Nếu có ý định đi du học Mỹ, hãy tham khảo ngay 5 việc làm thêm lương cao mà sinh viên Đại học Harvard ưa chuộng
Vừa đảm bảo việc học trên lớp, vừa kiếm tiền “thêm thắt” vào khoản sinh hoạt phí luôn là mong muốn của tất cả du học sinh.
Tài chính là vấn đề quan tâm hàng đầu của rất nhiều các bạn sinh viên Việt Nam có ý định đi du học, nhất là đối với một thị trường du học đắt đỏ như Mỹ – nơi có giá cả đắt đỏ chỉ sau Anh Quốc.
Có rất nhiều việc làm thêm tại đất nước đa chủng tộc này, tuy nhiên, không phải công việc nào cũng thoải mái thời gian đủ để tập trung cho việc học. Mới đây, những người dùng của trang mạng Quora đã liệt kê ra rất nhiều công việc giúp sinh viên Đại học Harvard có mức lương khá nhất. Hãy thử tìm hiểu 5 trong số các công việc này nhé!
Đối với các bạn du học sinh Việt Nam, kiến thức Toán học, đọc hay viết ở trình độ phổ thông là một thế mạnh tương đối lớn. Đây là đặc điểm rất phù hợp với công việc trợ giảng ở Mỹ. Với công việc này, sinh viên Harvard sẽ giúp giáo viên bản xứ hướng dẫn các em học sinh cấp 1, cấp 2, cấp 3 – những người không sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ mẹ đẻ – hiểu kỹ hơn về bài học cũng như các cách thức thực hành, làm bài tập,…
Để làm được công việc này, trước hết bạn phải là người kiên nhẫn và có niềm vui thú với các em nhỏ. Bởi đầu việc chính của trợ giảng là dạy kỹ cho các em hiểu hơn về bài học. Một yếu tố nữa cũng giúp bạn truyền cảm hứng học hỏi cho các em nhỏ là tinh thần tích cực và thái độ lạc quan. Còn về năng khiếu sư phạm cũng như kiến thức chuyên môn, đừng quá lo lắng bởi bạn hoàn toàn có thể hiểu bài bằng cách nghe trực tiếp thầy cô tại Mỹ giảng.
Mức lương cao nhất: 25 USD/1 giờ
Làm việc tại phòng thí nghiệm/nghiên cứu
Đây được coi là công việc trong mơ của tất cả du học sinh Mỹ bởi mức lương khá và tính vận dụng cao dành cho kiến thức học ở trường. Và điều này thì “vừa khớp” hoàn toàn với khả năng của một sinh viên Đại học Harvard.
Các bạn sinh viên thường làm việc độc lập hoặc được chia thành các nhóm để thu thập số liệu, lên kế hoạch cho các chương trình thực nghiệm, khảo sát các mẫu thử, phụ giúp các giáo sư sử dụng công cụ nghiên cứu,… Ba lĩnh vực thí nghiệm siêu hot dành cho tất cả các sinh viên là pháp lý, y tế và chế tạo.
Mặc dù là công việc chuyên môn nhưng những sinh viên hoàn toàn không bắt buộc phải có một tấm bằng cử nhân hay một kiến thức quá cao siêu thuộc ngành nghề nghiên cứu. Tuy nhiên, bạn nhất định phải là người tỉ mỉ và (nên) có ý định đi tiếp con đường học thuật sau khi ra trường. Bên cạnh đó, một nhân viên hỗ trợ tại phòng thí nghiệm giỏi là người có đầu óc tư duy logic và kỹ năng giao tiếp tốt. Hãy nhớ rằng, nếu bạn không biết bất cứ thứ gì, thì chỉ có một cách duy nhất, đó là chủ động hỏi!
Mức lương cao nhất: 28 USD/1 giờ
Gia sư cho các sinh viên khóa dưới
Khi nhắc đến cụm từ “gia sư”, rất nhiều bạn sinh viên ngần ngại bởi hầu hết đều liên tưởng đến những viễn cảnh trớ trêu của “ngành” gia sư tại Việt Nam. Tuy nhiên, rất nhiều trường Đại học ở Mỹ đã xuất hiện các tổ chức được thành lập với mục đích giúp đỡ các sinh viên khóa dưới học tập.
Điểm khác biệt của các tổ chức này với những trung tâm ở Việt Nam đó chính là sự tuyển chọn gia sư khá gắt gao và chọn lọc. Bên cạnh kiến thức sách vở, các bạn sinh viên muốn trở thành gia sư còn phải có tính cách và khả năng diễn đạt phù hợp. Tại Mỹ, Bureau of Study Counsel là một tổ chức nổi tiếng với các sinh viên Harvard có nền tảng kiến thức chắc chắn. Trụ sở của tổ chức này cũng được đặt tại ngay khuôn viên của Đại học Harvard.
Nếu tự tin với lượng kiến thức của mình, bạn hoàn toàn có thể trở thành gia sư từ năm hai để vừa ôn lại kiến thức cho bản thân, vừa kiếm thêm chút thu nhập trang trải sinh hoạt phí.
Video đang HOT
Mức lương cao nhất: 20 USD/1 giờ
Nhân viên bảo tàng, trung tâm nghệ thuật…
Đừng nghĩ việc của nhân viên bảo tàng hay thư viện chỉ đơn giản là kiểm soát vé vào cửa hay sử dụng máy tính để… thu ngân. Trên thực tế, những sinh viên muốn ứng cử vào vị trí này phải có đầu óc quan sát và tư duy logic khá ổn. Vì thế, đây cũng là một công việc khiến rất nhiều các bạn sinh viên Harvard cân nhắc khi muốn đi làm thêm.
Mặc dù công việc này không yêu cầu bằng cấp, nhưng nếu khi đi xin việc, bạn chứng tỏ được lượng kiến thức của bản thân phù hợp với công việc, thì đó sẽ là một điểm cộng. Ví dụ, một bạn du học sinh có bằng Cử nhân chuyên ngành Khảo cổ học sẽ rất dễ được chọn làm nhân viên bảo tàng trưng bày hóa thạch khủng long.
Bên cạnh lượng kiến thức cần thiết, những kỹ năng mềm như tổ chức sự kiện, làm việc nhóm, quản lí thời gian, quản lí dự án,… sẽ giúp ích rất nhiều trong quá trình làm nhân viên bảo tàng.
Mức lương cao nhất: 19 USD/ 1 giờ
Hỗ trợ quay bài giảng
Tại rất nhiều trường Đại học, việc giảng dạy bằng video vừa giúp đem lại kiến thức một cách trực quan, vừa giúp các giáo sư không phải nói quá nhiều về một nội dung. Tuy nhiên, đối với các bạn sinh viên, nhất là các bạn sinh viên quốc tế, điều nay tạo ra một trở ngại khá lớn. “Du học sinh như mình thường không nghe được hoàn toàn nội dung của bài giảng bởi vẫn còn rào cản ngôn ngữ. Ngay cả các bạn sinh viên bản xứ cũng muốn xem lại video để “ngấm” bài giảng hơn”, Kim Ngân (du học sinh Mỹ) chia sẻ.
Vì vậy, công việc quay phim bài giảng đã được ra đời tại rất nhiều Đại học tại Mỹ. Tuy công việc này thường không đòi hỏi có kỹ năng gì, nhưng để “trụ” được lâu dài thì thường chỉ có các sinh viên đến từ các trường Đại học lớn – những người ham học hỏi và muốn trải nghiệm cách giảng dạy của nhiều giảng viên.
Mức lương cao nhất: 19 USD/1 giờ
Theo Helino
10 đại học lâu đời nhất nước Mỹ
Đại học Harvard được thành lập năm 1636 là trường già nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là một trong những cơ sở giáo dục uy tín nhất thế giới.
1. Đại học Harvard
Năm thành lập: 1636.
Tọa lạc tại Massachusetts, ban đầu trường được gọi là New College, sau đó đổi tên thành Harvard để vinh danh công lao John Harvard, người đã trao tặng tài sản cho trường. Đây là một trong những trường nổi tiếng nhất thế giới, hiện đứng thứ hai trên bảng xếp hạng QS World University Rankings; dẫn đầu thế giới về Khoa học đời sống và Y khoa. Ảnh: Diary Store
2. Đại học William & Mary
Năm thành lập: 1693.
Đại học William & Mary được đặt theo tên nhà vua và hoàng hậu đồng trị vì nước Anh tại thời điểm đó - những người đã cấp chứng nhận hoàng gia cho trường (sớm nhất trong số đại học tại Mỹ). Theo QS Community, đây là đại học cổ nhất miền Nam nước Mỹ và cũng là trường đầu tiên của Mỹ đặt ra quy tắc xử sự cho sinh viên. Ảnh: William & Mary
3. Đại học St John's
Năm thành lập: 1696.
St John's là trường giáo dục khai phóng, ban đầu có tên King William's School. Năm 1784, trường được đổi tên thành Đại học St John's. Hiện đại học này có hai cơ sở ở bang Maryland và New Mexico. Ảnh: Pascal Parent Photos
4. Đại học Yale
Năm thành lập: 1701.
Ban đầu, trường có tên gọi là Collegiate School, đến năm 1718 thì được đổi thành Yale nhằm vinh danh Elihu Yale, nhà lãnh đạo công ty Đông Ấn Anh Quốc. Yale được thành lập với mục đích đào tạo các mục sư về lĩnh vực thần học và ngôn ngữ sùng kính. Nhưng vào năm 1777, chương trình giảng dạy của trường thêm vào các môn khoa học và nhân văn. Năm 1861, Yale là đại học đầu tiên của Mỹ cấp bằng tiến sĩ. Ảnh: Visit CT
5. Đại học Pennsylvania
Năm thành lập: 1740.
Trường được thành lập bởi Benjamin Franklin, là đại học đầu tiên ở Mỹ có chương trình giảng dạy cả bậc đại học và sau đại học. Penn cũng là một trong những trường đầu tiên trong nước sở hữu chương trình giảng dạy đa ngành với nhiều lĩnh vực. Năm 1765, trường trở thành đại học đầu tiên ở Mỹ có một trường y khoa. Ảnh: Philadelphia Magazine
6. Đại học Moravian
Năm thành lập: 1742.
Tọa lạc tại Bethlehem, Pennsylvania, ngôi trường này được thành lập bởi nữ bá tước Begina von Zinzendorf với danh nghĩa là trường nữ sinh Bethlehem - trường nội trú dành cho nữ sinh đầu tiên ở Mỹ. Moravian đã đạt được danh tiếng khi George Washington gửi đơn tới hiệu trưởng nhà trường xin nhập học cho hai cháu gái. Trường nữ sinh Moravian ngày càng được biết đến nhiều hơn và chính thức nhận giấy phép cấp bằng cử nhân vào năm 1863. Năm 1954, trường mở rộng cho cả nam sinh theo học. Ảnh: You Visit
7. Đại học Delaware
Năm thành lập: 1743.
Tọa lạc tại Newark, lúc khởi điểm là "Free School", trường đã trải qua nhiều lần đổi tên và địa điểm. Từ khi Delaware trở thành một phần thuộc địa của Pennsylvania đến năm 1776, trường bị từ chối cấp giấy phép để ngăn chặn việc cạnh tranh với Đại học Pennsylvania. Đến nay, trường đã khẳng định được chất lượng giảng dạy và được QS xếp trong top 450 đại học hàng đầu thế giới. Ảnh: University of Delaware
8. Đại học Princeton
Năm thành lập: 1746.
Tên gọi ban đầu của ngôi trường này là Đại học New Jersey, do những người New Light Presbyterians lập nên để đào tạo giáo sĩ. Do đó, Princeton chứa đựng nhiều đặc trưng lịch sử. Tòa nhà cổ nhất của trường là Nassau Hall đã tồn tại từ năm 1756. Ảnh: Fb/Princeton University
9. Đại học Washington & Lee
Năm thành lập: 1749.
Washington & Lee là trường giáo dục khai phóng ở Lexington, Virginia. Nó từng có hai tên gọi khác là Augusta Academy và Liberty Hall. Washington trở thành một phần tên trường nhằm vinh danh George Washington - người đã quyên tặng 20.000 USD, một món quà lớn chưa từng có đối với một trường đại học Mỹ vào năm 1796. Tên phía sau "Lee" hiện nay đặt theo tên Đại tướng Robert E. Lee, hiệu trưởng của trường từ năm 1865 đến năm 1870. Ảnh: Youtube
10. Đại học Columbia
Năm thành lập: 1754.
Tọa lạc tại thành phố New York, Columbia được công nhận là đại học Hoàng gia vào năm 1754 bởi nhà vua Anh George Đệ nhị, và đổi tên thành Đại học Columbia năm 1784 sau khi nước Mỹ giành được độc lập. Columbia là đơn vị chủ trì cho Giải thưởng Pulizer nổi tiếng hàng năm. Ảnh: Columbia University
Dương Tâm
Theo vnexpress.net
10 người giàu nhất nước Mỹ là cựu sinh viên trường nào? Nhiều tỷ phú lấy bằng từ đại học thuộc khối Ivy League danh giá, trong khi một số người chưa hoàn thành chương trình cử nhân nào. Jeff Bezos: Đại học Princeton Với giá trị tài sản ròng ước tính 112 tỷ USD, nhà sáng lập kiêm CEO của Amazon không chỉ giàu nhất nước Mỹ mà còn giàu nhất thế giới. Ông...