Nếu dạy thêm có đăng ký và đóng thuế như những ngành nghề khác…
Dạy học thêm vẫn là câu chuyện cũ nhưng cần có cách nhìn mới, đa chiều hơn về vấn đề này để đi học thêm vì kiến thức chứ không phải vì người dạy.
Trong phần tranh luận tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT sáng 11/11, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội về vấn đề dạy thêm, học thêm.
Trả lời trước nghị trường, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, nếu dạy thêm ngoài giờ, ngoài nhà trường mà việc dạy thêm đáp ứng các nhu cầu đó thì không thể cấm được.
Còn dạy thêm, học thêm mà giáo viên trực tiếp dạy cho học sinh, nhưng lại bớt nội dung chính thức mới là điều lưu ý.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng thông tin thêm, năm 2016 Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã bỏ dạy thêm ra khỏi ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Khi rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ GD&ĐT đang đề nghị bổ sung việc dạy thêm vào danh mục này.
Dạy thêm, học thêm vẫn là câu chuyện nhiều năm nay
Cần có cái nhìn đa chiều về dạy thêm, học thêm
Trao đổi với Người Đưa tin, TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng chúng ta nên suy nghĩ về việc học thêm, dạy thêm theo hướng đơn giản, không nên chỉ theo thái cực này hay thái cực khác.
Theo ông, việc tổ chức dạy thêm ngay tại trường học, do chính thầy cô giáo học trên lớp dạy thì vẫn không được phép. Nhà trường cũng không nên đứng ra tổ chức các buổi học thêm ngay tại trường.
“Tuy nhiên, nếu dạy thêm có đăng ký rõ ràng và đóng thuế như những ngành nghề khác thì hoàn toàn có thể. Các thầy cô có thể tham gia hoạt động dạy thêm ở các trung tâm khác nhau hoặc tự tổ chức dạy thêm độc lập.
Việc này sẽ tránh tình trạng nhiều người băn khoăn rằng các thầy cô dạy bớt kiến thức để học sinh phải đi học thêm, hay đi học thêm vì thầy cô giáo chứ không phải vì kiến thức”, ông Khuyến bày tỏ.
Như vậy sẽ tạo điều kiện cho các giáo viên có thêm thu nhập, nhất là đối với những giáo viên có trình độ.
Ngược lại, ở phía người học cũng không phải không có nhu cầu, nhiều em muốn học thêm kiến thức nâng cao, gia đình không có thời gian dạy ở nhà, và học sinh vẫn đủ sức khỏe, thời gian để đi học thêm thì cũng không thể ngăn cấm.
TS Lê Viết Khuyến đánh giá rằng: “Nhà giáo và người có khả năng dạy học là hoàn toàn khác nhau. Nếu thầy cô giáo không đủ năng lực có tổ chức dạy thêm học sinh chỉ học 1-2 buổi là sẽ bỏ ngay, không có yếu tố ép buộc ở đây”.
Video đang HOT
Các em đi học thêm vì kiến thức hay vì thầy cô
Bỏ tư tưởng dạy thêm để tăng thu nhập
Cũng trong phần tranh luận tại Quốc hội sáng 11/11, ĐBQH Nguyễn Công Long đã đưa ra thực trạng dạy thêm là xuất phát từ thu nhập quá thấp, rất nhiều người coi dạy thêm là để mưu sinh. Và qua 2 năm đại dịch vừa rồi, giáo viên cũng là đối tượng cần cứu trợ.
Người Đưa tin cũng có những trao đổi với thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên luyện thi môn Hóa tại một trung tâm ở Tp.Hà Nội về vấn đề này, thầy cho biết: “Chúng ta cần làm rõ các loại hình dạy thêm, học thêm tránh đánh đồng với nhau.
Loại hình dạy thêm của các thầy cô giáo trong nhà trường tổ chức dạy cho chính học sinh của mình thì cần phải hạn chế, thậm chí là cấm”.
Theo quan điểm của thầy, đến khi điều kiện chín muồi thì có thể xem xét, vì hiện nay mức lương giáo viên vẫn còn thấp, và còn cào bằng giữa thành phố và nông thôn. Nếu mức lương được cải thiện, không có tình trạng coi dạy ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập thì sẽ hạn chế những tiêu cực.
“Chúng ta không thể nào lấy việc dạy thêm, học thêm để làm phương án tăng thu nhập cho giáo viên. Nếu lương của các thầy cô mà còn thấp thì rất khó để thu hút sinh viên giỏi theo ngành sư phạm, ngược lại nhiều em đi học vẫn có tư tưởng là làm giáo viên “trông” vào tiền dạy thêm là chính”, thầy Ngọc chia sẻ.
Chúng ta có cái nhìn thiện cảm với đi học tại các trung tâm ngôn ngữ hơn là hoc các môn khác
Loại hình dạy thêm thứ hai theo thầy Ngọc đó là việc dạy học của các giáo viên tự do hoặc thầy cô giáo hợp tác với các trung tâm giáo dục.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cho rằng “Việc dạy học như vậy là chính đáng và xuất phát từ nhu cầu của phụ huynh, học sinh muốn cải thiện năng lực.
Những trung tâm tiếng Anh, luyện thi Ielts, SAT,…cũng là một hình thức dạy thêm, học thêm nhưng hiện nay lại không lên án học tại các trung tâm này dù giá thành rất đắt đỏ và không có sự quản lý chặt chẽ”.
Học thêm ngoại ngữ, toán, văn, lý hay thậm chí là các môn năng khiếu như võ thuật, mỹ thuật, âm nhạc là như nhau. Nhưng dư luận hiện nay cái nhìn “thiện cảm” với đi học tiếng Anh ở trung tâm hơn là đi học thêm các môn học khác.
Cần có sự quản lý tại các trung tâm công lập
Đối với loại hình học thêm thứ hai này, rất cần sự quản lý của Nhà nước. Lý do là bởi theo thầy Ngọc thực trạng hiện nay rất nhiều người chỉ có một chút kiến thức, không có bằng cấp hay kỹ năng sư phạm nhưng lại được đứng trên bục giảng và gọi là “thầy”.
Việc phụ huynh, học sinh mất tiền oan cho những trung tâm như vậy không phải là hiếm, nhất là đối với môn ngoại ngữ, hoặc những loại hình giảng dạy mới, dưới những tên gọi mỹ miều như phát triển kỹ năng của trẻ, gợi dậy khả năng sáng tạo, tính nhẩm nhanh,…
Ngoài quản lý về chuyên môn, cũng cần phải quản lý về học phí, điều kiện cơ sở vật chất, số lượng học sinh mỗi lớp, nộp thế,…
“Tôi nghĩ nên tách bạch giữa việc đi học theo nhu cầu, và việc dùng dạy thêm làm công cụ kiếm thêm thu nhập, hay là dùng quyền lực về điểm số để bắt buộc học sinh đi học”, thầy bày tỏ.
Từ đây có thể thấy, dạy học thêm vẫn là câu chuyện cũ nhưng cần có cách nhìn mới. Ngoài mối quan hệ thầy trò, xét theo góc độ kinh tế thì đây như mối liên hệ cung-cầu giữa người có kiến thức và người cần kiến thức.
Và nếu đi theo hệ quy chiếu này thì có lẽ sẽ phải có những điều kiện đi kèm về chất lượng, sự cạnh tranh, có quyền chọn lựa người dạy. Những ai không có chuyên môn sẽ bị thị trường đào thải, và tránh được câu chuyện đi học vì cái uy của người thầy.
Dạy và học trực tuyến không thể cứ tạm thời
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, để việc dạy và học trực tuyến đáp ứng các yêu cầu của xã hội, cần một nền tảng đủ mạnh.
Ngay cả khi dịch đã ổn định, đây vẫn là một nội dung quan trọng mà ngành cần phải thực hiện trong chiến lược của mình.
Hơn 1,8 triệu học sinh không có thiết bị học tập
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời chất vấn ngày 11/11
Ngày 11/11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn trong khuôn khổ kỳ họp thứ hai, Quốc hội (QH) khóa XV, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ sự quan tâm về việc dạy và học trực tuyến. ĐBQH Nguyễn Danh Tú (tỉnh Kiên Giang) trích dẫn một báo cáo cho biết, 1,5 triệu học sinh không có bất cứ thiết bị nào để học tập theo phương thức trực tuyến, trong khi số máy tính huy động được chỉ đáp ứng 46,1% nhu cầu của học sinh có hoàn cảnh khó khăn: "Với trách nhiệm là người đứng đầu ngành GD-ĐT, xin bộ trưởng cho biết, việc học trực tuyến của 53,9% học sinh có hoàn cảnh khó khăn còn lại như thế nào?".
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận thực trạng thiếu hụt trang thiết bị học tập cho học sinh: "Theo thống kê, không phải 1,5 triệu cháu không có trang thiết bị học tập mà là 1.867.000 học sinh hiện không có bất kỳ thiết bị gì trong tay để học tập. Có gia đình hai, ba anh chị em nhưng chỉ có một chiếc điện thoại để học". Ông cho rằng, trước khi quan tâm tới việc học sinh tiếp thu được gì qua chương trình học trực tuyến, cần đảm bảo học sinh có đủ thiết bị học tập.
Thực tế, ở một số địa phương, xảy ra tình trạng trẻ đang dần bỏ học do không học được. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian vừa qua, bộ đã huy động và hỗ trợ được trên 140.000 máy tính; trong tháng 11, sẽ phân phối cho các nơi khoảng trên 50.000 máy tính.
ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga (tỉnh Quảng Bình), ĐBQH Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) cùng đặt câu hỏi, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục phức tạp, Bộ GD-ĐT có chiến lược gì để việc dạy và học trở nên bền vững hơn trong thời gian tới. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, điều quan trọng là phải có đầu tư để hình thành một nền tảng đồng bộ, đủ lớn:
"Vừa qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông giải quyết được một số việc mang tính cụ thể. Trong số 1.919 điểm lõm sóng, chỉ trong vòng hai tháng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giải quyết được 283 điểm. Như vậy, việc lõm sóng còn ở rất nhiều nơi, cần tăng cường cơ sở hạ tầng. Cần phải xây dựng một nền tảng để học tập trực tuyến đủ lớn, mang tầm quốc gia chứ không phải mỗi nơi làm một kiểu. Làm vậy là thiếu tính bền vững và lâu dài".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các quy định, hướng dẫn hiện nay tương đối đầy đủ, nhưng vẫn còn thiên về tính ứng phó tạm thời. Do đó, sau đợt ứng phó với dịch bệnh này, bộ sẽ đánh giá sâu hơn và pháp chế hóa đối với một số văn bản còn mang tính hướng dẫn tạm thời. Giải pháp tiếp theo là xây dựng một kho học liệu, bộ cơ sở dữ liệu đủ lớn để đảm bảo nền tảng cho việc học tập trực tuyến.
"Về tư tưởng và nhận thức, chúng tôi cho rằng, việc dạy trực tuyến lúc này là một hình thức ứng phó tạm thời, nhưng vẫn là một công việc lâu dài. Ngay cả khi dịch đã ổn định, dạy trực tuyến vẫn là một nội dung quan trọng mà ngành cần phải thực hiện trong chiến lược của mình" - ông nói.
Băn khoăn chất lượng học trực tuyến
Bên cạnh vấn đề trang thiết bị, nền tảng, nhiều ĐBQH cũng băn khoăn về chất lượng, hiệu quả của việc dạy và học online trong thời gian qua. Theo ĐBQH Hoàng Văn Liên (tỉnh Long An), cử tri cho rằng, việc cho trẻ em lớp Một học trực tuyến chưa đạt hiệu quả như mong muốn, gây khó khăn nhiều mặt cho phụ huynh.
Nhiều trường tiểu học ở Thừa Thiên - Huế hiện đã cho học sinh học trực tuyến trở lại do có nhiều ca nhiễm COVID-19 gia tăng trong cộng đồng - Ảnh: Thuận Hóa
Trả lời ĐBQH, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thông tin, bộ chủ trương lớp Một và lớp Hai sẽ chủ yếu học trên truyền hình, chỉ dạy trực tuyến ở những trường có đủ điều kiện và được giáo viên đồng ý. Trong hơn hai tháng qua, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam sản xuất được 166 bài giảng, đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho học sinh lớp Một và Hai: "Tôi nghĩ đó cũng là một giải pháp trong rất nhiều giải pháp. Sẽ khó có một giải pháp nào thỏa mãn được tất cả các yêu cầu, do đó, chúng ta chọn một giải pháp tối ưu hơn cả. Đối với các cháu lớp Một thì dạy trên truyền hình là một lựa chọn được đông đảo phụ huynh và dư luận xã hội ủng hộ".
Về hiệu quả của chương trình giảng dạy trực tuyến, Bộ GD-ĐT cũng có các đánh giá sơ bộ, nhưng cần phải có cuộc điều tra, khảo sát sau khi học sinh quay trở lại trường để đánh giá toàn diện hơn. Dù vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, chất lượng học trực tuyến khó bằng học trực tiếp.
Để khắc phục những hạn chế của việc học trực tuyến kéo dài, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục củng cố kiến thức cho học sinh khi đi học trở lại. Theo đó, các giáo viên có trách nhiệm đánh giá học lực của học sinh trong lớp để phân ra các nhóm.
"Khi học sinh trở lại trường, lớp học sẽ không đồng đều như khi học trực tiếp. Cháu nào có thiết bị tốt, được cha mẹ kèm tốt thì có thể tốt hơn các cháu có thiết bị phập phù, cha mẹ bận rộn. Cho nên lúc này, cần triển khai các biện pháp hỗ trợ theo nhóm, theo từng học sinh. Dạy học theo hướng cá thể hóa là một phương pháp rất phù hợp cho các lớp có nhiều trình độ" - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nói.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc đánh giá này phải từ từ chứ không thực hiện ngay khi trẻ quay lại trường: "Chúng tôi yêu cầu nhà trường, khi học sinh quay lại trường, đừng lôi các em ra đánh giá xem "được gì trong đầu" ngay. Đầu tiên là phải cho các em làm quen lại với trường học, học cách tự phòng, chống dịch cho bản thân, làm quen lại với môi trường, sau đó lấy lại tinh thần, tâm lý thư thái".
"Nóng" vấn đề học thêm, dạy thêm
Học thêm, dạy thêm cũng là chủ đề "nóng" tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn. ĐBQH Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu) bức xúc, dù Bộ GD-ĐT nghiêm cấm nhưng thời gian gần đây, vẫn có tình trạng học thêm và dạy thêm bằng hình thức trực tuyến. Đặc biệt, có học sinh bị ép học thêm trực tuyến. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị các địa phương tăng cường rà soát ngay để ngăn chặn hiện tượng này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, dạy thêm, học thêm đã được bàn nhiều nhiệm kỳ Quốc hội nhưng vẫn chưa có hồi kết
ĐBQH Nguyễn Công Long (tỉnh Đồng Nai) đề nghị, cần phải giải quyết được tận gốc tình trạng dạy, học thêm bằng cách xác định căn nguyên của vấn đề: "Từ trước đến nay, chúng ta tiếp cận vấn đề dạy thêm, học thêm như một vấn nạn xã hội và xử lý theo cách cấm. Qua báo chí, chúng ta thấy có những nơi, người ta tổ chức mật phục, bắt quả tang giáo viên dạy thêm để xử lý, xử phạt, đưa lên cả báo chí. Tôi cho rằng, cách ứng xử đối với các nhà giáo như vậy không phù hợp. Hôm qua, có đại biểu của tỉnh Cà Mau ví von rằng, tại sao bên giáo dục thì cấm mà y tế thì không cấm. Hôm nay, các cử tri, giáo viên cũng đặt lại câu hỏi là tại sao ngành y được làm thêm mà ngành giáo dục lại không được dạy thêm". Ông cho rằng, việc dạy thêm, học thêm xuất phát từ thực tế là thu nhập của giáo viên quá thấp, rất nhiều giáo viên coi dạy thêm như một công việc mưu sinh.
Khẳng định dạy thêm và học thêm là vấn đề đã được nhắc rất nhiều từ các khóa QH trước và chưa có hồi kết, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Thái Nguyên) nêu bốn vấn đề cần quan tâm: phải giảm tải chương trình từ sách giáo khoa (học sinh phải tiếp thu khối lượng kiến thức rất nhiều và rất nhiều nội dung chưa thực sự phù hợp); phải đổi mới phương pháp dạy học; cần đổi mới phương pháp thi cử; xem lại cách tổ chức hệ thống trường học, nếu vẫn còn hệ thống trường chuyên thì đương nhiên xuất hiện nhu cầu dạy thêm, học thêm.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: Không bê nguyên chương trình vào dạy trực tuyến Dạy và học trực tuyến còn lâu dài. Do đó việc xây dựng chương trình học phù hợp, chuẩn bị tốt hạ tầng công nghệ... là những vấn đề nóng trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo Nguyễn Kim Sơn ngày 11-11. Học sinh tiêm vắc xin ngừa COVID-19 chuẩn bị cho việc trở lại trường tại TP.HCM...