Nếu buộc phải lựa chọn: AOE vẫn hay hơn hẳn DotA
Sự so sánh, chia sẻ và cảm xúc của một game thủ đã và đang chơi cả hai game chiến thuật được coi là nổi nhất ở Việt Nam hiện nay. Tôi hiện đang chơi cả Đế chế ( AOE) và DotA. AOE bắt đầu chơi từ những năm học cấp 3, sau đó dừng lại khoảng thời gian đại học cho DotA và bây giờ tập tành trở lại.
Nhiều lúc cũng muộn phiền vì trên Garena, các phòng DotA lúc nào cũng hơn 200 người với cả trăm room, còn AOE thì lèo tèo vài mống. Tuy nhiên, tôi biết rằng, ở bên ngoài kia, trong các quán game, mọi người vẫn chơi AOE cùng nhau mà chẳng cần biết tới cái gọi là Garena.
Địa hình và bản đồ khác nhau của mỗi trận AOE tạo ra sự hứng thú và bất ngờ cho từng game đấu.
Nhiều người bạn đã tranh cãi và bảo tôi rằng DotA thì phức tạp hơn AOE vì có tới hơn một trăm nhân vật, mỗi loại lại có đặc tính khác nhau với bốn kỹ năng, hàng chục loại trang bị với vô vàn kiểu kết hợp. Khi tổng hợp lại sẽ là hàng ngàn điều phải nhớ cũng như hàng trăm cách tùy biến khác nhau. Nhưng khi so sánh, tôi nhận ra rằng rất nhiều người cả năm trời vẫn chỉ có thể chơi chuyên được một vài loại nhân vật trong DotA, với những cách lên đồ không khác gì nhiều trong mỗi trận đánh. Còn với AOE, sự đa dạng và phức tạp, luôn luôn thay đổi của nó xuất hiện ngay từ đầu game với các dạng địa hình cùng tài nguyên khác nhau. Nói một cách khác, DotA là trò chơi đơn giản dựa trên một hỗn hợp “nguyên liệu” ban đầu đồ sộ, như kiểu mọi người lựa chọn đĩa thức ăn trong buổi buffet hoành tráng. Còn với AOE, bạn như một đầu bếp tạo ra hàng trăm món nhậu dựa trên những nguyên liệu đơn giản và không đa dạng ban đầu. Và rõ rồi, tôi thích mình là một người đầu bếp hơn suốt ngày làm thực khách đi chọn món để ăn.
Xin phép được trích dẫn một câu mà bạn tôi hay nói: “Hiếm có một game nào dễ chơi nhưng lại vô cùng như Chế”.
Trong DotA, game thủ chỉ phải điều khiển một nhân vật nhưng đòi hỏi tinh thần đồng đội cao.
Khi chơi DotA, tôi phải chấp nhận hi sinh và nhường nhịn nhiều hơn. Khi đồng đội mình là late, tôi phải nhường last hit, nhường cho họ KS đối phương, nhường land, nhường bãi quái. Gần như mọi lúc phải quan sát tất cả mọi người, xem họ đang làm gì, ở đâu, có gặp nguy hiểm gì không, chuẩn bị combat như thế nào. Dù hạnh phúc trong chiến thắng chung nhưng khi phải kết hợp với những “con gà” (xin phép gọi những bạn newbie như vậy), khi phải cùng đội với quiter, feeder, niềm hạnh phúc khi chơi game được thay bằng cơn phẫn nộ.
Những lúc như vậy, tôi thường lặng lẽ dừng lại và chuyển sang AOE, nơi mà những nỗ lực và khả năng của bản thân được đề cao một cách gần như tuyệt đối. Trong AOE, mỗi tương hỗ thật sự không nhiều cho tới khi bạn đã đủ mạnh mẽ và có khả năng đàn áp. Tôi biết và luôn tự nhủ mình phải nhanh hơn, phải đông quân hơn, “bá đạo” hơn. Quiter không nhiều bởi phần lớn đó là anh em bạn bè, feeder không ảnh hưởng tới thế trận của tôi, và tôi cũng có thể tập trung vào “sự nghiệp” riêng của mình hơn để “cái tôi” được thể hiện.
Trong AOE, người chơi phải khiển cả trăm quân nhưng tính cá nhân vẫn vượt trội.
Video đang HOT
Khi chơi AOE, tôi không có cảm giác gay cấn, hồi hộp, hấp dẫn hay li kì bằng DotA nhưng nếu hỏi rằng game nào khiến tôi tập trung và tính toán nhiều hơn, AOE lại giành phần thắng. Chơi DotA, tôi có thể thả lỏng cho đầu óc mình mỗi khi hero chạy về hồi máu, khi farm rừng, khi di chuyển ở các khu vực an toàn. Còn AOE, mỗi giây mỗi phút đều là vàng bạc, là dân công, là gỗ thịt đá vàng, là lo lắng… Còn nói về sự cân bằng, có thể tính chi li các chỉ số thì DotA sẽ vượt trội nhưng với AOE, “dĩ bất biến ứng vạn biến”, lợi thế hơn thiệt về loại quân lúc đầu cũng chẳng phải là điều mười mươi có thể quyết định tỉ số trận đấu.
Chơi AOE, tôi cũng không phải chịu những lời mắng nhiếc quá nặng nề hay những câu chửi đầy tính miệt thị của những người xa lạ suốt cả trận đấu bởi đâu có nhiều thời gian “chết” để gõ phím. Kỹ năng điều khiển nhanh nhạy từ AOE cũng khiến cho việc chơi DotA tiến bộ lên khá nhiều.
Bên cạnh đó, tôi đã có thêm một sở thích và niềm đam mê mới là những buổi tường thuật trực tiếp các cao thủ AOE thi đấu thường xuyên trên mạng hàng tuần. Không tốn thời gian quá dài nhưng rất thú vị, đây thực sự là khoảng thời gian xả stress sau những ngày làm việc. Điều mà tôi không thể cảm nhận hoặc quá khó để tiếp xúc như với các trận thi đấu DotA.
Tôi thích cả hai nhưng nếu buộc phải chọn, AOE sẽ thắng.
Một điều khiến tôi thích thú với AOE hơn nữa là chỉ cần ra ngoài với một người bạn, tôi cũng có thể chơi được, 2 người hay 3 người nữa, vẫn chơi được chứ không phải chờ đủ 10 người hay “mượn” tạm một ai đó lạ hoặc ở tận đâu đâu làm đồng đội. Thậm chí, chúng tôi chơi được AOE khi cả quán game mất mạng.
Dù sao đi nữa, tôi vẫn cố gắng chơi cả AOE và DotA mỗi khi rảnh rỗi, đi cùng bạn bè ra quán game hoặc ở nhà một mình. Cho dù có nhiều thứ thay thế khác như HoN, LoL hay DotA 2, tôi nghĩ là mình vẫn sẽ tiếp tục với hai “tình yêu” này trong một thời gian dài nữa.
Theo Gamesao
Những "từ lóng" khó đỡ của game thủ AoE Việt
Hình tượng, tính cách của nhân vật đều phản ánh khá chính xác con người thực của chủ sở hữu chúng, thế nên những gì mà thế giới thực có thì hầu như cũng xuất hiện trong thế giới ảo này, lẽ đương nhiên từ lóng cũng không phải là ngoại lệ.
Nếu chỉ xét về phương diện từ lóng thì hầu hết các tựa game đều có, điều đó không quá khó hiểu bởi trên thực tế game có thể coi là một thế giới thu nhỏ (thế giới ảo), hình tượng, tính cách của nhân vật đều phản ánh khá chính xác con người thực của chủ sở hữu chúng, thế nên những gì mà thế giới thực có thì hầu như cũng xuất hiện trong thế giới ảo này, lẽ đương nhiên từ lóng cũng không phải là ngoại lệ.
Tuy nhiên, mỗi tựa game khác nhau lại có hệ thống từ lóng khác nhau, điều này dựa trên đặc thù của từng game. Mặc dù vậy, có lẽ bộ từ lóng được đánh giá là nhí nhảnh và khó đỡ nhất trong cộng đồng eSport hiện nay sẽ thuộc về tựa game Đế Chế (hay còn gọi là AoE). Chính từ những đặc tính khá khác biệt so với các "đồng nghiệp" khác về nhiều mặt cộng thêm một chút "tâm hồn lãng mạn" của các game thủ đã làm nên điều "đặc biệt" này.
1. Ôsin
Một từ ngữ dường như đã quá quen thuộc đối với hầu hết mọi người, đó là một danh từ chỉ những người giúp việc trong gia đình, và chắc cũng không khó để đoán ra được đâu là đối tượng ám chỉ của nó chính là những chú nông dân cần mẫn, yếu tố quyết định để làm nên một đế chế hùng mạnh sau này. Thế nhưng, không phải nông dân nào cũng được gọi bằng biệt danh như thế.
Ôsin là cái tên được đặt cho các chú dân có nhiệm vụ đi dò đồ ăn (đi chợ).
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây là nông dân thế nào mới được gọi là Ôsin? Rất đơn giản, đó là những chú nông dân được cho đi dò đường với nhiệm vụ tìm các nguồn tài nguyên thiên nhiên (thường lúc đầu chủ yếu là dò thực và gỗ). Gamer AoE còn nói vui với nhau rằng đây không khác gì công việc đi chợ, từ đó từ lóng Ôsin đã được hình thành.
Có thể nói vai trò của các Ôsin này vào thời điểm ban đầu cũng rất quan trọng, chỉ cần dò sót một khoảng tối nào đó thôi mà trong đó lại có đồ ăn (Hươu, voi, quả) thì xác định là thiệt hại cực lớn (kích đời chậm, lực không mạnh). Ngoài ra nếu gặp sư tử mà bị cắn chết thì chắc chắn người chủ sẽ "khóc không ra nổi nước mắt".
2. Cơ động
Lại là một từ quá quen thuộc với chúng ta ngày nay, đặc biệt là với các bạn trẻ hay vi vu ngoài đường, ý nghĩa của danh từ này là gì chắc không nói ai cũng hiểu. Trong AoE, đây là từ dùng để ám chỉ các đạo chém được giao nhiệm vụ đi quấy phá, truy tìm tung tích của nông dân đối phương và tiêu diệt chúng càng nhiều càng tốt.
Đội cơ động này có nhiệm vụ tìm những chú dân ngáo ngơ để "thịt".
Cách đánh này thường được những game thủ đầu cánh đánh chém áp dụng, mục đích của họ là tiêu diệt, quấy phá đối phương một cách tối đa có thể nhằm cầm chân chúng ở nhà hoặc không cho rảnh tay để phát triển, từ đó tạo cơ hội thuận lợi cho đồng đội phát triển mạnh để rồi khi đẩy quân ra là chiếm được luôn thế thượng phong.
Ở ngoài đời, các thanh niên của chúng ta sợ phải gặp cơ động là bao nhiêu thì trong AoE nông dân cũng sợ bấy nhiêu, đặc biệt là các cơ động chất lượng cao như Macedonian, Palmyran thì cơ hội sống sót là rất thấp. Tuy nhiên, với một số nông dân mang trong mình phẩm chất của tay lái lụa như Yamato, Assyrian thì sẽ xuất hiện những cuộc rượt đuổi ngoạn mục mà chưa biết chắc được ai sẽ là người chiến thắng.
3. SH
Vâng, ngay cả đến một trong những chiếc xe máy đắt tiền nhất Việt Nam hiện nay cũng được game thủ chúng ta sử dụng, đối tượng lần này không phải là ai hoặc thứ gì được làm ra trong quá trình phát triển mà lại là những chiến xe kéo có sẵn trên bản đồ. Nó là những chiếc xe dùng vào mục đích thay nông dân đi thăm dò bản đồ (tài nguyên hay thậm chí là nhà của kẻ địch).
Một đặc tính rất đặc biệt của chiếc xe này là chỉ cần dùng bất cứ đơn vị quân nào (kể cả nông dân) tiến đến gần là có thể thu phục nó về sử dụng, thế nên người chơi sẽ phải cực cẩn thận nếu không muốn tặng nguyên một chiếc xe SH cho đối phương. Mặc dù được gọi với cái tên sang đến như vậy nhưng chiếc xe này lại không lợi bằng nông dân bình thường bởi lý do tầm nhìn của nó rất hẹp. Người chơi muốn tận dụng một cách tối đa khả năng của xe thì buộc phải dùng tay chỉ từng vị trí một hoặc cắm cờ cực kín để không bỏ sót vị trí nào.
4. Vườn Thú
Chắc hẳn bất cứ một game thủ AoE nào cũng muốn nhà mình được như một vườn thú (hay còn gọi là sở thú). Bởi nó có nghĩa là vị trí đó tồn tại rất nhiều đồ ăn nhanh như hiêu, voi quanh nhà, người chơi sẽ dễ dàng lùa chúng về căn cứ chính và khai thác, từ đó tốc độ lên đời sẽ cực nhanh. Nói một cách ngắn gọn, dễ hiểu hơn thì một game thủ bình thường mà nhà như là vườn thú thì hoàn toàn có thể đánh bại một cao thủ mà nhà không được như vậy.
Nhà mà như sở thú thế này thì chả xoắn bất cứ game thủ nào cả.
Tuy nhiên, nếu mà sở thú mà lại toàn là sư tử (đơn, đôi, ba) thì không cẩn thận trận đấu sẽ kết thúc trước cả khi kịp lên đời 2, nguyên nhân không phải là do các đối thủ tấn công nhau mà lại là do dân đi dò gặp sư tử bị cắn chết nhiều nên nản dẫn đến quit. Nhưng nhà như vậy cũng có điểm lợi của nó, những chú sư tử này sẽ có thể trở thành vệ sĩ đáng tin cậy để chống lại ngựa dò đối phương ở những thời điểm cuối đời 2 đầu đời 3.
5. Tù (nhiệt)
Tù ở đây không phải hiểu theo nghĩa tù tội mà là tù túng, cụ thể từ này được dùng để ám chỉ những bài mà game thủ phải đối diện với vô vàn khó khăn do thiếu tài nguyên (thực tù, gỗ tù), khi gặp một bài như vậy thì dù có cao thủ đến đâu người chơi cũng không thể kích đời ba chuẩn được (gần như không thể kích trước phút 11).
Cung R mà bị đánh cho tù gỗ thì xác định là thua luôn.
Ngoài ra thì tù cũng được sử dụng để ám chỉ một game thủ bị đối phương đánh bay đám dân làm ăn ở một vị trí nào đó (bãi gỗ, bãi vàng, ruộng...), trong AoE thì đây cũng được coi là yếu tố tối quan trọng, với những chủng tộc cần vàng như Yamato, Cartha, Macedonian... thì chỉ cần chém tù bãi vàng thôi là gần như biến họ thành những kẻ vô dụng rồi.
Theo Gamesao
Những tuyệt chiêu ép đời của các đại cao thủ đế chế Việc ép đời sớm hơn đối thủ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của bất kì một người chơi đế chế nào. Ép đời trong đế chế không khó, cái khó ở đây là thao tác của người chơi có thực sự hợp lý hay không, trong mọi trường hợp thắp hương khấn vái, ăn ở đức độ sẽ luôn được...