Nếu nghỉ học kéo dài, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lùi lịch thi THPT quốc gia
Bộ GD-ĐT khẳng định vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh Covid-19 và thực tế nghỉ học ở các địa phương, nếu cần thiết sẽ tiếp tục điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học và lịch thi THPT quốc gia.
Nếu học sinh phải nghỉ học hết tháng 3, Bộ GD-ĐT sẽ tính đến phương án tiếp tục lùi lịch thi THPT quốc gia – Ảnh TUỆ NGUYỄN
Diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid -19 khiến hầu hết các địa phương đến thời điểm này vẫn phải tiếp tục cho học sinh từ mầm non đến THCS nghỉ học, chưa “hẹn” chính xác ngày trở lại trường. Một số tỉnh như Đồng Nai, ngày 10.3 đã quyết định cho học sinh tạm nghỉ hết tháng 3.
Các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cùng nhiều tỉnh, thành khác vẫn buộc phải cho toàn bộ học sinh, trong đó có học sinh THPT, học sinh lớp 12 nghỉ học.
Người thứ 34 dương tính với covid-19 là một phụ nữ từng đến Mỹ, Hàn Quốc
Trao đổi với Thanh Niên, PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết trường hợp diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp, thì an toàn sức khoẻ cho học sinh, cán bộ, giáo viên vẫn phải ưu tiên hàng đầu.
Trường hợp bất khả kháng khiến việc nghỉ học của học sinh kéo dài, Bộ GD-ĐT sẽ tính toán và điều chỉnh thời gian nhằm đảm bảo các nhà trường có đủ quỹ thời gian cần thiết để xây dựng kế hoạch dạy học và đảm bảo chương trình.
Ông Thành khẳng định: “Chúng ta còn quỹ thời gian để có thể điều chỉnh thời gian năm học cũng như thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT sẽ phải tính toán cụ thể dựa trên tình hình thực tế để cân đối kế hoạch, đảm bảo các nhà trường dạy và học hết chương trình của năm học 2019 – 2020 cũng như chuẩn bị cho năm học tới mà ít bị ảnh hưởng nhất”.
PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT
Nếu phải nghỉ học hết tháng 3 sẽ phải tính điều chỉnh tiếp thời gian năm học
Theo ông Thành, theo quyết định điều chỉnh khung thời gian năm học mà Bộ đã ban hành cuối tháng 2 vừa qua thì các mốc thời gian đều lùi lại 4 tuần, tương ứng với thời điểm đó, học sinh cả nước đã nghỉ học 4 tuần và có thể kéo dài thêm một số tuần trong tháng 3.
Tuy nhiên, trên thực tế đến nay học sinh mầm non, tiểu học, THCS và cả THPT ở một số tỉnh, thành đang phải nghỉ học đến tuần thứ 6 vì dịch bệnh diễn biễn phức tạp.
Cũng theo ông Thành, nếu phải nghỉ học đến hơn 8 tuần hoặc hơn nữa thì việc phải cân nhắc, tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học là việc Bộ đã tính toán và cũng đã có những phương án cụ thể cho từng tình huống.
Ví dụ, trong tình huống phần lớn học sinh cả nước đi học vào ngày 16.3 tới, Bộ GD-ĐT cũng đã có hướng dẫn chi tiết những nội dung để các trường chuẩn bị đón học sinh trở lại trường và thời điểm này việc tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học là chưa cần thiết.
Tuy nhiên, ông Thành dự tính, nếu xảy ra tình huống đến đầu tháng 4 tình hình dịch bệnh còn phức tạp, học sinh trở lại trường chưa thực sự an toàn thì nghĩa là việc học tập đã gián đoạn quá 8 tuần và Bộ cũng đã tính đến phương án sẽ tiếp tục điều chỉnh thời gian năm học cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó thời điểm kết thúc năm học, thi THPT quốc gia là những mốc thời gian quan trọng nhất.
Các địa phương sẽ căn cứ vào thời gian học sinh trở lại trường, quyết định để điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học của địa phương mình một cách phù hợp, trong đó quyết định thời gian thi, tuyển sinh vào lớp 10, tuyển sinh đầu cấp… cho các cơ sở giáo dục của địa phương với nguyên tắc đảm bảo thời gian thực dạy – thực học của các nhà trường theo quy định.
Ông Thành khẳng định, trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, Bộ GD-ĐT nhất quán chủ trương đặt vấn đề sức khoẻ, an toàn của học sinh, giáo viên và các nhà trường lên hàng đầu. Nếu các nhà trường vẫn buộc phải đóng cửa vì dịch bệnh thì Bộ GD-ĐT sẽ luôn có những chỉ đạo, hướng dẫn linh hoạt, kịp thời, không vì các mốc thời gian đã định mà “làm khó” cho các nhà trường và người dân trong các quyết định có liên quan đến phòng ngừa dịch bệnh.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã ban hành quyết định điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học. Cụ thể, thời gian kết thúc năm học được lùi 1 tháng là đến 30.6; thời gian tổ chức thi THPT quốc gia 2020 trong các ngày 23, 24, 25, 26.7, thay vì cuối tháng 6 như dự kiến. Với thời gian điều chỉnh như trên, Bộ GD-ĐT khẳng định, các địa phương cho học sinh quay lại trường học bất kỳ thời điểm nào trong tháng 3 đều có thể đảm bảo thực hiện đủ chương trình giáo dục hiện hành.
Theo thanhnien
Lịch đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng sẽ 'tịnh tiến' theo lịch thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia 2020 lùi 1 tháng so với dự kiến, kéo theo những thay đổi về thời gian tuyển sinh đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm năm nay.
Thí sinh trong một chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN
"Trong điều kiện các trường có thể sử dụng quyền tuyển sinh nhiều đợt trong năm thì công tác tuyển sinh của trường chủ yếu do trường chủ động."
Bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG (vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT)
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT - cho biết: "Việc nghỉ học để phòng chống dịch trong thời gian qua và việc lùi kỳ thi THPT quốc gia chắc chắn sẽ làm thay đổi kế hoạch học tập và tuyển sinh chính quy năm 2020. Nhưng đó không phải là sự xáo trộn lớn, không trở thành bị động đối với các trường.
Kế hoạch tuyển sinh của trường do từng trường xây dựng, ban hành. Bộ GD-ĐT chỉ ban hành kế hoạch tuyển sinh năm 2020 áp dụng chung đối với các trường tuyển sinh đợt 1 từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia năm 2020".
* Như vậy, thời gian cho thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, quy định cho các đợt xét tuyển, thời điểm kết thúc tuyển sinh sẽ thay đổi như thế nào, thưa bà?
- Các lịch cho thí sinh đăng ký xét tuyển, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển và các mốc thời gian khác quy định trong xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 dự kiến cũng sẽ lùi lại, "tịnh tiến" tương đương với thời gian lùi lịch thi THPT quốc gia.
Thực tế, từ khi thí sinh đăng ký xét tuyển đến khi kết thúc xét tuyển đợt 1 bằng kết quả thi THPT quốc gia trong khoảng gần 5 tháng. Nếu tính từ thời gian thi THPT quốc gia thì sau khoảng 2 tháng sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1.
Như vậy, nếu lịch thi THPT quốc gia lùi đến cuối tháng 7 như dự kiến thì khoảng cuối tháng 9 sẽ kết thúc xét tuyển đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia và sẽ còn hơn 3 tháng cho một số trường xét tuyển các đợt tiếp theo.
Thời điểm kết thúc tuyển sinh năm 2020 dự kiến thực hiện như các năm trước, kết thúc vào 31-12-2020.
Theo dõi qua các năm, số trường tuyển sinh các đợt bổ sung không nhiều và hầu hết kết thúc tuyển sinh trong khoảng tháng 10 hằng năm. Nên năm nay kế hoạch tuyển sinh vẫn có thể kết thúc vào tháng 12 mà không ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh của các trường.
Hiện nay, cả hệ thống đều thực hiện quy định về chỉ tiêu không chuyển sang năm sau. Nên sang năm 2021 các trường sẽ tính chỉ tiêu, xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh của năm 2021.
* Với điều chỉnh này, các trường có phải điều chỉnh kế hoạch năm học tới do tuyển sinh muộn so với dự kiến không?
- Trong quỹ thời gian hằng năm đã có khoảng 2-3 tuần dự phòng/học kỳ tùy theo từng trường và có khoảng 4-6 tuần dự phòng/năm học. Vì vậy, trong điều kiện các trường có thể tổ chức tuyển sinh nhiều đợt trong năm và đào tạo theo tín chỉ, kế hoạch nhập học, bắt đầu năm học có thể cần điều chỉnh nhưng kế hoạch tổng thể của năm học không nhất thiết phải thay đổi.
Các trường có thể sử dụng thời gian dự phòng vẫn đảm bảo kế hoạch và chất lượng thực hiện chương trình đào tạo.
* Theo bà, những khó khăn nào các cơ sở đào tạo sẽ phải khắc phục vì thay đổi này?
- Phát huy điều kiện tự chủ ĐH, hiện nay hầu hết các trường đã rất chủ động trong việc cho sinh viên nghỉ học phù hợp với tình hình của địa phương hoặc đặc điểm của nội dung, kế hoạch đào tạo của từng trường. Nhiều trường chủ động thay đổi lịch học và thông báo sinh viên đi học trở lại.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố lịch thi THPT quốc gia 2020, các trường sẽ tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch tuyển sinh của trường cho phù hợp. Dĩ nhiên, không thể nói là khối giáo dục ĐH không gặp khó khăn do dịch bệnh. Nhưng những khó khăn hiện nay đều trong khả năng kiểm soát và khắc phục của các trường.
Việc lùi lịch tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi kỳ thi THPT quốc gia 2020 sẽ yêu cầu các trường phải thật chủ động trong các công việc. Cụ thể là vẫn phải tiếp tục thực hiện, huy động toàn trường vào việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch để đảm bảo môi trường an toàn.
Không còn thời gian dự phòng
Các trường phải tính toán thật kỹ các mốc thời gian khi xây dựng và thực hiện kế hoạch tuyển sinh, kế hoạch năm học vì không còn thời gian dự phòng. Thực hiện đầy đủ kế hoạch năm học, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo và kết thúc năm học phù hợp với lịch thi THPT quốc gia mới được công bố để bố trí đủ nhân lực tham gia vào kỳ thi theo phân công của Bộ GD-ĐT; bố trí đủ nhân lực, cơ sở vật chất... để thực hiện các kế hoạch hiệu quả, đặc biệt là kế hoạch tuyển sinh đợt 1 từ kết quả thi THPT quốc gia.
TR.H.
Theo tuoitre
Quảng Nam cho học sinh nhiều huyện nghỉ học UBND tỉnh Quảng Nam cho phép học sinh nhiều huyện, TP, thị xã nghỉ học đến hết ngày 15-3. Ngày 9-3, ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đã ký văn bản về việc cho học sinh THPT, sinh viên, học sinh nghỉ học và tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường....