilm X-T4: Máy ảnh tốt, hợp làm vlog
Fujifilm X-T4 trang bị hàng loạt tính năng hỗ trợ cho việc quay film như chống rung 5 trục, pin lớn, màn hình cảm ứng xoay lật...
Cuối tháng 2, Fujifilm ra mắt chiếc camera dòng T có tên X-T4. Sản phẩm này cho thấy Fujifilm đang bắt đầu nhắm đến nhóm khách hàng sử dụng camera cho mục đích quay video như các vlogger.
X-T4 có thiết kế không quá khác biệt so với phiên bản tiền nhiệm. Với ngôn ngữ thiết kế cổ điển, cơ khí, X-T4 khơi gợi cảm hứng chụp ảnh cho người dùng. Điểm nâng cấp chính trên X-T4 là khả năng quay phim, màn hình xoay lật, chống rung 5 trục và pin lớn. Việc nhồi nhét hàng loạt công nghệ khiến X-T4 dày và nặng hơn thế hệ trước.
Vì vậy, X-T4 cho trải nghiệm cầm không thoải mái bởi báng cầm nhỏ, ngắn. Bên cạnh đó, các cạnh của máy có thiết kế vuông vức cộng với trọng lượng nặng khiến việc cầm máy bằng một tay không dễ chịu.
X-T4 là sản phẩm đầu tiên thuộc dòng T trang bị chống rung cảm biến 5 trục, trước đó là model X-H1. Với công nghệ này, máy ảnh có thể khử rung khi dùng các loại ống kính thường và lens MF. Điều này hỗ trợ tốt cho cả việc chụp trong điều kiện thiếu sáng và quay phim không chân máy.
Các bánh xe, phím bấm trên X-T4 có kiểu bố trí tương tự X-T3. Những chức năng ít dùng như chỉnh ISO, chế độ chụp được dời sang trái giúp tiết kiệm không gian bên phải.
Người dùng có thể cầm máy bằng một tay nhưng vẫn có thể chỉnh các thông số như tốc độ, EV và xoay hai bánh răng trước sau với các chức năng có thể gán được.
Fujifilm X-T4 sử dụng cảm biến crop, độ phân giải 26 MP, tốc độ chụp tối đa 15 khung hình/giây. Bên cạnh đó, màn trập của X-T4 được thiết kế để hoạt động êm ái hơn model tiền nhiệm. X-T4 cũng có các profile giả lập phim từ Fujifilm. Trong đó, màu Eterna Bleach Bypass lần đầu xuất hiện trên dòng T cho chất ảnh trung tính, điện ảnh.
Vòng gạt hai chế độ Still (chụp ảnh) và Movie cho thấy X-T4 là mẫu camera hướng tới việc quay phim.
Máy có khả năng quay phim 4K với 60 khung hình/giây hoặc Full HD với 240 khung hình/giây. Với chất lượng video này, Fujifilm có thể đáp ứng nhu cầu quay phim chuyên nghiệm của người dùng.
Để hỗ trợ tốt hơn cho việc quay film, X-T4 được trang bị màn hình xoay lật, cảm ứng. Đây cũng là mẫu máy dòng T đầu tiên có phần cứng này. Với màn hình này, việc chọn điểm lấy nét trên màn hình cảm ứng lúc quay phim sẽ tiện hơn.
Tuy vậy, cơ chế xoay lật của Fujifilm khá bất tiện. Hai trường hợp sử dụng nhiều nhất là góc chụp thấp và cao người dùng phải mất thêm bước lật màn hình. Nếu so với X-T3 thì việc chụp góc cao/thấp trên X-T4 khó khăn hơn. Bù lại, nó hỗ trợ tốt cho các Vlogger, YouTuber bởi nó có thể xoay màn hình sang chế độ selfie.
X-T4 trang bị hai khe thẻ nhớ tốc độ đọc cao. Thiết kế khe thẻ này giúp người dùng không bị nhầm lẫn như model X-T3.
Người dùng có thể sạc X-T4 trực tiếp bằng nhiều thiết bị kể cả laptop, pin dự phòng qua cổng USB-C. Bên cạnh đó, Fujifilm đã loại bỏ cổng tai nghe 3.5 mm trên X-T4. Tuy vậy, người dùng có thể sử dụng cổng USB-C để cắm tai phone.
Với X-T4, Fujifilm ra mắt chuẩn pin mới với thiết kế hạn chế việc người dùng bỏ nhầm hướng. Bên cạnh đó, dung lượng 2.200 mAh của viên pin này cho phép chụp gần 500 bức ảnh sau một lần sạc. Việc nâng cấp pin trên X-T4 cũng giúp trải nghiệm quay phim bằng máy ảnh tốt hơn. Qua trải nghiệm, viên pin này có thể quay liên tục trong hơn 15 phút.
Fujifilm X-T4 là mẫu camera hướng tới khách hàng có nhu cầu quay phim nhanh như vlogger, YouTuber hoặc các nhóm làm phim. Nhờ các hệ màu có sẵn, Fujiflim X-T4 giúp tiết kiệm thời gian hậu kỳ cho nhóm khách hàng này. Tuy vậy, với giá bán trên 40 triệu đồng (chỉ thân máy), Fujifilm sẽ khó khăn khi cạnh tranh với các đối thủ khác như Canon R, Nikon Z6 và các dòng máy fullframe chuyên dụng cho quay phim từ Sony như A7 Mark III.
Một số ảnh chụp chưa qua chỉnh sửa của Fujifilm X-T4.
Trải nghiệm nhanh Fujifilm X-T4: Có gì hay và đáng nâng cấp so với đời trước? Với giá bán cao hơn 200 USD so với người tiền nhiệm (thời điểm ra mắt), liệu Fujifilm X-T4 có đáng để nâng cấp? Fujifilm X-T4 là một trong hai máy ảnh được hãng này tung ra trong đợt nửa đầu năm nay. Cả hai sản phẩm đều có ngôn ngữ thiết kế và mục đích sử dụng khác nhau, nếu như X100V...