Nét đẹp văn hóa của bộ tộc hiếu khách
Người Chukchi sống trên bán đảo Chukotka (thuộc khu tự trị của Nga) vẫn luôn được biết đến là bộ tộc hiếu khách, với những nét đẹp văn hóa truyền thống được duy trì trong nhiều thế kỷ.
Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường, khai thác mỏ và việc lạm dụng các máy móc công nghiệp đang ảnh hưởng nặng nề đến môi trường bán đảo, đặt ra bài toán đối với chính quyền địa phương trong việc gìn giữ các giá trị truyền thống.
Người Chukchi nổi tiếng hào hiệp và tốt bụng, đang sinh sống trên bán đảo Chukotka, khu vực thưa dân nhất của Nga. Vào thế kỷ 16, các bộ lạc du mục đến Chukotka với nghề chăn nuôi tuần lộc, sống chủ yếu trong các đồng bằng cằn cỗi. Mãi sau này, người Chukchi mới hướng ra biển và đánh bắt hải sản. Thăm vùng đất này vào mùa thu, du khách có thể tham gia các phiên chợ trao đổi sản vật tự nhiên. Các loại hải sản, rong biển được mang lên bờ để đổi lấy áo choàng da thú, xúc xích, rau củ từ đất liền.
Áo choàng kerker là vật dụng tạo được sức hút lớn trong các cuộc ngã giá. Là trang phục truyền thống của người Chukchi, loại áo choàng này dài tới đầu gối, được làm từ da tuần lộc hoặc hải cẩu, được trang trí bằng lông cáo, chó sói. Nơi đây cũng nổi tiếng với tượng điêu khắc hay tác phẩm chạm trổ trên xương và ngà hải mã, với các chủ đề được lấy cảm hứng từ khung cảnh thiên nhiên hay hoạt động thường ngày như đi săn, đi biển…
Căn lều yaranga của người Chukchi. Ảnh: FISHKI.NET
Video đang HOT
Tại Chukotka, người bản địa chỉ chiếm khoảng 25% dân số. Số còn lại là những người ở nơi khác đến làm ăn và quyết định ở lại. Môi trường sống khắc nghiệt với cái lạnh có lúc xuống tới âm 50 độ C khiến cuộc sống nơi đây gặp nhiều khó khăn, song sự rộng lượng và lòng tốt luôn là những phẩm chất được đề cao ở người Chukchi. Họ không từ chối cho người khác chỗ trú chân và thức ăn, kể cả người lạ. Trong văn hóa của người Chukchi, việc từ chối giúp đỡ là điều cấm kỵ.
Không khó để bắt gặp hình ảnh các đoàn khách ngồi xe kéo phía sau những chú tuần lộc ghé thăm bản làng nơi đây. Họ được chào đón một cách nồng nhiệt. Mỗi chuyến xe mang theo một câu chuyện về thế giới bên ngoài. Các bộ tộc ở Chukotka, cả sâu trong đất liền và dọc bờ biển, vẫn chưa hiểu rõ tường tận về cuộc sống trên Trái đất. Trong khi đó, du khách đến đây lại không thể giấu sự tò mò về “tổ ấm” yaranga – chiếc lều hình nón truyền thống được làm từ da hươu của người Chukchi, vốn được xem là “cả thế giới” với bộ tộc, nhưng đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà được trang bị hệ thống lò sưởi.
Việc nhiều công ty nước ngoài đầu tư vào bán đảo để khai thác mỏ đã rộ lên từ lâu, nên không ít người chăn tuần lộc và thợ đi biển ở Chukotka “bỗng nhiên” trở thành công nhân xây dựng và khai thác khoáng sản. Ngay cả những người săn cá voi cũng có thể dễ dàng kiếm cho mình một vài chiếc thuyền máy. Thực tế, việc Chukotka được đầu tư đã mang lại cuộc sống khác đi cho người bản địa. Song, ô nhiễm môi trường, lạm dụng máy móc công nghiệp lại đang ảnh hưởng tiêu cực lên đời sống người dân, dấy lên lo ngại làm mai một các nét đẹp truyền thống. Tuy vậy, người Chukchi luôn biết tự bảo vệ mình, bảo vệ các giá trị mang tính biểu tượng.
Thay vì cho rằng người trẻ Chukchi đang bị cuốn theo lối sống hiện đại, Natalia – một người Chukchi tin rằng văn hóa truyền thống của vùng Chukotka đang tái sinh mạnh mẽ. Bà cho biết, cứ thứ ba và thứ sáu hằng tuần, người dân trong làng lại cùng nhau tập luyện các điệu nhảy truyền thống và phổ biến ngôn ngữ bản địa. Trong khi đó, văn hóa Chukchi cũng được Chính phủ Nga ủng hộ và tạo điều kiện bảo tồn, khi các vũ công địa phương được mời tham gia nhiều sự kiện giao lưu văn hóa quốc tế.
Evgeniy, một thành viên của bộ tộc ở Chukotka, dù đã không còn thường xuyên có mặt trên bán đảo do bận lưu diễn, song vẫn luôn hướng về quê hương. Evgeniy khẳng định, những người trẻ trên bán đảo Chukotka vẫn bị cuốn hút bởi những giá trị truyền thống, cả văn hóa, ngôn ngữ và kỹ năng săn bắn. “Họ đang học cách đi biển và săn bắn hằng ngày. Tại nơi chúng tôi sống, mọi người vẫn duy trì những nét đẹp văn hóa bản địa”, Evgeniy cho hay.
Theo nhandan.com.vn
Quảng Ninh hướng tới khai thác loại hình du lịch MICE
Tỉnh Quảng Ninh sẽ tổ chức Tuần Lễ Liên hoan Xiếc Thế giới - Hạ Long từ ngày 11/11/2019 đến ngày 17/11/2019, với sự hợp tác của Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đây là một trong hướng đi để Quảng Ninh phát triển mô hình du lịch MICE (du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện) dựa trên những tiềm năng và lợi thế sẵn có.
Khai thác lợi thế mới
Thực tế đến nay, những biến chuyển của du lịch Việt Nam đã đủ để cộng đồng nhận thức rõ tính hấp dẫn hợp lý của mô hình du lịch MICE. Hầu hết địa phương có tiềm năng du lịch trong nước, đều quan tâm khai thác ngành kinh tế không khói theo hướng này. Quảng Ninh, với những lợi thế đã định vị rất rõ trên bản đồ du lịch quốc gia, cũng dĩ nhiên chọn du lịch MICE.
Hình ảnh du lịch Vịnh Hạ Long sẽ ngày càng được quảng bá rộng rãi.
Những lợi thế về cơ sở hạ tầng và tiềm năng du lịch văn hóa tại Quảng Ninh, như quần thể di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, hệ thống điểm văn hóa tâm linh, làng nghề truyền thống như đóng tàu vỏ gỗ Cống Mương, gốm sứ Đông Triều... đã nổi tiếng từ lâu. Những hoạt động của địa phương, qua xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều doanh nghiệp đã tạo nền tảng để cộng đồng quan tâm đến cơ hội trải nghiệm du lịch Quảng Ninh.
Từ thực trạng đó, ngành du lịch Quảng Ninh đã đưa ra nhiều hướng đầu tư thích hợp mô hình MICE. Đến nay, tỉnh có hơn 20.000 phòng thuộc 1.380 cơ sở lưu trú, trong đó có 214 khách sạn, cùng 32 tour tuyến, 78 điểm du lịch với hơn 500 tàu, hàng ngàn phương tiện chuyên chở đường bộ khác nhau. Bối cảnh kinh tế chung và nỗ lực đầu tư riêng đang mở ra cho địa phương những cơ hội tốt về phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch MICE, ở tầm cỡ quốc tế.
Tuần Lễ Liên hoan Xiếc quảng bá hình ảnh du lịch Quảng Ninh
Ở góc độ xây dựng quan hệ kết nối du lịch MICE, tổ chức sự kiện đóng vai trò then chốt. Từ một lễ hội, hội thảo, hay hoạt động ký kết đầu tư, các địa phương sẽ có thể hợp tác với các đơn vị du lịch để thiết kế các chương trình MICE. Một chuỗi sự kiện lớn, một tuần lễ văn hóa, giao thương lớn, luôn là những điểm tựa quan trọng cho mô hình du lịch MICE phát triển.
Bởi vậy, tỉnh Quảng Ninh đã hợp tác cùng Liên đoàn Xiếc Việt Nam tổ chức Tuần Lễ Liên hoan Xiếc Thế giới - Hạ Long 2019. Ở các quốc gia, xiếc cũng là lĩnh vực văn hóa đậm bản sắc dân tộc. Do đó, tổ chức Tuần Lễ Liên hoan Xiếc Thế giới - Hạ Long 2019, cũng đồng nghĩa cơ hội cuốn hút một lượng lớn du khách trẻ tuổi và những người yêu thích sinh hoạt cộng đồng đến với Quảng Ninh.
Tuần Lễ Liên hoan Xiếc Thế giới - Hạ Long 2019 sẽ quy tụ hơn 100 nghệ sĩ của các tổ chức xiếc đến từ Mỹ, Anh, Canada, Italy, Cuba, Brazil, Đức, Nga, Lào, Ai Cập, Nhật Bản, Mexico, Chile, Campuchia ... và các đơn vị nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp của Việt Nam. Tuần Lễ Liên hoan Xiếc có chủ đề "Chương mới cho một kỳ quan" sẽ có nhiều hoạt động nổi bật, như diễu hành nghệ thuật xiếc đường phố, đêm Gala công diễn các tiết mục xiếc đặc sắc và phần trình diễn của ca sĩ trẻ nổi tiếng - Sơn Tùng MTP, tọa đàm "Nghệ thuật xiếc với tiềm năng phát triển du lịch", Lễ hội ẩm thực Quốc Tế - Hạ Long 2019 và giọng hát hàng triệu lượt theo dõi - ca sĩ Bảo Anh. Đây sẽ là dịp Quảng Ninh khẳng định rõ hơn những giá trị văn hóa, du lịch.
MICE trên nền tảng một vùng đất hội tụ danh lam thắng cảnh hứa hẹn sự thành công lớn. Tuần Lễ Liên hoan Xiếc Thế giới - Hạ Long 2019 dự kiến sẽ trở thành sự kiện thường niên của tỉnh Quảng Ninh.
Theo baotintuc.vn
Du khách Việt có thêm cung đường trải nghiệm tới thành phố di sản Hàn Quốc Du lịch Hàn Quốc vừa mở một cung đường mới đến cố đô Hàn Quốc (tỉnh Gyeongsangbuk - miền trung Hàn Quốc) mang đến những trải nghiểm về văn hóa truyền thống xứ kim chi. Cố đố này được nhiều du khách ví như xứ Huế của Việt Nam. Khác với những thành phố năng động, sầm uất như Seoul hay Busan... Gyeongju...