Nền tảng chính sách: Khơi nguồn đổi mới, tạo động lực cho đội ngũ
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng các yêu cầu mới.
Cô và trò Trường Mầm non Đồng Quang (TP. Thái Nguyên). Ảnh minh họa: Đại Quang
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết như trên và nhận định rằng những chính sách này tác động, ảnh hưởng tích cực tới đội ngũ nhà giáo, thông qua đó giúp các cơ sở giáo dục, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục.
Hàng loạt chính sách tạo động lực
- Trong năm học đặc biệt 2020, có những chính sách đáng chú ý nào với nhà giáo thưa ông?
- Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đội ngũ nhà giáo để đáp ứng yêu cầu của các luật liên quan cũng như tháo gỡ những bất cập trong thực tế công tác phát triển đội ngũ của các địa phương luôn là nhiệm vụ trọng tâm được Bộ GD&ĐT và Bộ trưởng ưu tiên, tập trung nguồn lực để thực hiện. Chính vì vậy, mặc dù năm 2020 đầy khó khăn nhưng Bộ GD&ĐT vẫn hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra trong xây dựng hệ thống quy định chính sách phát triển đội ngũ nhà giáo. Có thể kể đến một số chính sách mới về nhà giáo được ban hành năm 2020:
Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT).
Thứ nhất, quy định chế độ trợ cấp với nhà giáo đã nghỉ hưu nhưng chưa được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên trong lương hưu (Nghị định 14/2020/NĐ-CP). Theo đó, từ ngày 15/3/2020, một số nhóm chưa được hưởng phụ cấp thâm niên trong lương hưu từ 1/1/1994 – 31/5/2011 được hưởng mức trợ cấp một lần bằng tiền, tính bằng (lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp.
Thứ hai, Bộ GD&ĐT đã tham mưu Chính phủ ban hành chính sách chính sách phát triển giáo dục mầm non (Nghị định 105/2020/NĐ-CP); chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm (Nghị định 116/2020/NĐ-CP). Những chính sách này là sự cụ thể hóa các quy định trong Luật Giáo dục năm 2019 mà Bộ GD&ĐT đã chủ động rà soát, hoàn thiện để bảo đảm sự hỗ trợ tối đa đối với đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba, quy định về lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Ngay sau khi Luật Giáo dục năm 2019 có hiệu lực, Bộ GD&ĐT trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2020/NĐ-CP với lộ trình cụ thể và những hỗ trợ của Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhờ đó, việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên sẽ tạo chuyển biến tích cực, mạnh mẽ, biến thách thức thành cơ hội, tạo động lực mới để ngành Giáo dục khẳng định thêm quyết tâm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới theo hướng chuẩn hóa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng ban hành quy định về việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo do Bộ GD&ĐT ban hành nhằm hỗ trợ các địa phương, cơ sở giáo dục có cơ sở để sử dụng đội ngũ phù hợp với lộ trình nâng chuẩn trình độ được đào tạo.
Thứ tư, trong năm 2020, Bộ GD&ĐT sửa đổi, hoàn thiện hệ thống thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên các cấp học từ mầm non, phổ thông cho đến cao đẳng sư phạm và đại học. Trong đó, cầu thị tiếp thu tinh thần góp ý của các đại biểu Quốc hội, cử tri, giáo viên và xã hội, Bộ GD&ĐT thống nhất với Bộ Nội vụ bỏ quy định về trình độ ngoại ngữ, tin học trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để giảm áp lực cho giáo viên và những tiêu cực nảy sinh trong thực tế ở một số nơi. Tuy nhiên, yêu cầu về ngoại ngữ, tin học với giáo viên, giảng viên được đưa vào quy định chương trình đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.
Video đang HOT
Thứ năm, từ năm 2019, Bộ GD&ĐT chủ động, tích cực trong chuẩn bị đội ngũ nhà giáo để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đến năm 2020, cùng với Chương trình ETEP, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên được giao nhiệm vụ phối hợp với các địa phương từng bước thực hiện việc bồi dưỡng đội ngũ giảng viên sư phạm chủ chốt, giáo viên, cán bộ quản lý cốt cán đồng thời hỗ trợ trực tiếp, thường xuyên, liên tục cho đại trà giáo viên về nội dung, lộ trình và các kỹ năng cần thiết phục vụ thực hiện Chương trình mới.
- Những chính sách này có tác động như thế nào với đội ngũ nhà giáo?
- Có thể nói, trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã chủ động, tích cực trong việc hoàn thiện các chính sách về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đáp ứng yêu cầu mới. Các chính sách được ban hành kịp thời để bảo đảm thực hiện chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Luật Giáo dục năm 2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 nhằm chuẩn bị tốt hơn về đội ngũ để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.
Chính vì vậy, ngay khi các chính sách nêu trên được ban hành, Bộ GD&ĐT nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và toàn thể xã hội. Có những chính sách ngay lập tức hỗ trợ cho đội ngũ về vật chất hoặc giảm các áp lực cho giáo viên. Do đó, những giáo viên là đối tượng thụ hưởng chính sách vô cùng phấn khởi, góp phần tạo động lực cho đội ngũ.
Như vậy, theo con đường gián tiếp hoặc trực tiếp, các chính sách nêu trên đều có những tác động, ảnh hưởng tích cực tới đội ngũ nhà giáo, thông qua đó giúp các cơ sở giáo dục, địa phương nâng cao chất lượng giáo dục.
Lễ tôn vinh các nhà giáo tiêu biểu năm 2020. Ảnh: Thế Đại
Hành động quyết liệt và tư duy đổi mới
- Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ngành Giáo dục trong năm 2021 thực hiện phương châm: Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển. Theo ông, đội ngũ nhà giáo có vai trò như thế nào? Thầy cô cần xác định tâm thế gì trước nhiệm vụ này?
- Thực hiện phương châm hành động mà Chính phủ đã xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, ngành Giáo dục đề ra định hướng hành động bám sát 3 trục quan trọng. Đó là tập trung thực hiện tốt, hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; chỉ đạo thực hiện tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và bảo đảm an toàn trường học. Trong đó, yếu tố cốt lõi bảo đảm sự thành công của các chiến lược hành động này chính là đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Theo đó, phương châm hành động của Chính phủ, của ngành đã cụ thể và rõ ràng nhưng không có đội ngũ tâm huyết, trách nhiệm không thể có các kết quả tốt đẹp được.
Với nhiệm vụ và trọng trách vừa nặng nề nhưng rất vẻ vang ấy, trong năm học này cũng như các năm học tới, thầy cô giáo ở tất cả các cấp học cần có tư duy đổi mới và hành động quyết liệt để vượt qua khó khăn, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Trước mắt, các thầy cô cần tiếp tục khắc phục những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, chuẩn bị đầy đủ tâm thế, năng lực để triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Bên cạnh nỗ lực tự thân, đội ngũ cần được hỗ trợ như thế nào để thực hiện tốt nhiệm vụ của mình?
- Về việc này, Bộ GD&ĐT đã chủ động nghiên cứu, tính toán đồng thời với việc triển khai xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 732/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025″; Quyết định 33/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 – 2025. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các địa phương, cơ sở đào tạo giáo viên từng bước bồi dưỡng cho đội ngũ những năng lực thiết yếu và chuẩn bị các điều kiện cơ bản để phục vụ đổi mới căn bản, toàn diện GD – ĐT.
Cho đến năm học 2019 – 2020, các chương trình, kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ phục vụ đổi mới chương trình được ban hành với các lộ trình cụ thể, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm đối tượng. Điều cần làm tiếp theo là sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương bằng các chính sách cụ thể (ngoài các chính sách của Nhà nước được quy định chung) nhằm hỗ trợ trực tiếp, gián tiếp cho đội ngũ. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần xây dựng Đề án phát triển đội ngũ nhà giáo giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện Chương trình GDPT năm 2018 là nền tảng quan trọng để triển khai các chính sách hỗ trợ đội ngũ.
- Xin cảm ơn ông!
Các thầy cô cần đổi mới cách nghĩ, cách làm và không ngừng sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của công cuộc hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0. Tư duy đổi mới sẽ giúp các thầy cô nghĩ khác, làm mới hơn với nhiệm vụ của mình đáp ứng những yêu cầu mới. Sự đổi mới ấy cần được thể hiện thông qua những hành động cụ thể và quyết liệt – là sự không ngại khó, không ngại khổ, sẵn sàng vượt qua thách thức, trở ngại, áp lực để đổi mới, sáng tạo trong thực thi nhiệm vụ, nâng tầm chất lượng công việc.
Chế độ, chính sách nhà giáo: Sao mãi trắc trở!
Sau 5 tháng tạm dừng, Quảng Ngãi có quyết định tiếp tục chi trả tiền phụ cấp thâm niên cho giáo viên.
Học sinh huyện đảo Lý Sơn. Ảnh minh họa/INT
Địa phương này cũng đã ký công văn hỏa tốc quyết định chi 3,5 tỷ đồng để sở GD&ĐT tổ chức khen thưởng cho HS đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020.
Quyền lợi chính đáng
Thầy Nguyễn Điển (GV Ngữ văn, Trường THPT Lý Sơn) vừa nhận được tiền truy lĩnh phụ cấp thâm niên đã tạm dừng từ tháng 7/2020 đến nay. 35 năm công tác, đến thời điểm này, mỗi tháng, thầy Điển nhận được khoảng 2,5 triệu đồng với khoản tiền trợ cấp thâm niên.
"Hai vợ chồng đều là giáo viên nên khi có thông báo tạm thời dừng chi trả khoản tiền này, gia đình mình phải tính toán lại chi tiêu. Với đồng lương giáo viên, những gia đình nào có con đang tuổi ăn tuổi học, nhất là học đại học khá chật vật khi không còn được chi trả phụ cấp thâm niên.
Khi được nhận truy thu trở lại, chúng tôi rất vui. Đây không chỉ là bài toán kinh tế, chi tiêu của mỗi gia đình nhà giáo mà đó là nguồn thu nhập chính đáng những gì chúng tôi xứng đáng được hưởng. Để giáo viên có thể sống được với nghề mà không buộc phải dạy thêm".
Trước đó, từ ngày 1/7/2020, Quảng Ngãi ra thông báo tạm dừng chi trả phụ cấp thâm niên cho GV với lý do căn cứ vào Điều 7 Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thi hành, quy định về tiền lương nhà giáo không còn chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo. Tuy nhiên, các cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện nội dung về phụ cấp thâm niên.
Chính vì vậy, quyết định này của Quảng Ngãi đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của GV trong tỉnh khi các địa phương khác vẫn tiếp tục chi trả phụ cấp này. Quảng Ngãi có trên 20.000 cán bộ, giáo viên trong diện được hưởng phụ cấp thâm niên.
Tổng số tiền chi trả cho khoản này khoảng 28 tỷ đồng/tháng. Theo ông Đặng Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, việc chi trả trợ cấp thâm niên sẽ được thực hiện cho đến khi có những hướng dẫn cụ thể của các bộ, ngành liên quan.
Trước thềm năm mới 2021, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ký công văn hỏa tốc quyết định chi 3,5 tỷ đồng để sở GD&ĐT tổ chức khen thưởng cho HS đạt thành tích cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2019 - 2020. Số tiền này, trước đó đã được chi để tổ chức khen thưởng cho HS nhưng do Sở Nội vụ cho rằng không đúng đối tượng nên tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thu hồi. Việc làm này gây ra nhiều dư luận trái chiều, lãnh đạo tỉnh đã tiếp nhận góp ý của báo chí và hủy bỏ quyết định thu hồi, không khen thưởng trước đó.
Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn chia sẻ: Đây là tin vui với cả GV và HS. Với HS vùng nông thôn, nỗ lực học tập trong năm cuối cấp, ngoài việc để chắc chắn một suất vào các trường ĐH tốp đầu thì mốc 27 điểm là đích phấn đấu của nhiều em để lọt vào danh sách được khen thưởng.
Khoản tiền thưởng sẽ giúp các em và gia đình giải quyết được vấn đề tài chính, ít nhất là trang trải học phí của năm học đầu tiên ở bậc đại học. GV chúng tôi cũng vui vì nhiều HS được khen thưởng chứng tỏ thành quả của đội ngũ trong quá trình dạy học.
Khi có thông tin số HS đạt 25 điểm trở lên với tổ hợp môn Ngữ văn - Lịch sử và Địa lý, 27 điểm với các tổ hợp môn còn lại sẽ không được tỉnh Quảng Ngãi khen thưởng, một số phụ huynh đã gọi điện cho thầy Sinh hỏi. "Tôi không biết phải giải thích thế nào với phụ huynh cho thấu tình đạt lý. Với HS càng khó nói, phải làm sao để các em không thấy hụt hẫng" - thầy Sinh chia sẻ.
Em Nguyễn Thị Quế - SV năm thứ nhất Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế vui mừng khi biết những HS đạt điểm cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ được khen thưởng trở lại. Quế là thủ khoa khối B của huyện Bình Sơn. "Tất nhiên, nếu không được khen thưởng, chúng em sẽ vẫn phải nỗ lực để đạt kết quả cao, nhưng nói thật chúng em thấy mình thiệt thòi hơn những anh chị khóa trước. Có chút hụt hẫng nữa".
Còn trăn trở
Từ tháng 10/2020, GV Trường THPT Lý Sơn không còn được hưởng chế độ chính sách với các xã đảo đặc biệt khó khăn. Nguyên nhân do đầu tháng 4/2020, 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Lý Sơn gồm Anh Vĩnh, An Hải và An Bình chính thức giải thể. Huyện đảo Lý Sơn không còn chính quyền cấp xã khiến một số chế độ, chính sách liên quan đến các xã của huyện này không còn hiệu lực.
Thầy Huỳnh Văn Long - Hiệu trưởng Trường THPT Lý Sơn cho biết: "Ngoài việc GV bị cắt phụ cấp, không còn được hưởng cơ chế chính sách theo Nghị định số 76/2019/NĐ-CP ngày 8/10/2019 của Chính phủ, quyền lợi của HS, SV cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chế độ ưu tiên trong thi cử, mua bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ mầm non, miễn giảm tiền học phí cho HS, SV đều không còn được ưu tiên như trước nữa".
Theo thầy Long, cấp trên yêu cầu cắt phụ cấp ưu đãi của người lao động, chúng tôi buộc phải thực hiện nhưng nói thật rất bất cập. Đã có một số GV, nhất là GV trẻ có ý định xin chuyển về đất liền. Ít nhiều họ cũng có những so sánh khi đồng nghiệp công tác ở các xã vùng biển ở đất liền vẫn được hưởng, còn Lý Sơn là huyện đảo lại không.
Thầy Nguyễn Điển tâm tư: Điều kiện tự nhiên ở Lý Sơn rất khắc nghiệt. Như một tuần trở lại đây, chúng tôi hoàn toàn bị cô lập do thời tiết xấu, tàu không thể ra vào đất liền được. Điều kiện công tác không khác gì so với trước khi không còn chính quyền cấp xã, trong khi các chế độ thu hút không còn nữa.
UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có Công văn gửi Bộ Nội vụ kiến nghị tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ phát triển huyện đảo Lý Sơn. Cụ thể, UBND Quảng Ngãi đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu Thủ tướng cho huyện đảo Lý Sơn tiếp tục được hưởng một số cơ chế, chính sách theo Quyết định số 1995/QĐ-TTg ngày 4/11/2014 của Thủ tướng và đưa vào danh sách ưu tiên hưởng chính sách như các xã đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/11/2017 của Thủ tướng như huyện đảo Cồn Cỏ, tỉnh Quảng Trị.
Ngành giáo dục tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường, tiếp tục tiếp thu các ý kiến, cầu thị để biên soạn sách giáo khoa tốt hơn... Ngày 8-12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến...