Nếu dịch Covid-19 xảy ra trên diện rộng, có nên hủy thi tốt nghiệp THPT?
‘Tùy vào diễn biến dịch Covid-19, chúng ta nên có phương án: Vùng nguy cơ thấp tổ chức thi tốt nghiệp THPT, nguy cơ cao dời lại và thi sau bằng đề dự bị. Nếu dịch lây lan trên diện rộng thì có thể hủy kỳ thi…’.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đang thu hút nhiều ý kiến xung quanh việc tổ chức (ảnh minh họa) – ĐỨC NHẬT
Đó là ý kiến của đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh khi được hỏi về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương.
Chuẩn bị sẵn sàng nếu kỳ thi vẫn diễn ra
Ông Nguyễn Hữu Tài, Trưởng phòng Khảo thí – Công nghệ thông tin, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho biết toàn tỉnh có 8.564 thí sinh sẽ dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, được bố trí ở 361 phòng thi. “Dịch Covid-19 đang diễn tiến phức tạp nên công tác chuẩn bị kỳ thi tại tỉnh phải đảm bảo theo chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của UBND tỉnh. Chúng tôi yêu cầu tất cả thí sinh, phụ huynh đến điểm thi phải đeo khẩu trang. Tại cổng điểm thi, đội tiếp sức mùa thi sẽ kiểm tra thân nhiện và để sẵn dung dịch sát khuẩn. Một tuần trước khi diễn ra kỳ thi, tất cả các phòng sẽ được phun khử khuẩn. Tại các phòng thi, chúng tôi bố trí 24 thí sinh với khoảng cách giữa các bàn đảm bảo giãn cách theo quy định”, ông Nguyễn Hữu Tài thông tin.
Theo ông Tài, đến thời điểm này tỉnh Tây Ninh chưa có ca nhiễm, nếu tình hình xấu xảy ra tỉnh sẽ lập tức thực hiện phương án chia làm 4 nhóm (F0, F1, F2 và thí sinh khác) như chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hiện tỉnh đã bố trí 9 điểm thi dự phòng ở 9 huyện để sẵn sàng ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra.
Thí sinh nghi nhiễm Covid-19 được bố trí phòng riêng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT
Tại tỉnh Đồng Nai, bà Huỳnh Lệ Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh này, cho biết dự kiến toàn tỉnh có 29.000 thí sinh dự thi, bố trí trên 58 điểm thi với trên 1.200 phòng thi, điều động 3.285 cán bộ coi thi. Vì đang trong tình hình dịch Covid-19 căng thẳng nên tỉnh cũng bố trí 290 cán bộ trật tự viên, phục vụ và y tế.
Ông Đào Đức Tuấn, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Bình Định, cũng cho biết Sở đã chuẩn bị công tác thi tốt nghiệp THPT theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và UBND tỉnh để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc ngay trong thời điểm phòng chống dịch được đặt lên hàng đầu. “Toàn tỉnh có gần 17.000 thí sinh với 42 điểm thi. Các trường THPT phối hợp với các cơ sở y tế và cơ quan liên quan trên địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi, đảm bảo trước khi diễn ra kỳ thi phải tiêu độc khử trùng, chuẩn bị nước sát khuẩn, đo thân nhiệt…”, ông Tuấn chia sẻ.
Tình hình Covid-19 tại Việt Nam chiều ngày 30/7: Thêm 5 ca bệnh mới ở Quảng Nam
Nếu dịch bùng phát diện rộng, nên có phương án khác
Tuy nhiên, về công tác thực hiện, ông Tài nêu băn khoăn: “Chúng tôi không biết nếu ở phòng thi có F1 thì cán bộ coi thi có phải mặc đồ bảo hộ? Bài thi của những thí sinh này sẽ xử lý như thế nào để hạn chế nguy cơ lây nhiễm? Cái khó nữa là danh sách phòng thi đã làm xong trước cả tháng, nếu sát ngày thi có ca nhiễm thì việc bóc tách ra thi riêng sẽ rất khó khăn, liệu thời gian có ủng hộ? Việc chia làm 4 nhóm sẽ rất phức tạp dù đã chuẩn bị phương án ứng phó từ trước”.
Vì thế, ông Tài cho rằng, ở những tỉnh có nguy cơ thấp hoặc chưa có ca nhiễm thì vẫn tiếp tục thi, đối với các vùng đang bùng phát dịch Covid-19 thì nên dời lại thi sau và sử dụng đề thi dự bị. “Việc này vừa đảm bảo tuân thủ chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ, vừa vẫn đảm bảo phù hợp quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ. Trong tình huống dịch xảy ra trên diện rộng thì nên chăng hủy kỳ thi để đảm bảo an toàn cho cả nước, thực hiện xét tốt nghiệp. Các trường ĐH, CĐ sẽ dùng phương thức xét điểm học bạ THPT”, ông Tài đề xuất.
Thi tốt nghiệp THPT ra sao khi dịch Covid-19 lan ra cộng đồng?
Các địa phương sẽ lên kế hoạch tổ chức thi tốt nghiệp THPT như thế nào cho an toàn, hiệu quả sau khi phát hiện một số bệnh nhân dương tính với Covid-19 trong cộng đồng?
Kiểm tra thân nhiệt học sinh ở Quảng Nam. Điều này sẽ tiếp tục thực hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Bố trí phòng cách ly tại mỗi điểm thi
Ngày 27.7, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết đến thời điểm hiện tại ngành giáo dục Đà Nẵng xác định vẫn bám sát chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên Sở cũng đã xây dựng những phương án phòng chống dịch trong kỳ thi.
Theo bà Thuận, sẽ yêu cầu bố trí mỗi điểm thi ít nhất 2 phòng dự phòng, sắp xếp bàn ghế đảm bảo giãn cách cho thí sinh (TS). Hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên có trách nhiệm nắm thông tin, rà soát tình hình sức khỏe 100% học sinh, học viên tham gia kỳ thi. Yêu cầu chủ động, sẵn sàng huy động tất cả cơ sở vật chất để phục vụ kỳ thi.
Hà Nội là địa phương có số TS dự thi lớn nhất cả nước với khoảng 80.000 TS, 3.336 phòng thi, 143 điểm thi. Toàn TP dự kiến huy động 8.700 cán bộ coi thi, giám sát phòng thi và 1.430 bảo vệ phục vụ kỳ thi.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết ngay từ khi xây dựng kế hoạch thi, Ban chỉ đạo thi của TP đã có phương án phòng ngừa dịch Covid-19. Cụ thể, trong tất cả 143 điểm thi đều phải bố trí phòng cách ly, phòng ngừa trường hợp có TS hoặc cán bộ, giáo viên... tại điểm thi nghi ngờ nhiễm Covid-19 hoặc bệnh truyền nhiễm khác. Tất cả các điểm thi đều bố trí đầy đủ nước rửa tay, sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt. Mỗi phòng thi cũng không quá 24 TS, mỗi TS ngồi cách nhau tối thiểu 1,4 m để đảm bảo giãn cách.
Bộ GD-ĐT thông báo vẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT trong điều kiện dịch Covid-19
Tương tự, ông Đặng Xuân Phong, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thái Bình, cho biết sở sẽ yêu cầu tất cả các điểm thi đều chuẩn bị nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn, phòng cách ly, phòng y tế, máy đo thân nhiệt...
Ban chỉ đạo thi tỉnh Yên Bái cũng cho hay mỗi điểm thi đều bố trí phòng cách ly, phòng y tế để phòng ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Phó giám đốc Công an tỉnh Yên Bái, cho rằng để dịch Covid-19 không ảnh hưởng tới kỳ thi, Yên Bái sẽ phải nghiêm túc trong việc theo dõi, cách ly kịp thời người từ nước ngoài trở về.
Đo thân nhiệt cho tất cả các thí sinh
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sẽ phối hợp để có kế hoạch đảm bảo sức khỏe cho thành viên của hội đồng in sao đề, TS, cán bộ, giáo viên. Tất cả các khâu của kỳ thi, từ vận chuyển đề đến hội đồng thi, các thành viên tham gia đều tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế khuyến cáo như đeo khẩu trang ở nơi đông người, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn...
Trong thời gian kỳ thi diễn ra, tại các điểm thi, máy đo thân nhiệt và nhân lực sẽ được huy động tối đa để đo thân nhiệt cho tất cả các TS, sàng lọc TS có dấu hiệu dịch tễ, từ đó có phương án xử lý kịp thời. Sở cũng sẽ yêu cầu các điểm thi chuẩn bị một số phòng thi dự phòng để phục vụ tình huống cần thiết.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, TP.HCM có hơn 74.000 TS đăng ký dự thi tại 115 điểm thi. Sở huy động hơn 10.000 cán bộ coi thi, 4.000 cán bộ chấm thi.
Dùng xe chuyên dụng đưa đón thí sinh
Ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, cho biết Sở đã có văn bản chỉ đạo hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn liên hệ các phụ huynh khuyên học sinh hạn chế đi lại.
Theo ông Quốc, trước kỳ thi, tất cả điểm thi trên địa bàn Quảng Nam sẽ cho tiêu độc, khử trùng. TS trước khi bước vào cổng trường sẽ đo thân nhiệt để kiểm tra sức khỏe, sát khuẩn. "Chúng tôi đã lên phương án chuẩn bị thêm phòng thi, đề phòng trường hợp phát hiện những TS thân nhiệt thay đổi, có biểu hiện sốt sẽ cho vào thi phòng riêng, giãn cách ra. Đồng thời, có phương án cho xe chuyên dụng đưa đón TS đi thi", ông Quốc nói.
Chuẩn bị gấp đôi số điểm thi để giãn cách
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết bên cạnh 35 điểm thi, Sở GD-ĐT đang khảo sát để chuẩn bị thêm 35 điểm thi dự phòng để bảo đảm giãn cách khi có tình huống dịch xảy ra. "Để tránh việc di chuyển, TS học ở trường nào sẽ dự thi tại trường ấy. Các điểm thi dự phòng cũng được tổ chức ở cơ sở trường học ngay tại địa phương có điểm thi chính", ông Tân nói.
Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất, điểm thi đảm bảo giãn cách, Sở GD-ĐT cũng đang phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Công an tỉnh chuẩn bị các điều kiện cần thiết như khử trùng, vệ sinh điểm thi, chuẩn bị khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn... để phục vụ cho cán bộ coi thi và TS đảm bảo các nguyên tắc phòng dịch.
Đến cuối ngày 27.7, đại diện các địa phương cho biết dù chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về cơ sở vật chất nhưng việc xử lý tình huống liên quan đến Covid-19 mà ảnh hưởng đến quyền lợi của TS thì vẫn phải chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.
Bộ GD-ĐT: Kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra từ 8 - 10.8
Tối 27.7, Bộ GD-ĐT đã phát đi thông báo, khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 vẫn diễn ra trong các ngày từ 8 - 10.8 tại tất cả các địa phương trên cả nước. Theo đó, Bộ dự kiến chỉ đạo phương án tổ chức thi theo hướng phân loại TS theo các mức độ nguy cơ lây nhiễm để bố trí điểm thi, phòng thi, cán bộ làm công tác tổ chức thi phù hợp, bảo đảm an toàn và quyền lợi tối đa cho TS.
Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo các nhà trường rà soát, cập nhật tình trạng sức khỏe của tất cả TS, thường xuyên báo cáo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh để kịp thời xử lý; bố trí đủ cán bộ dự phòng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh tại khu vực in sao đề thi, các điểm thi và các khu vực chấm thi.
Trao đổi thêm với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho biết sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể việc tổ chức thi trong điều kiện có dịch Covid-19 trong một vài ngày tới. Theo ông Độ, tinh thần là sẽ cá biệt hóa đến từng đối tượng TS và từng tình huống để có các phương án xử lý cụ thể, phù hợp. - Tuệ Nguyễn
Hỗ trợ thí sinh huyện đảo Phú Quý vào đất liền dự thi tốt nghiệp THPT Sáng 30/7, trên 100 học sinh lớp 12 ở huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận đã được đưa vào đất liền để chuẩn bị tham dự Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020. Các thí sinh huyện đảo Phú Quý được được các đội "Tiếp sức mùa thi" xịt nước sát khuẩn tay và phát khẩu trang miễn phí...