Nếu nghỉ học thêm 1-2 tuần nữa thì học sinh vẫn còn 2 tháng hè nguyên vẹn
Điều khó khăn nhất mà chúng ta thấy thời gian ủ bệnh của Covid-19 thường lâu ngày nên nỗi băn khoăn của phụ huynh trong lúc này là hoàn toàn có cơ sở.
Sau 2 tuần học sinh cả nước được nghỉ để phòng chống dịch bệnh Covid-19, đến thời điểm này chỉ có Vĩnh Phúc là đã có kế hoạch cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa cho đến ngày 23/2. Một số địa phương thì cũng đã thông báo thời gian học sinh đi học trở lại vào ngày 17/2 tới đây.
Tuy nhiên, trước diễn biến có phần phức tạp của dịch bệnh này, trước những số liệu người lây nhiễm, người tử vong bên Trung Quốc và một số nước khác được thống kê hàng ngày khiến cho không ít phụ huynh còn phân vân, chưa thực sự an tâm khi học sinh trở lại trường học trong tuần tới.
Nhiều địa phương đã có kế hoạch cho học sinh trở lại học tập vào tuần tới (Ảnh minh họa: Thùy Linh)
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, điều mà chúng ta đang thấy là Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã và đang chủ động trong việc phòng tránh, cách ly người bệnh và điều đáng mừng là đã có một số bệnh nhân khỏi bệnh và xuất viện.
Những ca nhiễm Covid-19 ở nước ta được kiểm soát khá tốt đến thời điểm này, nhất là sự chủ động của các địa phương, nhà trường trong khâu vệ sinh, tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, nhân viên, giáo viên và học sinh trong nhà trường.
Những Email, tin nhắn nội bộ cho giáo viên và học sinh trong các nhà trường liên tục được cập nhật về những diễn biến của dịch bệnh. Nhiều trường học đã làm vệ sinh, khử trùng trường lớp nhiều lần trong những ngày học sinh nghỉ học.
Thế nhưng, nếu như tuần tới (ngày 17/2) học sinh cả nước (trừ Vĩnh Phúc) đều trở lại học tập bình thường và trường học đã thực sự an toàn, tạo được sự an tâm cho mọi người hay chưa thì chúng ta chưa thể khẳng định được. Nhất là đối với các tỉnh phía Bắc đang có thời tiết không thuận lợi trong những ngày này.
Nếu học sinh được nghỉ thêm 1 tuần nữa sẽ tốt hơn
Những rủi ro về dịch bệnh là điều không có ai mong muốn xảy ra với địa phương mình, trường mình. Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại thì 4 địa phương của nước ta có người nhiễm dịch bệnh là Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh.
Vì thế, nếu học sinh đi học trở lại mà mọi chuyện suôn sẻ, không có sự cố dịch bệnh nào xảy ra là điều trông đợi của mọi người. Nhưng, (nếu như) có một học sinh nào mà bị lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 thì lúc đó chúng ta sẽ ân hận vô cùng.
Video đang HOT
Lúc ấy, khắc phục hậu quả sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều đối với việc lùi kế hoạch năm học lại. Bởi vì phạm vi của một lớp học thường nhỏ mà số học sinh trong lớp lại thường rất đông, các em ngồi kề cận nhau suốt nhiều giờ.
Mọi hoạt động học tập trong ngày của học sinh đều là tập thể nên dù có được trang bị khẩu trang tốt nhất thì nó vẫn tiềm ẩn những rủi ro cho học trò và giáo viên.
Chỉ một học sinh bị lây nhiễm dịch bệnh cũng có thể lây lan cho nhiều em khác. Điều khó khăn nhất mà chúng ta thấy thời gian ủ bệnh của Covid-19 thường lâu ngày nên nỗi băn khoăn của phụ huynh trong lúc này là hoàn toàn có cơ sở.
Nếu được, ngành Giáo dục và các địa phương cứ mạnh dạn cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa. Dù biết, nghỉ học thêm cũng đồng nghĩa sẽ thêm nhiều khó khăn cho phụ huynh và các nhà trường. Nhưng, khó khăn nào thì chúng ta vẫn có thể khắc phục được.
Mỗi người, mỗi nhà khắc phục một chút khó khăn, thời gian nghỉ hè tới đây sẽ ít lại, công việc thi cử của Bộ và các địa phương có thể dồn lại nhiều hơn nhưng khi mọi người đã thông suốt về tư tưởng thì chúng ta hoàn toàn có thể vượt qua được.
Nếu nghỉ học thêm nữa, thời gian của năm học có khó khăn không?
Nếu nói khó khăn thì cũng sẽ có một chút khó khăn khi phải lùi lại kế hoạch năm học và các kỳ thi nhưng thời gian thì chúng tôi cho rằng ngành Giáo dục có đủ thời gian để cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa.
Bởi, không chỉ có 1 tuần dự trữ ở cuối học kỳ mà học sinh còn có gần 3 tháng hè ở phía sau.
Nếu giả dụ, bây giờ cho học sinh nghỉ học thêm 1 tuần nữa là 3 tuần, thậm chí là hết tháng 2 này thì thời gian nghỉ hè của học sinh vẫn còn nguyên 2 tháng nếu toàn ngành Giáo dục thực hiện đồng bộ khung thời gian năm học.
Hơn nữa, năm nay chúng ta có tháng nhuận là tháng Tư (âm lịch) nên nếu lùi thời gian nghỉ hè thì thời điểm cuối tháng 6 (dương lịch) sẽ là những ngày đầu tiên của tháng 5 (âm lịch) nên ở một số tỉnh miền Trung và miền Bắc cũng chưa phải là quá nắng nóng.
Điều mà chúng ta vẫn thấy trong những năm qua là thời gian tựu trường của một số địa phương rơi vào đầu tháng 8 nhưng cũng có địa phương tựu trường vào đầu tháng 9. Trong khi đó, thời gian 1 năm học có 35 tuần thực học và 2 tuần dự trữ cho 2 học kỳ của cả nước như nhau.
Nếu bình thường thì theo khung thời gian năm học của các tỉnh sẽ kết thúc trước ngày 31/5 hàng năm. Năm nay, nếu chúng ta cho học sinh nghỉ 3 tuần hay 4 tuần để phòng tránh dịch bệnh và nếu tận dụng tốt tuần dự trữ ở phía sau thì thời gian kết thúc năm học sẽ vào khoảng cuối tuần 3 của tháng 6.
Đối với năm học 2020-2021, nếu các địa phường đồng loạt tựu trường vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 thì học sinh vẫn còn nguyên vẹn hơn 2 tháng nghỉ hè. Điều này có nghĩa là nếu các địa phương cho học sinh nghỉ thêm 1-2 tuần nữa thì thời gian nghỉ hè vẫn không hề ít.
Những khó khăn của giáo viên và ngành giáo dục thì các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành hoàn toàn có thể cáng đáng được. Vì thế, các địa phương cần cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch cho học sinh đi học trở lại khi mà dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến khó lường.
NGUYỄN NGUYÊN
Theo giaoduc.net
Học sinh quay lại trường: Phụ huynh bất an
Các trường học đang rốt ráo chuẩn bị điều kiện để học sinh trở lại guồng quay học tập sau 2 tuần nghỉ tránh dịch Covid -19. Bộ Y tế khuyến cáo, phụ huynh, nhà trường thực hiện hàng loạt giải pháp trước, trong thời gian trẻ đến trường nhưng cho rằng học sinh, giáo viên không cần đeo khẩu trang ở trường.
Học sinh Trường tiểu học Trần Quốc Toản, Hà Nội. Ảnh: Ng Hà
Kiểm tra thân nhiệt học sinh, trường có - trường không
Chiều qua (13/2), Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ ông Lê Hồng Vũ cho biết, cuối tuần này, 61 trường học và 83 cơ sở mầm non, nhóm lớp sẽ được tổng vệ sinh, phun khử trùng lần thứ 3, sẵn sàng đón học sinh trở lại trường học. Học sinh quay lại học tập, càng phải tăng cường giải pháp phòng chống dịch, không chủ quan.
Cụ thể, các trường trong quận được yêu cầu trang bị đủ nước rửa tay, máy đo nhiệt độ, khẩu trang... Trong đó, do tình trạng khan hiếm khẩu trang nên nhà trường chỉ phát cho học sinh nào quên, còn lại trường sẽ gửi tin nhắn tới từng phụ huynh yêu cầu chuẩn bị đủ tư trang cho con tới trường.
Từ ý tưởng tẩy trang trường học hằng ngày bằng dung dịch sát khuẩn của Trường tiểu học Đông Thái, ông Vũ đã đề nghị tất cả các trường thực hiện sát khuẩn phòng dịch. Cụ thể, nhà trường cùng phụ huynh chung tay mua dung dịch sát khuẩn, sau mỗi ngày học, sẽ phun toàn bộ lớp học 1 lần vì dù Hà Nội đã phun tiêu độc, khử trùng 3 lần trong thời gian học sinh nghỉ.
Ông Phạm Gia Hữu, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, đã yêu cầu 100% các trường phải trang bị máy đo nhiệt độ để đo cho học sinh, giáo viên, khách đến làm việc. Những người bị sốt, nhất định không được vào trường.
Ngoài ra, các trường trang bị khẩu trang, nước rửa tay ở nhiều nơi từ phòng bảo vệ, nhà vệ sinh, từng lớp học. Dùng dung dịch CloraminB tẩy rửa trường, lớp học 1 lần/ tuần. Hằng ngày, giáo viên, nhân viên dùng dung dịch tẩy rửa thông thường như xà phòng để rửa sạch đồ chơi, giáo dục học tập từ cơ sở mầm non đến các trường tiểu học, THCS, THPT. Cha mẹ học sinh được thông báo để chuẩn bị khẩu trang, bình uống nước cá nhân, nước rửa tay khô... cho con.
Trong khi đó, người đứng đầu ngành giáo dục ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) ông Đặng Văn Viện cho hay, dù vất vả nhưng các trường cũng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng bệnh. Sau mỗi ngày học, ngoài lực lượng lao công, dọn dẹp, cán bộ, giáo viên được huy động để thau rửa đồ chơi, dụng cụ học tập, lau tay nắm cửa, tay vịn cầu thang. Đặc biệt, ở các trường, cơ sở giáo dục mầm non, đồ chơi của trẻ phải đặc biệt chú trọng.
Tuy nhiên, ông Viện cho biết, địa phương có một số khó khăn như: không thể mua khẩu trang trang bị cho học sinh cũng như phải tham vấn y tế về máy đo nhiệt độ cho học sinh, giáo viên trước giờ vào lớp. "Nếu giá máy đo thân nhiệt rẻ thì các trường mới mua được vì không có kinh phí", ông Viện nói.
Phụ huynh bất an
Thông tin, các địa phương sẵn sàng cho học sinh quay trở lại trường học khiến không ít phụ huynh lo lắng. Một số người cho rằng, học sinh ở nhà lâu ngày không có người trông, việc quay trở lại trường học là thích hợp. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản đối, kiến nghị nên cho học sinh tiếp tục nghỉ, "học hè chẳng chết ai". Đặc biệt, không ít phụ huynh nhìn nhận việc Bộ Y tế khuyến cáo học sinh, giáo viên không đeo khẩu trang trong môi trường đông người là không phù hợp.
"Các em chưa có ý thức, nếu không đeo khẩu trang sẽ ho, hắt xì hơi vào mặt nhau. Nếu có em ủ bệnh, sẽ rất nguy hiểm. Dịch bùng phát, ai chịu trách nhiệm?", anh Nguyễn Văn Thắng, phụ huynh học sinh ở Hà Nội chia sẻ.
Về việc này, ông Lê Hồng Vũ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, học sinh quay lại trường cũng khiến nhà quản lý giáo dục như ông lo lắng. Nếu chủ động được 1 hay 2 tháng nữa thì chúng ta cho học sinh nghỉ để chuyển sang học bù vào thời gian hè sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, dịch bệnh chưa biết kéo dài đến lúc nào, những tuần qua các trường đã hướng dẫn học sinh ôn tập trực tuyến nhưng đó chỉ là giải pháp tạm thời.
Theo ông Phạm Gia Hữu, học sinh đã nghỉ học 14 ngày, quá thời gian ủ bệnh (nếu có). Đến thời điểm này, trẻ em, học sinh của 82 trường, 159 cơ sở mầm non, nhóm lớp ở quận Thanh Xuân chưa phát hiện trường hợp nào sức khỏe bất thường nên việc đi học là phù hợp. Để duy trì được tình hình như hiện nay, phụ huynh cũng cần nâng cao tinh thần tự bảo vệ như: không đi vào vùng dịch, tránh tiếp xúc chỗ đông người, đeo khẩu trang, khi phát hiện dấu hiệu của bệnh cần phải báo cáo để cách ly...
Hiệu trưởng một trường tiểu học tại Hà Nội chia sẻ, các em nhỏ tuổi chưa ý thức được giải pháp phòng bệnh nên hồn nhiên ôm ấp, nô đùa... khiến nhà trường rất lo lắng. "Giả sử, có học sinh nào đó đang trong thời gian ủ bệnh, thì trường có sát khuẩn thế nào cũng không thể đảm bảo, em này lây sang nhiều học sinh khác", hiệu trưởng này nói.
Chiều 13/2, Bộ GD&ĐT cũng đã có công văn hỏa tốc gửi các sở, các trường ĐH, học viện, CĐ, trong đó có ý, các địa phương không có dịch có thể cho học sinh đi học trở lại sau khi đã tiêu độc, khử trùng, vệ sinh bàn ghế, thiết bị dạy học, lớp học, đảm bảo các điều kiện vệ sinh phòng bệnh cho học sinh. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường tăng cường giải pháp phòng, chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của Bộ Y tế về các nội dung cần thực hiện trước, trong và sau khi cho học sinh trở lại trường học.
Bộ Y tế cũng đưa ra hàng loạt khuyến cáo đối với phụ huynh, nhà trường: Dạy trẻ súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng thường xuyên; Giữ ấm cơ thể, tập thể dục, ăn chín, uống chín và đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng. Phát hiện sớm và cho học sinh nghỉ học ở nhà nếu có dấu hiệu ho, khó thở. Đặc biệt, các trường bố trí để người đưa đón học sinh tại cổng trường, cha mẹ học sinh không được vào nhà trường. Bảo vệ nhà trường hạn chế không cho người không có nhiệm vụ vào trường.
Bộ y tế cũng khuyến cáo các trường cần bố trí và đảm bảo nơi rửa tay có xà phòng và nước sạch; Đảm bảo nhà vệ sinh sạch sẽ, có đủ xà phòng, dung dịch khử khuẩn, các trang thiết bị phục vụ vệ sinh trường học... Các nhà trường được yêu cầu, không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, tham quan thực tế, dã ngoại, học thêm; Tổ chức chào cờ tại lớp học. Nhà trường thông báo cho giáo viên, cán bộ công nhân viên của trường, cha mẹ học sinh, học sinh không cần đeo khẩu trang khi ở trường.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
Thanh Hóa: Xem xét cho học sinh đi học trở lại trong tuần tới Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị giao ban công tác phòng chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra. Theo đó, chiều 11/2, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chủ trì hội nghị giao ban công tác phòng chống...