“Nếu được chọn lại, tôi vẫn muốn làm cô giáo”
Mới đó mà tôi ra trường và đi dạy đã được 19 năm. Bao niềm vui cùng nỗi buồn đi cùng năm tháng. Thế nhưng, sau tất cả tôi vẫn thấy mình chọn đúng nghề.
Ảnh minh họa
Suốt mấy hôm nay, mẹ tôi – một người mẹ gần 70 tuổi cảm thấy lo lắng, bất an cho cô con gái làm nghề Sư phạm của mình. Mẹ liên tục nhắc nhở tôi việc phải giữ gìn hình ảnh người thầy. Mẹ mong tôi đừng bao giờ làm mẹ thất vọng.
Nhớ ngày tôi nộp đơn xin vào Sư phạm, mẹ tôi đã từng phản đối rất nhiều. Mẹ không muốn con gái làm cô giáo. Mẹ bảo nghề giáo vất vả và cũng dễ mất lòng. Mẹ muốn tôi chọn ngành khác “cho nhàn tấm thân”. Khi ấy mẹ đã khóc vì thương và lo lắng cho tôi.
Thế nhưng, tôi vẫn kiên quyết thuyết phục mẹ. Rằng con chỉ muốn làm cô giáo, con muốn được đứng trên bục giảng để truyền kiến thức cho học trò. Đây là đam mê và khát vọng của con. Cuối cùng, mẹ đã gật đầu đồng ý và động viên tôi cố gắng.
Nhanh thật, mới đó mà tôi ra trường và đi dạy đã được 19 năm. Bao niềm vui cùng nỗi buồn đi cùng năm tháng. Thế nhưng, sau tất cả tôi vẫn thấy mình chọn đúng nghề.
Nhớ ngày mới ra trường, đồng lương giáo viên khi ấy không đủ sống. Chúng tôi chỉ ăn cơm với cá khô. Cuộc sống của người thầy rất đạm bạc. Thế nhưng bù lại trò rất ngoan và tình cảm. Các em yêu quý và kính trọng thầy cô vô cùng. Khi ấy chúng tôi vừa là thầy, vừa là bạn, để trò trút bầu tâm sự. Có chuyện gì các em cũng nhờ chúng tôi tháo gỡ. Ngày lễ, Tết, các em đến thăm cô bằng cả tấm lòng. Những đóa hoa dại chứa bao tình yêu mến. Cô chân tình, trò cũng chân tình.
Ngày tháng dần trôi, lương nhà giáo dần được cải thiện. Mức sống cũng vì thế mà tăng lên. Thầy cô cũng không còn phải lo lắng về chuyện cơm áo, gạo, tiền nữa. Tất cả thời gian thầy cô đều dành cho công tác chuyên môn.
Video đang HOT
Tuy nhiên, tình cảm cô trò bây giờ không còn được như xưa (chúng tôi thường nói với nhau như vậy). Nói chung, các gia đình đều ít con, điều kiện kinh tế khá giả. Các em bây giờ được cả gia đình và xã hội cùng quan tâm. Nhiều em còn luôn nghĩ thầy cô cần mình và sợ mình. Chỉ cần thầy cô nặng lời một chút là các em làm mình làm mảy rồi phản ứng thái độ liền. Chuyện bé xé ra to, thậm chí phụ huynh còn vào tận trường để hơn thua với thầy cô. Những chuyện như vậy xảy ra không phải là hiếm.
Thời gian này trong ngành Giáo dục xảy ra liên tiếp những vụ việc đau lòng. Nào là cô bạo hành trẻ, thầy xâm hại trò, rồi những hình phạt của giáo viên khiến trẻ không dám đến trường… Vụ việc này vừa lắng xuống lại tiếp tục sự việc kia. Phụ huynh bắt đầu nhìn thầy cô bằng ánh mắt thiếu thiện cảm. Đi đâu người ta cũng bàn luận về đạo đức nhà giáo đang bị xuống cấp… Nhiều thầy cô cảm thấy buồn cho ngành mình, nghề mình. Có người lại ân hận vì đã chọn nghề giáo.
Riêng tôi, gần 20 năm đứng trên bục giảng nhưng chưa khi nào tôi ân hận vì mình chọn sai nghề. Niềm vui của người giáo viên là sự thành đạt của lớp lớp học trò. Được đứng trên bục giảng và truyền đạt kiến thức cho trò là niềm vui vô bờ bến của tôi.
Mấy hôm nay, mẹ tôi liên tục nhắc nhở con gái về việc giữ gìn hình ảnh người giáo viên. Mẹ bảo tôi, khi làm việc gì cũng cần phải suy nghĩ trước sau và hậu quả của nó. Đừng bao giờ lấy cái uy của người thầy để bắt trò phải theo mình. Mình là người dạy trò. Muốn trò ngoan, mình phải là tấm gương sáng. Học trò thời nào cũng thế. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Cứ chân tình để nhận lại chân tình.
Vâng, con rất cám ơn lời mẹ dạy. Bao nhiêu năm qua, con đã cố gắng không để mẹ thất vọng. Hàng ngày con lên lớp và vẫn hạnh phúc với nghề mình đã chọn. Nếu được chọn lại, con vẫn xin chọn nghề Sư phạm.
Loát Trần
(Tây Ninh)
Theo Dân trí
Vì sao liên tiếp xảy ra các vụ dâm ô, "gạ tình" học sinh?
Gần đây xảy ra các vụ dâm ô, gạ tình học sinh. Điều này gióng lên hồi chuông về đạo đức nhà giáo và cần có giải pháp căn cơ để ngăn chặn triệt để.
Trong thời gian gần đây, dư luận xã hội đặc biệt dành sự quan tâm, tranh luận xung quanh những vụ việc liên quan đến quan hệ giữa thầy cô giáo với học sinh. Đó là vụ một thầy giáo ở trường Tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô với nhiều học sinh gái. Vụ việc này chưa tạm lắng thì ngay sau đó, dư luận lại bàng hoàng với việc một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình nhiều lần nhắn tin "gạ tình" với một nữ sinh.
Và gần đây nhất là chuyện một cô giáo ở tỉnh Bình Thuận bị chồng tố cáo có quan hệ bất chính với học sinh lớp 10. Điều này đang khiến nhiều người đi từ sửng sốt đến lo lắng về sự xuống cấp trong môi trường sư phạm.
Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi có thầy giáo bị tố cáo dâm ô với nhiều học sinh gái (Ảnh: Zing.vn)
Mặc dù các vụ việc trên đang được các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nhưng lại gióng lên một hồi chuông báo động về vấn đề đạo đức nhà giáo, quan hệ thầy- trò.
Theo ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), trong thời gian qua, Bộ đã có nhiều giải pháp để chấn chỉnh đạo đức nhà giáo. Vấn đề này đã được thực thi ở địa phương - nơi tuyển chọn, sử dụng và quản lý trực tiếp đội ngũ nhà giáo và các nơi cũng đã vào cuộc rất tích cực để xử lý những sai phạm.
Tại một hội nghị tổng kết của ngành Giáo dục năm 2018 được tổ chức trực tuyến ở 63 tỉnh, thành có các lãnh đạo tỉnh tham dự, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo các địa phương phải xử lý nghiêm giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo.
Cần thay đổi cách giảng dạy, tuyển chọn giáo viên
Là một giảng viên và cán bộ quản lý lâu năm trong ngành giáo dục, GS.TS Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, lâu nay, ở các trường sư phạm đều có những giáo trình giảng dạy về đạo đức nhà giáo và những điều giáo viên không được làm. Các trường cũng đã có những buổi giảng dạy, rèn luyện về vấn đề này cho những sinh viên khi đang ngồi trên giảng đường.
Theo GS.TS Đinh Quang Báo, những vụ việc thiếu chuẩn mực đạo đức nhà giáo nổi lên trong thời gian gần đây cần phải nhìn nhận từ nhiều phía, nhiều chiều, liệu đây có phải là những hiện tượng cá biệt như "con sâu làm rầu nồi canh" không? Nếu thực sự những vụ việc liên quan đến đạo đức nhà giáo xảy ra nhiều trong thời gian ngắn thì ngành Giáo dục cần phải có sự quản lý, kiểm soát giáo viên chặt chẽ hơn. Có thể bằng cách quy định rõ trách nhiệm của giáo viên, của hiệu trưởng khi để xảy ra các vụ việc đáng tiếc liên quan đến quan hệ thầy- trò.
Nhiều người bức xúc trước những tin nhắn quá mùi mẫn, tình cảm trên mức thầy trò của một thầy giáo ở trường THPT chuyên Thái Bình (ảnh: Facebook)
Đứng ở góc độ tâm lý học, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội nêu quan điểm, thực tế là thời gian gần đây xảy ra liên tục những vụ việc dâm ô, gạ tình học sinh là do các địa phương, trường học chưa có sự chọn lọc đúng người thực sự giỏi chuyên môn, đủ tư cách, đạo đức để dạy học.
Theo Tiến sĩ Tùng Lâm, đã đến lúc, ngành Giáo dục cần phải giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho các trường học. Đặc biệt là quy trách nhiệm trực tiếp cho hiệu trưởng trong việc tăng cường bồi dưỡng tư cách, đạo đức cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát sàng lọc giáo viên. Đừng để đến khi "cháy nhà thì mới la làng" mà phải có giải pháp căn cơ từ trong khâu tuyển dụng, đãi ngộ người giỏi, có phẩm chất đạo đức, tư cách tốt để giảng dạy.
Là một giáo viên trực tiếp giảng dạy học sinh, một cô giáo tại trường THPT ở Hà Nội lại lý giải, để xảy ra các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo như trên cũng là do việc đào tạo về chuẩn mực đạo đức cho những giáo viên tương lai ở trong các trường đại học, cao đẳng sư phạm chưa được tăng cường thường xuyên.
Hiện nay, ở các trường ĐH chủ yếu vẫn là giảng dạy lý thuyết, chuyên môn cho sinh viên chứ chưa tăng cường các kỹ năng, tình huống sư phạm; sinh viên chưa được rèn luyện kỹ về đạo đức và những điều không bao giờ được vi phạm. Vì vậy, nhiều người khi được tuyển dụng vào giảng dạy ở các trường học chưa biết giới hạn trong cư xử giữa thầy cô giáo với học trò, chưa biết xử lý các tình huống trong môi trường sư phạm.
Do đó, thời gian tới, để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc như trên cần thực hiện tốt công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cho sinh viên từ khi ngồi trên giảng đường. Việc tuyển dụng người có năng lực, phẩm chất tốt cũng nên quy trách nhiệm cho địa phương, trường học ngay từ khâu tuyển dụng, chứ không nên để "mất bò mới lo làm chuồng"./.
Theo vov.vn
Quảng Nam: Vất vả trăm bề của giáo viên vùng cao mang tên "hợp đồng" Giáo viên vùng cao đa số là khổ cực và vất vả; còn đối với những giáo viên chưa vào biên chế mà chỉ mới có "hợp đồng" thì vất vả trăm bề. Xa nhà, lương không đủ sống, đi dạy ở điểm trường xa... là những nỗi niềm của các giáo viên ở huyện miền núi Nam Trà My. Toàn ăn đồ...