Nếu để đại học nhỏ lẻ, đơn ngành, Việt Nam khó tham gia vào bảng xếp hạng ĐH thế giới
Việt Nam hiện có hơn 230 trường đại học nhưng phần lớn là các trường có quy mô nhỏ, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất thiếu thốn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Thực tế đó khiến hệ thống GD đại học nước ta khó có thể cạnh tranh với các trường ĐH trong khu vực và thế giới.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho biết như vậy khi nói về việc hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và đáp ứng xu hướng hội nhập.
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng
Phải hình thành các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực
PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục duy trì các trường đại học nhỏ lẻ, đơn ngành, do số lượng các công trình nghiên cứu hạn chế và ảnh hưởng của nhà trường đến xã hội ở qui mô nhỏ thì khó có thể tham gia vào các bảng xếp hạng ĐH thế giới.
Một số nước phát triển có nền giáo dục ĐH nổi tiếng cũng đã nhận thấy được điều này. Điển hình là Pháp, hiện nay đang sắp xếp, tổ chức lại các đại học vùng trên cơ sở sáp nhập các trường đại học nhỏ của các khu vực thành các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực.
Ở các đại học vùng này, việc quản trị đại học được phân cấp và chuyên môn hóa khi mà các đại học (university) tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch đầu tư, quản trị nhân sự và tài chính, còn các trường đại học thành viên (ecole, school) tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học. Nhờ thế mối quan hệ giữa đại học và các trường đại học thành viên trở nên rất hài hòa và hiệu quả, tạo điều kiện tối đa thực hiện tự chủ đại học.
Với những lý do trên chúng ta cần sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, hình thành các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để ưu tiên tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế.
“Đây là xu thế tất yếu để đảm bảo hệ thống GD ĐH Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập quốc tế” – PGS Vũ khẳng định.
Cần một cơ chế quản trị đại học phù hợp
Tuy nhiên, PGS Vũ cho rằng, khi hình thành các đại học quốc gia, đại học vùng chúng ta đã không thiết kế cho nó một cơ chế quản trị đại học phù hợp làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động.
Video đang HOT
Cụ thể, đối với các ĐHQG, Chính phủ ban hành qui chế hoạt động riêng đảm bảo các ĐH này luôn có mức tự chủ cao nhất trong tất cả các mặt hoạt động, khác biệt hẳn so với các trường ĐH thành viên. Trong khi đó, các ĐH vùng hoạt động theo qui chế do Bộ GD ĐT ban hành, quyền tự chủ rất hạn chế, không khác biệt gì nhiều so với các trường ĐH thành viên.
Chính vì vậy, trong góp ý sửa Luật giáo dục đại học lần này để hoàn thiện hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đáp ứng xu hướng hội nhập và phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam, PGS Vũ đề nghị, việc sửa luật giáo dục đại học lần này cần phải quán triệt các nguyên tắc cơ bản sau:
- Thứ nhất, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới và đáp ứng yêu cầu xếp hạng đại học. Vì vậy, cần phải hình thành các học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để trở thành các trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong một thế giới đầy biến động và đáp ứng yêu cầu của công tác xếp hạng.
- Thứ hai, phù hợp với thực tế điều kiện của Việt Nam là cần phải sắp xếp, sáp nhập tinh giảm đầu mối trực thuộc theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”, không để tình trạng có quá nhiều trường đại học như hiện nay.
- Thứ ba, đổi mới nhưng tránh gây sốc cho xã hội. Trong thời gian qua chúng ta tiến hành nhiều đổi mới như đổi mới thi cử…, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng còn nhiều đổi mới gây tâm lý hoang mang trong xã hội. Vì vậy, quan điểm đổi mới nhưng phải thận trọng, có nghiên cứu kỹ, có bước đi vững chắc tạo ra lòng tin trong xã hội. Do đó, việc ban hành luật lần này phải trên cơ sở thừa nhận thực tế không tạo ra sự thay đổi quá lớn đối với xã hội nói chung và các trường đại học nói riêng, nhất là các ĐHQG, ĐHV.
Cần khắc phục bất cập hiện nay là university trong university và không còn tình trạng có quá nhiều trường đại học như hiện nay.
Phân biệt rõ ĐH tổng hợp và ĐH tổ hợp
Cơ sở giáo dục đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm: đại học (Universite), trường đại học (Ecole Superieure).
Tuy nhiên, theo PGS Vũ, đối với đại học cần phân biệt rõ Đại học mang tính tổng hợp và Đại học mang tính tổ hợp (Đại học Quốc gia, Đại học vùng).
Các đại học tổng hợp có những trường chuyên ngành (ecole, school) không có tư cách pháp nhân, chỉ lo đào tạo và nghiên cứu khoa học. Các vấn đề về chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư, tài chính và nhân sự sẽ thuộc về đại học.
Với mô hình này thì sẽ khắc phục được bất cập hiện nay là university trong university và không còn tình trạng có quá nhiều trường đại học như hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này cũng sẽ tạo ra sự bất cập là các trường thành viên thuộc đại học quốc gia, đại học vùng sẽ xin tách ra khỏi đại học quốc gia, đại học vùng vì mất tư cách pháp nhân. Khi đó mục tiêu giảm đầu mối sẽ không đạt được nếu Chính phủ cho các trường tách ra (Số lượng trường đại học sẽ tăng lên 30 trường, nhưng tiềm lực của từng trường bị yếu) và như vậy sẽ không phù hợp với xu thế hình thành các đại học lớn.
Do đó bên cạnh các Đại học mang tính tổng hợp được thành lập mới, PGS Vũ nhấn mạnh, cần duy trì mô hình đại học mang tính tổ hợp là các Đại học Quốc gia và các Đại học vùng bao gồm các trường Đại học thành viên với tư cách pháp nhân đầy đủ.
PGS Vũ cho rằng, để đảm bảo các đại học mang tính tổ hợp này hoạt động tốt, khắc phục những bất cập hiện nay thì Chính phủ nên giao cho các Đại học này cơ chế tự chủ cao nhất mà các trường ĐH thành viên không có được, ví dụ như cơ chế ĐHQG hiện nay.
Với mô hình này vừa phù hợp với thực tế hiện nay (vẫn duy trì các đại học quốc gia, đại học vùng đã có 25 năm hình thành và phát triển), vừa tạo điều kiện giảm đầu mối vừa phù hợp với xu hướng của thế giới (do cho phép thành lập các đại học trên cơ sở sáp nhập, sắp xếp lại các trường đại học trên cùng địa bàn),
PGS.TS Vũ đề nghị về hệ thống giáo dục đại học nên sửa Luật giáo dục đại học hiện hành tại khoản 3, Điều 4. Giải thích từ ngữ: Đại học do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, gồm các trường chuyên ngành (Ecole), khoa (Faculté), các viện nghiên cứu (Institut); Đại học Quốc gia, Đại học Vùng do Chính phủ quyết định thành lập, gồm các trường đại học thành viên (Ecole Superieure), các viện nghiên cứu (Institut) và các khoa (Faculte) trực thuộc
Tại Khoản 1, Điều 8 bổ sung đại học vùng như sau: Đại học quốc gia, đại học vùng là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, được Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển.
Kết quả 25 năm hình thành ĐH QG và ĐH vùng
Kể từ năm 1994 trước yêu cầu đất nước cần phải có các đại học lớn, đa ngành, đa lĩnh vực để tạo bước phát triển đột phá trong giáo dục đại học Việt Nam, Chính phủ đã thành lập 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng và đã được luật hóa trong Luật Giáo dục Đại học năm 2012.
Trải qua 25 năm hình thành và phát triển, hai đại học quốc gia và ba đại học vùng đã gặt hái những thành công hết sức quan trọng trên nhiều mặt. Cụ thể: trong điều kiện suất đầu tư và học phí thì những nỗ lực đổi mới các chương trình tiên tiến, chương trình chất lượng cao trong gần 15 năm qua đã đạt được kết quả. Đó là một số chương trình đào tạo của Đại học Quốc gia, Đại học Vùng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ví dụ: Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN vinh dự là một trong bốn trường đại học đầu tiên của Việt Nam kiểm định đạt chuẩn Châu Âu (HECERES), có 4 chương trình đạt chuẩn kiểm định CTI và 06 chương trình đạt chuẩn kiểm định AUN-QA… Các ĐHQG, ĐH vùng luôn được xếp hạng trong cao trong hệ thống xếp hạng QS, Webometrics, 4ciu,…
Hồng Hạnh ( ghi)
Theo Dân trí
Sáp nhập trường để giải bài toán thiếu giáo viên?
Để giải quyết tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ hiện nay, một trong những giải pháp được đề xuất là sáp nhập các trường mầm non, phổ thông quy mô nhỏ thành trường có quy mô lớn hơn hoặc trường đa cấp.
Đây được xem là giải pháp giảm số trường, giảm cán bộ quản lý và nhân viên, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên (GV). Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn nếu không xem xét một cách đầy đủ, toàn diện.
Mỗi xã một trường mầm non, một trường TH-THCS
Tỉnh Quảng Trị đã thực hiện chủ trương giảm đầu mối quản lý, sắp xếp, sáp nhập thí điểm một số trường mầm non, phổ thông quy mô nhỏ thành trường quy mô lớn hoặc trường đa cấp. Đối với khối trực thuộc Sở GD-ĐT, đã tiến hành sáp nhập Trường THPT Phan Châu Trinh (TP.Đông Hà) vào Trường THPT Chế Lan Viên (H.Cam Lộ) và sáp nhập Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm vào Trường THPT Bùi Dục Tài (cùng H.Hải Lăng). Các huyện, thành phố và thị xã trong toàn tỉnh đã tiến hành thí điểm sáp nhập các trường mầm non công lập trên địa bàn xã lại thành một trường mầm non công lập duy nhất, sáp nhập một số trường tiểu học và THCS thành trường đa cấp tiểu học - trung học cơ sở (TH-THCS).
Riêng trên địa bàn H.Hải Lăng, UBND huyện đã thực hiện phương án mỗi xã, thị trấn chỉ còn một trường mầm non công lập và một trường TH-THCS. Địa bàn huyện có 19 xã và một thị trấn, trước khi sáp nhập có 20 trường mầm non, 21 trường TH và 19 trường THCS, sau khi sáp nhập nay vẫn còn 20 trường mầm non (các điểm trường có sắp xếp lại) và 19 trường TH-THCS, trong đó có Trường TH-THCS Thiện Thành là trường thuộc 2 xã Hải Thiện và Hải Thành.
Giải pháp thiếu giáo viên cho chương trình mới
Một cán bộ Phòng GD-ĐT Hải Lăng cho biết việc sáp nhập 40 trường TH và THCS riêng thành 19 trường TH-THCS, do 19 hiệu trưởng trường THCS làm hiệu trưởng; các phó hiệu trưởng bao gồm một phó hiệu trưởng THCS và hiệu trưởng, phó hiệu trưởng TH. Việc sáp nhập này sẽ giảm khá nhiều nhân viên, các tổ chức đoàn thể trong nhà trường...
GV cũng giảm, trong đó GV tin học, công nghệ hay tiếng Anh THCS có thể dạy cho tiểu học; GV âm nhạc, mỹ thuật của trường tiểu học trước đây có thể giảng dạy THCS (vì họ tốt nghiệp CĐ hoặc ĐH mỹ thuật, âm nhạc...). Bên cạnh đó, số phó hiệu trưởng nhiều có thể bố trí giảng dạy một số môn/hoạt động giáo dục như hoạt động trải nghiệm (tiểu học) và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (cấp THCS). Như vậy, đội ngũ GV có thể bổ sung cho nhau. Nếu thiếu tiết thì bố trí họ giảng dạy thêm về hoạt động trải nghiệm...
Như vậy, việc sáp nhập trường mang lại nhiều lợi ích như giảm đầu mối quản lý, giảm số cán bộ quản lý, nhân viên, và nhất là khắc phục tình trạng thiếu GV các môn tiếng Anh, công nghệ, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, thể dục, hoạt động trải nghiệm, Tổng phụ trách Đội... vì GV những môn này có thể giảng dạy cả 2 cấp.
Đây là giải pháp góp phần khắc phục bài toán thiếu GV hiện nay ở một số địa phương.
Một số bất cập
Theo một cán bộ Phòng GD-ĐT Hải Lăng, khi sáp nhập thống nhất trong toàn huyện sẽ có thuận lợi cho chỉ đạo của phòng, nhưng đồng thời cũng nảy sinh một số bất cập: Số cán bộ quản lý còn nhiều, có trường lên tới 6 cán bộ quản lý (1 hiệu trưởng và 5 phó hiệu trưởng). Số nhân viên (kế toán, thư viện, y tế...) không thể giảm ngay được. Việc sinh hoạt chuyên môn, tổ chức giảng dạy và học tập cũng sẽ khó khăn hơn.
Đối với các huyện miền núi, địa bàn rộng, cũng như thành phố, thị xã trường đông học sinh, việc sáp nhập trường cần phải xem xét kỹ nhiều yếu tố và sự đồng thuận của người dân địa phương.
Theo thanhnien.vn
Chuyển biến tích cực sau 5 năm triển khai Nghị quyết 29-NQ/TW Trong điều kiện còn không ít khó khăn thách thức, ngành Giáo dục Bắc Giang đã chỉ đạo tổ chức thực hiện hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh, Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện...